Dân Chúa Âu Châu

GNsP (08.07.2017) – “Nuôi heo” là công việc mà nhiều cán bộ quan chức đương thời đã khai báo khi giải trình nguồn gốc khối tài sản khổng lồ hiện đang sở hữu. Trong khi đó, tháng 04 vừa qua, bà con nông dân khốn đốn bởi thịt heo rớt giá có nguy cơ phá sản.

Cùng là chăn nuôi heo nhưng sao cán bộ quan chức lại có thể xây biệt thự, biệt phủ, có tiền cho con cái xài siêu xe, ăn học, định cư ở các nước tư bản giãy chết, thế sao những người nông dân lại nhìn đàn heo không thể xuất chuồng mà kêu cứu cách tuyệt vọng đến như vậy?

Vẫn biết là cuộc sống luôn hàm chứa nhiều nghịch lý. Đôi khi nghịch lý vẫn có những logic riêng của nó, thế nhưng trong câu chuyện “nuôi heo” của quan và dân trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, tôi không cách chi tìm thấy tính logic của nó. Lẽ nào những người nông dân quanh năm lam lũ, gắn bó với nghề nuôi heo lại không thể làm kinh tế tốt, trong khi nuôi heo chỉ là nghề tay trái của các quan mà thôi? Khó hiểu và bí ẩn chẳng khác gì bên trong một cái Kim Tự Tháp !

Các quan thì chẳng dại gì khai ra bằng cách nào mình có tiền trăm, bạc tỉ bởi lẽ “thường thì khi nào có đơn thư tố cáo thì cơ quan quản lý cán bộ thuộc diện kê khai mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không. Hiện nay chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu. Bởi vậy mới có chuyện nhiều người giải trình tài sản hình thành từ nuôi heo”. Chỉ có con Heo, vật chứng duy nhất có thể giải trình sự thật. Thế nhưng con Heo lại không biết nghe cũng chẳng biết nói. Heo đành “mang tiếng chịu lời” để các quan được giải cứu vậy.

Dân thì biết. Với tình trạng tham nhũng trở thành quốc nạn, người ta “ăn không chừa một thứ gì của dân” khiến Việt Nam là một trong hai quốc gia có tỉ lệ hối lộ, tham nhũng cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương như hiện nay, làm sao dân không biết? Có điều dân cũng không nói hoặc không dám nói, bởi ngay cả những người có chức năng và thẩm quyền chống tham nhũng thừa nhận cách cay đắng rằng “chống tham nhũng có khi chúng tôi chết trước”.

Dân giải cứu heo, heo giải cứu quan, như vậy theo Tam Đoạn Luận trong học thuyết logic của Aristote thì dân giải cứu quan. Mà thực ra, chính việc chấp nhận đóng những đồng tiền thuế đầy mồ hôi nước mắt cho các quan thỏa sức bòn rút, tiêu xài hoang phí mà không dám hay không thể lên tiếng phản đối, thanh trừng, là người dân đã giải cứu quan vậy.

Thế nhưng cho dù thân phận người dân đen cũng chẳng hơn gì con heo, chẳng nói được và chẳng đặng đừng cũng phải “giải cứu” quan, thì cũng xin các quan đừng cho rằng người dân ngu như heo để muốn nói gì thì nói.

Và cho dù là trễ nhưng trễ còn hơn là không bao giờ để người dân biết mình phải nghĩ gì, làm gì để không còn bị xem như là những con heo tội nghiệp.

Điền Phương Thảo