Dân Chúa Âu Châu

Cuộc đàm phán tiếp theo giữa Vatican và Trung Quốc dự kiến diễn ra ở Rôma. Nhưng sự kéo dài những cuộc đàm phán cũng như quá trình thảo luận trì trệ tạo ra nhiều mối quan tâm, những tin đồn và suy đoán không chính thức.

Trung Quốc và Vatican đã thay đổi ít nhất một trong số các đặc phái viên của họ khi các cuộc đàm phán về việc bổ nhiệm các Giám mục trên lục địa kéo dài, tạo ra những suy đoán và tin đồn trong suốt tiến trình này.

Theo sau các cuộc đàm phán mới nhất hồi tháng Ba vừa qua, một nguồn tin chính thức cho biết, Trung Quốc đã thay thế ông Guo Wei, cựu trưởng Phòng 2 tại Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước (SARA) chịu trách nhiệm về vấn đề Kitô giáo, bởi ông Dai Chenjing, một quan chức hàng đầu của SARA.

Về phía Vatican, Cha Tadeusz Wojda, Phó Tổng Thư ký Bộ Truyền Giảng Phúc âm cho các Dân tộc, không còn là thành viên thuộc nhóm đàm phán nữa. Chưa có thông tin về người thay thế ngài trong công việc này. Cha Wojda đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Giáo phận Bialystok tại Ba Lan vào ngày 12 tháng 4 vừa qua. Các nhà quan sát tin rằng với lịch sử chống lại chủ nghĩa cộng sản của Giáo hội Ba Lan, sự hiện diện của Cha Wojda trong nhóm đàm phán có thể khiến các quan chức Trung Quốc không hài lòng.

Các quan chức từ hai cơ quan này – Phòng 2 của cộng sản tại Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước và Bộ Truyền Giảng Phúc âm cho các Dân tộc của Vatican – thường tham gia vào các cuộc đàm phán.

Những nhà đàm phán khác đại diện cho Bắc Kinh đến từ Ủy Ban Mặt trận Thống nhất – một cơ quan của cộng sản giám sát các vấn đề tôn giáo – và Bộ Ngoại giao.

Về phía Vatican, các nhà thương thuyết khác bao gồm Đức ông Antoine Camilleri, Thứ Trưởng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Sự trì trệ trong các cuộc đàm phán đã tạo ra những lời đồn đoán

Không giống như năm 2016, năm nay có ít những tin tức hơn được đưa ra về những sự kiện của vòng đàm phán mới nhất. Trong khi cuộc đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Rome vào cuối tháng này, các nhà quan sát đã bình luận về tốc độ chậm trễ của các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, những suy đoán và tin đồn đã trở nên tràn lan.

Có tin đồn rằng Vatican đã ấn xá cho hai trong số bảy Giám mục do Chính phủ bổ nhiệm mà trước đó Vatican không công nhận, và những đồn đoán về việc Bắc Kinh đã yêu cầu tất cả bảy vị Giám mục này cũng phải được ân xá.

Một số người Công giáo Trung Quốc tin rằng Đức Giám mục Ma Yinglin Giáo phận Côn Minh – Chủ tịch HĐGM Công giáo tại Trung Quốc và Đức Giám mục Guo Jincai Giáo phận Thừa Đức – Tổng Thư ký HĐGM, đã được ân xá.

Lý luận của họ đằng sau những tin đồn như vậy là trong cơ cấu của Đảng Cộng sản, Chủ tịch và Tổng thư ký của bất kỳ tổ chức nào đều là những người nắm giữ quyền lực trên thực tế. Việc thừa nhận hai vị Giám mục này sẽ giúp Vatican nắm bắt được nhiều ảnh hưởng hơn tới Hội đồng Giám mục, theo những người ủng hộ các suy đoán trên.

Họ còn chỉ ra rằng, Đức Giám mục Ma Yinglin đã thay đổi huy hiệu Giám mục của mình như là một bằng chứng nữa tố cáo việc này, bởi vì các Giám mục không bao giờ thay đổi huy hiệu Giám mục của mình một cách tình cờ.

Một chuyên gia Trung Quốc, linh mục Jeroom Heyndrickx, đã bác bỏ tin đồn về việc ân xá được cho là của hai trong số bảy vị Giám mục do Chính phủ chỉ định. Trong số ra tháng Sáu của tờ Verbiest Update, Cha Heyndrickx gọi đó là điều vô căn cứ. “Chúng ta không nên lầm đường”, linh mục Heyndrickx viết.

“Các Kitô hữu và thậm chí là các phương tiện truyền thông đã thiếu kiên nhẫn và không yên khi nghe một số tin tức về sự tiến triển của các cuộc đàm phán”, linh mục Heyndrickx viết.

Trong bài báo của mình, Cha Heyndrickx nói rằng đã có một số dấu hiệu tiến bộ, cho rằng trong số năm vị Tân Giám mục, ba ứng cử viên của Rôma và hai ứng cử viên do Chính phủ chỉ định đã được Rôma tán thành.

Cha Heyndrickx lặp đi lặp lại lời cảnh báo của ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng con đường phía trước đối với các cuộc đàm phán là một tiến trình kéo dài.

Các cuộc bổ nhiệm bí mật vẫn cứ tiếp tục

Một vấn đề khác về việc bổ nhiệm các Giám mục đó chính là Vatican muốn Bắc Kinh công nhận khoảng 20 ứng viên Giám mục mà Vatican đã chỉ định cho Giáo hội chính thức và gần 40 Giám mục cho Giáo hội hầm trú.

Có những nghi ngờ về phía Trung Quốc đối với số lượng ngày càng tăng của các Giám mục hầm trú. Bắc Kinh nghi ngờ Vatican tiếp tục bổ nhiệm các Giám mục cách bí mật mặc dù đã có những cuộc đàm phán đang diễn ra.

Kể từ tháng 12 năm 2015, Giáo hội Trung Quốc có 29 Giám mục đang hoạt động trong Giáo hội hầm trú, theo tờ ‘Spring Issue of Tripod 2016’, một tập san của “Holy Spirit Study Center” thuộc Giáo phận Hồng Kông.

Trong bài báo về mối quan hệ Trung Quốc – Vatican được xuất bản hồi tháng Hai, Đức Hồng Y John Tong Giáo phận Hồng Kông đã nói về “hơn 30” Giám mục hầm trú. Nhưng cuối tháng Ba vừa qua, ĐHY John Tong cho biết rằng có “gần 40 Giám mục hầm trú” tại Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Catholic Catholic Reporter đặt tại Hoa Kỳ.

Minh Tuệ theo UCANews

Merken