Dân Chúa Âu Châu

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chống lại phong trào bịa đặt ra ‘các quyền mới’ mâu thuẫn với luân lý truyền thống

Vì tất cả mọi người đều có quyền được sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, các quốc gia cần phải tìm ra các giải pháp bất bạo động cho các cuộc xung đột và những khó khăn, ĐTC Phanxicô nói.

Nền văn hoá hòa bình kêu gọi những nỗ lực không ngừng ủng hộ việc giải trừ quân bị và đồng thời giảm việc sử dụng lực lượng vũ trang trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế “, ĐTC Phanxicô cho biết hôm 8/1 trong bài phát biểu thường niên của mình với các nhà ngoại giao được chính thức công nhận tại Vatican.

Với nhu cầu cấp bách đối với việc ưu tiên đối thoại và ngoại giao trong việc giải quyết xung đột và để chấm dứt việc tàng trữ các loại vũ khí, “Tôi muốn khuyến khích một cuộc tranh luận ôn hòa và rộng khắp về vấn đề này, nhằm ngăn chặn sự phân cực của cộng đồng quốc tế về một vấn đề nhạy cảm như vậy”, ĐTC Phanxicô cho biết.

Vào đầu năm mới, ĐTC Phanxicô đã trình bày bài phát biểu của mình cho Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền, vốn sẽ kỷ niệm 70 năm được Đại hội đồng LHQ thông qua vào tháng 12.

Tuyên bố là một nỗ lực nhằm giúp đỡ các quốc gia trên thế giới dựa vào mối quan hệ của họ với “chân lý, công bằng, sự sẵn lòng hợp tác và tự do” bằng cách duy trì các quyền cơ bản của tất cả mọi người, ĐTC Phanxicô nói. Nền tảng của tự do, công lý và hòa bình thế giới, ĐTC Phanxicô trích dẫn văn kiện, được xây dựng trên việc công nhận và tôn trọng các quyền này.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu gần 50 phút của mình với các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo rằng đã có một phong trào tạo ra “các quyền mới” vốn thường không chỉ xung đột với nhau mà còn có thể mâu thuẫn với các giá trị và văn hoá truyền thống của nhiều quốc gia, trong khi bỏ qua các nhu cầu thực sự mà họ phải đối mặt. 

“Một cách nghịch lý, có một nguy cơ rằng, nhân danh nhân quyền, chúng ta sẽ chứng kiến sự nổi lên của các hình thức hiện đại của chế độ thuộc địa về ý thức hệ bởi những nước mạnh hơn và giàu có hơn, gây tổn hại cho những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất”, ĐTC Phanxicô nói.

Bảy thập kỷ sau khi Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền được công bố, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “thật là đau lòng khi phải chứng kiến việc hiện nay có biết bao nhiêu quyền cơ bản vẫn tiếp tục bị vi phạm. Phải kể trước hết trong số đó là quyền của mỗi con người đối với sự sống, tự do và an ninh cá nhân”.

Chiến tranh, bạo lực và phá thai đều vi phạm nghiêm trọng các quyền này, ĐTC Phanxicô nói.

Không chỉ những đứa trẻ sơ sinh vô tội chưa được sinh ra bị loại bỏ bởi vì chúng “đau yếu bệnh tật hoặc xấu xí dị hình, hoặc do hậu quả của sự ích kỷ của những người trưởng thành”, những người cao tuổi thường bị bỏ rơi đặc biệt khi họ đang ốm yếu, ĐTC Phanxicô nói.

Cuối cùng, quyền được sống đòi hỏi việc nỗ lực làm việc cho hòa bình, ĐTC Phanxicô nói, bởi vì “không có hòa bình, sự phát triển con người toàn diện sẽ trở nên không thể đạt được”. 

Sự phát triển toàn diện, trên thực tế, gắn liền với sự cần thiết phải giải trừ quân bị, ĐTC Phanxicô nói. “Việc phổ biến vũ khí rõ ràng làm trầm trọng thêm các tình huống xung đột và đòi hỏi nhiều chi phí nhân lực và vật chất vốn làm suy yếu sự phát triển cũng như việc tìm kiếm hòa bình lâu dài”. 

Việc thông qua Hiệp ước về Ngăn cấm Vũ khí Hạt nhân vào năm ngoái cho thấy ước muốn đối với hòa bình tiếp tục tồn tại trên thế giới, ĐTC Phanxicô nói.

 “Các kho dự trữ vũ khí vốn đã được xây dựng ở nhiều quốc gia khác nhau cần phải được giảm bớt” và “các loại vũ khí hạt nhân cần phải bị ngăn cấm”, đặc biệt khi có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân, ĐTC Phanxicô trích dẫn Thông điệp của Thánh Gioan XXIII về hòa bình, Thông điệp “Pacem in Terris”. 

“Về vấn đề này, điều tối quan trọng đó là hỗ trợ mọi nỗ lực đối thoại tại bán đảo Triều Tiên nhằm tìm ra những phương cách mới để vượt qua các cuộc tranh chấp hiện tại, gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau và đồng thời đảm bảo một tương lai hòa bình cho người dân Hàn Quốc cũng như toàn thế giới”, ĐTC Phanxicô nói.

Việc thúc đẩy đối thoại cũng có tầm quan trọng hàng đầu đối với người dân Israel và Palestine “sau những căng thẳng trong những tuần lễ gần đây”, ĐTC Phanxicô nói, dường như đề cập đến các cuộc biểu tình diễn ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel. ĐTC Phanxicô cho biết rằng một động thái như vậy sẽ gây ra sự bất ổn cho Trung Đông.

Trong bài phát biểu với các nhà ngoại giao, ĐTC Phanxicô nhắc lại lập trường lâu đời của Vatican rằng bất kỳ sự thay đổi chính sách nào tại Đất Thánh đều phải “cân nhắc một cách kỹ lưỡng để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng thù địch” và đồng thời phải tôn trọng “việc giữ nguyên hiện trạng của Giêrusalem, một thành phố thiêng liêng đối với các Kitô hữu, các tín đồ Do Thái giáo và Hồi giáo”. 

“70 năm đối đầu làm cho tình trạng trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết đối với nhu cầu về một giải pháp chính trị vốn cho phép sự hiện diện trong khu vực của hai quốc gia độc lập trong phạm vi được quốc tế công nhận”, ĐTC Phanxicô nói. “Bất chấp những khó khăn, việc sẵn sàng đối thoại và tiếp tục đàm phán vẫn là cách thức rõ ràng nhất để đạt được việc cùng nhau tồn tại hoà bình giữa hai dân tộc”. 

Trong một danh sách những mâu thuẫn trên thế giới, ĐTC Phanxicô cũng chỉ ra sự cần thiết phải hỗ trợ “các sáng kiến hòa bình khác nhau nhằm giúp đỡ Syria”.

“Đã đến lúc phải xây dựng lại tất cả mọi thứ”, ĐTC Phanxicô nói, mà trong đó bao gồm việc không chỉ xây dựng lại các thành phố đã bị phá hủy, mà còn xây dựng lại tâm hồn và “cơ hội tin tưởng lẫn nhau, vốn là điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự phát triển của bất kỳ xã hội nào”.

“Do đó, cần phải thúc đẩy các điều kiện pháp lý, chính trị và an ninh” cho tất cả mọi công dân và đồng thời bảo vệ tất cả các tôn giáo thiểu số, kể cả các Kitô hữu, ĐTC Phanxicô nói. 

“Quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo” cần phải được tôn trọng trên toàn cầu, ĐTC Phanxicô nói.

Thay vào đó, “người ta thường biết rằng quyền tự do tôn giáo thường bị bỏ qua, và thường thì tôn giáo trở thành hoặc là không phải là một cơ hội để biện minh cho các hình thức cực đoan mới hoặc là một cái cớ cho sự cách biệt xã hội của các tín hữu, nếu không phải là cuộc bách hại một cách rõ ràng của họ”, ĐTC Phanxicô nói.

Trở lại với các sự kiện đang diễn ra trên trường quốc tế, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi sự chú ý đến thực tại hàng ngày của các gia đình, đồng thời kêu gọi các quốc gia ủng hộ nền tảng của tất cả các xã hội ổn định và sáng tạo: “sự hiệp thông trung thành và bất khả phân ly của tình yêu vốn nối kết người nam và người nữ” trong hôn nhân.

“Kế đến, tôi cho rằng các chính sách chân thành cần phải được áp dụng để hỗ trợ cho gia đình, mà dựa trên đó tương lai và sự phát triển của các quốc gia phụ thuộc vào”, ĐTC Phanxicô nói, và đồng thời Ngài cũng cho biết thêm rằng “nếu không có điều này, không thể tạo ra các xã hội có khả năng đương đầu với những thách thức của tương lai”.

Việc bỏ qua các gia đình đã dẫn đến tỷ lệ sinh giảm mạnh ở một số quốc gia, vốn chính là dấu hiệu của một quốc gia đang phải vật lộn để đương đầu với những thách thức của hiện tại và sợ hãi đối với tương lai.

Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại việc nói về những người nhập cư và di cư “chỉ vì mục đích khuấy động những nỗi sợ hãi ban đầu”. Sự biến động của các dân tộc vẫn luôn tồn tại và quyền tự do đi lại – để rời bỏ quê hương và trở về – là một quyền cơ bản của con người, ĐTC Phanxicô nói.

“Vì vậy, cần phải từ bỏ những lời lẽ hùng biện quen thuộc và bắt đầu từ sự quan tâm cần thiết mà chúng ta đang phải đối xử, trên hết, với tất cả mọi người”, ĐTC Phanxicô nói. 

Một nhiệm vụ cấp bách khác phía trước nhân loại, ĐTC Phanxicô nói, đó chính là việc chăm sóc trái đất. 

“Mỗi một người chúng ta không được coi thường tầm quan trọng đối với trách nhiệm riêng của mỗi chúng ta khi tương tác với thiên nhiên. Sự thay đổi khí hậu, với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và những ảnh hưởng tàn phá của chúng, cũng chính là hậu quả của những hoạt động của con người”, ĐTC Phanxicô nói.

Do đó, mọi người cần phải nỗ lực cộng tác với nhau, bao gồm việc duy trì các cam kết đã được thỏa thuận trong Hiệp định Paris năm 2015, và để lại “cho các thế hệ tiếp theo một thế giới tốt đẹp hơn và có thể tồn tại được”, ĐTC Phanxicô kết luận.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Nguồn: dcctvn.org