Dân Chúa Âu Châu

GNsP (04.04.2017) – Sau ngày valentine “đẫm máu” – 14.02.2017 – nhà cầm quyền Nghệ An huy động lực lượng công quyền dùng các dụng cụ chuyên dụng đàn áp bà con ngư dân giáo xứ Song Ngọc, Giáo phận Vinh đi nộp đơn khởi kiện thủ phạm Formosa, hủy hoại môi trường biển Việt Nam, phá hủy cơ nghiệp truyền thống ngư trường, hàng ngàn giáo dân ở các giáo xứ Phú Yên, Mành Sơn… đến giáo xứ Song Ngọc hiệp thông thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật, cầu nguyện cho quốc thái dân an.

Tuy nhiên, giới chức cầm quyền tỉnh Nghệ An lại cho rằng, bà con giáo dân các giáo xứ đến giáo xứ Song Ngọc hiệp dâng thánh lễ là “không thực hiện đúng quy định” của pháp luật.

UBND huyện Quỳnh Lưu cố tình vi phạm luật

Điều này thể hiện qua văn bản số 333/UBND-NV “V/v đề nghị dừng các hoạt động tôn giáo không đúng qui định pháp luật” do ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu ký và đóng dấu, vào ngày 17.03.2017.

Văn bản số 333/UBND-NV có nội dung: “Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có một số giáo xứ đã tổ chức cho bà con giáo dân đi làm lễ ngoài phạm vi giáo xứ, giáo họ mà không đăng ký với UBND huyện …(là) không thực hiện đúng qui định tại điều 11, của Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo; điều 31, điều 32 của Nghị định 92/2012/NĐ-CP của chính phủ…Vì vậy, UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị các Linh mục, Hội đồng mục vụ chấp hành đúng qui định của pháp luật; không tổ chức giảng đạo, truyền đạo, hành lễ ngoài giáo xứ, giáo họ phụ trách khi chưa được sự chấp thuận của UBND huyện…”

Nội dung Văn bản 333/UBND-NV như kể trên thể hiện Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cố tình sử dụng qui định pháp luật sai để ngang nhiên “cản trở quyền và nghĩa vụ công dân”; “vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân” vi phạm Điều 8 Pháp lệnh Tín ngưỡng – Tôn giáo (TNTG).

IMG_3591

UBND huyện Quỳnh Lưu không biết luật !?

Trước hết, một số định nghĩa qui định tại Điều 3 Pháp lệnh TNTG:

“…7. Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận.

  1. Tín đồ là người tin theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo thừa nhận.
  2. Nhà tu hành là tín đồ tự nguyện thực hiện thường xuyên nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật của tôn giáo mà mình tin theo.
  3. Chức sắc là tín đồ có chức vụ, phẩm sắc trong tôn giáo”.

Và các qui định khác tại Pháp lệnh TNTG:

“…tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo.” (khoản 1 Điều 9).

Điều 11: “1. Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.

  1. Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ngoài quy định tại khoản 1 Điều này phải có sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) nơi thực hiện.”

Theo các qui định này thì “nhà tu hành, chức sắc” (Giám mục, linh mục, tu sĩ…) là tín đồ. Tín đồ (giáo dân) hay tín đồ (nhà tu hành, chức sắc) đều có quyền “tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo” ở bất cứ đâu.

Chức sắc, nhà tu hành được “giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo” và “được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách”.

Còn Điều 31 và 32 Nghị định 92/2012/NĐ-CP là qui định về “các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo” và “giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo”.

Cũng nhấn mạnh, theo qui định tại khoản 4 Điều 5 Luật Đất đai thì “cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”.

Do vậy, các linh mục Quản xứ giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên, Mành Sơn… tổ chức dâng thánh lễ cho hàng ngàn giáo dân tại cơ sở Tôn giáo (nhà thờ Song Ngọc) – là phù hợp với quy định của Pháp lệnh TNTG. Chỉ khi các vị linh mục Quản xứ tổ chức thánh lễ cho bà con giáo dân tại bản doanh khu công nghiệp Formosa, công viên, bệnh viện,… tức ngoài cơ sở Tôn giáo mới phải đăng ký theo Điều 31, Điều 32 Nghị định số 92/NĐ-CP.

IMG_3489

Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu chà đạp lên luật pháp

Đối chiếu các qui định pháp luật kể trên với nội dung văn bản số 333/UBND-NV cho thấy, rõ ràng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đã ngang nhiên “cản trở hoạt động tôn giáo” của các linh mục, bà con giáo dân và đây là hành vi “vi phạm tự do tôn giáo”.

Trong luật không có qui định nào cấm “bà con giáo dân đi làm lễ ngoài phạm vi giáo xứ”; Cũng không có qui định nào buộc “giảng đạo, truyền đạo ngoài giáo xứ, giáo họ phụ trách” thì phải “được sự chấp thuận của UBND”.

Như trên đã nêu rõ, bà con giáo dân (tín đồ) hay Linh mục (chức sắc, nhà tu hành) cũng đều là tín đồ được “tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo” ở bất cứ đâu và không buộc phải “được ai cho phép, chấp thuận”!

Việc buộc bà con giáo dân “đi làm lễ” ngoài phạm vi giáo xứ, giáo họ “phải đăng ký” như Văn bản số 333/UBND-NV là trái pháp luật, “cản trở quyền công dân”.

Linh mục, Hội đồng mục vụ (Chức sắc, nhà tu hành) có quyền “thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo” (Điều 11 Pháp lệnh TNTG), tức tại “nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”. Chỉ khi tổ chức “các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo” và “giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo” tức ngoài “nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo” mới phải đăng ký (Điều 31, Điều 32 Nghị định số 92/NĐ-CP).

Việc UBND huyện Quỳnh Lưu tùy tiện đề nghị “Linh mục, Hội đồng mục vụ… không tổ chức giảng đạo, truyền đạo, hành lễ ngoài giáo xứ, giáo họ phụ trách khi chưa được sự chấp thuận của UNND huyện” là “lời đề nghị khiếm nhã” và trái pháp luật.

Ngoài ra, nội dung văn bản số 333/UBND-NV không phân biệt được “giáo xứ, giáo họ” là “tổ chức tôn giáo cơ sở” được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh TNTG, với “cơ sở tôn giáo” là “nhà thờ, nhà nguyện…”.

Một văn bản “trái pháp luật” cố tình vi phạm luật đều không có giá trị pháp lý và “các Linh mục, Hội đồng mục vụ, bà con giáo dân…” huyện Quỳnh Lưu có quyền tố cáo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu can tội “xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân” qui định tại Điều 129 BLHS.

Huyền Trang, GNsP