Dân Chúa Âu Châu

Tổng thống Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong, em ruột của Kim Jong-un tham dự buổi hòa nhạc ở  Séou, 11-2-2018.

Ngày 25 tháng 2 – 2018 Thế vận hội Mùa đông ở Pyeongchang sẽ kết thúc, đây cũng là dịp để khám phá một khuôn mặt ít được biết đến: Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn.

Thế vận hội Mùa đông được mệnh danh là “Thế vận hòa bình” và Thế vận này xứng đáng có danh hiệu này. Vì từ ngày khai mạc, thứ sáu 9 tháng 2, người ta đã thấy có nhiều dấu hiệu tốt trong quan hệ giữa hai bên Bắc-Nam Hàn. Chắc chắn dấu hiệu nổi bật nhất là sự hiện diện của bà Kim Yo-jong, em ruột của Kim Jong-un trong ngày khai mạc Thế vận. Ngày hôm sau, trong một bữa ăn, người phụ nữ trẻ này đã chính thức mời Tổng thống Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng trước khi đi cùng với ông đến đội hockey nữ của cả hai bên để khuyến khích họ. Ngày chúa nhật, cả hai tham dự buổi hòa nhạc ở  Séoul do một ban nhạc của Bắc Hàn và các ca sĩ “K-pop” của Nam Hàn trình diễn. Để đón bà Kim Yo-jong và phái đoàn của bà, chính quyền Nam Hàn không ngần ngại tốn 180 000 âu kim cho chi phí này.

Nhưng từ đó để kết luận rằng vùng vĩ tuyến thứ 38 sẽ không còn là vùng phi quân sự và sắp tới sẽ thống nhất hai miền thì còn quá sớm. Ngày 17 tháng 2, Tổng thống của “Căn nhà Xanh” – dinh Tổng thống Nam Hàn – cho rằng quá sớm để nhận lời mời của Kim Jong-un. Trong một lần đến thăm một trung tâm báo chí, ông cho biết: “Có rất nhiều triển vọng cho một cuộc họp thượng đỉnh Bắc-Nam, nhưng tôi nghĩ cũng còn quá sớm”. Ngoài sự cẩn thận của ông, còn có thêm yếu tố, các nhà bảo thủ Nam Hàn thù nghịch với lối ngoại giao uốn cong này, đó là chưa kể sự ngờ vực của Nhật và nhất là của Mỹ. Còn về Bắc Hàn thì có vẻ như họ chưa từ bỏ chương trình vũ khí hạch nhân quân sự của họ: ngày 3 tháng 9 – 2017, họ đã thử một loại vũ khí nguyên tử ở Punggye-ri mạnh hơn quả bom thả ở Hiroshima mười sáu lần.

Ủng hộ cho việc xuống thang chiến tranh

Dù gần đây có sự gia tăng các lời thóa mạ giữa Kim Jong-un và Donald Trump, nhưng các dấu hiệu trong kỳ Thế vận này đáng khích lệ. Ngày 16 tháng 2, trong lời chúc đầu năm âm lịch ở điện Êlysê, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh: “Tôi tin các cuộc thi thế vận là dịp để chứng tỏ (…) khả năng xây dựng, để có thể thương thuyết cho một sự xuống thang các tranh chấp trên mọi phương diện”. Không phải chỉ Pyongyang hành động vì tiện ích, nhưng quá trình của ông Moon Jae-in cho thấy ông thiện tâm xây dựng hòa bình. Chắc chắn không phải tình cờ mà Tổng thống Pháp khen ngợi “lòng can đảm” của người đồng chức của mình ở Nam Hàn trong lần tiếp tân các đại diện của cộng đoàn Á châu vừa qua.

Moon Jae-in là con của một gia đình tị nạn Bắc Hàn đã đến được đảo Geoje, vùng đảo phía Nam sau một trận tấn công dữ dội của cộng sản vào cuối năm 1950. Ông ra đời tại đây năm 1953 trong một trung tâm tiếp cư người tị nạn. Năm 1972, ông học luật và đã phải ngưng một thời gian dài để nhập ngủ. Sau khi mở văn phòng luật năm 1982, ông nhanh chóng đi vào việc bảo vệ quyền, bảo vệ con người và bảo vệ luật dân sự đã không được tôn trọng dưới chế độ độc tài của đại tướng Park Chung-hee, người bị ám sát năm 1979. Công cuộc đấu tranh này đã làm cho ông bị tù hai lần. Chỉ đến năm 2003 ông mới vào chính trường lãnh đạo các công việc dân sự ở văn phòng của Tổng thống Roh Moo-hyun. Nhưng Tổng thống Roh Moo-hyun, người nhiệt tình đấu tranh để xích lại gần với Bắc Hàn đã tự tử vào năm 2009. Ba năm sau, năm 2012, ông Moon Jae-in được bầu vào Quốc hội. Ông được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống nhưng ông thất bại năm 2012 và đã thành công năm 2017.

Đức Phanxicô: một tấm gương?

Ông lên tiếng chống đối các hành vi tham nhũng nhiễm vào các quan hệ giữa các tập đoàn lợi ích và quyền lực. Ông Moon Jae-in xuất thân từ một gia đình rất khiêm tốn: thân phụ của ông là công nhân trong một trại tù chiến tranh, mẹ ông buôn trứng.  Tuy theo Đảng Dân chủ, nhưng đúng hơn ông ở phía “tả” của bàn cờ chính trị, ông lại không ngần ngại có các quan điểm bảo thủ nên khó để xếp loại ông. Vì thế ông tuyên bố chống hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, và hội nhập người đồng tính vào quân đội nên đã làm cho giới đồng tính-chuyển giới (LGBT) giận dữ.

Là cha của hai người con, Tổng thống Nam Hàn là tín hữu công giáo sốt sắng: sau khi nhậm chức, ông xin cha xứ họ đạo Chúa Ba Ngôi của Seoul đến ban phép lành cho “Căn nhà Xanh”. Theo tạp chí rất nghiêm túc Foreign Affairs, chính đức tin của ông đã quyết định cho các định hướng lớn trong đường lối chính trị của ông, một đường lối được xem rất gần với xác tín của Đức Phanxicô, người chủ trương một nền ngoại giao của đối thoại, người gìn giữ các giá trị của gia đình. Một sự kết hợp có thể gây bất ổn cho những người ủng hộ sự phân chia cổ điển nhưng lại cho thấy có rất nhiều triển vọng. Trong lần viếng thăm Nam Hàn năm 1989, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã khẳng định: “Tương lai của Hàn quốc tùy thuộc nhiều vào sự hiện diện của các ông các bà minh triết, đức hạnh và có chiều sâu thiêng liêng trong dân chúng”.

Gần ba mươi năm sau, ông Moon Jae-in có lẽ là một trong những người này và bây giờ người này đang lãnh đạo đất nước. Và đó là một tin rất tốt.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn