Dân Chúa Âu Châu

GNsP (09.02.2017) – Sạt nghiệp, tan cửa nát nhà, gia đình ly tán… là nỗi lo chung của những gia đình có thành viên đam mê kiếp đỏ đen vì casino. Nợ nần, bắt cóc, thế thân, giết người, … là những tệ nạn nảy sinh trong thế giới cờ bạc, đã gây ra nhiều bất ổn trong xã hội. Thế nhưng, trước thềm năm mới này, vào ngày 16.01.2017, chính phủ đã ban hành nghị định số 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino.

Casino – Tan cửa nát nhà

Vào Google, chỉ cần kiếm từ khóa “casino tan cửa nát nhà” sẽ có liền 174.000 kết quả trong 0,41 giây, cung cấp ngay nhiều hoàn cảnh những nạn nhân “sạt nghiệp, nát nhà” vì casino tại các sòng bài giáp biên giới Campuchia.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công An được trích từ báo vnexpress cho biết, chỉ nguyên trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 26.01 – 01.02.2017) đã có 1.300 người bị bắt vì đánh bạc trong 250 vụ án, số vụ đánh bạc tăng mạnh so với năm ngoái. Và chắc chắn cũng có nhiều hơn số đó rơi vào hoàn cảnh tan nhà nát cửa vì cờ bạc, may rủi.

Nhà cầm quyền “thí điểm” tan cửa nát nhà !?

Theo nghị định số 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino sẽ có hiệu lực từ ngày 15.03.2017, sẽ “thí điểm cho phép người Việt Nam chơi tại điểm kinh doanh casino” (Điều 12). Thời gian thực hiện “thí điểm” kéo dài 3 năm. Cũng trong nghị định này định nghĩa về “kinh doanh casino” là “hoạt động kinh doanh có điều kiện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh các trò chơi có thưởng…” – là “các trò chơi may rủi hoặc trò chơi kết hợp giữa may rủi và kỹ năng …”

Sự “may rủi” trong đánh bạc, casino đã đẩy nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh bần cùng, gia đình tan nát, sống lang thang vì nợ nần, xiết nợ… Tuy nhiên, tại sao nhà cầm quyền cộng sản lại “cho phép” người Việt Nam được “thí điểm” tan cửa nát nhà?

Nguồn thuế khổng lồ thu được từ casino

Câu trả lời có ngay trong Điều 12 của nghị định này qui định về “điều kiện” được chơi casino là “phải mua vé tham gia chơi tại Điểm kinh doanh casino. Mức vé là 01 triệu đồng/24 giờ liên tục/người hoặc 25 triệu đồng/tháng/người” (Điểm c Khoản 3 Điều 12). Nhưng “tiền mua vé” vào cổng thu được này không thuộc về “chủ đầu tư” – doanh nghiệp kinh doanh casino- mà “toàn bộ số thu từ tiền vé tham gia chơi tại Điểm kinh doanh … được để lại cho địa phương nơi doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh casino để chi cho các mục tiêu phúc lợi xã hội, phục vụ cộng đồng, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội…” (Khoản 5 Điều 12). Như thế, ngoài tiền thu thuế của “điểm kinh doanh casino”; thu thuế thu nhập từ trúng thưởng; nay nhà cầm quyền có thêm khoản “tiền mua vé” vào casino của những người tham gia!

Điều trớ trêu là theo qui định tại điểm b khoản 3 Điều 12, điều kiện để người chơi được vào đánh “may rủi” trong casino là “phải chứng minh được có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên…”. Như vậy, giả thiết người chơi đủ điều kiện có đủ thu nhập 10 triệu đồng/tháng, muốn tham gia casino thì họ phải nhịn ăn, nhịn mặc và bán thêm tài sản của gia đình thì mới có thêm 15 triệu nữa đủ để 25 triệu “mua vé” vào chơi “may rủi”, và tiền mua vé này được nộp cho địa phương. Và nếu “rủi” sau khi chơi, thì người chơi sẽ “tan cửa nát nhà” là chắc chắn!

Một điểm hài hước trong nghị định này là những “người có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia…” là “đối tượng người Việt Nam bị cấm không được vào chơi tại Điểm kinh doanh casino” được quy định tại khoản 4 Điều 12.

Một nguồn tiền thuế khổng lồ sẽ thu được từ việc kinh doanh casino. Liệu tiền thuế này có được sử dụng để xây dựng các “mục tiêu phúc lợi xã hội” như nhà cầm quyền đã đề ra? Hay sẽ đi về đâu khi ngân sách quốc gia kiệt quệ, nợ công tăng cao? Để làm tăng ngân sách nhà nước, nhà cầm quyền cố tạo ra các nguồn thu bổ sung mới bằng cách tăng thuế – mặc cho nguồn thu này tác động xấu đến xã hội, nếu không ngân sách quốc gia sẽ trống rỗng, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ cộng sản. Giới chức cầm quyền cộng sản duy trì ghế cai trị độc tài bằng mọi thủ đoạn!

Huyền Trang, GNsP