Dân Chúa Âu Châu

Đà Lạt - Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu lên đường thăm Nhóm trẻ tư thục Nhân Đạo (tên gọi thân thương là mái ấm Nhân Đạo) do các nữ tu dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần quản lý, nằm tại xã Tà Nung, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20km. Con đường dẫn đến nhóm trẻ được trải nhựa, tuy không rộng lắm nhưng đẹp và dễ đi.

Sau hơn nửa tiếng đồng hồ di chuyển, chúng tôi đến nơi. Cách nhà thờ giáo xứ Tà Nung khoảng 100m, mái ấm là một căn nhà nhỏ với hàng rào trồng nhiều loại hoa. Bên cạnh ngôi nhà là một thửa vườn nhỏ trồng đủ các loại rau và hoa.Tấm biển “Nhóm trẻ tư thục Nhân Đạo” đã cũ sờn, cảm giác như đã trên 20 năm.

Từ bên hông nhà, Sơ Khoe ra tiếp chúng tôi, niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Dù đã hơn 60 tuổi cùng vóc dáng lam lũ vất vả, từ con người của chị nữ tu này vẫn toát lên một vẻ chân chất, tươi trẻ và nồng nhiệt đặc biệt. Chúng tôi được mời vào phòng khách, căn phòng đơn sơ nhưng sạch sẽ ngăn nắp.

Theo yêu cầu của chúng tôi, Sơ bắt đầu giới thiệu về mái ấm và công việc phục vụ mái ấm, mà theo Sơ là “công việc nhỏ bé có đáng kể gì đâu”. Mái ấm đã mở ra được 21 năm, hiện nay có 27 em là cô nhi và 25 em suy dinh dưỡng được gửi nhà trẻ, tất cả các em đều là người dân tộc thiểu số. Các em mồ côi đến từ nhiều huyện khác nhau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như Đàm Ròn, Lạc Dương,… có khi được các cha giới thiệu, có khi các Sơ tìm thấy… Các cô nhi được các Sơ nhận về, nuôi nấng cho đến khi các em trưởng thành, học xong đại học và có việc làm. Bé nhỏ nhất được 4 tuổi và có hai em lớn nhất, đang học đại học, cao đẳng, em trai học ngành điện còn em gái học điều dưỡng, một số em trưởng thành đã có việc làm, lập gia đình. Sơ kể, khoảng mỗi tháng một lần các em “đại học” vẫn gọi về nhà, trước là hỏi thăm, sau là… xin gạo, xin nắm muối, xin học phí, xin tiền tài liệu… Nghe giọng kể có chút “giận dỗi” của Sơ, chúng tôi thoáng cảm nhận được sự tự hào về thành công của hai người con mà hai Sơ đã cưu mang, yêu thương mười mấy năm trời.

Làm “mẹ” của gần 30 cô nhi, hai “người mẹ đặc biệt” này (Sơ Khoe và Sơ Hiền) phải vất vả trăm bề. Với nguồn thu nhập chính từ khoảng hơn một sào cà phê, năm nay lại mất mùa, rớt giá, khó khăn càng thêm chồng chất lên đôi vai của các Sơ. Chưa kể tiền thức ăn, mỗi tháng các Sơ phải lo 4 tạ gạo, phải lo học phí cho các em trong độ tuổi đến trường. Trung bình chi phí cho mỗi em học sinh cấp I là 1 triệu đồng/tháng, các em lớp lớn thì chi phí tăng lên. Vì không thể đóng toàn bộ chi phí học bán trú cho các em, mỗi em học bán trú phải mang theo cơm trưa, để khi các bạn khác ăn cơm bán trú thì mình ăn cơm mang theo để các Sơ giảm chi phí.

Nghĩ đến tâm trạng của một người mẹ không đủ khả năng đóng tiền cho con để có bữa cơm như chúng bạn, hẳn trong chúng ta cũng không khỏi nghẹn ngào. Cặp, sách học các em cũng phải dùng đồ cũ của các anh chị. Vào năm học tới đây, không biết có tiếp tục đổi sách mới nữa không, nếu có thì mái ấm lại phải gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ vào đầu năm học. Chưa kể tiền giày dép, quần áo,…

Đối với các em, mỗi năm một lần, vào dịp Giáng Sinh, các Sơ thường mua cho mỗi em một món mới, mà theo Sơ, “để chúng nó có đồ mới, để chúng nó vui”. Có năm, các Sơ mua giày, năm thì mua cái áo, cái quần,… Vì vậy, dịp Giáng Sinh cũng chính là dịp Tết của các em. Năm vừa qua, vì không có điều kiện, Sơ nói: “Năm nay không được như các năm trước, tụi con ráng nha, không có đồ mới.”. Tiếng “dạ” ngoan ngoãn vang lên và nhỏ hơn thường ngày.

Sau tiếng “dạ” nho nhỏ ấy, không hiểu sao hai Sơ cũng ráng chắt chiu được khoảng ba triệu, rồi lên thành phố mua cho mỗi em một đôi giày tại quầy bán giày mà chủ quán cũng là người Công Giáo. Móc hết túi này túi kia cũng không đủ trả cho tổng số tiền khoảng 4 triệu, Sơ đành xin nợ một triệu. Biết các sơ khó khăn, chị tặng số tiền còn thiếu, coi như làm quà Giáng Sinh cho các em. Và còn nhiều lần khác, các Sơ vẫn phải “vừa mua vừa xin” để lo cho các em. Chính sự hy sinh, nhẫn nại xuất phát từ tình yêu thương của các Sơ mà các em ngày càng ngoan hơn, biết tiết kiệm và quan tâm đến nhau hơn hơn. Để các Sơ bớt phần nào gánh nặng, ngoài giờ học các em lớn còn phụ giúp các Sơ các công việc của mái ấm, trong đó có chăm sóc các bé ở nhà trẻ.

Nhà trẻ của các Sơ hiện tại nuôi 25 em, từ 15 tháng đến 3 tuổi, tất cả đều là con em của các gia đình dân tộc ít người trong xã. Các bé trước đây đều bị suy dinh dưỡng nặng, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế. Mỗi buổi sáng, trước khi đi rẫy, cha mẹ mang các em đến gửi, các Sơ lo hoàn toàn việc ăn uống, chăm sóc, sinh hoạt và tắm rửa trong ngày. Chiều đến, khi đi rẫy về, phụ huynh ghé lại đón các em. Đặc biệt, công việc chăm sóc các em suy dinh dưỡng và non tháng thêm phần vất vả. Nào khóc, nào quấy, nào la hét, đến nỗi các em được cha xứ ưu ái đặt tên “Đội kèn tí hon”. Hơn nữa, các Sơ cũng không yêu cầu thu bất kỳ khoản phí nào. Tuy nhiên gia đình đóng góp đôi chút tùy theo khả năng của họ.

Lo lắng nhất của các Sơ về các bé ở nhà trẻ chính là nguồn sữa, để các bé có thể phát triển như các trẻ em khác, đặc biệt là về thể chất. Sơ kể, chi phí sữa bột và sữa hộp hiện nay là rất lớn và bắt buộc phải có vì các bé đang ở tuổi phát triển cần đầy đủ dinh dưỡng. Cặm cụi chăm sóc từng bữa, lại phải đổi món thường xuyên để cung cấp đủ chất dinh dưỡng và các bé cảm thấy dễ ăn hơn, các Sơ cũng tập dần cho các bé ăn cơm. Có lần, nhà sắp hết sữa mà lại đang khó khăn, chưa biết thế nào thì lại có ân nhân đến tặng mấy thùng sữa. Sơ tâm sự: “Thôi thì mình cũng ráng lo hết sức, cái nào không lo được thì xin Chúa cách này cách khác lo cho các em”.

Một điều ngạc nhiên thú vị là các em trong mái ấm, sau khi học xong, có việc làm, lập gia đình, lại gửi con mình cho các Sơ nuôi. Vậy là trong mái ấm của các Sơ không chỉ nuôi các em, mà đến đời con, các Sơ cũng sẵn sàng đón nhận. Vào dịp cuối năm học, nhìn thấy các bé trong nhà trẻ đều khỏe mạnh đáng yêu, chúng tôi thầm cảm phục tinh thần phục vụ âm thầm và khiêm tốn của các Sơ.

Nói nhiều về các em nhưng các Sơ không hề đề cập đến bản thân mình. Khi nghe kể về các bé suy dinh dưỡng, rồi nhìn dáng vẻ lam lũ, vất vả đầy khó nhọc của các Sơ, chúng tôi thấy được sức mạnh của Tình Yêu và Lòng Tin đã đưa các Sơ vượt qua mọi khó khăn về kinh tế, sức khỏe để truyền tình yêu Chúa đến cho thế hệ của các bé Không muốn lên báo chí, truyền hình, các Sơ muốn làm việc âm thầm, lặng lẽ. Được khuyên vì lợi ích của các em, cũng tạo điều kiện để mọi người cùng chia sẻ tình thương với nhau nên việc làm cho nhiều người biết hoàn cảnh trong mái ấm là cần thiết. Từ đó, qua Sơ và qua họ, Thiên Chúa lan truyền tình yêu của Ngài giữa thế giới.

Hiện tại, các Sơ đang cần: Máy nước nóng năng lượng mặt trời và thuốc men phòng khi đau ốm. Nhu cầu hàng tháng của mái ấm gồm: Sữa cho các bé, gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm (kem đánh răng, xà bông,…). Vào đầu năm học cần giày dép, quần áo, cặp, sách vở, đồ dùng học tập, học bổng cho các em ở mái ấm (học phí, chi phí đóng đầu năm học, chi phí học bán trú tại trường),…

Các nhà hảo tâm nếu có điều kiện xin liên hệ: Sơ Anna Nguyễn Thị Khoe, Nhóm trẻ tư thục Nhân Đạo, tổ 17, thôn 3, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Điện Thoại: 0633 595027; đi động: 01688 766 567. Hoặc qua Văn phòng Bác Ái Xã Hội – Caritas Đà Lạt, điện thoại: 0633 511 185; Email:This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Số Tài Khoản: Ban BAXH-Caritas Đà Lạt; TK: 88526339; Tại ngân hàng Á Châu chi nhánh Lâm Đồng.

 Đà Lạt, 25/4/2015

Martino TN, Caritas Đà Lạt

Nguồn: caritasvietnam.org