Dân Chúa Âu Châu

WHĐ (13.06.2015) / Vatican Radio – Cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn của Đức Thánh Cha Phanxicô với các đại diện của các tôn giáo hiện diện tại Bosnia và Herzegovina là một trong các hoạt động chủ yếu trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha ở Sarajevo. Cuộc gặp gỡ này là “dấu chỉ của mong muốn chung về tình huynh đệ và hoà bình”, là “chứng từ của một tình bạn được xây dựng từ nhiều năm qua”, được trải nghiệm “trong sự sống chung và hợp tác hằng ngày”. Đức Thánh Cha giải thích: “Hiện diện ở đây đã là một ‘sứ điệp’ của cuộc đối thoại mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm và nỗ lực để đạt được”.

Đức Thánh Cha nhận định: “Bosnia và Herzegovina là nơi giao thoa của các dân tộc và các nền văn hoá, nhưng ở đây có cả những lợi điểm và bất lợi: nếu một mặt sự đa dạng bao gồm một nguồn lực lớn giúp cho vùng này phát triển về xã hội, văn hoá và tinh thần; thì mặt khác cũng lại là nguyên nhân của những xâu xé đau thương và những cuộc chiến đổ máu”.

Thế nên, theo Đức Thánh Cha, trong một đất nước giập nát vì bạo lực đã 20 năm, “đối thoại liên tôn là một điều kiện thiết yếu cho hoà bình, và do đó là bổn phận của mọi tín hữu”. Đối thoại lại càng quan trọng hơn vì đó là “ngôi trường của nhân loại và là yếu tố hiệp nhất giúp xây dựng một xã hội đặt nền tảng trên lòng bao dung và sự tương kính”. Cuộc đối thoại này phải mở rộng ra hết mức đến mọi tín hữu, bao gồm cả nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau”.

Đức Thánh Cha phân tích: “Bosnia và Herzegovina có thể là một điển hình của việc chung sống hoà bình, khi Sarajevo –vốn là biểu tượng của chiến tranh và huỷ hoại– với sự đa dạng về dân tộc, văn hoá và tôn giáo, có thể lại trở nên dấu chỉ của hiệp nhất, nơi mà sự đa dạng không bị coi là một de doạ nhưng như một sự phong phú và một cơ hội để cùng nhau phát triển”.

Điều đó vẫn là một lý tưởng, các nhà lãnh đạo tôn giáo của đất nước này cũng như Đức Thánh Cha đều biết rõ như thế, rằng con đường phải đi còn dài. Chủ tịch cộng đồng Do Thái giáo tại đây, ông Jakob Finci, thừa nhận rằng “có nhiều vấn đề, nhưng chúng ta cùng nhau giải quyết”. Đại diện Giáo hội Chính thống bổ sung: “Việc sống chung hoà bình và kính trọng lẫn nhau, sau cuộc chiến vừa qua, vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn”; và còn nói mạnh hơn: “Chúng ta là con cái của Giáo hội Chúa, chúng ta phải lo lắng và xấu hổ về sự kiện ở đất nước chúng ta, các Kitô hữu đã giết người Kitô hữu và những người không phải là Kitô hữu”.

Cuộc chung sống này cũng liên quan đến lĩnh vực chính trị. Husein Kavazović, người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo ở Bosnia và Herzegovina bày tỏ hy vọng “các nhà chức trách của đất nước chúng ta sẽ tìm ra cách thúc đẩy phát triển, cải thiện nền hoà bình xã hội dựa trên lòng kính trọng lẫn nhau, và một chính sách hội nhập về xã hội trong đất nước – chính sách ấy phải quân bình, thận trọng và xây dựng”.

Phát biểu của các vị đại diện các tôn giáo không hẳn là một ghi nhận đáng buồn, nhưng còn là niềm hy vọng. Như lời của vị giám mục Chính thống giáo: “Những điều tốt đẹp và được xây dựng ở Bosnia Herzegovina chính là hoa trái của việc giao thoa các nền văn hoá, các tôn giáo và các dân tộc khác nhau sống ở đây”.  

Minh Đức
 
Nguồn: WHĐ