Dân Chúa Âu Châu

GNsP (23.01.2018) – Vào ngày 23/01/2018, UBND xã Quỳnh Ngọc đã gửi cho Lm JB Nguyễn Đình Thục, Quản xứ Giáo xứ Song Ngọc và Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ văn bản số: 08/UBND.VP về việc “đăng ký sinh hoạt tôn giáo”.

Văn bản số 08/UBND.VP có nội dung: “UBND xã Quỳnh Ngọc nhận được thông tin, chiều ngày 23/01/2018, Linh mục Quản xứ và Hội đồng mục vụ giáo xứ Song Ngọc tổ chức Lễ hiệp thông cầu nguyện tại nhà thờ giáo xứ với số lượng người tham gia đông và nhiều thành phần tham dự”.

Tại văn bản này, UBND xã dẫn chứng Điều 43 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: “…Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày được công nhận, chấp thuận hoặc được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo theo quy định…”

Để cho rằng “Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 nhưng đến nay giáo xứ Song Ngọc chưa thông báo chương trình hoạt động Tôn giáo hằng năm với UBND xã Quỳnh Ngọc và cuộc lễ diễn ra chiều nay tại giáo xứ (nếu như đúng thông tin UBND xã nhận được), giáo xứ chưa thông báo bổ sung theo quy định tại Điều 43 nêu trên”.

Điều này cản trở sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân và Hội đồng Mục Vụ giáo xứ Song Ngọc. Bởi lẽ:

Văn bản số 08/UBND.VP, UBND xã căn cứ vào Điều 43 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo để cho rằng, “Giáo xứ Song Ngọc phải thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm và cho rằng “cuộc lễ diễn ra chiều nay tại giáo xứ” là “hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm” chưa có trong danh mục nên cần “thông báo bổ sung”.

Cần xác định rõ, Khoản 10 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, Tôn Giáo (LTN-TG): “ Sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.” Như vậy, Lễ hiệp thông cầu nguyện – đối với tín đồ – là những “sinh hoạt tôn giáo” diễn ra hàng giây hàng phút hàng giờ hàng ngày, không phải là “hoạt động Tôn giáo diễn ra hàng năm” với “danh mục” để phải thông báo! Và trong Thánh lễ hàng ngày – như Thánh lễ chiều nay của Giáo xứ Song Ngọc – luôn có những ý chỉ, hiệp thông, cầu nguyện cho Ông bà, Cha mẹ còn sống hay đã qua đời, kính nhớ Tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho những nhà lãnh đạo sáng suốt phục vụ cho quyền lợi của người dân, cho những người đang gặp hoạn nạn, bệnh tật, khó khăn, bị áp bức, đối xử bất công, bị chà đạp nhân phẩm, tước bỏ quyền sống, quyền con người…

Điều đáng nói là tại văn bản số: 08/UBND.VP, UBND xã Quỳnh Ngọc chỉ “qua thông tin nhận được” đã tùy tiện suy diễn “ số lượng người tham gia đông và nhiều thành phần tham dự”; Bao nhiêu người thì được gọi là tham gia đông? Nhiều thành phần tham dự là thành phần gì? LTN-TG không có quy định nào để “định lượng” đông hay không đông, cũng không quy định “tiêu chí” phân biệt “thành phần” tham dự. Càng không có quy định nào để phân biệt đối xử “cuộc lễ” đông người hay ít, ít hay nhiều thành phần tham dự. Ngoài ra, UBND xã Quỳnh Ngọc trích dẫn Điều 43 LTNTG cho rằng, “Luật TN-TG có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 nhưng đến nay giáo xứ Song Ngọc chưa thông báo chương trình hoạt động Tôn giáo hằng năm với UBND xã Quỳnh Ngọc”, nhưng lại không đọc đến quy định “Điều khoản chuyển tiếp” tại Khoản 5 Điều 67 LTN-TG: “Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật này có hiệu lực, tổ chức tôn giáo… có trách nhiệm thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 của Luật này.” Giả định có phải “chấp hành” Luật TN-TG thì cũng “chưa đến hạn”.

Điều buồn cười ở đây là UBND xã Song Ngọc xác định “Giáo xứ Song Ngọc chưa thông báo danh mục hoạt động Tôn giáo hàng năm”, nhưng lại đòi Giáo xứ “phải thông báo bổ sung…”!

Hành vi của UBND xã Quỳnh Ngọc cản trở sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ Song Ngọc cần phải bị lên án.

Pv. GNsP