Dân Chúa Âu Châu

lefigaro.com, Marie Théobald , Paul de Coustin, 2016-07-26

Sáng thứ ba 26 tháng 7-2016, cha Hamel 86 tuổi, bị cắt cổ trong nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray, gần tỉnh Rouen, cha được mô tả như người nhân hậu, luôn phục vụ người khác.

Linh mục Jacques Hamel là linh mục phụ tá của một trong hai giáo xứ của Saint-Etienne-du-Rouvray, sáng thứ ba 26 tháng 7, cha đã bị bắt làm con tin và đã bị hai người dính đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng giết.

Linh mục đang dâng thánh lễ ở nhà thờ Saint-Etienne thì có hai người đàn ông đột nhập vào nhà thờ cắt cổ ngài, hai người này đã bị lực lượng an ninh bắn hạ. Một giáo dân bị bắt làm con tin khác bị thương nặng.

Linh mục Jacques Hamel sinh năm 1930 ở Darnétal, vùng Seine-Maritime. Ngài thụ phong linh mục năm 1958 và đã mừng lễ kim khánh chức linh mục năm 2008.

Vì cha xứ Auguste Moanda-Phuati vắng mặt nên cha Hamel cử hành thánh lễ. «Với số tuổi của ngài, ngài là một linh mục can đảm. Các linh mục có quyền về hưu vào năm 75 tuổi, cha Hamel muốn tiếp tục ở lại phục vụ giáo dân vì ngài cảm thấy mình vẫn còn mạnh», cha xứ nói với báo Figaro, giọng nghẹn ngào khóc tức tưởi. Linh mục Jacques Hamel nói, vì không có đủ linh mục, nên ngài có thể phục vụ. Ngài là người nồng hậu. «Đó là một người đơn sơ, không hào nhoáng, người sống đơn giản nhất có thể. Chúng tôi thừa hưởng rất nhiều về kinh nghiệm và khôn ngoan của ngài trong giáo xứ Saint-Etienne», cha xứ Auguste nói tiếp. «Đó là một linh mục nhân hậu, suốt đời phục vụ người khác. Chúng tôi không hình dung sẽ xảy ra một việc như thế này. Linh mục Hamel dậy sớm để làm lễ (…) và chỉ có 5 người», cha Auguste nói thêm, cha là người Congo và cha phải bỏ dở kỳ hè của mình để về với giáo dân nhanh nhất có thể.

 «Một con người của hòa bình»

Được mô tả là người «nồng hậu, đơn sơ, sống khiêm tốn», cha Hamel được giáo dân rất mến chuộng.

«Chúng tôi cùng độ tuổi. Chúng tôi thường gặp nhau, gần như mỗi tuần chúng tôi đều gặp nhau để ăn sáng với nhau. Đó là một người rất quên mình, rất kín đáo, rất quan tâm. Trong các cuộc gặp gỡ ở giáo xứ ở Rouen, khi cha bước vào căn phòng thì y như lúc nào ở đó cũng có một tia nắng mặt trời trong các cuộc gặp gỡ», cha Aimé-Rémi Mputu Amba, niên trưởng họ đạo Sotteville-lès-Rouen cho biết.

«Bạn có thấy một cha xứ nào về hưu không? Tôi sẽ làm việc cho đến hơi thở cuối cùng»

Linh mục Jacques Hamel

«Dù tuổi đã cao, cha luôn tham dự vào các công việc của giáo xứ. Giáo dân hay nói đùa với cha ‘Jacques, cha làm việc nhiều quá đó nghe, cha đến tuổi hưu rồi’. Nghe vậy, khi nào cha cũng vừa cười vừa nói: ‘Con có thấy một cha xứ nào về hưu không? Cha sẽ làm việc cho đến hơi thở cuối cùng». Đối với cha, ra đi khi dâng thánh lễ là một hình thức thánh hiến, dù phải ra đi trong trạng huống bi thảm».

Trong lá thư giáo xứ tháng 6 – 2016, cha Jacques Hamel đã viết: «(…) Ước mong trong những giây phút này, chúng ta nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy chăm sóc thế giới này, để làm sao nơi chúng ta sống, nơi đó là một thế giới nồng hậu hơn, có tình người hơn, có tình anh em hơn (…)»…

«Các cộng đoàn tôn giáo chúng tôi thường làm việc chung với nhau. Từ 18 tháng nay và từ khi có các cuộc tấn công ở Pháp, chúng tôi có những buổi họp ở hội đồng liên tín ngưỡng, và chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều», ông Mohammed Karabila cho biết, ông là Chủ tịch vùng hồi giáo của Normandie, ông mô tả linh mục Jacques Hamel là «một con người hòa bình, sốt sắng và có đặc sủng. Một con người tận hiến đời mình cho lý tưởng và tôn giáo của mình. Cha đã hy sinh đời mình cho người khác».

Theo ông Victor Mbeindjock Nola, người phụ trách văn phòng tuyên úy của giáo xứ cách đây hai năm, thì cha Hamel «rất được giáo dân mến yêu. Cộng đoàn công giáo ở Saint-Etienne, nơi có hai giáo xứ rất tương trợ nhau.  Đây là một cộng đoàn chỉ có 600 giáo dân, nhưng trong các dịp lễ, họ rất năng động».

Rất nhiều người đã chia buồn trên tài khoản Twitter, họ bày tỏ lòng thương mến vô bờ với cha.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Nguồn: phanxico.vn