Dân Chúa Âu Châu

GNsP (02.10.2015) – Chúng tôi xin tổng hợp một trường hợp thuộc tỉnh Gia Lai (Pleiku) và 17 trường hợp ở Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột) vào trong tập ký sự số 2 này.

Hoàn cảnh chung hầu như tất cả các ông TPB thuộc tỉnh Gialai và Đắk Lắk là những di dân từ các tỉnh miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Sau năm 1975, các ông thuộc diện bị lùa đi kinh tế mới. Tuy mảnh vườn và căn nhà của quê cũ thuộc miền Trung nghèo nàn, đói kém nhưng là nơi chôn nhau cắt rốn, thậm chí còn là nơi các ông gửi một phần thân xác vào. Cuộc lùa dân và đặc biệt những người như các ông thuộc diện đi đày, đã được thực hiện sớm nhất vào thập niên 70. Cắn răng dứt bỏ quê nhà phiêu lưu vào một vùng đất lạ không tương lai. Như tất cả những người dân miền Nam thời ấy, mỗi người chỉ còn biết sống ngày hôm nay-hiện tại và bản năng buộc họ phải duy trì sự sống.

Cuộc phiêu lưu kinh tế mới mở ra một tương lai mới, có những người vượt qua được những đau khổ mất mát thuở ban đầu, may mắn mỉm cười với các ông, khi nơi đi đày lại là một vùng đất trù phú do chính các ông với thân thể tật nguyền, khai phá rừng hoang. Khuôn mặt chai sạn, bàn tay sần sùi, bước chân khập khiễng, một số các ông đã dựng được cơ nghiệp và bây giờ an hưởng thành quả, tuy nhỏ nhoi không nhiều nhưng hạnh phúc và bình an.

Một số khác kém may mắn như cái định mệnh kém may mắn gắn chặt với cuộc đời. Vùng đi đày lại là vùng sỏi đá. Đất bạc màu, sét pha cát rất khó khăn cho việc làm ăn. Vậy là cái nghèo, cái túng, cái khổ đeo đuổi hết cuộc đời.

Như đã chia sẻ trong tập 1, cuộc viếng thăm tại Gia Lai và Đắk Lắk đưa đẩy chúng tôi vào những cảm xúc khác nhau, lúc thì vui mừng, an tâm khi ngồi trong căn nhà tương đối gọn ghẽ, sạch sẽ của các ông TPB may mắn nhưng rồi lại có những lúc cay đắng ngậm ngùi khi phải chui vào những căn chòi, những căn nhà không ra nhà, lều không ra lều, siêu vẹo, tềnh toành, trống hốc. Dầu sao chuyến đi này số ông ‘thành đạt’ ở tỉnh Đắk Lắk là niềm an ủi lớn cho chúng ta.

Chúng tôi có duy nhất một TPB thuộc tỉnh Gia Lai (danh sách cho đến lúc thực hiện chuyến đi). Ông Hồ Văn Quang, SN 1956. Bị thương do đạp phải mìn năm 1973. Thương tật mất chân phải, cụt tay trái. Hiện nay, hai ông bà vẫn không có nhà để sinh sống. Căn lều siêu vẹo bên bìa rừng, ông tiếp chúng tôi là một căn nhà mà người ta cho ông mượn đất dựng tạm lên để làm bàn thờ tổ tiên, nhưng ông không sống nổi vì quá chật hẹp và thiếu thốn nhiều phương tiện. Hai ông bà sinh sống tại một quán cà phê bình dân ở một góc chợ quê, quán cà phê của đứa con gái thuê một miếng đất để sinh sống.

Rời tỉnh Gia Lai, chúng tôi viếng thăm tỉnh Đắk Lắk.

Ông TPB Châu Ngọc Hùng, SN 1952, Trung đoàn 5, Sư đoàn 2, Bộ binh. Bị thương ở Quảng Tín-Quảng Nam, gẫy một chân. Năm 1979, đi kinh tế mới ở Đắk Lắk. Kết quả sau những năm nỗ lực lao động, ông đã xây dựng được một cơ nghiệp khá vững chắc cho gia đình. Chúng tôi vui mừng với thành quả của ông.

Ông TPB Trần Văn Dũng, SN 1955, Biệt động quân. Năm 1973, bị thương gẫy một chân ở chiến trường Quảng Ngãi. Hoàn cảnh khá bi đát, căn nhà bé nhỏ ông sống chung với người mẹ già 90 tuổi, nằm liệt và một người em trai bị tâm thần sau một tai nạn giao thông. Đón chúng tôi trong hoàn cảnh như vậy, nhưng ông lại cho chúng tôi một cảm xúc hết sức vui mừng và tự hào vì trong câu chuyện ông luôn ý thức mình là một người lính VNCH, với tinh thần ‘Danh dự – Tổ quốc – Trách nhiệm’. Tư cách là vậy, còn với anh em ông là người nối kết và quy tụ quý ông TPB vùng này. Tình ‘huynh đệ chi binh’, ông giúp đỡ làm hồ sơ liên lạc và khi chúng tôi đến nhà, ông gọi quý ông đến để gặp gỡ chúng tôi.

Hơn 40 năm đi qua, nét phong sương của người lính đi bốn vùng chiến thuật vẫn đậm đà trên mái tóc gương mặt và vóc dáng của ông. Suốt buổi gặp gỡ, ông di chuyển nhanh cho dù thiếu một chân, căn nhà nhỏ nhưng đầy ắp tình người khi bạn bè kẻ đui mù, người khuyết tật, kẻ người trong, người đứng ngoài, tiếng cười rộn ràng hân hoan.

Ở đây chúng tôi gặp:

Ông TPB Nguyễn Hữu Thân, SN 1957, Địa phương quân, Tiểu khu 413. Đạp phải mìn và gẫy một chân vào năm 1975.

Ông TPB Trần Quang Tường, SN 1944, Địa phương quân, Tiểu khu 368. Cụt một chân vào năm 1968.

Ông TPB Hồ Xuân Bình, SN 1946, Sư đoàn 2, Bộ binh. Ông bị gẫy một tay và mù một mắt.

Ông TPB Châu Văn Vinh, SN 1950, Địa phương quân Tiểu khu Quảng Tín. Gẫy một chân vào năm 1971. Đang làm ruộng ở trong rẫy, nghe tin chúng tôi đến, ông liền chạy ra nhà ông Dũng đến trò chuyện với chúng tôi.

Các ông rất xúc động khi chúng tôi đến thăm. Ông TPB Trần Văn Dũng thốt lên: “Chúng tôi không ngờ có phái đoàn đến thăm gia đình tôi và đến thăm anh em chúng tôi.” Ông Dũng xem thấy chương trình ở trên mạng liền rủ các ông khác cùng nộp hồ sơ và gửi về cho chúng tôi.

Sau một ngày đi thăm các địa chỉ khác, chúng tôi lại được ông Dũng đón gặp trên tuyến đường ngoài quốc lộ, để trao cho chúng tôi vài hồ sơ của quý ông khác nữa. Hình ảnh của người lính kiêu hùng và một lần nữa phảng phất nơi vóc dáng của ông nơi vệ đường của một vùng trời Tây Nguyên.

Chúng tôi tiếp tục ở Đắk Lắk với quý ông:

Ông TPB Tống Phước Sanh, SN 1949, Sư đoàn 1 đóng ở Quảng Trị. Bị thương cụt một chân vào năm 1971.

Ông TPB Hồ Đảng, SN 1942, Địa phương quân. Ông bị thương mất một con mắt vào năm 1968, tại chiến trường Phan Thiết. Hai ông bà cư trú trong một căn nhà gỗ, tồi tàn, siêu vẹo, rất nguy hiểm. Các cha quyết định xây dựng lại cho ông bà một căn nhà khác, diện tích khiêm tốn vừa đủ cho hai ông bà. Hợp đồng đã được thiết lập với một nhóm thợ địa phương, hy vọng ông bà sớm có ngôi nhà mới trong tuổi già.

Chúng tôi tiếp tục thăm ông:

Ông TPB Phạm Văn Tiến, SN 1953, Địa phương quân, Tiểu khu Quảng Nam. Ông gẫy một chân và chữa trị ở bệnh viện Đà Nẵng.

Ông TPB Đặng Quang Diện, SN 1953, Sư đoàn 5, Trung đoàn 8. Bị gẫy mất một chân trong trận Phú Giáo-Bình Dương năm 1971. Ông Đoàn xúc động, rơm rớm nước mắt khi quý cha và đoàn đến thăm và biếu quà cho ông.

Ông TPB Đỗ Văn Đoàn, SN 1954, thuộc đại đội Trinh sát Trung Đoàn 9, Sư đoàn 5. Bị mất một mắt vào năm 1974, Bến Cát.

Ông TPB Cao Phong Thanh, SN 1955, binh chủng Nhảy Dù. Ông bị gẫy một chân. Trong những ngày tháng khó khăn, ông và một số anh em Cựu chiến binh Nhảy dù vẫn gặp gỡ nhau vào ngày lễ Thánh Micae, Thánh Micae được nhận làm bổn mạng của Binh chủng Nhảy dù, bất chấp những đe dọa từ nhiều phía các ông vẫn bền bỉ với những cuộc gặp gỡ như vậy. Gặp được các cha ông bày tỏ nỗi vui mừng vì được củng cố thêm niềm tin: “nhiều người thương mình”.

Vì thời lượng có hạn, chúng tôi tạm dừng tập 2 nơi đây và chúng ta vẫn còn đang ở trên đất Buôn Mê Thuột, một vùng đất trù phú đã tiếp nhận những người di cư sau năm 1975 khai hoang, lập nghiệp trong đó có quý ông TPB VNCH của chúng ta. Họ đã đảm nhận cuộc sống một cách anh hùng cho dẫu thân thể khuyết tật và xã hội đọa đày.

Pv.GNsP