Dân Chúa Âu Châu

Khi dịp kỷ niệm 5 năm Triều đại Giáo Hoàng của mình đến gần, rõ ràng là ĐTC Phanxicô đã tạo ra một dấu ấn đối với đời sống của Giáo hội và sẽ tiếp tục như vậy. Trên thực tế, trong những tháng sắp tới, có thể sẽ có một văn kiện mới từ ĐTC Phanxicô, và một Cơ mật viện mới để bổ nhiệm các tân Hồng y.

Những khả năng này vẫn chưa được chính thức xác nhận. Tuy nhiên, những lời đồn đoán tại các hành lang của Vatican đã lan rộng, và một văn kiện mới cùng với các vị Tân Hồng y, dường như sắp xảy ra.

Khả năng về một văn kiện Giáo Hoàng mới đã bắt đầu lưu hành trong những ngày gần đây. Văn kiện này – theo báo cáo có thể sẽ là một Thông điệp – sẽ bàn về đời sống tâm linh của Giáo hội Công giáo trong thế giới hiện đại.

Đặc biệt, ĐTC Phanxicô dự kiến sẽ giải quyết vấn đề về tính thế tục, mà Ngài thường mô tả là một trong những vấn đề chính trong Giáo Hội.

Trong Thông điệp ‘Evangelii Gaudium’, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng tính thế tục “có thể được thúc đẩy theo hai cách thức hết sức tương quan lẫn nhau”.

Thứ nhất đó là “sự cuốn hút của thuyết ngộ giáo”, tức là “một đức tin thuần túy chủ quan mà ích lợi duy nhất của nó chính là một kinh nghiệm nhất định hoặc là một tập hợp các ý tưởng và các thông tin có ý nghĩa để an ủi và soi sáng, nhưng cuối cùng lại khiến cho người ta bị cầm tù trong tư tưởng và cảm xúc của chính mình”.

Thứ hai đó là “thuyết tân Pelagiô của những người cuối cùng chỉ cậy dựa vào sức mạnh của chính mình và cảm thấy vượt trội hơn người khác bởi vì họ tuân thủ một số quy tắc nhất định hoặc một mực vẫn trung thành với một phong cách Công giáo đặc thù trong quá khứ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thêm vào đó “một sự hoàn hảo được cho là xuất phát từ giáo lý hay kỷ luật hướng đến việc đại diện cho một chế độ ưu thế vị kỷ và độc đoán, qua đó thay vì loan báo Tin Mừng, người ta xét đoán và phân loại người khác, và thay vì rộng mở ra với ân sủng, người ta sẽ kiệt quệ nguồn năng lượng của mình trong việc xem xét và xác minh. Trong cả hai trường hợp, người ta đều không thực sự quan tâm đến Đức Giêsu Kitô hay những người khác”.

Theo những lời đồn đoán, thuyết Pêlagio sẽ là trọng tâm chính của bất kỳ văn kiện Giáo Hoàng nào sắp tới.

Một số gợi ý về văn kiện đã được xác nhận này có thể được tìm thấy trong bài phát biểu của ĐTC Phanxicô tại Phiên họp Toàn thể của Bộ giáo lý Đức Tin, được đưa ra vào ngày 26 tháng Giêng năm 2018.

Nhân dịp đó, ĐTC Phanxicô đã ca ngợi công việc của một số thành viên về “một số khía cạnh của ơn cứu độ Kitô giáo, nhằm tái khẳng định ý nghĩa của ơn cứu độ bằng cách đề cập đến các xu hướng của thuyết thuyết Pelagiô (neo-pelagianism) và thuyết Ngộ Đạo (neo-gnosticism)”.

“Những xu hướng này”, ĐTC Phanxicô cho biết thêm, “chính là những biểu hiện của một chủ nghĩa cá nhân vốn tin tưởng vào sức mạnh của chính mình để được cứu độ”. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng các Kitô hữu “tin tưởng rằng ơn cứu độ trong sự hiệp thông với Đức Kitô Phục sinh, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, đã đưa chúng ta đến một trật tự mới trong mối liên hệ với Chúa Cha và con người”.

Nếu có một văn kiện, đó sẽ chính là một dấu hiệu tiếp theo của dấu ấn mà ĐTC Phanxicô đang thực hiện đối với Giáo Hội.

ĐTC Phanxicô cũng đang hình thành Giáo hội với các cơ mật viện, vì các vị Tân Hồng y có xu hướng phù hợp với một kiểu mẫu mà Ngài ưa thích. Với bốn cơ mật viện của mình, ĐTC Phanxicô đã thay đổi một cách sâu sắc thành phần của Hồng Y Đoàn, đồng thời đưa ra một sự nhấn mạnh đặc biệt đến các Giáo phận và các Giám mục ở những nơi xa xôi với những kinh nghiệm mục vụ của mình.

Một cơ mật viện khác dự kiến cũng sẽ sớm diễn ra, có thể vào tháng Sáu hoặc Tháng Mười Một sắp tới. Đức Hồng Y Paolo Romeo, nguyên Tổng Giám Mục Palermo, người đã bước qua tuổi 80 vào ngày 20 tháng Hai vừa qua, và sẽ không đủ điều kiện để bỏ phiếu trong một cơ mật viện tương lai.

Cho đến tháng Sáu sắp tới, 5 vị Hồng y khác sẽ bước qua tuổi 80, giảm con Hồng y cử tri từ 120 xuống còn 114 vị. Các vị Hồng y sẽ bước qua tuổi 80 đó là các Hồng y: Francesco Coccopalmerio, Keith O’Brien, Manuel Monteiro, Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Angelo Amato.

Bởi vì con số 120 là giới hạn tối đa của các vị Hồng y bỏ phiếu trong một Cơ mật viện, ĐTC Phanxicô có thể sẽ có 6 vị trí để bổ nhiệm thêm các vị Tân Hồng mới trong Cơ mật viện sắp tới.

ĐTC Phanxicô cũng có thể đưa ra quyết định để bổ nhiệm thêm các vị tân Hồng y, và sửa đổi giới hạn đối với các Hồng y bỏ phiếu. Hiện tại, có 49 Hồng y cử tri đã được bổ nhiệm bởi ĐTC Phanxicô, 52 vị được bổ nhiệm bởi nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, và 19 vị được bổ nhiệm bởi Thánh Gioan Phaolô II.

Với một cơ mật viện mới, ĐTC Phanxicô có thể sẽ trở nên đầy trọng trách với khối Hồng y cử tri lớn nhất trong cơ mật viện bầu Giáo Hoàng trong tương lai.

ĐTC Phanxicô sẽ có thêm nhiều vị trí cho các vị tân Hồng y vào năm 2019, khi các Hồng y Stanislaw Dziwisz, John Tong Hon và Edoardo Menichelli sẽ bước qua tuổi 80.

Trong thời gian chờ đợi, ĐTC Phanxicô đã bắt đầu một sự thay đổi đáng kể trong hàng ngũ của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, bổ nhiệm Đức Ông José Avelino Bettencourt và Đức Ông Alfred Xuereb vào cương vị là Sứ thần Tòa Thánh vào ngày 26 tháng Hai.

Đức Ông José Avelino Bettencourt đã trở thành Chánh Lễ tân Phủ Quốc Vụ Khanh kể từ tháng 11 năm 2012. Giờ đây Ngài đã được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh, nhưng hiện vẫn chưa có bài sai. Ngài có thể trở thành Sứ thần Tòa Thánh tại Georgia, một địa vị cũng có khả năng bao gồm Sứ thần Tòa Thánh tại Armenia và Azerbaijan, cũng như đối với Đức Tổng Giám mục Marek Solczynski, người đã từng phục vụ với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh tại Georgia cho đến năm 2017, trước khi được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Tanzania. Nhưng thông báo chính thức vẫn chưa được đưa ra.

Đức Ông Alfred Xuereb, nguyên là Tổng Thư ký của Bộ Kinh tế kể từ tháng 3 năm 2014. Trước đó, Ngài phục vụ dưới Triều Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, rồi sau đó là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, và tiếp tục vai trò này với Đức Phanxicô cho tới nay. Ngài cũng đã từng làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và sau đó là tại Phủ Giáo Hoàng.

Người ta cũng mong đợi rằng Đức Ông Antoine Camilleri, “Thứ trưởng Bộ Ngoại giao” của Vatican kể từ năm 2013, sẽ được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh, được cho là tại Singapore, một vị trí quan trọng, đồng thời cho rằng Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore cũng đồng nghĩa với việc sẽ là đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này vẫn chưa được chính thức công bố.

Đây chính là một động thái thú vị, với tư cách là phó “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao” của Vatican, thường ở vị trí tốt hơn Chánh Lễ tân Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Điều ấn tượng đó là ĐTC Phanxicô đang lên kế hoạch cho những thay đổi lớn trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nhưng hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra, và có thể những tin đồn đã được lan truyền về các quyết định bề nào cũng đã gây ra cho ĐTC Phanxicô một sự phiền nhiễu.

Tuy nhiên, có vẻ như ĐTC Phanxicô đang đẩy mạnh những động thái nhằm hình thành nên những định hướng cho Giáo hội, tạo thêm nguồn động lực cho tiến trình cải cách mà Ngài đã bắt đầu kể khi được bầu chọn làm Giáo Hoàng.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Nguồn: dcctvn.org