Dân Chúa Âu Châu

Hôm thứ Sáu 22/9, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi các Giáo hội tại châu Âu tăng cường các nỗ lực nhằm chống lại sự bất khoan dung, thái độ kỳ thị và bài ngoại đối với những người nhập cư và những người tị nạn.

Những lời của ĐTC Phanxicô đã được đưa ra trong cuộc họp với các nhà quản lý di dân quốc gia dưới sự bảo trợ của Hội đồng các Giám mục Châu Âu hoặc CCEE. ĐTC Phanxicô cho biết Ngài rất buồn khi nhận thấy rằng các cộng đồng Công giáo tại Châu Âu cũng có thái độ phòng vệ và khó chịu đối với những người nhập cư, biện minh cho thái độ của họ trên cơ sở bảo tồn bản sắc văn hoá và tôn giáo của mình.

ĐTC Phanxicô cho biết chúng ta phải nhận ra và hiểu được cảm giác về sự bất ổn này, khi xét về cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đã để lại những vết thương sâu trong xã hội. Hơn nữa, ĐTC Phanxicô nói, các chính phủ và cộng đồng đã chuẩn bị một cách qua loa để đối phó với những dòng người di cư khổng lồ, làm nổi bật lên những giới hạn của quá trình thống nhất châu Âu.

Các Giáo hội trở nên “Công giáo” hơn

Nhưng từ góc độ Giáo hội học, ĐTC Phanxicô nói, sự xuất hiện của rất nhiều anh chị em Kitô hữu đã đem lại cho Giáo hội tại Châu Âu một cơ hội để trở nên ngày càng ‘Công giáo’ hơn. ĐTC Phanxicô đã ghi nhận việc rất nhiều người di cư và người tị nạn đã làm phong phú thêm các Giáo xứ ở nước sở tại thế nào.

Đối thoại toàn cầu và đối thoại liên tôn

Từ góc độ truyền giáo, ĐTC Phanxicô nói, việc phục vụ những người nhập cư tạo ra những ranh giới mới cho việc loan báo Tin Mừng và làm chứng cho đức tin Kitô giáo của chúng ta, đồng thời cho thấy một sự tôn trọng sâu sắc đối với các truyền thống đức tin khác. Những cuộc gặp gỡ này chính là nền tảng phong nhiều cho việc phát triển các mối quan hệ đại kết và liên tôn thực sự, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.

Chào đón, bảo vệ, khuyến khích, hội nhập

ĐTC Phanxicô cũng lưu ý rằng trong Sứ điệp của mình nhân Ngày Di dân và Tị nạn Thế giới năm tới, Ngài đã phát biểu chi tiết về sự cần thiết để chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập những người phải sống cảnh nay đây mai đó. Trên cơ sở bốn động từ này, ĐTC Phanxicô nói, văn phòng di dân và người tị nạn của Vatican đã đưa ra một kế hoạch hành động 20 điểm dành cho các Giáo hội địa phương nhằm tìm cách thúc đẩy việc thực hành tốt nhất.

Đối thoại mang tính xây dựng với các chính phủ

Kế hoạch hành động này, ĐTC Phanxicô cho biết thêm, cần phải được chia sẻ với tất cả các Hội đồng Giám mục Châu Âu, giúp thúc đẩy việc đối thoại mang tính xây dựng với các chính phủ trước thềm Thoả thuận Toàn cầu về Di dân, được xây dựng và phê duyệt tại một hội nghị của LHQ vào năm 2018.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Nguồn: dcctvn.org