Dân Chúa Âu Châu

Sáng ngày 7.4. 2015, bà con giáo dân tề tựu về Nhà Thờ Ba Giồng dâng Thánh Lễ mừng bổn mạng Nhà Thờ. Hiện diện trong Thánh Lễ có Cha Sở chủ Tế cùng với các cha phụ trách các Nhà Thờ Ngọn, Định Thuận và Lộ Mới cùng đông đảo bà con giáo dân.

Trong Thánh Lễ Cha Phêrô Huỳnh Văn Quang, Cha phụ trách Nhà Thờ Ba Giồng nêu bật gương sống chứng nhân của Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu: chu toàn bổn phận của mình, can đảm từ bỏ tật xấu và dám chết để chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa.

Xin Chúa cho người Công Giáo Việt Nam, đặc biệt giáo dân họ đạo Mặc Bắc dám sống đức tin như Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu: luôn làm sáng danh Chúa trong cuộc đời của mình.

Sau đây là Tiểu Sử Cha Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu Tử Đạo. (bị bắt 03 - 01 - 1861, xử trảm 07 - 04 - 1861 tại Mỹ Tho)

1. Thân thế: Phêrô Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1812 tại Gò vấp, Gia Định. Lớn lên cậu dâng mình cho Chúa, vào chủng viện và được gởi đi học ở Pénang, rồi được thụ phong linh mục.

Sau khi thụ phong linh mục, Cha Lựu coi sóc họ đạo Mặc Bắc, thường ở nhà ông trùm Lựu và bị mấy người Công Giáo xấu tố giác với quan tỉnh nên Đức Cha đổi ngài về họ Sađéc để tránh bị bắt, và Cha Minh người thay thế đã bị bắt và tử đạo. Cha Lựu khi đến nhà tù thăm  đã nói vời Cha Minh: "Thật cha có phúc còn tôi chẳng được may, cha đã lấy mất triều thiên tử đạo của tôi vì vừa đúng 18 ngày tôi phải rời đi thì cha bị bắt thế chỗ tôi". Thiên Chúa thật công minh đã nhìn thấy rõ lòng dạ kiên trung của vị linh mục nhiệt thành, ban phúc tử đạo cho ngài khi thời giờ thuận tiện.

Cha Lựu chỉ mắc một tật nhỏ nhưng đã bỏ được. Vì gặp gỡ với dân đồng bằng sông Cửu Long, cha thường uống rượu với họ. Một hôm đang đi trên thuyền, cha mời cha Thuyết ở thuyền khác qua làm vài "xị", nhưng cha Thuyết nhất mực từ chối: "Tôi không uống vì nhiều lý do, uống rượu vừa tốn kém, vừa mất tỉnh táo, lại chẳng phải là gương tốt cho tín hữu". Ngay lúc đó cha Lựu đã ném ngay chai rượu xuống sông và nói: "Từ hôm nay tôi không uống rượu nữa". Và cha đã trung thành giữ lời hứa đó.

2. Bị bắt: Tại Sađéc có một giảng viên giáo lý và làm trùm trong họ, nhưng có tính thù hằn và lợi dụng địa vị để làm điều bất chính. Sau nhiều lần cảnh cáo không được, Cha Lựu đã nghiêm khắc mắng công khai: "Ông chèn ép anh em thì chính ông và con cháu sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt". Một năm sau ông trùm Thi bị bắt, các con sống hoang đàng túng thiếu.

Dù ở đâu Cha Lựu cũng rất can đảm liều mình vào nhà tù viếng thăm các tín hữu xưng đạo. Nếu có ai cản ngăn, cha nói: "Các quan không có bắt tôi". Cha thường khuyên nhủ: "Bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều phải chết vì thế tôi khuyên anh chị em hãy can đảm theo vết chân Chúa. Được chết vì đạo là điều đáng mong ước nhất".

Chính vì lòng hăng hái thăm viếng các anh hùng xưng đạo trong nhà tù mà Chúa thưởng công cho ngài. Khi đổi về họ Xoài Mút, tỉnh Mỹ Tho, Cha Lựu bốn lần vào nhà tù đầy các tín hữu can trường, và trong đó có Cha già Thiềng 80 tuổi cần giúp đỡ.

Cha Lựu cho quan cai ngục là Huy 100 quan tiền để ông này cho phép vào nhà tù thăm, nhưng lần thứ năm một người lính tên Bảy đã chận lại. Lần sau khi vào trong tù, người giúp việc Cha già Thiềng đưa cho Cha Lựu một lá thư, cha bỏ vào túi áo nhưng rủi bị rớt xuống đất, và ông cai Cư Hội trông thấy liền xáp lại bắt. Cha Lựu xưng ngay mình là đạo trưởng.

 Các quan bắt ngài bước qua Thánh Giá,  ngài cương quyết từ chối, ngài nói: “Đạo đã ăn vào xương tuỷ tôi, làm sao bỏ được. Một người giáo hữu, một thày giảng cũng không được bỏ đạo, huống chi tôi đây là đạo trưởng

Ngày 7-4-1861, ngày hành quyết, lúc 8 giờ sáng quan sai một người lính vào trong nhà tù tuyên đọc bản án rồi tháo gỡ xích xiềng và dẫn Cha Lựu ra pháp trường, đi đầu là quan giám sát, lính xếp thành hai hàng, ở giữa là ba người chính của buổi hành quyết. Đi đầu là tên lính rao cầm thẻ án ghi như sau: "Nguyễn Văn Lựu, đạo trưởng, không chịu từ bỏ tà đạo và đạp ảnh, nên bị triều đình lên án tử". Ngay sau người cầm thẻ án là vị anh hùng tử đạo, cổ đeo gông, tay bị trói đàng sau. Tiếp đến là tên lính đao phủ cầm gươm sáng quắc và một tay cầm giây xích tội nhân. Pháp trường ở ngoài thành khoảng một ngàn bước, trên con lộ từ Mỹ Tho đi Sài Gòn.

Cha Lựu quì gối đọc kinh chừng 10 phút trong khi lính tháo gông, sửa soạn hình cụ. Sau ba tiếng chiêng, tên lính đao phủ lành nghề chém một nhát đứt đầu rồi mọi người bỏ chạy sợ hồn người chết nhập. Còn lại chỉ một tên lính gác xác. Khoảng chừng mười giáo dân theo sau ở đàng xa liền cho hắn năm quan tiền để xin phép đem xác đi an táng.

Giáo dân các họ Xoài Mút, Ba Giồng và Thủ Ngũ cũng vừa tới nơi kịp để lo việc tống táng. Họ lấy bông thấm máu, may đầu lại vào cổ, cuốn chiếu thấm đầy máu lại và bỏ vào quan tài. Họ đào lỗ chôn vị chủ chăn dũng cảm ngay tại pháp trường, gông đặt dưới chân và hũ đất thấm máu trên đầu. Ngày nay giáo dân đã xây một ngôi thánh đường để ghi dấu chiến thắng và lưu giữ hài cốt của vị anh hùng tử đạo tại Vĩnh Tường, Mỹ Tho.

Ngày 02.05.1909, Đức Piô X đã suy tôn cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

 

Nguồn: GP Vĩnh Long