Dân Chúa Âu Châu

Không ai có thể phủ nhận nước Pháp có một nền Cộng hòa gương mẫu về những đặc tính độc lập, tự do và dân chủ. Tại đây, nguyên tắc tam quyền phân lập được áp dụng xứng đáng để cho các quốc gia độc tài, như Việt Nam cộng sản, cần theo học. Nhưng, thật rất tiếc, trong cuộc Tuyển cử Tổng thống lần thứ 11 năm 2017, đã và đang diễn ra một cách không bình thường, khiến người dân chán nãn, không muốn sử dụng lá phiếu dân chủ của mình để chọn người xứng đáng để phục hồi Ðất Nước từ giáo dục, xã hội đến an ninh, kinh tế hầu giảm bớt số người thất nghiệp… đem lại hạnh phúc cho mọi người dân.

I.- CÁC NGUYÊN NHÂN.

A./ Nguyên nhân xa.

Năm 2008, biến cố ‘Subprimes’ (tín dụng dưới chuẩn) đã gây ra cuộc khủng hoảng kéo theo khủng hoảng kinh tế. Lợi dụng tình trạng khó khăn khi đó, các chủ xí nghiệp sa thải nhân viên, gây khủng hoảng xã hội. Hành pháp hữu phái Sarkozy-Fillon tận tình đối phó. Nhưng, trong mùa Tuyển cử Tổng thống năm 2012, cử tri đoàn người Pháp nghe và tin tưởng lời hứa của ứng cử viên François Hollande (đảng Xã hội; Parti Socialiste, PS), nên đã dồn phiếu cho ông này hầu đánh bại ứng cử viên Nicolas Sarkozy (Liên minh vì Phong trào Nhân dân; Union pour un mouvement populaire, UMP, nay đổi tên thành ‘Những người Cộng hòa’; Les Républicains, LR) 51%/49% ở vòng chung kết.

B. Nguyên nhân gần.

Ngự vào điện Elysée, tân Tổng thống xã hội quên đi những lời hứa của mình để giúp người thất nghiệp tìm lại việc làm hay được huấn nghệ. Ác hơn, các Tổng trưởng Lao động, để làm giả số người thất nghiệp giảm, chỉ thị thuộc cấp bôi tên họ bằng biện pháp hành chánh (radiation administrative). Về đối nội, chính phủ và các nhà làm luật đảng xã hội chỉ đồng thuận với nhau trong dự luật ‘Ðám cưới cho mọi người’ (Mariage pour tous) vì cấm tất cả các cuộc thảo luận ngoài lưỡng viện lập pháp. Luật này, cũng như luật cho phép phá thai, luôn gây chia rẽ toàn dân vì không phù hợp Luật Thiên nhiên và, đo đó, gây bất công. Thứ đến, do ông Hollande đi ngược lại những chương trình ông đề ra khi tranh cử, khiến Nhóm các dân biểu đảng xã hội chia hai (nhưng vì những quyền lợi nên vẫn cùng chung một Nhóm’ tại Quốc hội. Trong chính phủ, các Tổng, Bộ trưởng không đồng ý với Tổng thống hay Thủ tướng buộc phải từ chức. Hậu quả, trong cuộc bầu cử Tổng thống hiện nay, các đảng viên xã hội cũng như các Tổng, Bộ trưởng sắp mất chức chia hai : người thì ủng hộ ông Hamon (ứng cử viên chính thức PS) và ông Macron (không tả phái, không hữu phái). Cả hai ông Hamon và Macron đều là Tổng trưởng từ chức của ông Hollande mà Macron có thời gian cộng tác lâu với Tổng thống hơn Hamon.

Về đối ngoại, ông Hollande, theo chân Obama, với sự đồng tình của đa số các nhà lập, dự chiến chống khủng bố. Do đó, chi phí chiến tranh tăng cao và ngân sách chi cho an ninh phải bị cắt giảm. Ngoài ra, người Pháp phải hứng chịu những cuộc khủng bố khiến 240 người chết và hàng trăm người bị thương và tàn tật suốt đời

Nhận thức thành quả ngũ niên Tổng thống của mình không xuất sắc, ông F. Hollande từ chối tranh đua nhiệm kỳ thứ 2 dù được Hiến pháp cho phép, nhưng ông có can đảm rời điện Elysée trong danh dự để cử tri tuyển chọn một Tổng thống có khả năng lớn nhất, khác màu sắc chính trị càng tốt, để phục hồi Ðất Nước.

C./ Cơ hội cho Mặt trận Quốc gia thăng tiến.

Ngày 06.03.2017, bên lề cuộc họp giữa bốn 4 nhà lãnh đạo các nền kinh tế mạnh Âu châu (Ðức, Pháp, Ý và Tây ban nha) tại điện Versailles (Pháp), ông François Hollande đã nói với các nhà báo : « Có nguy cơ ứng cử viên Le Pen sẽ giành chiến thắng... Đảng cực hữu chưa bao giờ nhận được tỷ lệ ủng hộ cao như vậy trong 30 năm qua, nhưng dân Pháp sẽ không bỏ cuộc ».

Thật vậy, các cuộc thăm dò dân ý gần đây cho thấy bà Le Pen có thể sẽ về nhất tại vòng một bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23.04.2017, nhưng tại vòng hai dự trù ngày 07.05.2017, bà rất có thể sẽ thất bại trước ông François Fillon hay Emmanuel Macron. Bảy trong mười lần tuyển Tổng thống trước đây*, vào vòng hai, thường chỉ là hai ứng cử viên các đảng liên minh hữu và trung phái cùng đảng xã hội. Nhờ đâu đảng Mặt trận Quốc gia tiến nhanh và chắc như vậy ?

* Ba lần đảng xã hội không có mặt trong vòng hai là :

- 1958, ông Charles de Gaulle, với 78,51% số phiếu hợp lệ ở vòng một, đắc cử Tổng thống ;

- 1969, ông Georges Pompidou (hữu phái) thắng ông Alain Poher (trung phái).

- 2002, ông Jacques Chirac (Tập hợp vì nền Cộng hòa, RPR), với số bách phân đáng lưu ý 82,21%, thắng ông Jean-Marie Le Pen (FN). Một điều bất thường là không có tranh luận trước đầu phiếu vòng hai. Vậy FN là một đảng hợp pháp hay không, thẩm quyền nước Pháp phải quyết định ?]

- Do không tìm được 500 giấy giới thiệu, ông Jean-Marie Le Pen (chủ tịch FN), không thể tham gia ứng cử Tổng thống năm 1981 và ứng cử viên François Mitterand (PS) đã đắc cử Tổng thống. Oâng này giải tán Quốc hội và trong cuộc bầu lại, FN chỉ đạt được 0,18% số phiếu hợp lệ ở vòng Một.

- Sang năm 1984, trong cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu, theo thể thức tỷ lệ (scutin proportionnel), FN được sự tín nhiệm của 10,95% tổng số cử tri bầu hợp lệ, chiếm được 10 ghế dân biểu.

- Năm 1986, khi Hành pháp trong tay PS, sợ bị thua nặng các đảng hữu và trung phái, nên đã đổi thể thức đầu phiếu, từ đa số hai vòng (scrutin majoritaire à deux tours). Nhờ đó, FN có được 33 dân biểu tại Quốc hội, họp thành một Nhóm (Groupe) hưởng nhiều quyền lợi.

- Năm 1989, khi bầu lại Nghị viện Âu châu, FN được sự tín nhiệm với 11,73% tổng số phiếu hợp lệ, giữ được số 10 dân biểu.

- Năm 2002, Thủ tướng Lionel Jospin (PS), tự cho mình thành công với thời gian ở chức này dài nhất đến lúc đó là 5 năm, tin tưởng sẽ vào vòng hai bầu cử Tổng thống và, nếu vận may đến, sẽ thắng đương kiêm Tổng thống Jacques Chirac để trở thành Tổng thống. Nhưng, kết quả không đáp ứng vận may đó vì ông Le Pen (16,86%) được vào vòng hai và ông Jospin chỉ được 16,18%.

- Năm 2012, bà Marine Le Pen, tiếp chân thân phụ, ứng cử Tổng thống và đạt được 17,90% tổng số phiếu hợp lệ, hạng ba. Từ năm này, sau khi ông Hollande lên chức Tổng thống, Mặt trận Quốc gia tiến bước không ngừng.

- Năm 2014, Nghị viện Âu châu được bầu lại, FN được sự tín nhiệm với 24,86% tổng số phiếu bầu hợp lệ, có 22 dân biểu, về đầu toàn quốc và 5/8 đơn vị bầu cử.

- Năm 2015, trong cuộc tuyển cử Hội đồng Vùng, FN đã thu được 27,73% tổng số phiếu bầu hợp lệ toàn quốc. Nhân cuộc bầu cử này, chúng ta chú ý đến hai Vùng :

a. Nord – Pas de Calais – Picardie. Kết quả vòng một : 1. Marine LePen (FN – 40,64%); 2. Xavier Bertrand (LR – 24,96%) và 3. Pierre de Saintignon (PS – 18,12%). Ðể bà Le Pen không trở thành Chủ tịch Hội đồng Vùng, Liên danh PS phải từ chối hiện diện ở vòng hai. Kết quả, ông Bertrand thắng cử.

b. Provence – Alpes – Côtes d’Azur. Kết quả vòng một : 1. Marion Maréchal LePen (FN – 40,55%); 2. Christian Estrosi (LR – 26,47%) và 3. Christophe Cataner (PS – 16,47%). Ðể bà Le Pen không trở thành Chủ tịch Hội đồng Vùng, Liên danh PS đã từ chối tham dự vòng hai. Kết quả, ông Estrosi thắng cử.

Do đó, qua những cuộc Thăm dò Dân ý, các Viện Thống kê cho thấy bà Marine Le Pen có thể đạt được sự tín nhiệm của 25 hay 26% số người được phỏng vấn, tức trong 4 người Pháp có 1 người tín nhiệm bà.

II.- HAI ỨNG CỬ VIÊN ÐỐI DIỆN VỚI THẨM QUYỀN TƯ PHÁP.

Từ đầu năm 2016, kết quả những cuộc Thăm dò Dân ý đều cho thấy : nếu ông Sarkozy (LR) ứng cử thì bà Le Pen sẽ về đầu ở vòng một. Nếu ông Juppé (LR) ứng cử thì ông sẽ vê đầu trước bà Le Pen. Vào vòng nhì, cả ông Sarkozy lẫn ông Juppé đều thắng bà Le Pen để trở thành Tổng thống.

Ngày 27.11.2016, tại vòng hai Bầu cử sơ tuyển Hữu và Trung phái (primaire de la droite et du centre), ông François Fillon thắng cử trước Alain Juppé để trở thành ứng cử viên LR dự bầu cử Tổng thống năm 2017. Từ đó, các cuộc Thăm dò Dân ý đồng cho kết quả: ông Fillon về đầu trước bà Le Pen ở vòng một và thắng bà này ở vòng hai trong cuộc tuyển cử Tổng thống năm 2017.

Ngày 01.12.2016, bằng một diễn văn long trọng trực tiếp truyền hình, Tổng thống François Hollande thông báo không ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2017, vì muốn tránh cho cánh tả bị thảm bại trước cánh hữu và phe cực hữu: « Tôi ý thức về những nguy cơ mà hành động của tôi sẽ gây ra, một hành động sẽ không tập hợp rộng rãi được. Cho nên tôi đã quyết định sẽ không ứng cử Tổng thống ». Uy tín của Tổng thống Hollande nay đã rơi xuống đến mức rất thấp : chỉ có 13% dân còn tín nhiệm ông.

Sau đó, ông Manuel Valls từ chức Thủ tướng. Ðiều này không cần thiết nhưng, theo tiền lệ, các Thủ tướng đương nhiệm ra ứng cử Tổng thống đều bị đánh bại (Chirac, Balladur và Jospin). Hành động này của M. Valls buộc Tổng thống Hollande phải cử Tổng trưởng Nội vụ, Bernard Cazaneuve, vào chức vụ Thủ tướng và cử Dân biểu Bruno Le Roux điền vào chức Tổng trưởng Nội vụ. Một hành động vô ích và … đây là kết quả… Ngày 29.01.2017, thất cử ở vòng hai trước Benoit Hamon ở vòng hai. Nay Valls thất hứa không ký giấy giới thiệu cho Benoit Hamon ứùng cử Tổng thống. Lời hứa đồng chí Thủ tướng PS không đáng tin cậy và ông đã về ‘đầu quân’ cho Hamon. Hiện nay, các ngôi sao sáng PS (những thành viên nội các Valls) chia làm làm hai để theo Macron hy vọng có ăn hơn theo Hamon (ứng cử viên chính thức PS), thí dụ như Jean Yves Le Drian, Tổng trưởng Quốc phòng, năm 2015, khi tranh cử Hội đồng Vùng Bretagne, ông hứa nếu đắc cử, sẽ từ chức trong nội các. Khi đắc cử, ông không giữ lời hứa. Cũng như Le Drian, các Vị khác thuộc tả phái, hữu hay trung phái theo Macron cũng chỉ để tìm ‘quyền’ và ‘lợi’. Nhưng đó là quyền tự do của họ…

Trước khi đề cập đến các trường hợp được cơ quan tư pháp mời tới, chúng ta tìm hiểu qua việc trợ cấp tài chính cho các dân biểu Quốc hội Pháp. Tại cơ quan lập pháp này, theo Médiapart ngày 27.07.2014, cho biết trong năm này, Quốc hội đã trả lương cho 52 phu nhân, 28 con trai và 32 con gái các dân biểu. Tám dân cử khác có đến 2 người trong gia đình. Viện lập pháp này có 577 dân biểu.

Dân biểu (député) không hành động như một người làm một nghề chuyên môn. Bằng lá phiếu tín nhiệm của cử tri, người dân tại đơn vị bầu cử ủy quyền của mình cho Dân biểu, thay mặt họ, đến Quốc hội, để thảo luận và biểu quyết các Dự luật, sẽ có hiệu lưc cưỡng hành trên toàn thể nước Pháp, sau khi Tổng thống ký ban hành và đăng vào Công báo. Do đó, dân biểu không lãnh lương, nhưng nhận bồi thường nghị viên (indemmnité parlementaire).

Tiền bồi thường căn bản hàng tháng là 7 209 euro nguyên (brut, trước khi khấu trừ các số tiền đóng góp cho các quỹ an ninh xã hội). Từ đó, sau khi trừ đi các khoản đóng góp (cotisations) này, nhất là các quỹ hưu liễm. Cuối cùng, dân biểu còn được bồi thường ròng (net, số tiền thật sự nhận được) là từ 4 979 đến 5 381 euros hàng tháng. Sau đó, số này còn phải cộng thêm những trợ cấp chức vụ 7 267 euros nguyên cho Chủ tịch Quốc hội ; 5 004 cho các quản trị tài chính và hành chính (questeurs) ; 880 hay 1038 euros cho Phó chủ tịch và Chủ tịch các Uûy ban (commission).

Nếu còn kiêm nhiệm các chức vụ khác như Thị trưởng các thị xã hay nghị viên Hội đồng tỉnh, dân biểu có thể nhận thêm tiền bồi thường, trong giới hạn 1,5 lần số tiền bồi thường nghị viên căn bản, tức 8 340 euros nguyên.

Như vậy, với lợi tức tối thiểu thu được hàng tháng là 5 180 euros, một dân biểu đã có số thu nhập cao hơn 96% các công dân Pháp còn lại. So với các nước Liên hiệp Âu châu khác, dân biểu Pháp được xếp hàng thứ 9 trong 28 nước với 85 200 euros nguyên mỗi năm, sau Ý (125 220), Ðức (108 984), Anh (88 725). Trung bình Âu châu : 60 843 euros.

Ngoài ra, còn có những bồi hoàn di chuyển, liên lạc điện thoại và bồi hoàn chi phí họp mặt (5 840 euros bruts, tức 5 373 euros nets) cho nhiệm kỳ 5 năm và, nhất là ngân khoản 9 618 euros/tháng để Rénumération de collaborateurs (Lương dành cho các cộng tác viên) hầu có thể mướn đến 5 người theo ý dân biểu và toàn quyền thuê mướn.

(còn tiếp)

Hà Minh Thảo