Dân Chúa Âu Châu

Tường thuật buổi cầu nguyện hòa bình của Israel-Palestine-Vatican tại Vatican

BY: VRNS

Theo CNA, ĐTC Phanxicô đã tiếp đón Tổng thống Israel và Palestine đến Vatican vào chiều Chúa nhật ngày 8.6 để gặp gỡ và cầu nguyện, "khẩn cầu cho hòa bình".

Buổi gặp gỡ cầu nguyện còn có sự tham dự của Đức Thượng Phụ Constantinople, Bartholomew I. Ba vị lãnh đạo đã cầu nguyện cho hòa bình tại Đất Thánh và cho khắp vùng Trung Đông.

ĐTC Phanxicô đã phát biểu hôm 8.6 tại vườn Vatican rằng: "Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa vì quí vị đã chấp nhận lời mời của tôi để đến đây và tham dự buổi cầu nguyện với Thiên Chúa về hồng ân hòa bình. Tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ cầu nguyện này sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình mới, mà ở đó chúng ta cùng tìm kiếm những gì mang lại sự hợp nhất và vượt qua những gì gây chia rẽ."

ĐTC đã đưa ra lời mời trên đây trong chuyến hành hương gần đây đến Đất Thánh hồi cuối tháng năm 2014. Tổng thống Palestines và Israel đã nhanh chóng chấp nhận lời mời.
ĐTC đã có cuộc gặp riêng với từng vị tổng thống tại nhà khách Santa Marta khi hai vị này đến Vatican. Cả ba sau đó đã cùng hội kiến, với sự tham dự của Đức Thượng Phụ Constantinople, Bartholomew I, trước khi diễn ra buổi cầu nguyện "Khẩn cầu cho hòa bình".

Buổi cầu nguyện được chia thành ba phần, theo thứ tự lần lượt từng cộng đồng Do Thái, đến Kitô giáo và Hồi giáo. Các lời cầu nguyện được xướng lên bằng tiếng Do Thái, tiếng Anh, tiếng Ý, và tiếng Ả Rập. Nội dung tập trung vào việc ca ngợi Thiên Chúa vì công trình sáng tạo, khẩn cầu ơn tha thứ tội lỗi và nài xin ơn hòa bình.

Các lời cầu nguyện cũng bao gồm một số thánh vịnh được trích từ nghi thức Ngày đền tội  của Do Thái giáo, một lời cầu nguyện được cho là của thánh Phanxicô Assisi, và một số lời cầu nguyện Hồi giáo. của Do Thái giáo, một lời cầu nguyện được cho là của thánh Phanxicô Assisi, và một số lời cầu nguyện Hồi giáo.

Sau khi cầu nguyện, ĐTC Phanxicô, Tổng thống Israel Shimon Peres, và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lần lượt có ba bài phát biểu ngắn gọn về sự cần thiết của hòa bình.
ĐTC Phanxicô nói, "vô số người dân thuộc các nền văn hóa, quốc gia, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau đã hiệp thông cùng đồng hành với buổi gặp gỡ và cầu nguyện cho hòa bình này. Buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Đất Thánh, Trung Đông và cho toàn thế giới này là lời "đáp ứng mong muốn nhiệt thành của tất cả những ai đang khao khát hòa bình, và ước mơ về một thế giới mà trong đó con người có thể sống với nhau như anh chị em và không còn là thù địch và coi như kẻ thù của nhau."
ĐTC sau đó còn cho biết, "việc kiến tạo hòa bình còn đòi hỏi nhiều sự can đảm hơn là trong chiến tranh."
ĐTC lưu ý tiếp, lịch sử đã cho thấy rằng hòa bình không thể hiện hữu chỉ đơn thuần bởi sức mạnh của con người. "Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây, bởi vì chúng ta biết và chúng ta tin rằng, chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta không rũ bỏ trách nhiệm của mình, nhưng chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa trong hành động có tính trách nhiệm cao trước lương tâm của chúng ta và trước dân tộc của chúng ta."

ĐTC Phanxicô tiếp tục khuyến khích những người hiện diện "phá vỡ vòng trôn ốc của hận thù và bạo lực" bằng tình "anh em." Chúng ta phải "ngước mắt lên trời và chấp nhận nhau như con cái của cùng một Cha."

Kế đến, Tổng thống Israel Shimon Peres đã đưa ra một lời kêu gọi cho hòa bình. Ông nói, "Tôi đến đây để kêu gọi hòa bình giữa các quốc gia." Ông cũng thừa nhận rằng, "hòa bình không đến một cách dễ dàng." Vị tổng thống Israel tiếp tục, ngay cả khi hòa bình "dường như xa xôi, chúng ta vẫn phải theo đuổi để khiến nó trở nên gần gũi." Ông nhấn mạnh, "chúng ta được lệnh phải theo đuổi hòa bình". Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng, "nếu chúng ta theo đuổi hòa bình với quyết tâm, với đức tin, chúng ta sẽ đạt được nó." Ông còn nhắc trong cuộc đời của mình (năm nay ông đã 90 tuổi), ông đã nhìn thấy cả hòa bình và chiến tranh. Ông cho biết sẽ không bao giờ quên được sự tàn phá do chiến tranh gây ra. "Chúng ta mắc nợ con em chúng ta trong việc tìm kiếm hòa bình", ông Peres nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì dựa theo lời cầu nguyện để khẩn cầu Thiên Chúa "thay mặt cho những người dân Palestine – bao gồm người Hồi giáo, Kitô giáo và người Samari, những người đang khao khát hòa bình, công lý; khao khát một cuộc sống xứng đáng và sự tự do."
"Lạy Chúa, xin ban cho khu vực và người dân của chúng con sự an toàn và ổn định. Hãy gìn giữ thành phố được chúc phúc Giêrusalem; trước hết là Thánh địa Kiblah, sau đó là Đền thánh Hồi giáo, thứ ba Thánh Địa Hồi giáo Mecca và các thành phố của phước lành và hòa bình với tất cả những gì bao quanh nó."
Nhà lãnh đạo chính trị Hồi giáo khẳng định, "Lạy Chúa, hòa giải và hòa bình là mục tiêu của chúng con."
Ông cũng cầu nguyện xin Chúa giúp "cho Palestine và Giêrusalem trở thành một vùng đất an toàn cho tất cả các tín hữu, và là một nơi để cầu nguyện và thờ phượng cho các tín đồ của ba tôn giáo độc thần Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và cho tất cả những ai muốn hành hương các địa điểm được nhắc đến trong kinh Koran."
Buổi cầu nguyện kết thúc bằng những cái bắt tay hòa bình giữa các nhà lãnh đạo, và trồng một cây ô liu, biểu tượng của ước mơ hòa bình.

Một đoạn Kinh Thánh được trích từ sách Ngôn sứ Isaia 65,17-25 17 Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. 18Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. 19Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. 20Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa. 21Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái. 22Người ta sẽ không xây nhà cho kẻ khác ở, không trồng nho cho kẻ khác ăn; vì cây được bao nhiêu tuổi, dân Ta cũng sẽ thọ bấy nhiêu; và những kẻ Ta chọn sẽ được hưởng kết quả do tay chúng làm. 23Chúng sẽ không luống công vất vả, không sinh con cho con chết bất ưng, vì chúng sẽ là dòng dõi những người được Ðức Chúa ban phúc lành, bản thân chúng cũng như cả nòi giống. 24Trước khi chúng kêu Ta, chính Ta đã đáp lời, chúng hãy còn đang nói thì Ta đã nghe rồi. 25Sói với chiên con sẽ cùng nhau ăn cỏ, sư tử cũng ăn rơm như bò, còn rắn sẽ lấy bụi đất làm lương thực. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta." Ðức Chúa phán như vậy. (Pv. VRNs