Dân Chúa Âu Châu

“Hãy trở về nhà trước khi những người khác chiếm lấy đất đai, nhà cửa của anh chị em,” nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Chanđê đã nói như trên trong lời kêu gọi các Kitô hữu tị nạn Iraq, sau khi Mosul được hoàn toàn giải phóng.

Diễn biến này đã xảy ra sau khi có những báo cáo từ thành phố Erbil cho thấy không có bao nhiêu những gia đình Iraq đang tị nạn tại thành phố này có ý hướng muốn quay về Mosul, ít nhất là trong tương lai gần. Thật vậy, Faraj Benoît Camurat, chủ tịch Fraternité en Iraq, nói với tờ La Croix rằng “chúng tôi thật sự chưa biết liệu có những gia đình Kitô hữu nào dám tái định cư tại Mosul hay không.”

Đức Hồng Y Louis Raphel Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê nhận xét rằng: “Đây là lúc để lấy lại đất đai của bố mẹ chúng ta và tổ tiên của chúng ta, bản sắc, lịch sử và di sản của chúng ta. Tôi xin anh chị em đừng lãng phí thời gian chờ đợi, hãy nhanh chóng lấy lại quyền sở hữu đất đai của chúng ta trước khi những người khác chiếm mất.”

Trong khi thừa nhận rằng “con đường tiến đến việc tiêu diệt hoàn toàn quân khủng bố Hồi Giáo IS trong khu vực vẫn còn rất xa và đầy khó khăn;”, Đức Hồng Y nói “chúng ta vẫn có thể xây dựng lại những gì đã bị phá hủy để hướng đến một tương lai hòa bình, an ninh và ổn định.”

Trong tổng số 38,100,000 dân Iraq; người Hồi Giáo chiếm đến 99% dân số; trong đó 59% theo Hồi Giáo Shiite; 40% theo Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, tại Mosul người Hồi Giáo Sunni chiếm đa số. Sau khi tổng thống Saddam Hussein, một người Hồi Giáo Sunni, bị Hoa Kỳ lật đổ vào tháng Tư năm 2003, người Hồi Giáo Sunni tại Mosul thường không coi chính quyền Baghdad, với đa số các thành viên theo Hồi Giáo Shiite là những người đại diện cho mình.

Theo ước lượng của lực lượng cảnh sát liên bang Iraq, là một trong các lực lượng tinh nhuệ tham chiến tại Mosul và đang điều hành việc vãn hồi an ninh tại thành phố này, ít nhất 15% dân số Mosul đã theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Một số lớn vẫn chưa bị bắt. Do đó, các tín hữu Kitô vẫn lo ngại chưa dám quay về cố hương.

Ông Faraj Benoît Camurat nhận xét rằng sự thù hận giữa người Hồi Giáo Shiite và người Hồi Giáo Sunni là không dễ dàng vượt qua tại Iraq. Trong bối cảnh đó quay về cố hương trong lúc này là quá nguy hiểm.

Sự khác biệt giữa Hồi Giáo Shiite và Sunni

Tất cả người Hồi giáo tin rằng không có Chúa nào khác ngoài Allah, và rằng Mohammed là vị tiên tri cuối cùng của Ngài. Họ tin rằng kinh Koran là Lời Chúa mạc khải cho Mohammed. Bên cạnh niềm tin chung đó, họ cũng rất tương đồng trong cách thức thờ phượng. Tuy nhiên, người Hồi Giáo Sunni (chiếm khoảng 80 phần trăm người Hồi giáo) và người Shiite (từ 15-20 phần trăm) thường tiến hành những cuộc chiến tranh tôn giáo kinh hoàng chống lại nhau. Trận đánh gần đây nhất đang diễn ra tại Iraq.

Sự khác biệt quan trọng giữa hai hệ phái Hồi Giáo này là một điều thuộc về tín lý: Người Shiite tin rằng sau khi Mohammed qua đời vào năm 632, quyền lãnh đạo tôn giáo do ông thành lập phải được truyền cho con cháu của ông bắt đầu với Ali, là con rể của ông ta. Họ cũng tin rằng hàng lãnh đạo tôn giáo, tức là các imams, phải được thần thánh lựa chọn. Trong khi đó, người Hồi Giáo Sunni tin rằng quyền lãnh đạo tôn giáo phải được trao cho những đồng chí thân cận nhất của tiên tri Mohammed. Khi thế hệ các đồng chí này qua đi, thì người ta bình bầu lên các vị Caliph, là những người được cho là ưu tú, và có đạo đức nổi bật, được người ta tôn lên làm các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị, trực hệ hay không với tiên tri Mohammed không phải là vấn đề.

Sự khác biệt về tín lý này gây ra những hậu quả bi thảm. Mỗi nhánh Hồi Giáo nhìn nhánh khác như là những kẻ đi theo các nhà lãnh đạo giả mạo, và do đó, họ là những người bội giáo - những kẻ phản bội Hồi giáo. Những người cực đoan ở cả hai phía tin rằng những người Hồi Giáo phía bên kia phải bị tận diệt để “thanh tẩy đức tin”. Vì người Hồi Giáo Sunni chiếm đa số, nên số người Sunni cực đoan đông hơn và họ đã không ngừng phát động những chiến dịch tàn sát như thế để chống lại những người Hồi Giáo Shiite.

Những hậu quả bi thảm.

Ngay những từ đầu sau khi Mohammed qua đời, những imams Shiite đều bị hàng lãnh đạo Sunni tìm mọi cách tiêu diệt, và tất cả 11 nhà lãnh đạo đầu tiên của Hồi Giáo Shiite đều đã chết một cách thê thảm, thường là do bị ám sát. Ngày nay, hầu hết những người Hồi Giáo Shiite tin rằng vào năm 874, Imam thứ 12 của họ, tên Mahdi, lúc đó mới 5 tuổi, đã bỏ trốn, và đến nay vẫn còn sống nhưng đã lánh vào vòng vô hình. Imam vô hình này sẽ trở lại một ngày nào đó để làm sạch thế giới Hồi Giáo. Qua nhiều thế kỷ bị khủng bố, lịch sử của những người Hồi Giáo Shiite đã xoay quanh những bi kịch xảy ra cho họ và các nhà lãnh đạo của họ. Những người Hồi Giáo Sunni thường ít có lòng thương xót đối với người Hồi Giáo Shiite; họ xem việc người Hồi Giáo Shiite viếng thăm các đền thờ và tôn kính các vị thánh như là hành động phạm thánh nghiêm trọng đến mức có thể biện minh cho các đau khổ mà những người này phải gánh chịu.



Tại sao Iraq là quan trọng đối với người Hồi Giáo?

Tại các quốc gia khác trong vùng Trung Đông, hoặc là người Hồi Giáo Sunni chiếm đa số tuyệt đối (đến 90% như tại Ai Cập, Jordan, và Arab Saudi), hoặc là người Hồi Giáo Shiite chiếm tuyệt đại đa số (như Iran và Bahrain). Tại Iraq tỷ lệ này khá ngang ngửa, thường là Shiite 60%, Sunni 40%. Tỷ lệ khít khao này là một mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cực đoan.

Trong lịch sử, chính tại Iraq, người Hồi Giáo Shiite đã bị đại bại trong những trận đánh lớn diễn ra trong các thế kỷ thứ 7, thứ 8 và thứ 9, và do đó, mà cũng chính tại Iraq, người Hồi Giáo Shiite có các đền thờ lớn nhất – để vinh danh các nhà lãnh đạo bị thảm sát của họ. Vì lý do đó, Iraq là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của những người theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo Sunni.

Ali, con rể của tiên tri và cũng là Imam đầu tiên của người Hồi Giáo Shiite, đã bị tấn công và giết chết trong lúc đang cầu nguyện; và sau đó được chôn cất ở Najaf. Con trai của ông Hussein, vị Imam thứ ba, cũng đã bị giết trong trận Karbala và được chôn cất ở đó.

Cho đến ngày nay, nhiều người Shiite vẫn mang theo bên cạnh họ một viên gạch nhỏ làm bằng đất sét lấy từ đất ở Karbala, nơi máu của Hussein rơi ra. Họ đặt viên gạch xuống đất bất cứ nơi nào họ cầu nguyện và nhấn trán của mình lên đó.

Samarra là địa điểm của một đền thờ lớn khác của người Hồi Giáo Shiite, đó là đền thờ al-Askari, nơi có hai imam của Hồi Giáo Shiite được chôn cất. Trớ trêu thay, dân chúng xung quanh đền thờ al-Askari ngày nay lại chủ yếu là người Sunni, cho nên Samarra đã trở thành một bãi chiến trường tranh chấp kinh hoàng trong cuộc xung đột hiện nay.

Hàng lãnh đạo Iraq.

Trong khi người Hồi Giáo Shiite luôn chiếm đa số tại quốc gia này, các nhà cai trị đất nước lại hầu hết đều là người Sunni. Đế quốc Hồi Giáo Abbasid của người Hồi Giáo Sunni kéo dài 500 năm, được coi là thời kỳ vàng son của Hồi giáo, đã đặt thủ đô ở Baghdad, với sự bảo trợ của Đế chế Ottoman, có trụ sở tại Istanbul. Ngay cả người Anh, khi cai trị Iraq trong chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng đã dựng nên một vị vua Sunni và bộ máy chính quyền chủ yếu là người Sunni.

Và Saddam Hussein, mặc dù là một nhà độc tài hoàn toàn thế tục, đã được sinh ra trong một gia đình Hồi Giáo Sunni, và đã đối xử rất tàn bạo với người Shiite.

Chỉ sau khi ông này bị hạ bệ, với cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên người Shiite mới được lên nắm quyền ở đất nước này. Thủ tướng Nouri al-Maliki lãnh đạo một đảng Hồi Giáo Shiite và đã thành lập một liên minh với các đảng Hồi Giáo Shiite khác. Ông thẳng thừng bác bỏ bất cứ sự chia sẻ quyền lực nào với người Hồi Giáo Sunni. Vì thế, ông Nouri al-Maliki thường bị đổ lỗi đã gây ra tình trạng bi thảm hiện nay.

Syria thì sao?

Dòng họ Assads là những người đã cai trị Syria trong hơn 40 năm, là người Hồi Giáo Alawites, một chi nhánh thậm chí còn bị người Hồi Giáo Sunni cho là “tà ma ngoại đạo” hơn cả Hồi giáo Shiite. Họ là những người đã tách khỏi Hồi Giáo Shiite. Những người Hồi giáo Alawites này thực hành thần bí, vì thế họ bị người Hồi Giáo Sunni coi là bội giáo còn trầm trọng hơn dòng chính Shiite.

Chế độ của ông Bashar al-Assad đã bị những người Hồi Giáo Sunni chiếm đa số tại Syria thách thức, với sự hỗ trợ của các chiến binh Hồi Giáo Sunni nước ngoài, và các nước Hồi Giáo Sunni trong vùng như Arab Saudi. Ngược lại, chế độ của ông Assad đã được sự hỗ trợ của người Hồi Giáo Shiite tại Iran và bởi phong trào Hezbollah.