Dân Chúa Âu Châu

Ngày 20.11.2016, cuộc Bầu cử Sơ tuyển hữu phái và trung phái tại Pháp, vòng một, để chuẩn bị cho mùa tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022 đã thành công tốt đẹp với những đặc điểm:

I.- Kết quả :
i. François Fillon thu được 44,1 % số phiếu hợp lệ(1.883.855 phiếu) ;
ii. Alain Juppé : 28,6% (1.220.382) ;
iii. Nicolas Sarkozy : 20,7% (882.687) ;
iv. Nathalie Kosciusko-Morizet : 2,6% (109.305) ;
v. Bruno Le Maire : 2,4% (101.766 voix) ;
vi. Jean-Frédéric Poisson : 1,5% (62.135) ;
vii. Jean-Francois Copé : 0,3% (12.750).

Như vậy, hai ông Fillon, cựu thủ tướng 62 tuổi, và Juppé, cựu thủ tướng 72 tuổi, được vào vòng hai được tổ chức vào ngày 27.11.2016.

Sự về đầu của ông Fillon và khá xa ứng cử viên Juppé đến 15,5% và loại ông Sarkozy khỏi vòng chung kết đã gây rung chuyển chính trường cánh hữu Pháp. Các cuộc thăm dò dân ý ba tuần trước đó cho thấy ông chỉ ở khoảng 14% và ông rất tự tin qua hai lần tranh cử và ở lần tranh cử chót ngày 17.11.2016, thăm dò dân ý đã cho thấy ông Fillon ngang ngửa với ông Sarkozy và cả hai thua ông Juppé cả 10%. Lý do cựu thủ tướng Fillon dẫn đầu vòng một cuộc sơ tuyển, vì đa số cử tri Pháp tìm thấy nơi ông lý tưởng của một « cánh hữu truyền thống, bảo thủ về các giá trị và tự do về kinh tế ».

Sau khi bị loại, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, qua màn ảnh truyền hình, đã chấp nhận thất bại cay đắng, tạm thời gác giấc mơ trở lại điện Elysée và chờ dịp khác. Oâng tuyên bố dù thân thiện với ông Juppé, nhưng ông vẫn dành lá phiếu của mình ứng cử viên François Fillon.

II.- Số cử tri tham gia đầu phiếu khá đông.

Cuộc đầu phiếu đã thu hút 4.272.880 cử tri vì những lý do sau :

1. Quy chế tổ chức sơ tuyển này cho phép mọi công dân Pháp tham gia đầu phiếu, nên các cử tri ủng hộ ông Sarkozy lên tiếng về sự việc có 15% người đi bầu tự xưng thuộc cánh tả.

2. Sự can thiệp của những cử tri này là vì họ không muốn ông Sarkozy thắng cuộc sơ tuyển này. Lý do là họ không muốn đương kiêm Tổng thống François Hollande thấy còn một chút hy vọng để tái cử nhiệm kỳ 2. Thật vậy, dựa vào các thăm dò dân ý hiện có cho biết nếu ông Juppé ứng cử thì, ở vòng một, ông sẽ về đầu trước bà Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia, Front National, FN). Nhưng, nếu ông Sarkozy đại diện cho hữu và trung phái thì ông chỉ về hạng nhì sau bà Le Pen. Dựa vào đó, ông Hollande sẽ có thể có một tia hy vọng nhỏ để vào vòng nhì tuyển cử Tổng thống ngày 07.05.2017, vì chẳng những các cử tri phe tả lẫn cực tả và một phần trung phái rất chống ông Sarkozy nên có thể dồn phiếu cho ông Hollande như năm 2012 và, khi ông được vào vòng nhì thì chắc chắn ông sẽ thắng bà Le Pen, dù bà này về nhất hay nhì vì cử tri Pháp coi đảng FN là cực hữu. Trong khi đó, đảng cực tả Cộng sản Pháp (Parti communiste francais, PCF) không còn tiền lẫn người để tham gia ứng cử Tổng thống, nên phải dựa hơi Mặt trận Tả phái (Front de Gauche).

3. Theo các khảo sát được tiến hành bởi cho BFM TV, 59% cử tri thuộc nam giới, đã đi hưu, thuộc giới thành thị đã tạo thành con số hơn 4 triệu cử tri tham dự vòng một. Những người trên 65 tuổi chiếm 39% số người đi bầu này, những cử tri ở lứa tuổi 50-64 chiếm 23%, lứa tuổi 35-49 là 22%, lứa tuổi 25-34 là 10% và chỉ 6% cho lớp tuổi trẻ 18-24.

Về thành phần xã hội, các hưu viên là những người hăng hái nhất đi bầu chiếm 43% tổng số cử tri, kế đến là các giới trung lưu và thượng lưu (32%), những người có trình độ đại học (18%) và những người không việc làm 7%.

Khoảng 60% tổng số cử tri có nguồn gốc thành thị, 21% là dân thuộc các khu vực Paris và 19% thuộc vùng nông thôn.

III.- Cuộc tranh luận lần chót.

Tối ngày 24.11.2016, hai ứng cử viên cánh hữu Pháp là Dân biểu François Fillon và Thị trưởng Bordeaux Alain Juppé đã trực tiếp tranh luận trên các đài truyền hình để giúp cử tri hiểu rõ hơn những nội dung cùng các cam kết quan trọng trong chương trình tranh cử chung kết của mình.

Trước hết, nhị vị khẳng định, khi trở thành Tổng thống, sẽ nổ lực để bảo vệ quyền lợi nước Pháp, tiến hành các cải cách sâu rộng nhằm thay đổi tình trạng trì trệ hiện thời. Các ông cũng cho rằng cuộc tranh luận là cần thiết nhưng không được gây chia rẽ nội bộ vì đều là thành viên trong ‘gia đình’ đảng ‘Những người Cộng hòa’ (Les Républicains).

Sau đó, nhị vị đã trả lời chất vấn về các vấn đề như thực thi quyền lực Nhà nước, mô hình xã hội Pháp, các cải cách kinh tế, vấn đề an ninh, quan hệ Pháp-Nga và khả năng liên minh với Nga trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (État islamique). Về cải cách kinh tế, không có nhiều khác biệt lớn giữa hai ứng cử viên, ngoài những con số như cắt giảm ngân sách công, cắt giảm trợ cấp xã hội, dự trù giảm bớt số công chức trong bộ máy nhà nước mà ông Fillon nhiều hơn bị cho là khó thực hiện.

Ðề cập đến bản sắc Pháp, ông Juppé mạnh mẽ bảo vệ sự đa dạng về nguồn gốc, màu da, tôn giáo và tư tưởng chính trị. Ðiều đó làm nên sự đa dạng và phong phú cho nước Pháp. Nhưng ông cũng cảnh báo cần loại bỏ tư tưởng co cụm mang tính ‘chủ nghĩa cộng đồng’ hầu tạo sự đoàn kết quốc gia. Ứng cử viên Fillon thì nhấn mạnh ‘Pháp không phải là một quốc gia đa văn hóa’. Nước Pháp có một lịch sử, một ngôn ngữ và một văn hóa, ‘được làm phong phú bởi những đóng góp từ bên ngoài’, bởi vậy khi một người ngoại quốc đến Pháp, họ cần hội nhập và tôn trọng di sản văn hóa của Pháp.

Như cuộc bầu Tổng thống ngày 08.11.2016 tại Hoa kỳ, nước Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã là đề tài bàn thảo tại các cuộc tranh luận. Ông Juppé phê bình quan điểm ủng hộ Nga và thái độ thân thiện mà ông Fillon dành cho ông Putin. Nhưng, ông Fillon đã phản ứng lại bằng cho rằng ‘mối nguy hiểm thực sự đối với Âu châu, không đến từ Nga’, vì ‘đây là mối nguy hiểm dưới góc độ kinh tế và nó đến từ Á châu’ và ‘các biện pháp trừng phạt Nga thời gian qua đã thất bại’, Ðồng thời, ông nhấn mạnh: ‘Để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Syrie, các nước Âu châu cần phải thảo luận với Nga’.

Hà Minh Thảo