Dân Chúa Âu Châu

Một quyển sách mới về Đức Phanxicô của nữ ký giả Mỹ Deborah Castellano Lubov

acistampa.com, Angela Ambrogetti, 2017-11-13. Photo Cantagalli

Nữ ký giả trẻ người Mỹ Deborah Castellano Lubov giải thích quyển sách “Một Phanxicô khác. Tất cả những gì bạn chưa nghe nói về Đức Phanxicô” (nxb. Cantagalli): “Tôi quan tâm đến các thông tin của những người ở gần Đức Phanxicô, các cọng sự, bạn bè hay thân nhân của ngài. Các chứng từ mang đến một cái nhìn đặc biệt về Giáo hội công giáo và về giáo triều của Đức Phanxicô”.

Quyển sách thu thập các phỏng vấn của tác giả, trong đó có cuộc phỏng vấn của ký giả Đức Michael Hesemann với em gái của Đức Phanxicô.

Trước chuyến đi của Đức Phanxicô đến Miến Điện, Đức Hồng y Charles Maung Bo, giáo phận Yangon đã trả lời phỏng vấn: “Myanmar không phải là vùng ngoại vi, đó là ngoại vi của ngoại ô! Nước Miến Điện trải qua sáu mươi năm dưới chế độ độc tài vô nhân đạo, một đất nước hàng chục năm đóng kín cửa với mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hàng ngàn người tị nạn bỏ trốn ra nước ngoài, hàng triệu lao động bị cưỡng bức phải di cư. Đối với Giáo hội công giáo, cú đấm gần như tiền định! Các nhà truyền giáo nước ngoài bị trục xuất trong vòng một đêm, tất cả 36 cơ sở, trường học, bệnh viện bị quốc hữu hóa. Chính quyền nghĩ rằng họ giết được chúng tôi, nhưng chúng tôi từ chối chết! Chúng tôi bị thế giới bỏ quên, Chúng tôi không phải chỉ là một vùng ngoại vi! Chúng tôi là nạn nhân của sự lãng quên hoàn toàn, nhưng Mẹ Giáo hội không bao giờ quên chúng tôi! Myanmar luôn ở trọng tâm các lo âu của nhiều giáo hoàng”.

Ngài nói thêm: “Giáo dân hạnh phúc có được một giáo hoàng đơn sơ, ngài ôm người nghèo, người bệnh và cả những người bị biến dạng vì bệnh tật, ngài nói trực tiếp vào tâm hồn họ. Các nước giàu có thể quan ngại về các ý tưởng của ngài về kinh tế thị trường hay thái độ của ngài đối với vấn đề môi sinh. Nhưng ở phương Đông, giáo dân mến chuộng ngài về các ý tưởng về công chính, kinh tế và phát triển của ngài. Cá nhân tôi, tôi không có một cảm nhận lờ mờ nào, nhưng hoàn toàn trong sáng về sứ mệnh của Giáo hội, luôn ở bên cạnh những người sống bên lề”.

Rất nhiều câu chuyện của các hồng y, giám mục cho thấy tính nhân bản của Đức Phanxicô

Cái nhìn của truyền thông về triều giáo hoàng là một cái nhìn thích thú. Tác giả đã nói chuyện với Giám mục Georg Gänswein, chủ tịch Phủ giáo hoàng và cũng là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI, giám mục nói: “Rõ ràng mọi người có thể thấy, giới truyền thông có thiện cảm với Đức Phanxicô, họ cũng không chống với Đức Bênêđictô XVI, nhưng thiết nghĩ không cần thiết để đặt nặng tầm quan trọng trên vấn đề này. Các cơ quan truyền thông không phải là tiêu chỉ cho công việc của vị kế nhiệm Thánh Phêrô. Tôi nghĩ hiện tượng này là kết quả của một cách truyền thông.

Đức Phanxicô là người của truyền thông, ngài có thể giao tiếp bằng các cử chỉ bất ngờ và ngạc nhiên, thu hút sự chú ý của giới truyền thông; Đức Giáo hoàng danh dự không có ơn này, ngài có ơn giải thích các sự việc một cách rất chuẩn qua bài viết, qua lời nói. Chăm chỉ lắng nghe đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự dấn thân. Các phương tiện truyền thông là dụng cụ phi thường cho việc loan báo Tin Mừng. Để rút tỉa phần tốt nhất của dụng cụ này thì cần phải nói sự thật trong tinh thần đơn giản, trực tiếp và thuyết phục, kể cả việc dùng cử chỉ; Đức Phanxicô đã làm chuyện này rất tốt”.

Qua quyển sách, độc giả đọc các bài phỏng vấn có thể mang lại cho họ một khía cạnh mới của giáo hoàng, bắt đầu bằng lời giới thiệu của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn