Dân Chúa Âu Châu

Đức Phanxicô gặp các nạn nhân của các trận cuồng phong ở Phi Luật Tân (Photo: Benhur Arcayan)

cath.ch, Ucanews, 2018-03-17

Trong năm năm triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã đi năm nước Á châu. Ngoài các lần đi thăm Nam Hàn năm 2014, Sri Lanka và Phi Luật Tân năm 2015, Miến Điện và Bangladesh năm 2017, ngài còn cố gắng đối thoại với Bắc Kinh. Ngài luôn có các sáng kiến an ủi và khích lệ cho người công giáo ở Á châu.

Dấu hiệu quan tâm đầu tiên của Đức Phanxicô đối với Á châu là vào tháng 8 năm 2014, khi đang bay trên không phận Trung quốc trên chuyến bay đưa ngài đến Nam Hàn dự Ngày Thế giới Trẻ Á châu, ngài đã gởi thư cho chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình. Ngài ngỏ lời chào chủ tịch Tập Cận Bình, cử chỉ này, chỉ sau sáu tháng ngài được bầu chọn mở đường cho các quan hệ giữa Trung quốc và Vatican để bình thường hóa việc đề cử các giám mục. Vấn đề bị để qua một bên và làm rắc rối quan hệ hai bên từ hàng chục năm nay.

Dù có các giới hạn tin tức về các vấn đề này nhưng các nhà quan sát cũng cho biết, một thỏa thuận sẽ được ký trong một thời gian gần đây là chuyện có thể. Có người còn cho biết, một thỏa thuận sẽ được loan báo từ đây đến Tuần Thánh, vào cuối tháng ba. Dù sao, các cuộc thương thuyết cũng phát xuất từ các sáng kiến mà Đức Giáo hoàng chứng tỏ cho thấy ngài giữ lời hứa quay về với Á châu trong triều giáo hoàng của mình. 

Thánh Giuse Vaz, thánh Sri Lanka đầu tiên

Chỉ sáu tháng sau khi thăm Nam Hàn, Đức Phanxicô quay lại Á châu để phong thánh cho thánh đầu tiên của Sri Lanka và để thăm Phi Luật Tân, chiếc nôi công giáo ở Á châu, nơi có hơn 80 đến 100 triệu tín hữu công giáo. Cô Nissanka Jayaweera, cô giáo người công giáo sri-lanka 36 tuổi làm việc bên cạnh hội đồng tổ chức chuyến thăm giáo hoàng cho biết, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh, “để Sri Lanka được lành sau trận nội chiến lâu dài (1983 – 2009) thì tất cả các tôn giáo đều phải làm việc với nhau”. 

“Với Đức Phanxicô, Giáo hội được an toàn và đi tới trong chiều hướng tốt”

Cô Nissanka kể: “Đức Phanxicô xin người công giáo sri-lanka bắt chước gương thánh Giuse Vaz, nhà truyền giáo Ấn Độ đến rao giảng Tin Mừng ở Sri Lanka vào cuối thế kỷ 17, một gương mẫu của đức tin vào thời khủng hoảng”, cô Nissanka tham dự thánh lễ phong thánh của Thánh Giuse Vaz ngày 14 tháng 1 năm 2015 ở thủ đô Colombo. Cô Nissanka nói tiếp: “Đức Giáo hoàng nhắc đến việc hòa giải, hòa bình và công chính cho tất cả các cộng đoàn sau trận nội chiến kéo dài 26 năm. Ngài xin tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng làm việc chung để chữa lành các vết thương cho các nạn nhân chiến tranh. Các người công giáo sri-lanka đã tặng cho quỹ từ thiện của giáo hoàng 8 triệu rúp sri-lanka, vào khoảng 42’000 âu kim, nhưng ngài đã trao lại số này cho Hội đồng giám mục Sri Lanka để giúp người nghèo trong nước”.

Linh mục S. Anthony, một linh mục người tamun ở giáo phận bị thiệt hại vì chiến tranh cho biết, Đức Giáo hoàng đã gặp các gia đình nạn nhân chiến tranh ở đền thờ Đức Mẹ Madhu, miền đông-bắc nhân dịp ngài đến thăm đền thánh xưa cổ 400 năm này, nơi này đã đón hàng ngàn người tị nạn trong thời kỳ chiến tranh. Linh mục Anthony nhắc lại: “Đức Giáo hoàng đã can đảm nhắc lại, có rất nhiều gia đình bị giết trong thời kỳ bạo động khủng khiếp và chết chóc đã xảy ra trong những năm tháng nội chiến này”.

Thăm những người sống sót của trận cuồng phong Hải Yến

Tiếp sau chuyến đi Sri Lanka, Đức Phanxicô đến Phi Luật Tân từ ngày 15 đến 19 tháng 1 -2015, người Phi Luật Tân rất xúc động nhất là những người sống sót sau trận cuồng phong Hải Yến tháng 11 năm 2013. Đức Giám mục Pablo Virgilio David, giáo phận Caloocan, miền bắc thủ đô Manila vui mừng trước lời kêu gọi không ngừng của Đức Phanxicô để Giáo hội trở nên “truyền giáo, công giáo và sống động thêm nữa”. Đức Giám mục Ruperto Santos giáo phận Balanga nói thêm: “Đức Phanxicô là ơn của Chúa cho Giáo hội hoàn vũ. Triều giáo hoàng của ngài là ơn cho chúng tôi”, giám mục Santos là người lo cho các người di dân và những người phải xa nhà trong hội đồng giám mục. Giám mục Santos tỏ lòng kính mến Đức Phanxicô: “Ngài có một lòng trắc ẩn bao la với những người yếu đuối, những người không có tiếng nói. Như thuyền của Thánh Phêrô, Giáo hội được an toàn và đi tới trong chiều hướng tốt”.

“Ngày hôm đó dù có bão, ngài đã ở lại giữa chúng tôi”

 

 

 

Ông Fidelino Josol, người sống sót trong trận cuồng phong Hải Yến ở thành phố bờ biển Tacloban, phía đông bán đảo tin rằng, cuộc gặp với Đức Giáo hoàng sau khi chúng tôi đã mất tất cả của cải tài sản, người thân thật sự là “niềm an ủi” cho người dân ở bang Leyte. Ông phát biểu: “Ngài khuyến khích những người sống sót bám vào đức tin để vượt lên đau khổ của mình. Cuộc gặp với ngài thật sự ở trong sự hiện diện của Chúa”. Trong chuyến đi của Đức Phanxicô, một trận bão khác đã thổi đến làm hàng ngàn người tham dự thánh lễ bị ngập lụt, ông Fidelino nhớ lại: “Ngày hôm đó dù đang cơn bão, ngài ở lại với chúng tôi”, ông hát trong ca đoàn của thánh lễ. Linh mục Lenox Garcia, giáo phận Borongan cho biết: “Ngày hôm đó dù có cơn bão, cuộc gặp của Đức Giáo hoàng với các nạn nhân trận cuồng phong đã cho chúng tôi hy vọng và can đảm để đi tới đàng trước”.

Năm 2017, Miến Điện và Bangladesh

Các chuyến đi của Đức Phanxicô ở Á châu, để phong thánh, rồi đến thăm nôi công giáo Phi Luật Tân có vẻ như là các chọn lựa dễ dàng. Nhưng vào cuối năm 2017 chuyến đi của ngài đến Miến Điện và Bangldesh thì rõ ràng không dễ dàng. Cả hai nước đang khủng hoảng sau khi có hàng trăm ngàn người Rohingya bị trục xuất. Đức Phanxicô quyết tâm đến Miến Điện, phá nghi lễ bình thường. Khi đến nơi, ngài đi theo một đường hướng đặc biệt tế nhị, giữa sự kêu gọi cho hòa bình và cho người tị nạn và lời kêu gọi của Đức Hồng y Charles Maung Bo và bà Aung San Suu Kyi xin đừng làm cho tình trạng bị nổ bùng.

Linh mục Alexander Kyaw Win, của giáo xứ Tổng lãnh Thiên thần Micae ở Dala, miền nam Rangoun cho rằng chuyến đi của giáo hoàng là chuyến đi lịch sử có lợi cho Giáo hội công giáo ở Miến Điện, linh mục cho biết: “Rất nhiều người Miến Điện không biết đạo công giáo, chuyến đi của ngài đã bảo vệ cho hình ảnh Giáo hội công giáo và làm thuận tiện cho sự đóng góp của Giáo hội trong việc tái xây dựng đất nước”.

“Các giám mục có vẻ không xem trọng sứ điệp của Đức Giáo hoàng”

Bác sĩ Benedict Alo D’Rozario, thư ký hội đồng trung ương tổ chức chuyến đi giáo hoàng cho biết, điểm son của chuyến đi của Đức Phanxicô đến Bangladesh là cuộc gặp gỡ liên tôn ngày 2 tháng 12: “Đức Phanxicô đã cầu nguyện với các người tị nạn Rohingya, hồi giáo, hinđu và phật giáo. Đám đông trước mặt ngài gồm tất cả các thành viên của các cộng đoàn này. Giây phút này sẽ ghi khắc rất lâu trong tâm trí của người Bangladesh”.  Đức Giám mục Gervas Rozario, giáo phận Rajshahi, phó chủ tịch hội đồng giám mục Bangladesh nói thêm, chuyến đi là một cách để công nhận và vinh danh đất nước: “Ngài nói với đại đa số người hồi giáo cũng như với thiểu số người công giáo. Sự kiện ngài ở giữa chúng tôi là làm chứng cho tình yêu của ngài đối với đất nước Bangladesh, đó thật sự là một sự nâng đỡ, mang lại niềm tin tưởng cho chúng tôi. Các khuyến khích này cho chúng tôi sức mạnh”.

Các lời kêu gọi bị phớt lờ?

Tuy nhiên, thật đáng tiếc cho người công giáo Phi Luật Tân, Miến Điện cũng như Sri-Lanka, các sứ điệp của Đức Giáo hoàng đôi khi như rơi vào các lỗ tai bị điếc. Linh mục Pete Montallana, Dòng Phan Sinh nhận xét, người Phi Luật Tân ngay cả ở hàng giám mục “có vẻ như không xem trọng sứ điệp của Đức Giáo hoàng”. Linh mục lấy làm tiếc: “Tình trạng gần như tệ hơn trước, vì chúng tôi từ chối không đi ra khỏi nơi yên ấm tiện nghi của mình. Thật quá dễ để chỉ tập trung vào những buổi phụng vụ đẹp và những tòa nhà lớn”. Trong chuyến đi của mình, Đức Phanxicô xin chính quyền, xin các giám mục Phi Luật Tân để tâm đến các vấn đề môi trường, nạn nghèo khổ, bất công. Đức Giám mục Fernando Capalla, giám mục danh dự giáo phận Davao, miền nam bán đảo cho biết, lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng “xin chấm dứt nạn bất công và nạn gạt ra bên lề xã hội tiếc thay đã bị phớt lờ”. Đức Phanxicô không ngừng nhắc các giám mục phải mang “mùi chiên của mình”, nhất là xin các linh mục giảng ngắn hơn và gần với giáo dân hơn. Dù có những lời kêu gọi hòa bình, đó là điểm chính trong triều giáo hoàng của ngài, nhưng điều này khi nào cũng lọt khỏi Miến Điện, nhất là bây giờ  hơn bao giờ hết, tuần vừa qua lại có các bạo lực giữa các tôn giáo khuấy động thêm một lần nữa ở Sri Lanka.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn