Dân Chúa Âu Châu

GNsP (01.07.2017) – Đập Chatađê và hồ Thủy Tiên là hai nguồn nước chính cung cấp cho công việc trồng trọt, chăn nuôi, phục vụ sinh hoạt thường ngày cho Đan viện Thiên An đã bị nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế chiếm và tước đoạt. Đó cũng là một trong những kế sách hiểm độc của nhà cầm quyền nhằm chia cắt hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện, để chia chác cho các cán bộ, bán cho tư nhân…

Đập Chatađê và hồ Thủy Tiên là hai nguồn nước chính phục vụ cho Đan viện

Trước năm 1975, các vị Đan sĩ tiên khởi Đan viện Thiên An lao công cực khổ xây dựng hai hồ nước chính là đập Chatađê và hồ Thủy Tiên nằm trong rừng thông – thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện, phục vụ cho lao động và các sinh hoạt hằng ngày. Bởi vì, “lao động” là một trong số tôn chỉ Tu luật của Thánh Biển Đức là “Ora Et Labora” – “Cầu Nguyện và Lao Động”, nên Đan viện Thiên An rất cần nguồn nước phục vụ cho cày cấy, chăn nuôi.

Tại đập Chatađê và hồ Thủy Tiên, các Đan sĩ thiết kế nhiều ống nước ngầm đặt sâu dưới lòng đất, dẫn nước về Đan viện, cụ thể: nước được dẫn và tích trữ về hồ cá phục vụ cho việc nuôi cá và sản xuất rau sạch, tích trữ nước trong một hồ khác nằm giữa vườn cam để tưới và trồng trọt, nước được dẫn về các bể nước lớn của Đan viện phục vụ cho sinh hoạt thường ngày của các Tu sỹ Đan viện.

Tuy nhiên, sau năm 1975, nhà cầm quyền bằng mọi thủ đoạn đã chiếm đoạt hai nguồn nước chính của Đan viện Thiên An là đập Chatađê và hồ Thủy Tiên, triệt tiêu nguồn nước sinh hoạt với mục đích họ muốn “bứng”, “xóa xổ” Đan viện Thiên An – đúng với đường lối chính sách của đảng cộng sản vô thần.

Mất hai nguồn nước chính, thiếu nước trầm trọng, Đan viện gặp khá nhiều khó khăn, nhất là mùa nắng hạn. Đứng trước tình cảnh đó, các Đan sĩ phải xây thêm những bể lớn tích trữ nước mưa cung cấp nước sinh hoạt, đào một giếng khoan để có thêm nguồn nước mới nhưng đã bị nhiễm phèn nặng. Về việc chăn nuôi và trồng trọt, các Đan sĩ tận dụng hai hồ cá trong vườn cam được các vị tiền bối xây dựng dự trữ nước mưa và dùng cho việc chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những nguồn nước này không đủ cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày mỗi khi trời nắng hạn huống chi phục vụ cho công việc cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi…

Trước năm 1975, các vị Đan sĩ tiên khởi Đan viện Thiên An lao công cực khổ xây dựng hai hồ nước chính là đập Chatađê và hồ Thủy Tiên nằm trong rừng thông – thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện, phục vụ cho lao động và các sinh hoạt hằng ngày.

Giới cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cướp và chiếm đoạt đập Chatađê của Đan viện Thiên An. Bức tử nguồn nước sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Chưa đầy một tháng nay, phiến đá tạc dòng chữ “Đập Chatađê Đan viện Thiên An” dựng gần đập nước đã bị “ai” đó tháo dỡ, trơ trọi còn cột bêtông và mang đi đâu không rõ.

Nguồn gốc “Đập Chatađê – Đan viện Thiên An”

Với nhu cầu “lao động” theo đúng tôn chỉ Tu luật của Thánh Biển Đức, vị Bề trên tiên khởi Đan viện Thiên An, cha Romain quyết định cho xây những đập chứa nước trên rừng thông, dẫn nước về Đan viện phục vụ cho cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi vào năm 1958.

Đan sĩ Linh mục Thaddée, còn được gọi là cha Phạm Quang Điện, Phó Bề trên Đan viện thời bấy giờ có biệt tài về xây dựng và kiến trúc. Vâng lời cha Bề trên, ngài cùng các Đan sĩ khổ công đào những hồ chứa nước rộng lớn, đặt dưới lòng đất những ống nước ngầm lớn, dẫn và tích trữ nước về Đan viện. Do đó, các Đan sĩ Đan viện Thiên An đã đặt tên cho đập này là “Đập Chatađê Đan viện Thiên An”. “Chatađê” là phát âm tên tiếng Pháp sang tiếng Việt của cha “Thaddée” cho dễ nhớ.

Vị Đan sĩ cao niên ngoài tuổi bát tuần thuộc thế hệ đầu tiên đã chứng kiến các biến cố thăng trầm lịch sử tại Đan viện Thiên An là Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng nhớ và kể lại:

“[Đan sĩ Linh mục] ông Thaddée là thành viên của Đan viện Thiên An, ông rất hoạt bát, giỏi về xây dựng. Hồ nước này, trước đây là một cái thung lũng lớn, được xây dựng từ năm 1958 đến năm 1960 hoàn thành. Để có nước tưới vườn cam, vườn rau và ruộng lúa nên các cha đã làm hệ thống dẫn nước đặt 6-7 ống nước lớn chu vi khoảng 30 cm sâu dưới lòng đất, dẫn nước từ đập về Đan viện để tưới cam và rau trong công việc lao tác của các thầy. Nước sử dụng thoải mái. Hồ Chatađê là hồ lớn và có hai cái đập nhỏ để hỗ trợ dẫn nước về vườn cam. Tại khu vực hồ và hai đập nhỏ này có các lối mòn xung quanh tạo đường đi [lên đi xuống từ đập] về đến Đan viện, chứ không phải đường dân sinh.”

Bao bọc xung quanh đập Chatađê là rừng thông nguyên thủy có tuổi đời trên 60 năm được các Đan sĩ Đan viện Thiên An dầy công chăm sóc từ năm 1940 cho đến nay. Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng cho biết thêm:

“Rừng thông của Đan viện chủ yếu là rừng thông hai lá do các Đan sĩ mua từ Nam Mỹ mang về VN trồng, chăm sóc cho đến ngày hôm nay. Sau ngày 1975, nhà nước nói là rừng thông đẹp quá, không nơi nào có rừng thông giống như Đan viện Thiên An. Họ lấy hạt giống thông của Đan viện Thiên An để trồng từ Bắc vào Nam”.

Tuy nhiên, chưa đầy một tháng nay, phiến đá tạc dòng chữ “Đập Chatađê Đan viện Thiên An” dựng gần đập nước đã bị “ai” đó tháo dỡ, trơ trọi còn cột bêtông và mang đi đâu không rõ.

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng chia sẻ nguồn gốc lịch sử hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông, đập Chatađê… thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An cho các Đan sĩ trẻ. Ngài là một trong những vị Đan sĩ cao niên ngoài tuổi bát tuần thuộc thế hệ đầu tiên của Đan viện Thiên An.

Lối mòn đi lên đập Chatađê được nhà cầm quyền gọi là “đường dân sinh”!?

Suốt thời gian qua, nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế dùng các phương tiện truyền thông đưa tin sai sự thật cho rằng những lối mòn bao quanh đập Chatađê là “đường dân sinh”. Các báo đài ra sức vu cáo chính các Đan sĩ đang phá con đường dân sinh, vu khống các Đan sĩ chặt phá, đốn hạ rừng thông nhằm lèo lái dư luận để đạt mục tiêu cướp hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An. Trong khi đó, chính giới cầm quyền đã tự tiện treo bảng “trạm quản lý bảo vệ rừng” giữa khu rừng của Đan viện và đang bảo kê cho các cá nhân, doanh nghiệp tàn phá môi trường sinh thái thiên nhiên chính là lá phổi xanh của thành phố Huế.

Tại lối mòn đi lên đập Chatađê – thuộc nội vi Đan viện Thiên An – mà nhà cầm quyền cho là “con đường dân sinh dẫn vào nhà của hơn 100 hộ dân trong thôn Kim Sơn” đang bị các Đan sĩ phá hủy, được vị Đan sĩ cao niên hơn 80 tuổi, từng đổ mồ hôi xương máu và gắn bó cuộc đời của ngài trên mảnh đất này ngót 60 năm phủ nhận “không có con đường dân sinh” nào đi ngang qua khu đất của Đan viện.

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng quả quyết: “Con đường này không phải là con đường dân sinh. Trước đây không có người dân nào sống ở nơi khỉ ho cò gáy này cả. Sau khi Đan viện làm cái đập Chatađê xong thì chúng tôi làm cái đập thứ ba và làm con đường này để cho các Đan sĩ đi qua lại chứ không phải là con đường dân sinh. Làm đập này để ngăn nước lại và cung cấp nước cho vườn rau và vườn cam gần đập này. Tại đập này có những đường ống ngầm dưới lòng đất để dẫn nước về Đan viện.”

Ai cũng biết, Đan viện Thiên An là dòng khổ tu, nội vi Đan viện không thể cho phép người ngoài đi lại, lẽ vậy, không thể có “con đường dân sinh” tồn tại trên khu đất Đan viện được.

Vị Đan sĩ cao niên hơn 80 tuổi Stanislas Trần Minh Vọng từng đổ mồ hôi xương máu và gắn bó cuộc đời của ngài trên mảnh đất này ngót 60 năm phủ nhận “không có con đường dân sinh” nào đi ngang qua khu đất của Đan viện. Đây là lối mòn đi lên đập Chatađê – thuộc nội vi Đan viện Thiên An.

Nông trại nuôi gia súc, hồ nước chính của Đan viện vùi lấp dưới lòng hồ Thủy Tiên

Trước năm 1975, cách đập Chatađê khoảng 500 mét về hướng Đông Bắc, có một thung lũng rộng lớn được các Đan sĩ tiền bối cho xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc. Tại nguồn mạch nước ngầm của thung lũng, các ngài cho khoan một giếng lớn sâu 12m, dài 18m, ngang 14m để cung cấp nước cho nông nghiệp, chăn nuôi, dẫn nước về Đan viện để cày cấy, trồng cam và phục vụ các sinh hoạt thường nhật.

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng kể lại: “Trước khi có hồ Thủy Tiên thì đây là thung lũng rộng và lớn lắm. Chúng tôi cho đào một giếng nước sâu 12m, dài 18m, ngang 14m để cung cấp nước cho Đan viện. Trước đây có một nông trại nuôi bò, heo, gà, vịt và trồng rau, có ba mẫu trồng lúa…”

Sau năm 2001, nhà cầm quyền cướp hơn 63 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An để xây dựng khu vui chơi giải trí. Trên diện tích này, họ đã xóa dấu vết các cơ sở của Đan Viện, chôn vùi trang trại chăn nuôi và giếng nước của Đan viện xuống dưới lòng hồ mang tên Thủy Tiên. Tuy nhiên, vào mùa khô nắng, hồ rút cạn nước sẽ lộ lên những dấu tích còn lại của trang trại và giếng nước đã được các vị Đan sĩ tiên khởi cực khổ dựng xây.

Khi tiến hành làm khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên, giới chức cầm quyền có nhiều âm mưu chia cắt Đan viện qua các thủ thuật tinh vi bằng “con đường dân sinh”, là những lối mòn đi ra khu vực hồ Thủy Tiên, đi lên đập Chatađê, đi ngang qua vườn cam và đi vào Đan viện Thiên An. Qua các con đường dân sinh “viển vông” này, nhà cầm quyền cố tình triệt tiêu hai nguồn nước sinh hoạt chính của Đan viện.

Sau một năm đi vào hoạt động, khu vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên trở thành bãi tha ma, hoang phế, u ám, kinh hồn bạt vía, đầy rác rưởi, hôi hám mùi xú uế, thậm chí là nơi của những con nghiện ra vô thường xuyên – được báo chí trong nước và nước ngoài gọi với cụm từ đến rùng rợn là “công viên ma”.

“Chúng tôi mong muốn các Đan sĩ trẻ gìn giữ đất đai của Đan viện cũng như tài sản của Giáo Hội. Tre tàn măng mọc thì tất cả các Đan sĩ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ đất của Thiên An”. Đó là ước nguyện của vị Đan sĩ già, bền bỉ ươm mầm và vun trồng ơn gọi đời sống Thánh hiến một cách thầm lặng tại Đan viện Thiên An hơn 60 năm trung tín – Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng.

Nông trại nuôi gia súc, hồ nước chính của Đan viện bị nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vùi lấp dưới lòng hồ Thủy Tiên.

Một trong những tội ác lớn nhất của cộng sản là “tiêu diệt Tôn giáo”. Lịch sử sẽ ghi nhận bằng chứng tố cáo tội ác của cộng sản Việt Nam điển hình là hành vi “cúp” nguồn nước cung cấp cho Đan viện Thiên An.

Huyền Trang, GNsP