Dân Chúa Âu Châu

lebanon coexistence webBEIRUTCác nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo hàng đầu cùng với các vị đại diện của chính phủ Lebanon đồng ý rằng Lebanon nên được nhấn mạnh như một ví dụ về việc cùng tồn tại hòa bình, và đồng thời cũng nhấn mạnh rằng: “nền dân chủ sâu sắc ở Lebanon sẽ gửi đi một thông điệp hy vọng cho mọi người dân Ả rập cũng như toàn thế giới”.

Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại lời kêu gọi hòa bình và sự ủng hộ của các Giáo hội  đối với “người dân Palestine cùng với các quyền dân tộc của họ” và đối với các Kitô hữu vẫn ở lại Đất Thánh.

Các nhà lãnh đạo đã gặp gỡ tại Đại học Notre Dame Louaize, Zouk Mosbeh, phía bắc Beirut, hôm 1 tháng 7 vừa qua để theo dõi hai sự kiện tại đại học al-Azhar của Ai Cập, học viện giáo dục cao nhất của Hồi giáo Sunni. Phát biểu tại một hội nghị hòa bình tại al-Azhar vào hồi tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng tôn giáo “không phải là một trở ngại, mà là một phần của giải pháp” bởi vì tôn giáo giúp mọi người nâng cao tâm hồn họ hướng lên Thiên Chúa “để học cách xây dựng thành phố của con người”.

ĐHY Bechara Rai của Lebanon, Thượng phụ Công giáo Maronit, đã dẫn đầu hội nghị tháng Bảy, trong đó có đại sứ Vatican tại Lebanon, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia; Sheik Abbas Shouman, Phụ tá thư ký Thánh đường Al-Azhar; lãnh đạo các cộng đồng Hồi giáo Sunni, Shiite và Druze tại Lebanon cũng như các chuyên gia Kitô giáo và Hồi giáo và các vị đại diện chính phủ Lebanon.

Trong tuyên bố cuối cùng của mình, các đại biểu tham dự hội nghị tuyên bố sẵn sàng đến Vatican và các tổ chức tôn giáo thế giới khác bao gồm Hồi giáo và Kitô giáo sẵn sàng “hợp tác và phối hợp với họ”. Các tham dự viên cũng bày tỏ “mong muốn làm rõ tầm quan trọng cũng như những thách đố của việc cùng nhau chung sống (giữa người Hồi giáo và Kitô hữu) ở Lebanon, đó chính là việc đảm bảo thực sự đối với vấn đề tự do, chủ quyền và độc lập dân tộc”.

“Trong bối cảnh của thảm cảnh của sự chia rẽ, việc buộc phải di dời, việc kiểm tra dân số cưỡng bức, việc thanh lọc sắc tộc, nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu bởi các băng nhóm khủng bố – như đã xảy ra tại Ai Cập gần đây – và nhằm vào các nhóm người khác tại Iraq và Syria, sự nguy hiểm của cuộc xung đột giáo phái cũng như các cuộc xung đột leo thang và chiến tranh tại nhiều quốc gia láng giềng của Ả Rập, sự vững chắc của việc cùng nhau tồn tại, cũng như sự trỗi dậy của nền dân chủ tại Lebanon đã gửi đi một thông điệp hy vọng đến mọi người dân Ả rập cũng như toàn thế giới”, các đại biểu cho biết.

“Chúng ta nên làm tất cả mọi thứ có thể cho Lebanon để có thể duy trì ý thức về mức độ nghiêm túc cũng như tầm quan trọng của những kinh nghiệm của người dân Lebanon và sự liên quan của nó đối với người dân Ả Rập cũng như với cộng đồng quốc tế một cách mạnh mẽ và rõ ràng”, các đại biểu cho biết thêm.

Họ cũng đã trích dẫn lời tuyên bố của Thánh Gioan Phaolô II rằng “Lebanon còn hơn một quốc gia, đó chính là một thông điệp về sự tự do và đồng thời cũng là một ví dụ về chủ nghĩa đa nguyên cho cả phương Đông và phương Tây”.

Các vị khách mời đã kêu gọi việc thiết lập Lebanon như là một trung tâm quốc tế chính thức về đối thoại giữa các tôn giáo, các nền văn hoá cũng như mọi nền văn minh “nhằm phục vụ thế giới Ả Rập và các mối quan hệ Kitô giáo -Hồi giáo trên toàn thế giới”.

Họ kêu gọi các tổ chức giáo dục Hồi giáo và Kitô giáo “tìm ra những phương thức cho việc thảo luận, hợp tác và cởi mở trong các chương trình giáo dục, và đồng thời xem xét việc phát triển các chương trình chung, vốn thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau hơn, tạo ra bầu không khí của tôn giáo, quốc gia và sự chia sẻ giữa con người với nhau”.

Minh Tuệ chuyển ngữ