Dân Chúa Âu Châu

VRNs (26.01.2015) –Sài Gòn- Từ lâu rồi sự phân chia giữa Trung Quốc và Giáo hội vẫn là ‘một vết thương toang hoác” và cần “phải được quan tâm chữa trị”. “Do đó Tòa Thánh cần đối thoại với nhà cầm quyền Trung Quốc, để thực hiện ‘bước đầu’ của đối thoại. Bởi vì nếu như mối quan hệ nhập nhằng giữa Giáo hội và giới lãnh đạo Trung Quốc được đả thông, thì nguyên nhân của sự bất đồng giữa các Giáo hội Trung Quốc sẽ được thấu hiểu.”

Đức Giám mục giáo phận Tề Cáp Nhĩ [Qiqihar] nằm phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang, Đức Cha Giuseppe Wei Jinhyi, phát biểu cách thẳng thắn như trên.

Mọi người đều biết rằng việc tấn phong Giám mục của ngài không được nhà cầm quyền Trung Quốc công nhận và người ta biết đến ngài như vị đại diện cho điều gọi là phần tử “bất hợp pháp” của Giáo hội Trung Quốc: một thuật ngữ được dùng để chỉ những Giám mục, linh mục và giáo dân “Hầm trú”, những người từ chối không theo chính sách tôn giáo của Bắc Kinh.

Đức Cha Giuseppe Wei Jinhyi sinh năm 1958 lúc Mao Trạch Đông còn nắm chính quyền. Đức Cha Giuseppe đã từng ngồi tù 3 lần và bị quản thúc. Lần ngồi tù lâu nhất là hơn 2 năm, từ tháng 9 năm 1990 đến tháng 12 năm 1992.  Đó là một phần của nguyên do tại sao ngài phát biểu rất hùng hồn và thẳng thắn như vậy.

Chúng ta hãy nghe những chia sẻ của Đức Cha qua cuộc phỏng vấn với ký giả Gianni Valente của báo Vaticaninsider như sau:

Ngài trở thành một Kitô hữu như thế nào?

Thành viên đầu tiên trong gia đình chịu phép rửa tội là ông tôi. Khi lớn lên, cha mẹ tôi là gương mẫu cho tôi, họ là những Kitô hữu thánh thiện. Khi còn nhỏ, gia đình tôi một lần gặp nạn đói, chúng tôi buộc phải di cư từ Hà Bắc, vùng ngoại ô Bắc Kinh, tới vùng Đông Bắc, tỉnh Cát Lâm.

Ngài lớn lên trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Đức tin của ngài được nuôi dưỡng như thế nào trong suốt thời gian thử thách đó?

Năm tháng trôi qua quá nhanh. Việc Kitô hữu diễn ta đức tin nơi công cộng bị cấm đoán. Chỉ có một ít gia đình Công giáo và họ rất sỡ hãi. Tôi nhớ đôi lần chúng tôi gặp gỡ họ và cầu nguyện cùng nhau trong nhà, đặc biệt là vào dịp lễ trọng. Đây là cách chúng tôi duy trì đức tin.

Cho tới khi nào?

Mọi thức bắt đầu thay đổi vào cuối thập niên 70. Đó là lúc tôi mong muốn trở thành 1 linh mục. Trước cuộc cách mạng văn hóa, một người anh trai của cha tôi đã trở thành một tu sỹ Dòng Thánh Tâm và chú tôi cũng học tại chủng viện.

Hiện tại có phải các gia đình Công giáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ đức tin?

Nhịp độ xã hội đã thay đổi, mọi thứ áp đảo điên cuồng. Nhiều gia đình Công giáo thậm chí không có thời gian đọc kinh cầu nguyện chung như họ từng làm. Mọi thứ đã dừng lại. Những nghi lễ phong tục đã không còn mạnh. Trước đây, linh mục chờ con chiên vào nhà thờ xưng tội, hoặc dâng lễ và cử hành các Bí tích. Ngày nay, để rao giảng Lời Chúa, bạn phải đi ra ngoài giáo xứ và thể hiện cho mọi người thấy tình yêu của Thiên Chúa là tất cả và đức tin có thể nở hoa như thế nào trong đời sống hằng ngày.

ĐTC thường nói rằng bản chất của Giáo hội là “đi ra”. Đức Cha có theo sự chỉ dẫn đó không?

Chúng tôi theo mọi thứ: Chúng tôi theo dõi các bài giảng của ĐTC trong thánh lễ sáng tại nguyện đường Santa Marta, theo dõi các bài giáo huấn của ngài. Bài Giáo lý hàng tuần trong buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, các bài nói chuyện của ĐTC trong buổi tiếp kiến các Hội đoàn, Cơ quan Chính phủ… Chúng tôi luôn dõi theo mọi thứ ĐTC giảng qua mạng lưới Internet. Mọi thứ đến với chúng tôi như thế đó! Có thể trễ hơn một ngày, nhưng chúng tôi có thể truy cập và theo dõi.

Quan điểm của Ngài như thế nào?

ĐTC Phanxicô là món quà đặc biệt của Thiên Chúa cho Giáo hội hôm nay và cho toàn thể nhân loại. Những việc ĐTC đề xuất rất phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Giáo hội và xã hội Trung Quốc.

ĐTC Phanxicô từng nói rằng, con đường Giáo hội chúng ta đi đã được chỉ ra trong bức thư gửi Giáo hội Trung Quốc năm 2007. Có đúng vậy không thưa Đức cha?

Chắc chắn là vậy. Nó đại diện cho sự phân chia ranh giới rõ ràng. Nó chỉ cho thấy Giáo hội Trung Quốc phải đối phó và sống hiện tại trong hoàn cảnh của mình như thế nào với nhà cầm quyền, với tất cả những vấn đề đang tồn tại trong xã hội.

Một trong những vấn đề đó là sự phân chia giữa cái gọi là Giáo hội “Quốc doanh” và giáo hội “Hầm trú”. Điều này dường như phụ thuộc vào tham vọng cá nhân và đấu tranh quyền lực.

Đấu tranh giành quyền lực và địa vị gây ra sự chia rẽ ngày nay. Không may trong Giáo hội 2000 năm qua cũng vướng vào sự bất đồng và chia rẽ do quyền lực. Nhưng trong xã hội Trung Quốc ngày nay, đây là hậu quả của những áp lực nội tại. Có sự phân chia trong cách chính quyền đối xử với Giáo hội và sự chân chia này đã tích tụ xuyên suốt lịch sử. Vì thế, nếu vấn đề về mối quan hệ với chính quyền được giải quyết, sự phân chia giữa các Giáo hội Công giáo có thể được hòa giải. Vấn đề mối quan hệ với thế lực chính trị cần được đề cập đến càng sớm càng tốt. 

Một số người cho rằng nếu Tòa Thánh thượng lượng với nhà cầm quyền Trung Quốc thì tình hình sẽ được “dễ thở” hơn?

Sự thật cần làm rõ! Rõ ràng vì có những vấn đề, giải pháp cần được khám phá qua đối thoại và thương lượng với Chính phủ, để thiết lập các kênh cho cuộc đối thoại ngoại giao nữa. Đây là cách giải quyết các trở ngại đang gây ra chia rẽ. Con đường cần đi là vấn đề làm sao cho Giáo hội được hiệp nhất: giữa Giáo hội “Quốc doanh” và Giáo hội “Hầm trú”, thậm chí có thể gặp rủi ro và có những hiểu nhầm.

Tại sao?

Bởi vì sự chia rẽ mọc rễ trong vết thương giữa mối quan hệ giữa Giáo hội và Trung Quốc từ xa xưa. Nó là vết thương toang hoác cần được quan tâm và chữa trị. Mối bất hòa giữa Giáo hội và Trung Quốc – được phản ánh trong xã hội Trung Quốc- cần được vượt qua vì một trong những ảnh hưởng của nó đã tạo ra chia rẽ giữa Giáo hội “Quốc doanh” và “Hầm trú”. Cần có một sự phân tích mang tính chất lịch sử để hiểu biết nguyên nhân và có thể làm được điều này nếu có cuộc đối thoại giữa Giáo hội và Trung Quốc.

Một số người cho rằng Giáo hội không nên quá tin tưởng và trước hết phải có sự đảm bảo.

Tôi nghĩ bất kì loại lý thuyết về đấu tranh cho đến cùng hay chiến tranh lạnh đều đi ngược lại căn tính Kitô hữu. Đối kháng và lỗi lầm của quá khứ cần được thảo luận, chúng tôi cần cần sự thay đổi nơi con tim như ĐTC Phanxicô đã nói. Đây là con đường mà chúng ta, những người Công giáo cũng như chính quyền có thể tiến đến và hàn gắn lại. Mỗi người cần góp sức vì sự hòa hợp, hòa giải và hòa bình. Đây chính là con đường mà Kinh Thánh đã nhắc đến. Quan niệm của người Trung Quốc cũng ủng hộ bất cứ việc gì thúc đẩy sự hòa giải và hòa bình.

Ai cần thực hiện bước đầu tiên?

Những bước đầu tiên đã được thực hiện. Chúng ta ủng hộ tất cả các bước mà ĐTC đang xúc tiến để sẵn sàng cho cuộc đối thoại của Ngài. Một Kitô hữu luôn cố gắng thực hiện bước đầu tiên để đem đến sự hòa giải và chữa lành vết thương xã hội và con người. Vì thế Giáo hội thực hiện bước đầu tiên là rất đúng đắn. “Xa lánh” thì không tốt! Không phải là cuộc tranh đấu để xem ai thực hiện bước tiếp theo, nhưng là ai thực hiện bước đầu tiên.

Nhưng cộng đoàn công giáo sẽ phản ứng thế nào nếu đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh trở nên cứng nhắc?

Phần đông sẽ ủng hộ việc đối thoại với Chính phủ như là cách giải quyết vấn đề của Giáo hội. Đây là cách làm cho đời sống của các tín hữu dễ dàng hơn.

Ngay cả trong Giáo hội “Hầm trú”? Không có mối nguy hiểm về một sự phân chia trầm trọng hơn?

Phần lớn Giáo hội “Hầm trú” cũng sẽ ủng hộ giải pháp này. Đầu tiên sẽ có một số nhỏ xôn xao, cho rằng ĐTC không hiểu và cho rằng Giáo hội có thể mất mặt. Nhưng rồi họ sẽ hiểu và sẽ đi theo con đường này.

Về vấn đề thụ phong Giám mục, trong thư năm 2007 có đoạn ĐTC viết: “Tôi tin rằng có thể đạt được thỏa thuận với chính quyền để giải quyết một vài vấn đề trong việc chọn lựa ứng viên Giám mục.”

Để trở nên Giám mục Công giáo, ứng viên cần có hiệp thông với Đức Thánh Cha, là đấng kế vị Thánh Phêrô. Dưới những điều kiện bình thường, sự hiệp thông này thể hiện ra với công chúng. Dù bất kỳ phương pháp chọn lựa nào, không được tự ý bổ nhiệm Giám mục. Việc bổ nhiệm phải do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm hoặc dưới sự công nhận của Ngài. Chúng ta có thể thảo luận về việc bổ nhiệm thành sự như thế nào. Nhưng đây là điều tiên quyết cần phải có.

Có tiêu chuẩn chính nào cần xem xét không?

Lãnh đạo mục vụ và giáo sỹ tại Giáo hội Trung Quốc là dưới sự dẫn dắt của các Giám mục. Những Ủy ban như Ủy ban đại diện Công giáo và Hiệp hội Công giáo Yêu nước có thể được bãi bỏ. Hoặc có thể tồn tại nhưng không liên quan gì đến vấn đề mục vụ, cử hành thánh lễ và những khoản liên quan đến Giáo Luật. Đó chỉ là một tổ chức chính trị. Những cơ quan này không được phép gây trở ngại đến đời sống đức tin của tín hữu. Nếu cần  phải tái cấu trúc hai Ủy ban này để thích ứng với bản chất của Giáo hội. Điều quan trọng là những Ủy ban này không được phép quản lý các Giám mục khi có những vấn đề xảy ra liên quan đến đời sống nội bộ của Giáo hội.

Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc vẫn sống. Nhưng đức tin- như ĐTC Bênedictô XVI từng nói- thỉnh thoảng giống như một ngọn lửa sắp tàn lụi. Cái gì bảo vệ ngọn lửa này ngay cả trong tình cảnh nguy khó nhất?

Ngày nay mọi người đều biết dùng điện thoại di động. Nó là một công cụ hữu ích. Nhưng khi hết pin và bạn không thể sạc pin, nó không hoạt động và trở nên vô ích. Giáo hội cũng vậy! Chúng ta có thể đấu tranh cho sự hiệp nhất. Nhưng nếu không có sự hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa, qua đời sống cầu nguyện, không thể làm được việc gì. Và tất cả nỗ lực của chúng ta để xây dựng sự hiệp nhất sẽ trở nên vô nghĩa.

Minh Trang

Nguồn: http://www.chuacuuthe.com