Dân Chúa Âu Châu

GNsP (18.12.2016) – Các nhà máy thủy điện mọc lên như nấm và và việc xả lũ “đúng quy trình” của đám “thủy quái” này khiến những cơn lũ lụt mà người dân gánh chịu càng lúc càng nặng hơn. Những tưởng với cái giá quá đắt này thì giá điện trong nước phải rẻ để người dân được hưởng nhờ. Thế nhưng, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho rằng: “Giá điện thấp là rào cản cho việc tiết kiệm điện”. Nghĩa là phải tăng giá điện.

Trong kinh doanh, nhà sản xuất, người làm kinh tế luôn phải đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết. Và một trong những điều làm cho người tiêu dùng cảm thấy hài lòng đó là giá thành sản phẩm thấp. Vì thế, giảm giá luôn là phương pháp cạnh tranh hiệu quả, càng mua nhiều càng được giảm giá.

Tại Việt Nam, ngành điện độc quyền, do vậy người tiêu dùng phải chấp nhận giá điện được quy định, không có sự chọn lựa. Rõ ràng, mọi nhu cầu sinh hoạt của người dân đặc biệt là trong sản xuất, chế biến đều cần dùng điện. Vậy khi giá điện cao sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng theo. Thu nhập thì không thay đổi nhưng vật giá tăng thì dĩ nhiên đời sống người dân càng khó khăn hơn.

Cũng theo ông Quân, hiện nay giá năng lượng của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới. Vì thế, ông Quân kiến nghị cần điều chỉnh giá điện hợp lý trong thời gian tới, đặc biệt giảm dần việc trợ giá, bù giá chéo trong biểu giá bán lẻ điện.

Nếu như ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “nằm mơ giữa ban ngày” khi chỉ đạo “mỗi người dân phải có một bác sĩ riêng”, thì ông Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng Đỗ Đức Quân lại chẳng khác gì người “ngoài hành tinh” khi cho rằng “vì giá năng lượng của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới nên cần phải tăng giá điện”.

Rõ ràng, giá cả tiêu dùng của người dân phải dựa trên thu nhập bình quân của mỗi người trên đất nước đó và cụ thể hơn GDP/người. Trong khi GDP/người của Việt Nam còn ở rất rất xa so với mức trung bình của thế giới. Cụ thể là với tốc độ hiện tại, 15 năm nữa thu nhập người Việt mới đuổi kịp thu nhập người Indonesia. Như vậy có vô lý hay không khi Việt Nam cứ phải tăng giá điện cho “bằng chị, bằng em” bất chấp thu nhập thấp lè tè của người dân? Chẳng lẽ cứ “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” ?

Và cho dù món hàng có rẻ đi nữa thì người tiêu dùng vẫn phải mua, vẫn phải móc túi trả tiền. Do vậy, cùng với thu nhập thấp thì không lý do gì người dân lại không biết tiết kiệm điện.

Đằng khác, nơi cần phải quản lý việc tiết kiệm điện chính là những nơi xài điện chùa, cụ thể là các cơ quan, đơn vị đã sử dụng ngân sách Nhà nước để thanh toán tiền điện. Nếu điện thất thoát là do sự quản lý yếu kém cũng của chính các cơ quan có chức năng mà thôi.

Ngân sách Nhà nước những năm gần đây có mức thâm hụt ngày càng tăng…Nợ công nguy cơ vượt trần …và một trong những cách thu tiền của người dân để chữa cháy cho tình trạng ngân sách đang đứng bên bờ vực thẳm đó là tăng giá các nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Như vậy, dù lý do của ông Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng đưa ra có vô lý và vô căn cứ đến như thế nào thì giá tiền điện cũng sẽ tăng. Tăng “đúng quy trình”, không thể khác !

Tiền điện sẽ tăng, tăng cho bất cứ ai đang sinh sống trên mảnh đất hình cong như chữ S này, cho dù người ấy có hay không quan tâm đến “chính trị”. Bởi lẽ, chính trị đơn giản là chính những gì xảy đến trong đời sống của mỗi một người trong chúng ta.

Điền Phương Thảo

Bài sử dụng nguồn từ :
http://www.baomoi.com/gia-dien-thap-rao-can-…/c/21099626.epi
http://cafebiz.vn/…/thu-nhap-nguoi-viet-dang-o-dau-so-voi-t…