Dân Chúa Âu Châu

GNsP (22.03.2017)- Thủ Thiêm xưa là một vùng quê nhỏ bé, nằm ven sông Sài Gòn ít ai biết đến. Người ta kể rằng Thủ Thiêm được đọc trại đi từ “Thổ Thêm” (Thổ: đất) có nghĩa là vùng đất bồi mỗi ngày một cao thêm nhờ sông Sài Gòn.

Giáo họ Thủ Thiêm ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 19, nằm đối diện bên kia sông của Sài Thành. Năm 1859 Cha sở tiên khởi Gabriel Nguyễn Khắc Thành chính thức về coi sóc Họ đạo Thủ Thiêm. Họ đạo đã lấy mốc thời gian này làm năm thành lập.

Đến ngày 22-9-1968 Cha Augustinô Nguyễn Văn Lục (1920 -1991) chính thức đến nhận xứ và là Cha sở thứ chín của Giáo xứ Thủ Thiêm. Năm 1972, được phép của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, cha Augustinô thành lập giáo điểm mang tên “Thánh Tâm”, hiện nay tọa lạc tại P. An Lợi Đông, Q.2 – cách giáo xứ Thủ Thiêm khoảng 3km.

Giáo điểm Thánh Tâm thuộc Giáo xứ Thủ Thiêm đã trải qua 45 năm tuổi, với bao thăng trầm thay đổi. Từ năm 2005 khởi đầu việc nhà nước quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, cũng là lúc đời sống đạo tại Giáo họ Thánh Tâm bị xáo trộn nghiêm trọng. Bà con tín hữu dần dần buộc phải ra đi đến nơi chốn mới, đời sống tôn giáo của xóm đạo trở nên buồn tẻ. Nếu trước đây hàng tuần đều có 2 thánh lễ vào Thứ Năm và Chúa Nhật thì nay chỉ còn một thánh lễ vào Chúa Nhật. Nếu trước đây số tín hữu đến tham dự thánh lễ lên cả trăm người, ngồi chật kín lòng nhà thờ thì nay số người đến dự rất thưa thớt, chỉ còn khoảng 15-20 người. Đa phần họ phải đi khoảng 30 phút mới đến được nhà nguyện.

khoảng 20 người đến dự lễ vào lúc 7g30 sáng Chúa Nhật III Mùa Chay. Mỗi Chúa Nhật đều có thánh lễ vào giờ này

khoảng 20 người đến dự lễ vào lúc 7g30 sáng Chúa Nhật III Mùa Chay. Mỗi Chúa Nhật đều có thánh lễ vào giờ này

Chị Diễm, một bổn đạo nói trong ngậm ngùi: “tôi là người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Từ nhỏ đã học giáo lý ở đây. Bây giờ dù đã phải về sống ở Cát Lái nhưng hàng tuần tôi đều về đây để dự lễ. Đã thành một thói quen có từ nhỏ rồi!”

Sơ Maria Kiết, người đã phục vụ hơn 10 năm tại giáo họ cho biết: “từ năm 1968 khi cha Lục về nhậm sở Thủ Thiêm, ngài đã lưu tâm đến bà con tín hữu tại vùng heo hút này, nên đã đến lập một nhà nguyện để hàng tuần bà con có nơi dự lễ, không phải đi đò xa xôi vất vả đến nhà thờ Thủ Thiêm dự lễ nữa”.

Được biết vào thời điểm đó, vùng này rất heo hút, chằng chịt những con rạch không có đường lộ, muốn đi dự lễ phải đi bằng đò. Cảm thương tình cảnh ấy, vị mục tử đã đích thân tìm đến với đàn chiên nhỏ bé của mình.

Đến năm 2002 Cha Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm chính thức về nhận Giáo xứ Thủ Thiêm. Cha là Cha sở thứ 11 của Giáo xứ Thủ Thiêm. Cha tiếp tục công việc của các Cha sở trước, phục vụ Giáo xứ mỗi ngày thăng tiến về mọi mặt, đồng thời lưu tâm đặc biệt đến bà con tại giáo họ Thánh Tâm. Mỗi tuần có hai thánh lễ được cử hành tại đây cho bà con tham dự. Cha cũng sửa chữa lại ngôi nhà nguyện được khang trang hơn và mời được 2 nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm về phục vụ cho giáo điểm.

17353304_994775733956035_1364165423664707890_n

Từ năm 2005, với dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, cha G.B Niêm chấp nhận giải pháp di dời nhà nguyện về Tân Thạnh Mỹ để tiếp tục phục vụ bà con tín hữu đã buộc về đây sinh sống. Cha đã đưa ra 3 yêu cầu đối với nhà nước: 1. Cấp một khu đất bằng với diện tích hiện tại của giáo điểm; 2. Xây dựng lại một ngôi nhà nguyện như tại đây; 3. Hỗ trợ phí di dời. Tuy nhiên yêu cầu này của cha đã không được phía nhà nước đáp trả. Họ chọn giải pháp im lặng và tìm cách cô lập giáo điểm. Thường xuyên có người theo dõi xem nhà nguyện Thánh Tâm có còn thánh lễ hàng tuần không, hòng khi không còn tín hữu đến dự lễ nữa sẽ rắp tâm cưỡng chiếm.

Anh Lộc, một bổn đạo cho biết: “Họ thường xuyên rình xem có còn thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần ở đây không, để dễ bề cưỡng chiếm. Vì thế cha Sở G.B Niêm cố gắng duy trì thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần.”

Anh cho biết thêm: “Một ngôi đền nằm trong khu vực này, đã bị họ cưỡng chiếm khi không còn thấy có người đến cúng vái nữa. Họ đã đập và san bằng ngôi đền rồi!”

Và đó là lý do vì sao mỗi Chúa Nhật hàng tuần dù phải lặn lội đến ngôi nhà nguyện xa xôi, đường xá lầy lội, nhưng một số bà con tín hữu vẫn kiên trì đến dự lễ vì nếu ngôi nhà nguyện trở nên hoang vắng, ắt sẽ có một thế lực đen tối ập đến đập phá, cưỡng chiếm.

Pv. GNsP