Dân Chúa Âu Châu

Vào ngày thứ Hai 22/05/2017 vừa qua, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, đã dành trọn cả buổi chiều để gặp gỡ trao đổi với Ban giám đốc, huấn đức cho các chủng sinh và kết thúc bằng bữa ăn tối thân mật với các cha trong Ban giám đốc.

Cuộc viếng thăm được bắt đầu bằng buổi gặp gỡ thân tình với từng thành viên trong Ban Đào Tạo, cũng như lắng nghe Cha Giám đốc Giuse Hồ Thứ trình bày về đời sống của Chủng viện, đường lối đào tạo của Hội Xuân Bích cũng như nói lên những thuận lợi và khó khăn ở đây.

Khởi đầu giờ huấn đức cho các chủng sinh, Cha Giám đốc Giuse đã thay mặt Chủng Viện chào mừng Đức Tổng đồng thời cũng giới thiệu với Đức Tổng toàn thể chủng sinh nội trú của bốn giáo phận (Hưng Hóa, Kontum, Đà Nẵng và Huế) đang tu học tại đây.

Về phần Đức Tổng, ngài đã mở đầu buổi chia sẻ bằng lời cảm ơn Cha Giám đốc đã tạo điều kiện để ngài có dịp tiếp xúc và gặp gỡ các chủng sinh của bốn giáo phận đang hiện diện. Dịp này, Đức Tổng cũng chúc mừng các chủng sinh của hai lớp Thần học I và Thần học II sắp lãnh nhận tác vụ Đọc sách và Giúp Lễ vào ngày 26/5 tới đây như là một bước ngoặc mới trong hành trình dâng hiến. Đồng thời, ngài cũng chúc mừng tất cả chủng sinh đã hoàn tất một năm tu học 2016-2017 và chuẩn bị bước vào kỳ hè với đời sống mục vụ tại các giáo xứ cũng như thời gian sống tại gia đình và Giáo phận.

Đề tài của buổi huấn đức hôm nay là “Đào tạo linh mục trong bối cảnh Giáo Hội và xã hội hiện nay”. Theo Đức Tổng, chủ đề này vừa mang tính thời sự, vừa mang tính cổ điển và nền tảng. Trước hết, Đức Tổng đã nói đến những thay đổi của cuộc sống ngày nay. Theo ngài, chủng sinh hôm nay đang sống trong một thời đại mới, hầu như khác hẳn với thời của ngài trước đây. Thật vậy, Đức Tổng đã trải qua những năm tháng của chiến tranh, nhiều phân ly và biến động do thời cuộc cùng với những thay đổi sâu sắc của hoàn cảnh xã hội Việt Nam. Các chủng sinh hôm nay lại đang sống trong hòa bình và chỉ chia sẻ một giai đoạn ngắn về sau này của lịch sử dân tộc. Vì thế, các chủng sinh không chứng kiến cách trực tiếp những đổi thay của đất nước và của Giáo Hội Việt Nam sau Công đồng Vatican II và biến cố 1975. Sự thay đổi của thế giới và xã hội và có ảnh hưởng to lớn đến những con người đang sống trong xã hội. Đức Tổng đã phân tích những thay đổi về: y phục, trí thức, sự xuống cấp về đời sống luân lý,… Và trong những sinh hoạt của Giáo Hội, cụ thể là giới giáo sĩ cũng có những thay đổi quan trọng.

Chẳng hạn trước đây, linh mục là người được trọng vọng, Cha sở kéo chuông thì mọi tín hữu đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, Cha sở nói sao thì tín hữu vâng lời răm rắp, Cha sở ngày xưa được xem là có địa vị cao trong xã hội… Ngày nay, những điều đó hầu như không còn nữa. Những thay đổi đó đòi hỏi linh mục phải thích nghi với con người thời đại để sứ mạng của mình trổ sinh những hiệu quả phong phú hơn. Thực trạng của đời sống giáo sĩ cũng có những đổi thay, chẳng hạn như vấn đề nghiện rượu (tỉ lệ linh mục nghiện rượu cao nhất trên thế giới là tại Mỹ); rồi sự lan tràn của mạng internet, facebook…bên cạnh những ích lợi, cũng làm cho mối tương quan giữa con người đổi thay; linh mục phải đối mặt với sự cô đơn, nhàm chán, buồn bã và cảm thấy bị bỏ rơi vì giáo dân bỏ nhà thờ, xa cha sở. Tại Việt Nam, đời sống đạo đức và luân lý chưa đến mức xuống cấp trầm trọng như tại các nước Âu, Mỹ nhưng nó đang trên đà xuống dốc. Suy nghĩ về phái tính của con người ngày nay cũng thay đổi nhiều. Có nơi cho rằng tính dục là nhu cầu của con người cần phải được thõa mãn và không có lý do gì phải dồn nén. Lối sống đạo thời nay cũng khác xưa. Trước đây, người ta luôn nhẩm đi nhắc lại những lời nguyện tắt hay những câu thưa chuyện vắn gọn với Chúa; ngày nay, dường như có quá nhiều mối bận tâm khiến Thiên Chúa không còn chiếm trọn tâm trí và con tim của con người thời đại. Về đào tạo tri thức, thời nay con người cũng có đầy đủ phương tiện để học tập trao đổi dễ dàng hơn.

Tóm lại, việc đào tạo linh mục ngày nay gặp khó khăn hơn trước nhiều. Có vài nơi không ít linh mục đã không đứng vững và không thích nghi được với những thay đổi nhanh chóng của con người. Một thử thách lớn đặt ra cho linh mục: tôi sẽ làm cái gì đây? Làm sao để đứng vững và trổ sinh hoa trái trước những thực trạng hiện nay của xã hội? Đó là những câu hỏi Đức Tổng đặt ra để giúp các chủng sinh suy tư một cách nghiêm túc về đời sống và sứ vụ linh mục trong thế giới hôm nay.

Tiếp đến, Đức Tổng đã nói đến đường lối đào tạo linh mục của Giáo Hội Công Giáo khi đứng trước một thời đại có nhiều thay đổi như hôm nay.

Ngài nhắc lại rằng đào tạo linh mục luôn là một trong những ưu tư hàng đầu của Giáo Hội, nhất là về đào tạo cung cách, thái độ ứng xử của con người linh mục. Đức Tổng đã nhắc đến những văn kiện quan trọng của Giáo Hội về đào tạo Linh mục như: Tông huấn “Pastores Dabo Vobis” (Những Mục tử như lòng mong ước) và “Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis” (Nguyên tắc căn bản về đào tạo Linh mục) được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 08/12/2016. Cả hai văn kiện này đều xoay quanh bốn chiều kích chính yếu của việc đào tạo linh mục là: trí thức, nhân bản, thiêng liêng và mục vụ. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề ở mỗi văn kiện thì khác nhau.

Để theo sát chủ đề chia sẻ, Đức Tổng đã nêu lên một trong những điểm đặc biệt mới mẻ của “Ratio fundamentalis” 2016 là quan niệm về công cuộc đào tạo linh mục như một tiến trình liên tục, tiệm tiến và suốt đời.

Trước hết, đào tạo Linh mục là một tiến trình liên tục: Công cuộc đào tạo linh mục không chỉ được diễn ra trong thời gian ở Đại Chủng Viện. Bản “Ratio fundamentalis” không dùng từ “Ban Triết học” và “Ban Thần học” để chỉ hai chu kỳ đào tạo, vì như vậy sẽ có nguy cơ nảy sinh ngộ nhận về sự nhấn mạnh thái quá đến khả năng triết học hay thần học của các linh mục, trong khi điều quan trọng nhất nơi một Linh mục là tâm hồn và cung cách sống. Linh mục là con người sống giữa cộng đoàn giáo dân nên cần có sự hội nhập: về văn hóa, về thực hành lòng đạo đức bình dân, về sự hiện diện và phục vụ người nghèo, nhất là cung cách sống như người mục tử nhân lành. Quá chú trọng đến trí thức có nguy cơ cho ra đời những Linh mục đầy kiến thức nhưng lại thiếu con tim. Trong chiều hướng đó, “Ratio fundamentalis” 2016 của Giáo Hội Công Giáo gọi “Thời kỳ môn đệ Chúa Kitô” thay cho “Ban Triết học” và “Thời kỳ đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” thay cho “Ban Thần học”. Linh mục không phải là công chức nhưng là người kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là Đấng kêu gọi họ. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ để họ ở với Ngài và sau đó, Ngài mới sai họ đi. Đức Tổng đã nhấn mạnh đến quan điểm của Ratio mới khi xem thời kỳ thực tập mục vụ như là thời gian tổng hợp của ơn gọi, nghĩa là ở với Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Ngài và đạt tới sự thống nhất trong cùng một con người linh mục: kiến thức, bác ái và cung cách sống.

Hơn nữa, đào tạo linh mục còn là một tiến trình tiệm tiến: Đây là đường lối đào tạo theo từng bước một trước khi ứng sinh đảm nhận những trọng trách lớn lao hơn trong sứ vụ của thừa tác viên có chức thánh. Cách đào tạo này từng bước kiện toàn con người chủng sinh theo qui trình của một đường lối đào tạo dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Sau cùng, đào tạo linh mục là một tiến trình diễn ra suốt đời: Trở nên linh mục không có nghĩa là đã hoàn tất công cuộc đào tạo ở Chủng Viện. Chương trình đào tạo vẫn được tiếp tục trong suốt cuộc đời linh mục qua việc thường huấn tại các Giáo phận. Công cuộc đào tạo ở Đại Chủng Viện phải được tiếp tục và nối dài trong suốt cuộc đời của linh mục chứ không chỉ là một giai đoạn nhất định. Có như thế, linh mục mới có thể, nhờ ơn Chúa, tự trau dồi những khả năng của mình để đương đầu với những thử thách và thích nghi với thời đại mới.

Để kết thúc buổi chia sẻ, Đức Tổng nói đến những đường nét của một lối đào tạo thăng tiến tự do theo trường phái Xuân Bích tại Đại Chủng Viện Huế. Đức Tổng nhấn mạnh đến sự kiện một nền đào tạo mang tính áp chế sẽ không làm cho con người trưởng thành thực thụ và có nguy cơ làm cho người thụ huấn đánh mất khả năng sống một mình và chịu trách nhiệm trước cuộc sống chính mình. Đó cũng là định hướng của bản “Ratio fundamentalis” mới ban hành, đào tạo các chủng sinh có tinh thần trách nhiệm với chính mình và biết sử dụng tự do để trở nên những con người trưởng thành và bản lĩnh, để khi ra khỏi môi trường Chủng viện, chủng sinh có khả năng sống nghiêm túc và độc lập.

Sau phần trình bày, Đức Tổng đã dành ra một khoảng thời gian để đối thoại với các chủng sinh. Buổi huấn đức kết thúc lúc 18g00 cùng ngày. Cuối cùng, Cha Giám đốc Giuse đã có lời cảm ơn Đức Tổng về chuyến viếng thăm và buổi huấn đức của ngài, một buổi huấn đức chắc chắn sẽ mang lại nhiều hoa trái cho các chủng sinh, đặc biệt ở ngưỡng cửa của một mùa nghỉ hè sắp đến.

Đại Chủng Viện Huế