Dân Chúa Âu Châu

WTGPHN - 18h15 thứ Tư ngày 8 tháng 4, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Bề trên giáo phận Phát Diệm đến huấn đức tại Khoa Triết thuộc Đại Chủng viện Giuse Hà Nội với đề tài thao thức mục vụ truyền giáo.

Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là những từ ngữ mà mỗi ki-tô hữu chúng ta thường xuyên nói trên cửa miệng, thế nhưng mỗi khi nói như thế, ta có cảm nhận được điều gì thôi thúc cấp bách chăng hay chỉ là nói theo thói quen? Ngài nêu câu hỏi đó để mỗi chủng sinh hãy tự vấn bản thân. Tiếp theo, Ngài nói lên ba lĩnh vực của việc loan báo Tin Mừng, đó là loan báo Tin Mừng cho người lương dân; loan báo Tin Mừng cho những người đã rửa tội nhưng không còn sống đức tin nữa và vấn đề mục vụ giáo xứ. Ngài chia sẻ thực trạng khó khăn của việc loan báo Tin Mừng: tỷ lệ ki-tô hữu tại Việt Nam sau mấy trăm năm biến chuyển không đáng kể, tình trạng giảm sút số lượng cũng như chất lượng đời sống của người ki-tô hữu...Thực trạng ấy là dấu chỉ không mấy sáng sủa cho tương lai Giáo hội. Theo Đức Cha, đó chính là lý do trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ra lời mời gọi tất cả mọi ki-tô hữu chúng ta hãy "đi ra". Ngài nhấn mạnh với các chủng sinh: cần phải đi ra khỏi bản thân mình trước, rồi mới có thể đến với anh em của mình, mang niềm vui của Tin Mừng cho họ, chỉ khi đó chúng ta mới có thể hy vọng một tương lai sáng lạn cho Giáo hội. Ngài cũng nhắc lại tư tưởng của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II rằng: "các linh mục cần có não trạng thừa sai". Ngài mời gọi các chủng sinh hãy luôn ý thức về ơn gọi của mình, hãy luôn tự hỏi mình câu hỏi đi tu làm linh mục để làm gì? Ngài cho biết các văn kiện Công đồng, Giáo huấn Giáo hội khi nói về chức linh mục luôn lưu ý rằng: linh mục trước tiên là để loan báo Tin Mừng. Ngài chia sẻ rằng tại Giáo phận Phát Diệm dường như đang có sự mất quân bình và lạc hướng trong hoạt động mục vụ: các linh mục chăm chú vào việc xây dựng cơ sở vật chất mà ít quan tâm đến việc dạy giáo lý, hoạt động bác ái và truyền giáo. Đức Cha cho rằng loan báo Tin Mừng cần thực hiện theo hai nhịp, là 'đi ra' và 'đi về'. Đi ra với anh em mình, nhưng ta cũng cần phải đi về, về với Chúa để được bồi dưỡng và tiếp sức. Ngài nói: người tông đồ ví như người giữ lửa và truyền lửa, phải có lửa nơi mình trước rồi mới có thể truyền lửa ấy cho người khác. Tông đồ trước hết phải cảm nếm được niềm vui có Chúa, rồi mới có thể mang Chúa đến với người khác. Thế nhưng niềm vui ấy chỉ có thể có được từ sự gặp gỡ một cách thân tình và cá vị với Chúa Giê-su. Cuối bài huấn dụ, Ngài nhắn nhủ chủng sinh là những ứng sinh linh mục cần cảm nghiệm được niềm vui ấy, cần tập cho mình có được đời sống nội tâm vững mạnh, sâu sắc, đầy lửa mến của Chúa Thánh Thần.

Tiếp nối tư tưởng ấy, trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Năm, Đức Cha mời gọi các chủng sinh hãy đến gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Ngài nhấn mạnh rằng ta chỉ có thể làm chứng cho Chúa khi đã thực sự xảy ra cuộc gặp gỡ ấy. Đào tạo tại Chủng viện là phải dẫn tới biến đổi con người chủng sinh và sự biến đổi ấy phát xuất từ cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giê-su. Kết thúc bài giảng, Ngài cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong việc đào tạo, biến đổi con tim mỗi chủng sinh mỗi ngày nên giống Chúa hơn.

Nguồn: TGP Hà Nội