Dân Chúa Âu Châu

Các quy định mới cho thấy các vấn đề tôn giáo sẽ phải phục vụ cho lợi ích của đảng Cộng sản Trung Quốc

Người Công giáo Trung Quốc cầu nguyện bên ngoài Vương cung
Thánh đường Sheshan ở Thượng Hải, đượcc xây dựng năm 1863.
Các điều luật bổ sung vào Quy định về các vấn đề tôn giáo của
Trung Quốc đang được các chuyên gia coi như một cách mà đảng
Cộng sản tăng cường kiểm soát tôn giáo. Ảnh của ucanews.com

 

Chính quyền Trung Quốc vừa đưa ra các điều luật bổ sung vào các quy định tôn giáo vốn sẽ thắt chặt kiểm soát nhà nước lên cả các nhóm tôn giáo hợp pháp và bất hợp pháp, theo các học giả tôn giáo ở Hồng Kông và Đài Loan.

 

Văn phòng Lập pháp của Hội đồng Nhà nước đã đưa ra một bản dự luật để sửa lại Quy định về tôn giáo (RRA) hôm 7-9. Họ giới thiệu thêm 26 điều khoản mới, tăng từ 48 lên 74 điều.

 

Ying Fuk-tsang, giám đốc Khoa Thần học của Đại học Trung Quốc Hồng Kông, chỉ ra rằng Điều 6 của dự thảo đã thêm vào các đơn vị tổ chức ở các cấp độ khác nhau để kiểm soát các vấn đề tôn giáo.

 

“Ông có thể thấy việc quản lý tôn giáo được mở rộng từ chính quyền đến các đơn vị cơ sở như làng xã hoặc khu phố”, Ying nói với ucanews.com.

 

Cha Choy Siu-Kai, phó giáo sư của Chủng viện Alliance Bible, cho biết các điều luật bổ sung cấp thêm quyền lực để giám sát và quản lý các nhóm tôn giáo.

 

“Nếu có bất kỳ một xung đột tôn giáo nào xảy ra, thì các quyền của người có tôn giáo và cộng đồng của họ có cơ hội bị xâm phạm lớn hơn”, ông nói và thêm rằng điều đó sẽ khó khăn hơn để “hưởng quyền tự do tôn giáo mà hiến pháp bảo đảm”.

 

Giáo sư Shih Chien-yu, tổng thư ký Hiệp hội nghiên cứu Trung Á ở Đài Loan, cũng tỏ ra lo ngại. “Điều đó nhấn mạnh tính địa phương hóa, hợp pháp hóa và Trung Quốc hóa,” Shih nói với ucanews.com.

 

“Nói đơn giản là chính sách tôn giáo ở Trung Quốc hiện nay nhằm ngăn chặn hoặc cắt đứt sự can thiệp trực tiếp từ các lực lượng tôn giáo bên ngoài và nhằm cố gắng làm cho chính sách tôn giáo được vững mạnh và có liên hệ đến pháp luật”, ông nói thêm.

 

Chương mới về giáo dục tôn giáo

 

Dự luật liệt kê bảy điều khoản mới trong một chương mới về giáo dục tôn giáo cho thấy rằng chính quyền Trung Quốc hiểu tầm quan trọng trong việc áp dụng kiểm soát lên khía cạnh này, theo ông Ying.

 

Trong một bình luận cho ucanews.com, Jia Ruohan, một người Công giáo ở Chongqing, tiết lộ rằng mỗi chủng viện Công giáo đã phải báo cáo giáo dục ý thức hệ và chính trị cho nhà chức trách địa phương nhằm hiệu chỉnh các vấn đề trong giáo dục Công giáo được ban thanh tra chính phủ xác nhận.

 

Chương trình giảng dạy mới này được thảo luận trong cuộc họp “không phải là việc giảng dạy bình thường của Giáo hội bởi vì chúng có khuynh hướng chính trị mạnh mẽ”, ông viết.

 

Một điểm khác nữa là chính sách hiện nay quy định rằng giáo viên từ bên ngoài Trung Quốc phải cùng được Vụ tôn giáo và Văn phòng quản lý chuyên viên nước ngoài chấp nhận.

 

“Giáo viên nước ngoài phải đồng ý với tư tưởng Trung Quốc hóa để được cấp đủ điều kiện”, Jia nói. “Họ không phải truyền bá các giá trị phương tây, vốn thường giống với những điều Giáo hội ủng hộ, các giá trị như bình đẳng, nhân quyền và công bằng”.

 

Shih chỉ cho thấy một điều luật mới giao nhiệm vụ cho nhà chức trách chống lại “ba lực lượng” khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo.

 

“Điều luật này rõ ràng nói rằng một tôn giáo có thể hướng dẫn hoặc giới thiệu những ‘lực lượng này’ … Không khó để liên kết điều này với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và miền tây bắc Trung Quốc”, Shil nói.

 

Kiểm soát chặt việc bổ nhiệm chức sắc tôn giáo

 

Trừ phi Vatican đồng ý chia sẻ quyền với Bắc Kinh, Vatican sẽ đụng phải Điều 70.2 vốn cấm bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo của các lực lượng nước ngoài mà không có sự cho phép của nhà nước.

 

“Các bổ nhiệm giám mục của Đức Giáo hoàng có thể bị xem là sự lôi kéo của một lực lượng nước ngoài. Nhưng nếu cũng được Bắc Kinh chỉ định, lúc đó không bị xem là ‘không có sự cho phép của nhà nước’”, Cha John, một linh mục ở Trung Quốc, giải thích.

 

Văn phòng Lập pháp Trung Quốc nói rằng một trong những mục tiêu của họ là để sửa chữa lại sự thương mại hóa của các nhóm Phật giáo và Lão giáo. Nhưng các điều khoản mới về tài sản tôn giáo, thanh tra tài chính và kiểm toán chỉ là cách khác cho chính quyền siết chặt kiểm soát của mình, theo ông Ying.

 

“Nó làm cho chính quyền dễ dàng nắm kiểm soát hoạt động của các nhóm đó hơn”, ông nói.

 

Nhưng một số người Công giáo Trung Quốc đã tìm thấy một lỗ hổng trong đó. Ví dụ, Điều 75 không cho phép quyên góp trên 100.000 tệ (khoảng 15.000 Mỹ kim) từ bên ngoài Trung Quốc, nhưng “chúng tôi có thể yêu cầu khoản quyên góp này gửi về nước theo từng khoản tiền nhỏ mỗi lần”, Têrêsa, một người Công giáo ở đại lục không muốn nêu tên đầy đủ, cho biết.

 

Quy định về tôn giáo trước đây được ban hành năm 2004 và có hiệu lực tháng 3-2005. Một cuộc lấy ý kiến công chúng về dự thảo mới này kéo dài tới ngày 7-10, được thông báo trên website của Văn phòng Lập pháp Hội đồng Nhà nước.

 

Ủy ban Công lý và Hòa bình Công giáo đang dự định đóng góp ý kiến cho dự thảo. Viên chức Or Yan-yan cho biết người ta phải xem xét các điều bổ sung trong mối liên quan thực tế ở Trung Quốc.

 

“Sau khi Tập Cận Bình giữ chức chủ tịch, đã có một cuộc đàn áp liên tục vào xã hội dân sự và nhân quyền. Không có ngoại trừ cho tôn giáo”, bà nói và thêm rằng “chúng tôi không có nhiều hy vọng” rằng việc sửa đổi luật này sẽ cải thiện tự do tôn giáo.

 

“Hội nghị toàn quốc về công tác tôn giáo hồi tháng Tư cho thấy tôn giáo là công cụ phục vụ lợi ích của đảng mà thôi”, bà nói.

 

(UCAN 19.09.2016)