Dân Chúa Âu Châu

#GNsP – Một bài viết gần đây trên báo Vatican cho rằng, “trở ngại chính” trong việc Đức Giáo hoàng Phanxiô thực hiện tầm nhìn của mình là do sự “đóng kín, nếu không nói là chống đối” của “một lượng lớn hàng giáo sĩ, cấp cao lẫn cấp thấp.”

Cụm từ “cấp cao lẫn cấp thấp”, có thể tác giả ngụ ý là từ những giám mục cao cấp cho đến các linh mục giáo xứ bình thường.

Bài viết nói trên là của linh mục Giulio Cirignano – người vùng Florence ở Ý và là học giả lâu năm về Kinh thánh thuộc Khoa Thần học miền Trung nước Ý – đăng trên báo L’Osservatore Romano của Vatican, hồi thứ Bảy tuần qua.

Với tựa đề “The Conversion Asked by Pope Francis: Habit is not Fidelity” (Cuộc hoán cải mà Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi: Thói quen không phải là trung thành), cha Cirignano nhận định trong bài viết: “Hàng giáo sĩ đang kéo dân chúng lại, thay vì để họ đồng hành [cùng Đức giáo hoàng] trong thời điểm đặc biệt này”.

Bài viết của cha Cirignano dường như đề cập đến thực trạng ở Ý, mặc dù ngài không nêu rõ đang nói tới quốc gia hay khu vực nào.

Cha Cirignano viết: “Trở ngại chính cản trở công cuộc biến đổi Giáo hội của Đức giáo hoàng Phanxicô, một cách nào đó, là do thái độ của một lượng lớn các giáo sỹ, ở cả cấp cao lẫn cấp thấp… thái độ đóng kín, nếu không muốn nói là chống đối.”

 

Hầu hết các tín hữu đều hoan nghênh tầm nhìn của Đức giáo hoàng, “về thời khắc đặc biệt mà Chúa đang trao cho cộng đồng của người.”

 

“Mặc dù thế, một phần [cộng đồng] gắn kết với những mục tử ít thấy được ánh sáng, vẫn đứng ở phía chân trời cũ, chân trời của những lối thực hành theo thói quen, của ngôn ngữ lỗi thời, của những suy nghĩ lặp đi lặp lại mà không có sức sống.”

Cha Cirignano cũng đưa ra một số yếu tố giải thích cho thái độ mà ngài cho là “đóng kín” và “chống đối”:

– “Trình độ văn hóa không cao của một phần hàng giáo sỹ, cả cấp cao lẫn cấp thấp.” Trình độ về thần học và Kinh Thánh thường là chưa tốt.

– Một hình ảnh cổ xưa về chức linh mục – mà theo cha Cirignano cho là – linh mục được xem như là “ông chủ và người bảo trợ cộng đồng.”

– Một nền thần học cũ, có liên hệ với việc Phản Cải Cách Tin Lành, khiến “Lời Chúa không còn linh hồn, biến cuộc phiêu lưu kỳ bí của đức tin thành tôn giáo. Biến Thiên Chúa của tôn giáo… thành sự phản chiếu của con người, mà không đặt đức tin ở vị trí trên hết. Không phải con người vươn tới Thiên Chúa, nhưng là ngược lại.”

Cũng theo cha Cirignano, Thiên Chúa “không chịu đựng được việc ngài bị đóng khung trong những hệ thống cứng ngắc của đầu óc con người.”

Thay vào đó, “Thiên Chúa là tình yêu. Ngắn gọn thế thôi, tình yêu tự thân nó là một món quà.”

GNsP (theo Crux và Catholic Culture)

https://cruxnow.com/vatican/2017/07/23/vatican-article-says-main-obstacle-pope-francis-bishops-priests/

 

Đức: 162.000 người rời Giáo hội, 537 giáo xứ đóng cửa trong năm 2016

 

#GNsP – 162,093 người Công giáo đã rời Giáo hội Đức trong năm 2016 – giảm so với con số 181.925 người rời Giáo hội vào năm 2015.

 

Đây là số liệu thống kê từ Hội đồng Giám mục Đức công bố hôm 21/7.

 

28,5% người Đức theo Công giáo, và số người Công giáo đang ở mức 23,582,000, giảm so với con số 27.533.000 vào năm 1996.

 

Có 537 giáo xứ phả đóng cửa vào năm 2016. Trong hai thập kỷ qua, có hơn 3.000 giáo xứ phải đóng cửa, giảm từ 13.329 giáo xứ xuống còn 10.280 giáo xứ.

 

Hiện tại, Giáo hội Đức có 13.856 linh mục, sụt giảm so với con số năm trước là 14.087 linh mục. Tỷ lệ người tham dự lễ Chúa nhật là 10,2% vào năm 2016, giảm so với tỷ lệ 10,4% vào năm 2015.

 

Những con số thống kê khác:

 

– Số lượng người rửa tội giảm từ 259.313 người năm 1996, xuống còn 171.531 người vào năm 2016. Tuy nhiên, số lượng người rửa tội đã tăng trong hai gần đây.

 

– Số người trưởng thành cải đạo sang Công giáo giảm từ 3.860 người năm 1996, xuống 2.574 người vào năm 2016, và số người trưởng thành trở về lại Giáo hội giảm từ 6.981 xuống còn 6.461.

 

– Số người Rước lễ lần đầu tiên giảm hơn 100.000, từ 291.317 năm 1996 xuống còn 176.297 vào năm 2016.

 

– Số đám cưới Công giáo giảm từ 79.453 xuống còn 43.610.

 

– Số đám tang Công giáo cũng giảm từ 286.772 xuống còn 243.323.

 

GNsP (theo Catholic Culture)

 

http://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=32179

 

Đức Giám mục Nam Sudan: Chẳng ai quan tâm đến người dân đang chết ở nước tôi

 

#GNsP – Đức Thánh Cha Phanxicô từng cho biết ngài có ý định thăm Nam Sudan, nhưng thực tế, có thể ngài sẽ không đến được đây vì những rủi ro lớn về an ninh.

 

Tuy chưa có số liệu đáng tin cậy, người ta ước tính có khoảng 2,5 triệu người đã phải di tản và hàng chục ngàn người bị giết, do cuộc nội chiến xảy ra nơi đây, thứ đã gần chạm đến mức diệt chủng. Không chỉ súng đạn cướp đi mạng sống của người dân: hạn hán và nạn đói khiến cuộc nội chiến trở nên thêm tàn khốc.

 

Đức cha Erkolano Lodu, Giám mục Giáo phận Yei ở Nam Sudan nói: “Cần có giải pháp vĩ mô để giảm nhiệt tình hình. Người dân đang chết dần chết mòn. Họ cũng là con người. Và tôi muốn nói là chúng tôi rất cần sự hỗ trợ nhân đạo.”

 

Vị giám mục – của khu vực nằm ở biên giới với Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo – cũng mô tả Nam Sudan đang đứng trên bờ vực thẳm.

 

Ngài nói: “Người dân tuyệt vọng và sợ hãi, bởi tình trạng chiến tranh, đau khổ và đói kém. Vì thế, họ phải chạy khỏi Nam Sudan để đến các quốc gia lân cận như Uganda, Congo, và đến Sudan, nơi mà Nam Sudan tách ra.”

 

Nam Sudan đã tách khỏi Sudan năm 2011, sau một cuộc trưng cầu dân ý. Người dân hy vọng sẽ có hòa bình khi được độc lập, và sau cuộc nội chiến họ đã trải qua ở Sudan từ năm 1985 đến năm 2005.

 

Đức Giám mục Lodu than thở rằng, tuy Cộng đồng quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh quá trình độc lập này, nhưng họ đã quên đất nước của ông.

 

Ngài nói: “Chúng tôi cần hòa giải. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của Cộng đồng Quốc tế. Tôi không có ý nói chúng tôi không giải quyết được vấn đề, nhưng chúng tôi cần được quốc tế trợ giúp để tìm ra giải pháp. Từ quan điểm đó, tôi có thể nói rằng chúng tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi. Tôi nghĩ không đúng chút nào, khi quốc tế đã giúp Nam Sudan giành được độc lập, nhưng sau đó lại bỏ rơi chúng tôi trong cuộc nội chiến tàn khốc này.”

 

Khoảng 120.000 người ở Nam Sudan có nguy cơ chết đói dù ở thế kỷ 21 tân tiến này. Nhiều cha mẹ buộc phải không ăn uống gì để nhường cho con cái. Rất nhiều người bị cô lập. Họ thậm chí không thể chạy trốn sang nơi khác.

 

Cuộc khủng hoảng tại nhiều quốc gia khác đã chiếm hết ngân quỹ và sự chú ý của nhiều tổ chức nhân đạo, khiến Nam Sudan bị bỏ quên và dường như biến mất khỏi bản đồ. Đức Giám mục Lodu cầu xin quốc tế đừng để người dân nước ngài chết đói, đồng thời để họ được hưởng hy vọng hòa bình sau vỏn vẹn 6 độc lập.

 

GNsP (theo Romereports)

 

http://www.romereports.com/en/2017/07/24/bishop-of-south-sudan-i-feel-nobody-cares-that-human-beings-are-dying-in-my-country/