Dân Chúa Âu Châu

GMVNGNsP (05.06.2017) – Có lẽ cũng như tôi, nhiều người Công Giáo Việt Nam đều đồng tình, tự hào và đầy tâm tình tạ ơn Chúa sau khi đọc Nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam về “Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016”.

Với lời lẽ ôn hòa, nhẹ nhàng nhưng khẳng khái, khôn ngoan trong việc trình bày chính kiến, bài Nhận Định đã thẳng thắn nêu lên sự “tổng quát và mơ hồ” của nhà cầm quyền trong việc nhìn nhận về vai trò của tôn giáo khi tham gia các hoạt động “giáo dục, y tế, đào tạo, tự thiện…” của xã hội.
Đồng thời , bài Nhận Định cũng không ngần ngại cho rằng nhà cầm quyền chỉ “tạo cảm giác cởi mở hơn” khi thay đổi từ “xin phép” và “ cho phép” thành “ đăng ký, thông báo, đề nghị”. Nghĩa là bản chất của cơ chế xin-cho, tự do tôn giáo không hề là quyền của con người mà phải là ơn huệ ban phát từ nhà cầm quyền vẫn không thay đổi.
Và điều tôi tâm đắc nhất trong bản Nhận Định chính là nội dung của điều 5 : Thế nào là đồng hành cùng với dân tộc ?
Đã một thời gian “rất dài và rất lâu” người dân Việt ai cũng phải biết câu “Yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội”. Ngay cả khi hệ thống Chủ Nghĩa Xã Hội sụp đổ một cách thê thảm tại Đông Âu và nhất là tại pháo đài sinh ra nó là Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết, thì tại Việt Nam, việc chung tay xây dựng thiên đường Chủ Nghĩa Xã Hội vẫn là nhiệm vụ, là biểu hiện lòng yêu nước của người dân.
Và cũng từ nhiều năm qua, người dân Việt khi còn là một đứa bé mới biết chữ đã đọc thấy khẩu hiệu “Yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội” được treo đầy những nơi công cộng. Trong trường học, tư tưởng này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung các bài học chính trị, đạo đức. “Yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội” nghiễm nhiên trở thành một chân lý nhờ vào sự tuyên truyền, nhồi sọ của ban tuyên giáo của Đảng.
Từ sự mặc định này, những ai và những gì có thể hiện sự chống đối đường hướng, chính sách khiến đất nước không thể “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ Nghĩa Xã Hội” là thành phần “phản động”, là “thế lực thù địch” cần phải loại trừ.
Nhưng sự thật thì “yêu nước” không nhất thiết là phải “yêu Chủ Nghĩa Xã Hội”. Bởi lẽ từ ngàn năm trước, dân tộc Việt đã có truyền thống yêu nước, các bậc tiền nhân anh hùng đã hy sinh xương máu để xây dựng và bảo vệ đất nước mà không cần biết mặt mũi “Chủ Nghĩa Xã Hội” là tròn hay méo ? Điều đó có nghĩa lòng yêu nước đã là vốn quý của người dân Việt và nó hiện hữu trong tinh thần người dân Việt, bất chấp họ sống dưới chế độ, chính quyền nào.
Chính vì thế mà trong Nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam về “Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016” có đoạn viết:
“Chính quyền kêu gọi các tôn giáo đồng hành với dân tộc, chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng thiết tưởng nên phân biệt rõ dân tộc và chế độ. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và lịch sử thế giới nói chung cho thấy rằng các chế độ chính trị thay đổi theo thời gian còn dân tộc thì trường tồn. Do đó phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Chúng tôi nghĩ rằng đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, …”
Đây là một nhận định vô cùng quý giá giúp người dân, đặc biệt là người Công giáo Việt Nam củng cố lại những giá trị thật, có những nhận thức đúng đắn về vai trò và trách nhiệm mình trong hoàn cảnh đất nước hiện nay.
Đồng thời điều này cũng thể hiện lập trường của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về các tội danh “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường”, “kích động giáo dân gây chia rẽ” , “chống phá nhà nước”, “ tuyên truyền nói xấu chế độ” … mà Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam và các linh mục thuộc giáo phận Vinh đang bị vu khống… Bởi lẽ các vị mục tử này đã đồng hành với dân tộc để “chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…”. Tất cả những việc làm của họ chỉ nhằm một mục đích là đòi lại môi trường sống trong lành, tốt đẹp cho người dân biển miền Trung nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.
Martin Lutherking-nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, đã nói: “ Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt.” Đặc biệt khi những người tốt đó lại là những người có tầm ảnh hưởng với nhiều người. Vì lẽ, những người được mọi người đánh giá cao trong mọi hành vi, lời nói, có những mối quan hệ xã hội tốt, có uy tín thì chắc chắn mỗi lời nói và hành động của họ đều được ủng hộ và có sức thuyết phục rất lớn.
Do vậy, Nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam về “Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016” trong hoàn cảnh đất nước còn quá nhiều bất cập như hiện nay là điều rất quý giá. Đây là nguồn sức mạnh rất lớn, là động lực đặc biệt cần thiết đối với những người còn chưa phân định được “ dân tộc và chế độ”, yêu nước và yêu Đảng là những vấn đề không buộc phải có liên quan mật thiết với nhau, không hề là hai trong một. Và từ nhận thức đúng con người sẽ có hành động đúng.
Tạ Ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam có những vị chủ chăn khôn ngoan và thánh thiện đã thực hiện tốt vai trò ngôn sứ trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Ước mong các giáo xứ, các công đoàn hãy cùng nhau chia sẻ bản Nhận Định này vì theo tôi, đây cũng là hình thức “khai dân trí”. Người Công Giáo Việt Nam chỉ chiếm 7,18% tổng dân số, một con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, chỉ cần “5 chiếc bánh và 2 con cá” thì Chúa Giêsu đã biến hóa thành vô số thức ăn cung cấp cho hàng ngàn người. (Mt 14:13-21)
Hãy trở thành người Công Giáo Việt Nam không chỉ “hiền lành như chim Bồ Câu” nhưng còn phải biết “khôn ngoan như con Rắn” (M.10,16b) !
Điền Phương Thảo