Dân Chúa Âu Châu

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2017-08-01

Tháng 9 sắp tới, linh mục Arnaud du Cheyron sẽ về “Học viện” Rôma để theo học ngành ngoại giao để làm sứ thần tòa thánh.

Giáo hội công giáo có trường “Quốc gia Hành chánh” của mình. Đó là trường thế giá Giáo hoàng Học viện Giáo sĩ. Học viện này đào tạo các đại sứ tương lai của Giáo hoàng, các sứ thần tòa thánh. Tất cả đều là linh mục và thường là những người biết nhiều ngoại ngữ, được tuyển chọn kỹ lưỡng mà tiêu chuẩn đầu tiên là thông minh và nhất là… kín đáo. Nếu các sứ thần là đại diện cho Vatican trên 183 nước mà Tòa Thánh có quan hệ song phương, thì họ cũng là tai mắt của Vatican, qua các ghi nhận ngoại giao mật, họ báo cáo thường xuyên về tình hình các Giáo hội địa phương, cũng như về hiện thực của các Quốc gia. Như thế các linh mục ngoại giao này dùng tài năng của mình để ăn khớp với chính trị và với tôn giáo, nhưng họ cũng đóng một vai trò quyết định trong các cuộc thăm dò nội bộ kín đáo, giúp Giáo hoàng chọn lựa các giám mục tương lai.

Linh mục Arnaud du Cheyron, 32 tuổi thuộc địa phận Auch sẽ là một trong những người này. Kể từ năm 2006, đây là lần đầu tiên một linh mục Pháp vào học trường này. Trong một quá trình chọn lựa lâu dài, tháng 9 sắp tới, linh mục Cheyron sẽ rời giáo xứ của mình để đi học giáo luật, ngoại ngữ, địa lý, nghệ thuật ngoại giao cùng với 33 linh mục khác trên khắp thế giới về đây học trên ghế nhà trường mà ở Rôma người ta gọi là “Học viện”. Ở thành phố vĩnh cửu này, người ta rất nễ trọng “Học viện”. Không những vì Học viện được xây từ năm 1701 là trường ngoại giao lâu đời nhất của thế giới mà còn vì chủ yếu Học viện truyền lại vốn liếng lâu đời, danh tiếng của Giáo hội công giáo trong ngành bang giao quốc tế. Vì ngoại giao Tòa Thánh không phải là một tổ chức tầm thường. Nền ngoại giao này giữ danh tiếng là một trong những nơi có được thông tin tốt nhất thế giới. Đặc biệt trong những vùng khó khăn và giao động nhất. Nền ngoại giao này thực hiện được các công việc bang giao tốt đẹp giữa các Quốc gia như trường hợp xích lại gần đây giữa Cuba và Mỹ.

“Lựa chọn vâng lời”

Sự việc được tuyển chọn vào nơi ưu tú mà không phải ai cũng có thể là ứng viên đã không làm cho linh mục trẻ này ấm đầu. Cha cho biết không bao giờ cha nghĩ đến con đường hoàng gia này. Cha chỉ được chú ý, được Rôma chọn với sự đồng ý của Giám mục Maurice Gardès của mình. Cha nói: “Tôi không đi tu để là sứ thần tòa thánh, ước mong của tôi là được làm cha xứ. Tôi không muốn mình khiêm tốn giả nhưng mục đích của tôi là dâng hiến trọn đời mình cho Chúa. Và khi mình tận hiến đời mình cho Chúa Kitô thì mình sẵn sàng đi đến nơi mà mình không nghĩ mình sẽ đến. Tôi đã chọn đức vâng lời.”

Việc một linh mục người Pháp vào trong hệ thống ngoại giao công giáo không phải là để bù đắp cho việc Giáo hội Pháp đã mất ảnh hưởng trong lãnh vực này mà từ lâu Giáo hội Pháp đã có tầm ảnh hưởng. Chỉ có 4 người Pháp trong số 183 sứ thần đang giữ chức vụ này, trong bốn người này có Đức ông Christophe Pierre là sứ thần Tòa thánh ở Mỹ. Thời buổi cực thịnh của Pháp là thời Đức Gioan-Phaolô II, khi Hồng y Jean-Louis Tauran làm Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, bây giờ ngài phụ trách các quan hệ với các tôn giáo khác, thời buổi cục thịnh này đã qua. Cũng vậy, tiếng Pháp vẫn còn là ngôn ngữ ngoại giao chính thức của Vatican nhưng ngày càng không còn thông dụng như tiếng Ý và tiếng Anh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn