Dân Chúa Âu Châu

GNsP (19.01.2018) – “UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị quý linh mục Bề trên Tổng quyền Dòng Biển Đức Quốc tế, Linh mục Bề trên Tỉnh Dòng Biển Đức Việt Nam không tiếp tục bổ nhiệm linh mục Nguyễn Huyền Đức làm Bề trên Đan viện Thiên An (ĐVTA) và thuyên chuyển ra ngoài địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Theo lời Thỉnh nguyện của Đấng Bản Quyền Đan viện, Đức cha Micae chủ sự thánh lễ ban thánh vụ Linh mục cho 5 Đan sĩ thuộc hai Đan viện Thiên An và Thiên Hòa, trong tháng 04/2017.

Đó là một trong những nội dung chính của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, yêu cầu và đề nghị với Tổ chức Tôn giáo quốc tế như trên theo văn bản số 9451/UBND-NC và gửi đến ĐVTA vào những ngày cuối tháng 12/2017.

Chính phủ và trung ương mới đủ thẩm quyền ngoại giao với quốc tế

Chiếu theo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016, Pháp Lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo 2004, Nghị định 92/2012/NĐ-CP, Nghị định 26/1999/NĐ-CP quy định, chỉ có chính phủ; Ban Tôn giáo Chính phủ; Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, Tôn giáo Trung Ương; Cơ quan nhà nước về Tôn giáo ở Trung Ương mới đủ thẩm quyền bang giao/ngoại giao với các tổ chức Tôn giáo quốc tế… liên quan đến các vấn đề của tổ chức Tôn giáo quốc tế hoạt động tại VN. Chính phủ, Ban Tôn giáo trung ương mới đủ thẩm quyền gửi các văn bản đến các vị Giám mục. Ban Tôn giáo cấp tỉnh mới đủ thẩm quyền gửi các văn bản đến các Linh mục, tu sỹ nam nữ…

Lẽ vậy, xét về ngoại giao, thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không đủ thẩm quyền gửi các văn bản cho các tổ chức Tôn giáo quốc tế… để nhận xét/đánh giá về các hoạt động tôn giáo của tổ chức Tôn giáo đang hoạt động tại VN thuộc địa phận tỉnh. UBND tỉnh thừa Thiên Huế cũng không đủ thẩm quyền yêu cầu/đề nghị tổ chức Tôn giáo quốc tế được “phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử” hoặc “thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm” các nhà tu hành, chức sắc theo như toan tính của nhà cầm quyền.

Do đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định” của pháp luật; ngang ngược vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp; hạ thấp, sỉ nhục ngoại giao của Việt Nam; đánh mất “hình ảnh, uy tín, danh dự và lợi ích” của Việt Nam; Đây là những hành vi chứng minh UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phá hoại quan hệ ngoại giao của VN đối với các tổ chức quốc tế.

Xúi giục vi phạm pháp luật

Nghiêm trọng hơn, trong văn bản số 9451/UBND-NC, những người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế đã “xúi giục” các vị Bề Trên thuộc Dòng Biển Đức quốc tế và Dòng Biển Đức VN “ngồi xổm” trên Hiến pháp và pháp luật; chà đạp vào quyền cư trú của các nhà tu hành, chức sắc; và thản nhiên yêu cầu các vị có thẩm quyền “thuyên chuyển” cha Bề Trên ĐVTA ra khỏi địa bàn Thừa Thiên Huế. Đây cũng là hành vi ngang nhiên xâm phạm vào quyền tự do tôn giáo của các cá nhân, tổ chức Tôn giáo…; tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức Tôn giáo với các đề nghị khiếm nhã không được “phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử” hoặc “thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm” các nhà tu hành, chức sắc trong ĐVTA. Ai hoặc cơ quan nào đã bao che cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vi phạm Hiến pháp và Pháp luật?

Phản đối về hành vi sai trái của nhà cầm quyền, ĐVTA đã có văn bản phản hồi và ra một Thông cáo Báo chí nhấn mạnh về việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang vu cáo, đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng “nhân phẩm, danh dự” của Bề trên ĐVTA là Linh mục Nguyễn Văn Đức và xâm phạm vào quyền tự do cư trú của các Đan sỹ.

Quyền quản lý nhà nước và xã hội của công dân

Giả sử như, các vị chức sắc trong ĐVTA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền với nội dung: “Để xây dựng cuộc sống bình an, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng, đề nghị Nhà nước không tiếp tục bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Cao làm Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế và ông Phan Ngọc Thọ làm Phó Chủ tịch Thừa Thiên Huế, và thuyên chuyển ông Nguyễn Văn Cao và ông Phan Ngọc Thọ ra ngoài địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, có phù hợp với quy định của Pháp luật không?

Chắc chắn là phù hợp và đúng với quy định của Hiến Pháp và Pháp luật, bởi vì “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”, được quy định rõ tại Điều 28 Hiến pháp 2013.

Huyền Trang, GNsP