Dân Chúa Âu Châu

Cựu Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ. Một Tay Chống Cộng Sừng Sỏ Nhất, Nay Đầu Hàng Cộng Sản!!

 

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

 

Ngày 14.1.2004, như một trái bom nổ trong cộng đồng người Việt hải ngoại, Tướng Kỳ, cựu Phó Tổng thống VNCH đã về thăm quê hương. Sự trở về của ông ta làm chấn động nhiều người, đặc biệt các chiến hữu cùng chung giới tuyến chống cộng sản trong chiến tranh Việt Nam. Tại sao T. Kỳ tự muối mặt và làm mất danh dự mình, cũng như làm hại thanh danh của tập thể Quân, Cán, Chính VNCH, chỉ vì quyền lợi cá nhân thấp hèn? 
Vì T. Kỳ là nhân vật quan trọng thứ hai của chế độ VNCH, một nhân vật quần chúng, mà mỗi việc làm không hợp lý của ông ta, dù với tư cách cá nhân, cũng không ít thì nhiều làm tổn thương đến tập thể người Việt tỵ nạn. Vì thế, chúng tôi sẽ lần lượt trình bầy các điểm sau đây:
I- ĐÔI HÀNG VỀ T. KỲ
Theo người dân cùng quê Sơn Tây kể thì ông Nguyễn Cao Hiếu (hay còn gọi là cụ giáo Hiếu) sinh được 2 gái đầu và cậu con trai tên Nguyễn Cao Kỳ. Kỳ sinh năm 1930, học ở Sơn Tây hết lớp 4 rồi được cha gửi ra Hà-nội học tại trường Bưởi (Chu Văn An ngày nay). Sau đó ông bị Pháp bắt đi lính và được học trường Sĩ quan Trừ bị khóa I Nam Định; rồi được gửi qua Pháp học lái máy bay tại căn cứ Không quân Marrakech ở Ma-rốc. 
Nói đến T. Kỳ, nguyên Tư lệnh Không quân, Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương và Phó Tổng thống, người ta liên tưởng ngay tới một ông tướng đã được giới báo chí và chính trị Miền Nam tặng cho cái biệt hiệu “cao bồi, ba hoa chích choe”. Đa số chính trị gia đều nhận định rằng: T. Kỳ chỉ thích hợp trong vai trò thi hành trách nhiệm về quân sự. Còn về chính trị thì ông ta không thể là một lãnh tụ. Tuy nhiên “thời thế” đã tạo nên con người Nguyễn Cao Kỳ. 
Như mọi người biết, sau khi TT. Ngô Đình Diệm bị một số tướng lãnh phản nghịch, theo lệnh C.I.A, lật đổ và giết chết trong biến cố 1.11.1963; tình hình chính trị Miền Nam trở nên bất ổn từ nông thôn tới thị thành. Các cuộc đảo chánh, chỉnh lý và bạo động; xung đột giữa Công giáo và Phật giáo đã xẩy ra liên tục. Tướng Nguyễn Khánh từ Quân đoàn II về Sài Gòn chỉnh lý và cướp quyền lực từ Tướng Dương Văn Minh. Để tiếp tục tổ chức guồng máy quốc gia, Thượng Hội Đồng Quốc Gia (THĐQG) đượïc thành lập, do cụ Phan Khắc Sửu làm chủ tịch, tức Quốc Trưởng, và Chính phủ đầu tiên do Thủ tướng Trần Văn Hương lãnh đạo ra mắt ngày 4.1.1964. Tuy vậy, Tướng Nguyễn Khánh muốn dành quyền hành cho Hội Đồng Quân Lực nên đã giải tán THĐQG vào ngày 20.12.1964.
Ngày 17.1.1965, Tướng Nguyễn Khánh tuyên bố bất tín nhiệm QT. Phan Khắc Sửu và TT. Trần Văn Hương. Bị áp lực từ nhiều phía, Tướng Khánh phải lưu nhiệm ông Phan Khắc Sửu và đề cử luật sư Phan Huy Quát vào chức vụ Thủ tướng. Nội Các Phan Huy Quát ra đời ngày 27.1.1965. Tuy nhiên đường lối của Phan Huy Quát vừa tạo nên xung đột với Quốc trưởng Phan khắc Sửu, vừa gây chia rẽ tôn giáo. Vì thế đồng bào Công giáo tại Sài Gòn, Chợ Lớn và vùng lân cận đã phát động các cuộc biểu tình chống đối mạnh mẽ. Cuộc xung đột tôn giáo và sự bất ổn xã hội là nguyên nhân đưa tới cuộc họp ngày 11.5.1965, trong đó T. Kỳ đã yêu cầu ông phan Khắc Sửu trao quyền lãnh đạo quốc gia lại cho Hội Đồng Quân Lực. T. Kỳ bất ngờ nổi danh trong giai đoạn này, vì ông từng tuyên bố sẽ dùng không quân đập tan các cuộc chỉnh lý và cách mạng v.v…
Ngày 19.6.1965, Hội Đồng Quân Lực chính thức ra mắt như một cơ quan tối cao nắm quyền lãnh lạo Việt Nam Cộng Hòa. Ngày này sau đó được chọn làm “Ngày Quân Lực”. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu được đề cử vào chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG) và Trung tướng Nguyễn Chánh Thi được đề cử vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTƯ), chức vụ Thủ tướng với danh xưng mới. Tướng Thi từ chối. T. Kỳ không bỏ lỡ cơ hội, nhẩy ra “hy sinh” gánh vác việc “kinh bang tế thế”.
Ngay sau khi đảm nhiệm chức vụ, T. Kỳ đã hăng say đưa ra một số biện pháp cứng rắn như sau:
-Lập “Tổng đoàn thanh niên trừ gian” để điều tra và đem ra ánh sáng những thành phần tham nhũng, gian thương. 
-Lập “pháp trường cát” để xử tử Việt cộng nằm vùng và các tay đầu cơ tích trữ lũng đoạn thị trường. Vụ án tử hình Tạ Vinh là một ví dụ.
Một trong các quyết định dứt khoát và mạnh mẽ của T. Kỳ được ghi nhận trong giai đoạn này là dẹp loạn Miền Trung. Tình hình tại Quân khu I ngày càng trở nên căng thẳng sau khi hai làng Công giáo Thanh Bồ và Đức Lợi bị nhóm quá khích tấn công đốt phá. T. Kỳ đã bí mật điều động Nhẩy Dù và Thủy quân Lục chiến ra Trung dẹp tan quân phản loạn; đồng thời phá hủy toàn bộ mưu đồ biến Miền Trung thành khu tự trị có lợi cho cộng sản Bắc Việt! Tướng Nguyễn Chánh Thi bị cách chức Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I.
Tuy nhiên, sự tranh dành quyền lực giữa T. Thiệu và T. Kỳ ngày một trầm trọng vào thời kỳ 1967, trước cuộc tranh cử Tổng thống Đệ II VNCH. Để tránh hai liên danh quân đội bị thất bại trước các liên danh dân sự, trong đó Luật sư Trương Đình Du là một đối thủ nặng ký nhất, Hội Đồng Tướng Lãnh áp lực T. Thiệu và T. Kỳ phải đứng chung một liên danh tranh cử. T. Thiệu ứng cử viên Tổng thống và T. Kỳ Phó.
Sau Tết Mậu Thân 68, TT. Thiệu muốn nắm trọn quyền lực bằng cách thay thế Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh sát Quốc gia, và nhiều tay chân bộ hạ khác của PTT. Kỳ trong cơ cấu cảnh sát và quân đội. PTT. Kỳ. Sau đó coi như chỉ ngồi chơi xơi nước và trở về quân đội khi nhiệm kỳ Phó Tổng thống chấm dứt.
Trong những ngày cuối của tháng 4.1975, khi quân cộng sản đánh tới Quân đoàn III, người ta thấy Tướng Kỳ lại tái xuất giang hồ. Mặc đồ chiến sĩ và xuất hiện ở các vùng đông giáo dân Thiên Chúa Giáo. T. Kỳ kêu gọi đừng di tản, phải ở lại, đoàn kết chống cộng. Thế nhưng, sau đó ông ta chuồn êm bằng phi cơ trực thăng ra Đệ Thất Hạm Đội Mỹ!
II- HOẠT ĐỘNG CỦA TƯỚNG KỲ SAU KHI THÁO CHẠY KHỎI MIỀN NAM
Hành động “bỏ của chạy lấy người” của T. Kỳ trong ngày 30.4.1975 đã đi ngược với những khẩu hiện “Bắc Tiến, chiến đấu tới cùng..” do chính ông đưa ra và là sự phản bội đối với các chiến sĩ VNCH.
Qua tới Mỹ, T. Kỳ vẫn không tổ chức được một hội cựu chiến sĩ VNCH nhằm mục tiêu giúp đỡ các chiến binh và gia đình chạy tỵ nạn. Ông ta cũng chẳng màng tới việc trợ giúp cho các thương phế binh tại Việt Nam theo tinh thần “huynh đệ chi binh”. 
Một số hoạt động của T. Kỳ tại hải ngoại được ghi nhận như sau:
-Từ trại tỵ nạn Pendleton ra lập nghiệp, T. Kỳ mở quán rượu ở Long Beach; nhưng bị phá sản! Đặng Tuyết Mai, người vợ từng là nữ chiêu đãi viên hàng không dân sự VNCH, nhan sắc “chim sa cá lặn”, cũng đành bỏ ông và đem trái tim vàng trao cho một trung sĩ! Sau đó T. Kỳ di chuyển qua Tiểu bang Louisianna, tá túc tại nhà một chiến hữu làm nghề đánh cá. Thay vì cùng bạn câu cá ngoài sông hay trên biển, T. Kỳ lại câu ngay cá của bạn! Thế là “tin bạn mất vợ”, người xưa nói quả không sai. Người vợ mới này nghe đâu có người con gái đang làm mê mẩn quí tử của Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải, nên mới có nhiều chuyện xẩy ra làm đảo lộn tình thế. Vì lệnh bà, người ta không lạ gì các đây vài năm, T. Kỳ tuyên bố muốn làm “đại sứ lưu động ngoại vận” cho Hà Nội!
-Ngày 7.5.1992, trong buổi nói chuyện tại câu lạc bộ của Không quân Hoa Kỳ tại Eagles & Anchors Club, T. Kỳ đã kêu gọi Hoa Kỳ hủy bỏ Lệnh Cấm Vận đối với VN. Ông từng tuyên bố: “ø… Chúng tôi và cả các ông nữa, mọi người đều đã lầm. Chúng ta cần phải quên đi cái quá khứ. Hãy quên Hồ Chí Minh, quên Đỗ Mười và quên cả Nguyễn Cao Kỳ.. để chúng ta có thể cùng bắt tay nhau tạo nên sự đổi thay và xây dựng lại quê hương…”.
Thực tế cho thấy: sau 12 năm, nhà cầm quyền cộng sản VN chả quên Hồ Chí Minh và Đỗ Mười! Chỉ có Nguyễn Cao Kỳ tự quên mình, rời bỏ hàng ngũ Quốc gia, để xin phép CS cho về thăm quê hương. CSVN thừa biết T. Kỳ là tay không quân (có nghĩa tay không) thì ai thèm bắt tay lo chuyện đại sự?
-Ngày 31.8.1997, tại Denver, Tiểu bang Colorado, trong Đêm Không Gian của Không Quân, T. Kỳ lại kêu gọi “hòa hợp hòa giải với Cộng Sản và cho rằng chỉ có mô hình độc đảng của những nước Singapore, Nam Hàn, và Đài Loan trước năm 1990 mới có thể đưa đất nước thoát cảnh nghèo đói”. 
Lời phát biểu của T. Kỳ nếu tìm hiểu kỹ, nó không đúng với thực tế lịch sử Đài Loan, Nam Hàn và Tân Gia Ba. Ba quốc gia này xây dựng đất nước trên căn bản tự do dân chủ, khác với CSVN “Yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội!”. Ngoài ra, lời phát biểu của T. Kỳ có vẻ phản ảnh chủ trương của Trần Bạch Đằng, một lý thuyết gia hàng đầu của cộng sản gốc miền Nam. Chủ trương này được nhà cầm quyền CSVN biện luận cho vai trò độc đảng của mình trước chính quyền Nam Hàn và Đài Loan vào năm 1989. Nó cũng được Nhà nước CSVN cho các đảng viên học tập để thấu triệt tình hình và đường lối của đảng. Mục tiêu duy nhất là chỉ có thể phát triển đất nước trong ổn định chánh trị nhờ duy trì độc đảng và xóa bỏ hận thù.
III- TẠI SAO T. KỲ VỀ VIỆT NAM?
Sự trở về của T. Kỳ đã được chuẩn bị trước. Năm 2002, T. Kỳ đã dành cho ký giả David De Voss một bài phỏng vấn được đăng trên tập san Asia Inc., số tháng 9-2002 có tựa đề: 
“Welcome back! Former premier and anti-communist Nguyen Cao Ky is going home with a team of expatriate business investors at the invitation of Hanoi.” 
(Chào mừng trở về! Nguyễn Cao Kỳ, Cựu Thủ tướng và người chống cộng sẽ về thăm quê hương với một toán đầu tư thương mại lưu vong do lời mời của Hà-nội)
“Early next year, Nguyen Cao Ky will return home to his native country. Kỳ, 73 now but still very active, says he is going home on his terms, as an invited guest of the communist government, not just a tourist.” 
(Vào đầu năm tới Nguyễn Cao Kỳ sẽ trở về quê hương. Ông Kỳ hiện đã 73 tuổi nhưng vẫn còn năng động, nói rằng, ông về Việt Nam với những điều kiện riêng của ông, như một khách được mời của chính quyền cộng sản, chứ không hẳn là một du khách).
Ông Kỳ nói tiếp: “There used to be fanatic anti-communism, but today the anti-communists are nothing.”
(Trước kia có chống cộng cực đoan, nhưng bây giờ thì những người chống cộng chẳng là gì cả).
Lời phát biểu của T. Kỳ chứng minh:
-Ông ta đầu hàng và chịu cộng tác với CSVN!
-Ông ta chửi lại những chiến sĩ chống cộng!
Toàn bộ lộ trình hướng về VN của T. Kỳ đã xẩy ra vào đầu năm 2004. Theo tin tức của báo VnExpress thì ông Kỳ tự ý làm đơn xin về thăm quê hương như bản tin dưới đây:
 Thứ sáu, 9.1.2004, 15:42 GMT+7
Ông Nguyễn Cao Kỳ về Việt Nam ăn Tết
Lần đầu tiên sau gần 30 năm kết thúc chiến tranh, Tết Giáp Thân này, cựu phó tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ sẽ đón năm mới ở quê hương. Hôm nay, ông đã lên máy bay đi Bangkok và đến 14/1 sẽ tới TP HCM. Bộ Ngoại giao cho biết, ông Kỳ sẽ được đón tiếp như một Việt kiều bình thường và được đảm bảo an ninh.
 Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, các con của ông Nguyễn Cao Kỳ đã về thăm quê và làm ăn trong nước nhiều năm nay, vẫn liên hệ với ủy ban. Gia đình nhân vật đặc biệt này đã liên hệ và nhờ phía ủy ban giúp đỡ. Dự kiến cơ quan sẽ cử người đón tiếp ông Kỳ. Ông Thắng nói: “Bất cứ kiều bào nào, khi về nước có đề nghị thì chúng tôi đều giúp đỡ”.
 Dự kiến, sau khi ăn Tết với người thân, thăm bạn bè trong Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ sẽ ra thăm quê, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Ông Kỳ sinh ra và lớn lên ở đây cho đến khi đi lính, ông nhập học tại trường không quân Marrakech của Pháp tại Marốc. Nguyễn Cao Kỳ nay 74 tuổi, có 3 vợ, 6 con, từng là tướng lĩnh cao cấp quân đội Sài Gòn, sau đó là thủ tướng, phó tổng thống. Ông di tản sang Mỹ từ trước ngày 30/4/1975. Đến cuối năm 2003, ông đã nộp đơn xin về thăm quê hương và được cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam chấp thuận. (Nghĩa Nhân)
 Tuy nhiên, bản tin của báo cộng sản ẫm ờ và không che dấu được sự thực đã phơi bày trong bài phỏng vấn của ký giả David De Voss nêu trên. Ngoài ra, theo nguồn tin từ Internet mà chúng tôi nhận được thì ông Nguyễn Cao Kỳ khoe về VN là do lời mời của CSVN, như bản tin duới đây: 
 This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Sent: thứ Năm 14.01.04 2:35:50PM
“Theo lời cựu PTT VNCH Nguyễn Cao Kỳ, vào tháng 7.2003, Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Đình Bin trong bữa tiệc có mời ông về thăm lại VN và ông Kỳ đã nhận lời…” 

Theo VietnamNet thì:
 Trong không khí hân hoan của Việt kiều về quê ăn Tết, hôm nay, tại TP.HCM, ông Nguyễn Cao Kỳ đã có cuộc trò chuyện. Ông bày tỏ quan điểm không nên khơi lại quá khứ và hy vọng sự có mặt của mình phần nào nói lên ý muốn hòa hợp dân tộc của cá nhân ông.
- Ông suy nghĩ gì về chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước Việt Nam?
- Không cần phải suy nghĩ nữa, đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn, sự hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh trong và ngoài nước. Số người Việt Nam đang sống ở nước ngoài khá nhiều và nhiều người cũng thành đạt, họ cũng đã tiếp nhận được khoa học kỹ thuật của thế giới. Chính phủ phải làm sao lôi kéo họ về phục vụ đất nước.
- Xin ông cho biết cảm giác của ông khi về đến Việt Nam.
- Tôi mới về được hai hôm, còn mới quá, chưa thể phát biểu được gì. Tuy nhiên trước ngày ra đi tôi không hề nghĩ mình sẽ đi. Tôi đã khóc khi phải xa quê hương. Lần thứ hai tôi khóc chính là lúc trên máy bay trở về Việt Nam, khi sắp hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. (VTV)
IV- T. KỲ ĐÃ NỐI GIÁO CHO GIẶC BẮN SAU LƯNG CHIẾN SĨ VNCH
 Dù với tư cách cá nhân đi nữa, T. Kỳ đã tự bôi bẩn đời mình, tự hủy hoại danh dự của một chiến sĩ chiến đấu cho tự do dân chủ. Từng là Tướng, Thủ tướng và Phó Tổng thống VNCH mà T. Kỳ lại lên án cuộc chiến VN là cuộc chiến bẩn thỉu! Như vậy suốt 20 năm chiến đấu cho Miền Nam, T. Kỳ chiến đấu cho lý tưởng nào?
-Nguyên nhân cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” do ai gây nên? Cộng sản hay Quốc gia?
-Tại sao Cộng sản Bắc Hàn không tấn công Nam Hàn? 
-Tại sao Đông Đức thống nhất với Tây Đức mà không ngược lại? 
-Tại sao Liên Sô và các quốc gia Đông Âu lại bỏ chủ nghĩa cộng sản để gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và khối NATO?
-Các quốc gia trên giờ đây có cần “độc đảng” mới thành công trong chương trình đưa đất nước vươn lên ngang hàng với các quốc gia trong vùng không?
-Tại sao CUBA, độc đảng và người dân “yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội” mà vẫn “khố rách áo ôm” và lạc hậu?
Muốn “Hòa giải Dân tộc” để xây dựng đất nước phú cường và nhân dân chóng được hạnh phúc ấm no… phải dựa trên nền tảng nào? 
-Tự do hay Cộng sản? 
 -Lời Hồ Chí Minh: “không có gì quí hơn Độc-lập Tự-do”. Nhưng tại sao “yêu nước lại phải yêu Chủ nghĩa Xã hội?”ø và tại sao ĐHY Phạm Minh Mẫn lại tuyên bố: 
“Nhân quyền tại Việt Nam chỉ có trên giấy tờ”. -“Nhà nước viết trên hiến pháp tất cả các quyền tự do của công dân, hoặc nhân quyền, nhưng trong thực tế cuộc sống hàng ngày, dân chúng phải xin phép để làm bất cứ cái gì.”
ĐHY Phạm Minh Mẫn, vị Hồng Y tân cử, phát biểu như vậy trong cuộc phỏng vấn Ngài dành cho Nhật Báo Boston Globe ngày 28.12.2003 vừa qua, khi Ngài được hỏi là Ngài có đóng vai trò vận động để có thêm tự do tôn giáo ở trong nước không. Dịp này, Ngài nói tiếp rằng: 
“Tôi đã nói với nhà cầm quyền rằng quyền tự do mà người dân Việt Nam muốn có nó to bằng cái bàn, trong khi cái tự do chúng tôi có ở Sài Gòn nó nhỏ như cái đĩa.”
Thiết tưởng lời phát biểu của Hồng Y Phạm Minh Mẫn đủ mở mắt cho T. Kỳ và những kẻ “ăn cơm Quốc gia thờ ma CS”.
V- PHẢN ỨNG CỦA CÁC TỔ CHỨC NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA TỴ NẠN CỘNG SẢN
Sự trở về của một cựu Phó Tổng thống VNCH ít nhiều gì cũng có tác hại tới tinh thần chống CS. Trên báo chí, đài phát thanh và Internet, người quốc gia chân chính, các tổ chức chính trị, hội đoàn, đảng phái VNCH đã lên án sự trở về và ca tụng chế độ CS của T. Kỳ. Vì giới hạn của bài báo, chúng tôi không thể kê ra đây toàn bộ các tổ chức, chỉ xin đưa ra 2 tổ chức tiêu biểu là:
1-TẬP THỂ CHIẾN SĨ VNCH do Bác học Không gian, Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, hiện là Chủ tịch Hội Đồng Chỉ đạo và Tướng Lê Minh Đảo, cựu Tư-lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh, người hùng của trận chiến Xuân Lộc, Chủ tịch ủy ban Điều hợp Trung Ương.
2-Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại do ông Phạm Quang Trình làm chủ tịch.
KẾT LUẬN
Thế mới biết; Dân, Quân, Cán, Chính, Tướng … thời nào cũng vậy và ở đâu cũng có người hùng và kẻ hèn và “có thức khuya mới thấy đêm dài - Có cháy nhà mới lò ra mặt chuột!”