Dân Chúa Âu Châu

Khắp Đông Phi, hàng triệu gia đình đang phải đối mặt với nạn đói do hạn hán, thiếu lương thực, và nội chiến. LHQ đã mô tả đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong hơn 70 năm qua.

Ủy ban ứng phó khẩn cấp thiên tai, trong đó tổ chức Từ thiện Phát triển Công giáo (CAFOD)  là một thành viên, đã đưa ra lời kêu gọi cung cấp viện trợ khẩn cấp cho 16 triệu người hiện đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng ở Nam Sudan, Somalia, Ethiopia và Kenya.

Lời kêu gọi đối với cuộc khủng hoảng tại Đông Phi của CAFOD cũng hướng tới hơn 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.

Bà Nana Anto-Awuakye, người đứng đầu bộ phận tin tức thế giới của tổ chức CAFOD Anh quốc, đã phát biểu với Linda Bordoni – cộng tác viên Vatican Radio về chuyến thăm gần đây của bà đến miền Bắc Kenya để giám sát công việc của các đối tác Giáo hội của CAFOD nhằm đối phó với đợt hạn hán tàn phá hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 2,7 triệu cư dân nơi đây.

Nana Anto-Awuakye cho biết con số này có vẻ như vô nghĩa đối với nhiều người, tuy nhiên khi người ta ở trong lĩnh vực này và gặp gỡ những thành viên của các cộng đồng ấy, nghe họ kể câu chuyện về sự sống còn của họ, thì đây quả thực là một thực tế hết sức bi thảm.

“Tại Isiolo, chúng tôi đã chứng kiến việc các đối tác của Giáo hội – chẳng hạn như tổ chức Caritas Isiolo – đang đáp ứng các nhu cầu đó bằng cách phân phát các phiếu thực phẩm; Chúng tôi đã gặp gỡ những người phụ nữ nói với tôi rằng thực sự họ đã chỉ có thể cho con mình uống một cốc nước mỗi ngày – chẳng có miếng thức ăn nào vào bụng – và chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một hiệu trưởng kể về trường hợp của một bé gái đã ngất xỉu trong lớp vì em đã hai ngày không được ăn uống gì”, bà Nana Anto-Awuakye cho biết.

Người dân trong khu vực, bà cho biết, hàng ngày đang phải đối mặt với những vấn đề khủng khiếp rằng họ sẽ cho con cái mình ăn uống thế nào để chúng có thể tiếp tục sinh tồn.

Bà Anto-Awuakye nói rằng điều đặc biệt là các phụ nữ đã hết sức cảm kích khi nhận được sự trợ giúp này: “Caritas đã không quên chúng tôi; chúng tôi chẳng ở gần đường, và chúng tôi chẳng ở gần khu vực thị trấn, chúng tôi ở những vùng rất xa xôi hẻo lánh, thế nhưng Caritas đã không bỏ quên chúng tôi…”

Bà Anto-Awuakye cho biết tác động của chương trình phân phát các phiếu thực phẩm đã được nhìn thấy rõ, và kể về cách thức hoạt động của tổ chức vì các thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng: họ được xác định bởi cộng đồng của họ và sau đó họ nhận được một phiếu thực phẩm, có nghĩa là họ có thể tiếp cận với thực phẩm trong cộng đồng địa phương và quan trọng nhất, tất cả đều lưu lại với cộng đồng và họ có thể “đơn giản chỉ là nuôi sống gia đình họ”.

Trong chuyến viếng thăm khu vực, bà Anto-Awuakye cho biết bà đã đọc được trên tài khoản twitter của mình cam kết của ĐTC Phanxicô trong việc tài trợ cho cuộc khủng hoảng Đông Phi, đặc biệt là tình hình tại Nam Sudan và Somalia.

Tôi đã nhận thấy hai diện mạo hoàn toàn khác biệt về tinh thần liên đới: “Tôi đã nhận thấy tinh thần liên đới của những người ủng hộ CAFOD trên khắp nước Anh và xứ Wales, những người đã quyên góp cho lời kêu gọi trợ giúp đối với cuộc khủng hoảng Đông Phi, cho đến nay, đã quyên góp được gần 4 triệu bảng; Và mặt khác, tôi cũng có thể nhận thấy sự liên đới của chính cộng đồng cũng như cam kết của họ trong việc chăm sóc lẫn nhau và của các đối tác Giáo hội đang làm tất cả những gì họ có thể để có được sự trợ giúp thiết yếu cho những người hiện đang có nhu cầu được trợ giúp”.

Bà Anto-Awuakye cũng nói về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức, đồng thời cho biết rằng nhóm đã đi khắp đó đây cùng với một đại sứ danh tiếng – Emma Rigby – một nữ diễn viên trẻ.

“Nữ diễn viên Emma Rigby đã cùng đồng hành với chúng tôi trong lĩnh vực cứu trợ. Cô ấy tận mắt chứng kiến công việc của các nhân viên cứu trợ Caritas của chúng tôi thực sự có sức ảnh thế nào – thông qua những người ủng hộ CAFOD đưa ra lời kêu gọi đang làm cho điều này trở nên có thể thực hiện được – cô ấy cũng có thể nhận thấy sự khác biệt đang được thực hiện và trong vai trò mình với tư cách là một nữ diễn viên nổi tiếng, cô có thể thấm thía được ý nghĩa của công việc này khi lên tiếng trên các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia.

Bà Anto-Awuakye chỉ ra rằng điều này ngày càng trở nên cấp bách hơn bởi câu chuyện, vốn đã rất phổ biến vào tháng Hai và tháng Ba, đã ít được nhắc đến hơn trên các chương trình truyền thông đại chúng: “Chúng ta đã có từ ba đến sáu tháng kể từ khi tin tức về cuộc khủng hoảng bùng nổ, thế mà hiện nay cuộc khủng hoảng này vẫn đang còn tiếp diễn và việc tiếp tục hỗ trợ vẫn còn là rất khẩn thiết.”

Bà Anto-Awuakye cho biết rằng chúng ta cũng có thể làm nhiều điều để hỗ trợ người dân ở khu vực bị ảnh hưởng, bắt đầu bằng những lời cầu nguyện: “Hãy tiếp tục cầu nguyện cho họ vì những hậu quả của hạn hán vẫn tiếp tục làm tổn thương họ”.

“Cộng đồng nơi đây – bà Anto-Awuakye cho biết – đã cùng nhau cầu nguyện và chúng ta có thể nhận thấy điều này từ gương mặt cũng như từ ánh mắt của họ, rằng niềm hy vọng và đức tin của họ quả thực rất sống động”.

Minh Tuệ (theo Radio Vatican)

Nguồn: dcctvn.org

Merken