Dân Chúa Âu Châu

#GNsP (06.04.2017) –

Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba.

Giỗ tổ Hùng Vương là sự kiện trọng đại của dân tộc. Đây là dịp ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn – một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là ngày tưởng niệm công lao các vị anh hùng đánh giặc ngoại xâm để giữ nước trong thời đại các vua Hùng.

Với những ý nghĩa trên, khi thắp nén nhang tưởng nhớ các vị Vua Hùng, từng người dân Việt hôm nay sẽ phải thưa với các bậc tiền nhân như thế nào về hiện trạng đất nước hôm nay?

17807119_1328804430529191_1782670613_nTrong chương trình giỗ tổ Hùng Vương có Lễ hội đền Hùng, trong đó Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ đã diễn ra vào sáng sớm ngày 2/4 nhằm ngày 6/3 Âm lịch. Thế nhưng, liệu Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân có còn tìm thấy vùng biển xanh bao la cùng với muôn loài sinh thái biển? Bởi lẽ bây giờ nước biển đã nhuộm đủ màu hóa chất cùng sinh vật biển cũng bị hủy diệt mà thủ phạm chính là bọn giặc Phương Bắc. Và với 13 ha rừng bị tàn phá mỗi năm để xây dựng các trạm thủy điện, các dự án mà 90% chủ đầu tư cũng là bọn giặc Trung Quốc đầy nham hiểm, thì nay Tổ Mẫu Âu Cơ hẳn cũng ngơ ngác tìm mãi cũng không thấy vùng non xanh bạt ngàn rừng núi, nơi đã ấp ủ và nuôi dưỡng bà cùng 50 người con dân Việt thuở sơ khai.

Nếu linh thiêng hiện về, hẳn là các vua Hùng cũng khó lòng nhận ra nước Việt thân yêu của mình. Bởi lẽ những dự án, những công trình nhà cửa và cả người Trung Quốc đang hiện diện dày đặc. Không chỉ trên đất liền mà biển đảo cũng nằm trong sự khống chế của giặc Phương Bắc. Như vậy, có xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc Phương Bắc để giữ nước hay không nếu chúng ta không làm tròn bổn phận giữ nước? Sẽ làm tổn thương vong linh của những các Vua Hùng có công dựng nước hay không nếu hôm nay chúng ta thờ ơ với vận mệnh của đất nước, rước voi về giày mả tổ, để Trung Quốc thao túng và tàn phá khiến biển không còn “bạc” mà rừng cũng chẳng còn “vàng”?

Nhìn lại non sông gấm vóc quả là đáng hổ thẹn với các vua Hùng. Bởi lẽ chúng đã bị tàn phá bởi lũ giặc mà ngày xưa các vua Hùng đã đánh đuổi ra khỏi cõi bờ đất Việt. Thế những di sản tinh thần của các bậc tiền nhân để lại thì như thế nào? Lòng yêu nước, lòng nhân ái, tinh thần tương trợ lẫn nhau vốn là những đạo lý truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại liệu có được phát huy? Hay tự bao giờ người dân Việt trở nên rất hung dữ, thích đánh nhau, bạo lực trở thành phương tiện để giải quyết những mâu thuẫn giữa người với người? Sẽ thưa với các bậc tiền nhân thế nào về sự vô cảm đến đáng sợ của người Việt ngày nay? Về sự gian dối vốn không phải là bản chất của một dân tộc vốn cần cù và chất phát ? Làm sao không xấu hổ với vong linh của các vua Hùng, khi mà những người muốn noi gương yêu nước của các ngài để chống bọn giặc bành trướng phương Bắc, lại trở thành những tội đồ trong xã hội ngày nay?

Cũng như mọi năm, từng dòng người vẫn cuồn cuộn đổ về khu di tích lịch sử đền Hùng để tham quan, thắp hương tưởng nhớ các vua Hùng, chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay diễn ra trong 6 ngày: từ ngày 5/3 đến ngày 10/3 âm lịch với nhiều hoạt động được tổ chức trọng thể. Thế nhưng, tất cả các điều ấy liệu có làm các bậc tiền nhân, các vua Hùng mĩm cười hạnh phúc nơi chín suối khi mà đất nước, dân tộc của các ngài để lại đã và đang trở thành một bản sao của một đất nước khác, dân tộc khác ?

Điền Phương Thảo