Dân Chúa Âu Châu

fr.aleteia.org, Kévin Boucaud-Victoire, 2017-08-04

Là các nhà ngoại giao của Vatican, vai trò các sứ thần tòa thánh thường ít được biết đến.

Ngày 11 tháng 7 vừa qua, linh mục Arnaud du Cheyron, cha xứ họ đạo Mirande (Gers) nhận tin mình sẽ vào Giáo hoàng Học viện Giáo sĩ ở Rôma học để sau này làm sứ thần tòa thánh. Kể từ năm 2006 đến nay, cha là người Pháp đầu tiên vào “Học viện Hành chánh Vatican”, một Học viện được cha Pierre Garagna thành lập năm 1701, nơi này đã đào tạo năm giáo hoàng tương lai (Clêmentê XIII học khóa 1714, Lêô XII học khóa 1783, Lêô XIII học khóa 1832, Bênêđictô XV học khóa 1879 và Phaolô VI học khóa 1921).

Ba điều kiện để được là ứng viên của Viện hàn lâm thế giá này: dưới 35 tuổi, thông thạo ba ngoại ngữ, có cử nhân giáo luật hay thần học. Linh mục làng quê 32 tuổi Cheyron thú nhận: “Tôi không vào Giáo hội để làm sứ thần. Mơ ước của tôi là được làm cha xứ. Tôi còn gặp khó khăn với tiếng Anh”. Dù cha Cheyron khiêm tốn nói như vậy nhưng làm sứ thần là dần dần lên các cấp bậc cao trong Giáo hội. 

Các đại sứ đích thực của Tòa Thánh

Các sứ thần tòa thánh là các đại sứ của Tòa Thánh. Hiện nay có bốn người Pháp giữ chức vụ uy tín này: Sứ thần Alain Lebeaupin ở Liên hiệp Âu châu, Sứ thần Nicolas Thevenin ở Guatemala, Sứ thần Jean-Marie Speich ở Ghana và Sứ thần Christophe Pierre ở Mỹ từ ngày 12 tháng 4 – 2016. Ngay từ các thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên kitô giáo, các giáo hoàng đã gởi các đại diện của mình, được gọi là “khâm sứ”, đó là các phó tế, các linh mục, các giám mục đến các công đồng được tổ chức ở xa Rôma hay các “đại diện tông tòa” đến với các giám mục ở các vùng xa xuôi. Kể từ năm 683, dưới thời Đức Giáo hoàng Lêô II, Tòa Thánh có đại diện thường trực ở triều đình Constantinople. Dù chữ “sứ thần” có từ thế kỷ 11, nhưng phải chờ đến thế kỷ 16, vài chục năm trước Hiệp ước Westphalie thì nền ngoại giao hiện đại mới ra đời và dưới triều giáo hoàng Gregory XIII thì hệ thống sứ thần mới được biết đến như ngày nay.

Theo quy tắc giáo luật, vai trò của các sứ thần “luôn làm vững chắc và hiệu quả các quan hệ hợp nhất đã có giữa Tòa Thánh và các Giáo hội đặc biệt”. Thêm vào công việc trên là “công việc đặc biệt, cổ động và duy trì các quan hệ giữa Tòa Thánh và Nhà cầm quyền dân sự” (c. 365 § 1) và như thế là đại diện cho giáo hoàng trên cương vị lãnh đạo Giáo hội công giáo về mặt ngoại giao. Và trên trọng trách này mà sứ thần đảm trách các quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Chính quyền, cũng như bảo đảm quan hệ giữa Vatican và các giáo hội địa phương. Với cương vị này, sứ thần làm các hồ sơ phong giám mục. 

“Phục vụ Tin Mừng”

Kể từ năm 2009, Tổng Giám mục Ý Luigi Ventura là sứ thần tòa thánh ở Pháp, một trong các tòa sứ thần thế giá nhất, dù vai trò của sứ thần bên cạnh Chính quyền Pháp đã giảm rất nhiều từ khi có bộ luật tách Giáo hội ra khỏi Quốc gia năm 1905. Nhưng đây là địa vị ngoại giao cuối cùng thực hiệu của một sứ thần, sau đó thì họ có thể đứng đầu một bộ hay trở thành hồng y. Ngoài vai trò bên cạnh hội đồng Giám mục Pháp, sứ thần cũng đảm nhiệm chức vụ niên trưởng ngoại giao đoàn Pháp, có nghĩa là người sẽ chúc Tổng thống Pháp nhân dịp chúc đầu năm của ngoại giao đoàn. Trong số các sứ thần ở Pháp, có sứ thần Giuseppe Roncalli từ năm 1944 đến 1953, giáo hoàng Gioan XXIII tương lai.

Với chương trình học hai năm các môn lịch sử, luật quốc tế, giáo điều xã hội của Giáo hội và ngoại ngữ, cùng với mười lăm đồng bạn, linh mục Arnaud du Cheyron sẽ bắt đầu một sự nghiệp mới, luân phiên giữ các chức vụ ngoại giao trên khắp thế giới và các chức vụ tại Vatican: tùy viên tòa sứ thần (một năm), thư kỳ tòa sứ thần (sáu năm), bồi thính tòa sứ thần (sáu năm) sau đó là cố vấn tòa sứ thần. Những người may mắn nhất trong số những người này sẽ được giáo hoàng chọn, sau khi được phong làm giám mục để ít nhất có thể ngang hàng với các giám mục ở các nước họ được gởi đến để làm sứ thần tòa thánh.

Và đó là tất cả những điều tốt lành chúng ta chúc cho linh mục Cheyron, người ước mong được đại diện Tòa Thánh với giáo dân để phục vụ Tin Mừng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch 

Nguồn: phanxico,vn