Dân Chúa Âu Châu

fr.aleteia.org, Louise Alméras, 2017-09-26

Khi khám phá các mảnh đời cơ cực ở Nam Vang, nơi các em bé bị khai thác, bị cưỡng bức làm việc, hai ông bà de Pallières đã cứu được hàng ngàn cuộc đời nhờ tổ chức “Mang nụ cười đến cho trẻ em” của họ. Họ đã ở đây hai mươi năm.

Năm ngoái đạo diễn Xavier de Lauzanne đã phát hành ở Pháp cuốn phim “Các mảnh vàng” (Les Pépites) kể câu chuyện của ông bà Christian và Marie-France des Pallières, một cặp vợ chồng can đảm đến Cao Miên năm 1995 để giúp cho các em bé ở đây. Ngày 24 tháng 9-2016, ông Christian des Pallières qua đời, bà Marie-France tiếp tục công việc không ngơi nghỉ của mình để giúp các em bé ở Cao Miên qua tổ chức “Mang nụ cười đến cho trẻ em”. 

Ưu tiên: Tim việc làm cho các em

Bà Marie-France xúc động kể cho một cặp vợ chồng người Pháp đến Cao Miên thăm trong kỳ nghỉ hè: “Cuộc đời của tôi là ở đây. Đưa các em thoát cảnh khốn cùng, bạo lực, tìm cho các em một công việc xứng đáng, đó là mục đích duy nhất của chúng tôi. Tôi thương nhớ Christian nhưng tôi hạnh phúc được nhìn thấy các em lớn lên”.

Trong năm học, có khoảng 6 500 trẻ em tham dự vào các sinh hoạt của Hội. Tất cả đều ở trong các gia đình cực kỳ nghèo, được cơ quan xã hội địa phương chứng nhận. Bốn tiêu chuẩn để các em được giúp đỡ: cực kỳ nghèo, làm một nghề nguy hiểm, hứng chịu bạo lực gia đình và bị khuyết tật. Khi đó Hội sẽ bảo vệ, nuôi nấng, giáo dục và săn sóc các em này.

Nguyên tắc của Hội là cung cấp cho gia đình gạo, đổi lại em bé được đi học. Đó là cách để bù vào “lương làm việc” nếu các em không đi học, vì các em phải làm việc để có cơm ăn. Vì thế phần lớn tiền của Hội là để mua gạo. Bà Marie-France des Pallières giải thích: “Mùa hè thì tiêu chuẩn được trợ giúp uyển chuyển hơn. Chúng tôi đón tất cả các em muốn được giúp. Chúng tôi không loại một em nào. Điều cần thiết là các em được chơi, được ăn no và được an toàn”. Các thiện nguyện viên phần lớn là người Tây Ban Nha giúp săn sóc các em.

Nhưng bây giờ hoạt động của Hội “Mang nụ cười đến cho trẻ em” còn đi xa hơn. Bà Marie-France des Pallières cho biết: “Khi các em học xong ở các lớp của chúng tôi, các em về nhà không có việc làm, chúng tôi hiểu là phải hướng nghiệp cho các em, Chúng tôi đưa ra chương trình huấn nghiệp, các em được học các nghề liên quan đến ngành du lịch, tiệm ăn, khách sạn, sắc đẹp, may vá, thợ cơ khí, quản trị… Hiện nay chúng tôi có 28 lớp dạy nghề. Một khi được nhận vào Hội “Mang nụ cười đến cho trẻ em”, các em sẽ được chăm lo cho đến khi các em có công ăn việc làm.”

Và đó không phải chỉ là lời của một phụ nữ khiêm tốn, kiên trì lo cho tương lai của những em bị bỏ rơi. Một ngày nọ, ông Christian des Pallières, chồng của bà ra đường tìm một trong các em bé ngoài đường, em Phirom, em buông tay khi đã đậu tú tài và chuẩn bị vào lớp dự bị nhưng em phải về nhà vì không có phương tiện học tiếp. Nhưng “Papy”, tên các em gọi ông, đem em về trung tâm, giúp em học ngành phim ảnh và bây giờ em thích thú trong ngành này.

Các câu chuyện như thế này cho thấy cấu trúc của Hội và quan hệ giữa các em với các nhà sáng lập, luôn trong tinh thần tôn trọng cuộc đời và văn hóa của các em. Ông bà Les Pallières làm hết lòng và đã gặt hái kết quả phong phú. Họ bỏ nhiều thì giờ lên đường trên chiếc caravan khắp nước Pháp để tìm ân nhân cho công việc của mình.

Hai trung tâm mới mở ở Cao Miên

Hiện nay bà Marie-France đang đi trên các nẻo đường nước Pháp, tìm gặp các ân nhân mới. Vào cuối tháng 8, bà quyết tâm đi tới và tìm nguồn tài trợ  để giúp cho hàng ngàn trẻ em cậy nhờ vào trung tâm, ít nhất phải có 6 triệu euro mỗi năm. Bà cho biết: “Tôi đi một mình khắp nước Pháp… Tôi đi trong hai tuần, nhưng tôi sẽ không đi bằng xe caravan… tôi không còn sức, quá nhọc nhằn cho tôi bây giờ.” Nước mắt lưng tròng khi bà nhắc đến người chồng quá cố đã cùng bà dong ruỗi trên chiếc xe caravan khắp nước Pháp. “Bây giờ tôi đi xe và các em đi theo tôi. Chúng tôi phải tiếp tục. Chúng tôi phải đi tìm ân nhân bảo trợ. Chúng tôi quyết định ngay từ đầu không chờ ở trợ cấp của chính quyền. Chúng tôi không muốn các sinh hoạt, các chương trình của mình bị chấm dứt. Ngân sách chúng tôi tùy thuộc vào các đóng góp tư nhân. Hiện nay chúng tôi có 400 nhân viên và chúng tôi dự định mở thêm hai trung tâm khác.”

Ước mong sâu xa của Hội là cứu các em bé khỏi cảnh khốn cùng, mang hy vọng đến cho các em, tin tưởng vào giấc mơ của các em, rằng mọi sự đều có thể được. Khác với hình ảnh các tổ chức nhân đạo cổ điển, Hội phát xuất từ các nhu cầu và văn hóa của các em: chính các em làm cho tổ chức “Mang nụ cười đến cho trẻ em” có hình ảnh của các em. Vì thế các nụ cười rạng lên trong lớp học, trên sân chơi. Để thực hiện công trình này, ông bà Pallières đã cống hiến hết đời mình cho Hội.

Tro của Papy được đặt ở đây như ông mong muốn, để tôn trọng văn hóa của người Cao Miên, trong lòng “cổ máy nghiền nát cảnh khốn cùng” này, như ông vẫn thường hay gọi Hội là như vậy.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn