Dân Chúa Âu Châu

ROME – Đấu trường La Mã Colosseum sẽ được chiếu sáng bằng những ngọn đèn màu đỏ vào cuối tháng này để thu hút sự chú ý đối với cuộc bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Syria và Iraq.

Vào ngày thứ Bảy, ngày 24 tháng 2, lúc 6 giờ chiều, đấu trường Colosseum sẽ được chiếu sáng bằng những ngọn đèn màu đỏ, tượng trưng cho máu của các Kitô hữu đã bị thương hoặc thiệt mạng do cuộc bách hại tôn giáo.

Đồng thời, ở Syria và Iraq, các nhà thờ nổi bật sẽ được chiếu sáng bằng những ngọn đèn màu đỏ. Tại Aleppo, Vương Cung Thánh Đường St. Elijah nghi lễ Maronite sẽ được thắp sáng, và tại Mosul, Nhà thờ Thánh Phaolô, nơi mà vào ngày 24 tháng 12 vừa qua, Thánh lễ đầu tiên đã được cử hành sau khi thành phố được giải phóng khỏi tay ISIS.

Sự kiện này, được tài trợ bởi Tổ chức viện trợ các Giáo hội đau khổ (ACN), theo sau một sáng kiến tương tự năm ngoái, đã thắp sáng Tòa nhà Quốc hội London với màu đỏ, cũng như Nhà thờ Thánh Tâm tại Paris và Nhà thờ chính tòa tại Manila, Philippines . Năm 2016, Đài phun nước Trevi nổi tiếng ở Rôma cũng đã được thắp sáng.

Alessandro Monteduro, giám đốc ACN, đã phát biểu với các nhà báo hôm 7 tháng 2 rằng “việc thắp sáng đấu trường Colosseum sẽ có hai nhân vật biểu tượng: Asia Bibi, một Kitô hữu Pakistan đã bị kết án tử hình vì vi phạm luật báng bổ và người mà cáo trạng này biết bao nhiêu lần được kì vọng là sẽ thoát khỏi bản án này ; và Rebecca, một thiếu nữ đã bị tổ chức khủng bố Boko Haram bắt cóc cùng với hai đứa con khi mà chị đang mang thai đứa con thứ ba”.

“Một trong hai đứa con của chị đã bị sát hại”, ông Monteduro nói, “chị đã mất đi đứa con mà mình đã cưu mang, và sau đó chị đã tiếp tục mang thai sau một trong những hành động tàn bạo mà chị đã phải chịu đựng bởi những kẻ đã bắt cóc mình”.

Một khi chị đã được giải thoát và được đoàn tụ với chồng, chị đã quyết định rằng mình “không thể thù hận những kẻ đã gây ra cho mình quá nhiều đau khổ”, ông Monteduro nói.

Tổ chức viện trợ các Giáo hội đau khổ đã công bố một báo cáo hai năm một lần về cuộc bách hại chống lại Kitô giáo vào ngày 12 tháng 10 năm 2017, nêu chi tiết về việc Kitô giáo chính là một “cộng đồng đức tin bị bách hại nhiều nhất trên toàn thế giới” và về việc cuộc bách hại chống lại Kitô giáo ở nhiều khu vực tồi tệ nhất đã đạt đến “một đỉnh cao mới”.

Báo cáo đã xem xét 13 quốc gia, và kết luận rằng tình hình của các Kitô hữu trong các điều kiện tổng thể đối với giai đoạn 2015-2017 đã trở nên tồi tệ hơn trong hai năm trước đó.

“Có một trường hợp ngoại lệ đó là Ả-rập Xê-út, nơi mà tình hình đã trở nên hết sức tồi tệ đến nỗi khó có thể tìm ra bất kì sự tồi tệ nào”, báo cáo cho hay.

Trung Quốc, Eritrea, Iraq, Nigeria, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Ả-rập Xê-út, Sudan và Syria được xếp hạng “cực đoan” trong quy mô của cuộc bách hại chống lại Kitô giáo. Ai Cập, Ấn Độ và Iran được đánh giá là “cao đến mức cực đoan”, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là “mức độ vừa phải đến cao”.

Trung Đông là trọng tâm chính của báo cáo.

“Các chính phủ ở phương Tây và LHQ đã thất bại trong việc cung cấp cho các Kitô hữu ở các nước như Iraq và Syria sự trợ giúp khẩn cấp cần thiết khi nạn diệt chủng đang được tiến hành”, báo cáo cho biết. “Nếu các tổ chức Kitô giáo và các tổ chức khác đã không lấp đầy khoảng cách, sự hiện diện của các Kitô hữu có thể đã biến mất ở Iraq cũng như nhiều khu vực khác của Trung Đông”.

Cuộc di tản của các Kitô hữu từ Iraq đã trở nên “cực kì khốc liệt”. Các Kitô hữu ở trong nước hiện nay có thể lên tới con số 150.000 người, một sự sụt giảm từ con số 275.000 người vào giữa năm 2015. Trước mùa xuân năm 2017, đã có một số dấu hiệu hy vọng, với sự thất bại của nhóm Hồi giáo Nhà nước và sự trở lại của một số Kitô hữu trở về quê hương xứ sở của họ ở khu vực Nineveh Plains.

Sự ra đi của các Kitô hữu từ Syria cũng đã đe doạ sự tồn tại của các cộng đồng của họ trong nước, kể cả các trung tâm Kitô giáo mang tính lịch sử như Aleppo, ACN cho biết. Các Kitô hữu Syria phải đối diện với những mối đe dọa của việc cải đạo cưỡng bức và tống tiền. Một Giám mục Chaldea ở nước này đã ước lượng dân số Kitô hữu là 500.000 người, giảm từ con số 1,2 triệu trước chiến tranh.

Theo báo cáo, nhiều Kitô hữu trong khu vực lo sợ việc đặt chân tới các trại tị nạn chính thức, do những lo ngại về việc có thể sẽ bị hiếp dâm cũng như các hình thức bạo lực khác.

ACN cũng đã thảo luận về nạn diệt chủng gây ra bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo và các chiến binh khác tại Syria và Iraq. Trong khi ISIS và các nhóm khác đã đánh mất các trụ sở chính của họ, ACN cho biết rằng nhiều nhóm Kitô hữu đang bị đe dọa tuyệt chủng và sẽ không thể sống sót sau một cuộc tấn công khác.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Nguồn: dcctvn.org