Dân Chúa Âu Châu

Bản án phi nhân, phi nghĩa, chà đạp công lý và nhân quyền

BY: THIÊN LONG TỔNG KẾT

Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên án với ông Đoàn Văn Vươn và người thân vào ngày 5 tháng 4 năm 2013 với bản án phi nhân, phi nghĩa, chà đạp trắng trợn công lý và nhân quyền mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã xử những người nông dân chân nấm tay bùn, suốt đời đã xây dựng sự nghiệp bằng mồ hôi nước mắt và ngay cả sinh mạnh của mình: ông Đoàn Văn Vươn bị tuyên phạt 5 năm tù, ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù, ông Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù; và ông Đoàn Văn Vệ bị 2 năm tù về tội giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Vợ ông Quý là bà Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và vợ ông Vươn, bà Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.
Biến cố trong tháng 5-2013 xin được gửi đến quý độc giả những điểm chính sau đây:
1. Nhìm lại vụ án Đoàn Văn Vơn sau biến cố cưỡng chế nhà đất tại Tiên Lãng
2. Thư gửi Tòa Án Nhân Dân thành phố Hải Phòng của Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình và của TGM Hải Phòng, của nhà cầm quyền CSVN.
3. Phản ứng sau vụ án bất công.

1. Vụ ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN SAU BIếN Cố CƯỡNG CHế NHÀ ĐấT TạI TIÊN LÃNG

Ngày 2.4.2013, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn xảy ra tại đầm tôm của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 5.1.2012 chính thức được đưa ra xét xử công khai. 6 bị cáo bao gồm Đoàn Văn Vươn (chủ đầm tôm) cùng vợ và 3 anh em trai, 1 em dâu trong gia đình ông Vươn. Phiên tòa có sự tham dự của 12 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bị hại. Có duy nhất một luật sư đăng ký bào chữa cho các bị hại trong vụ án này là Luật sư Dương Văn Thành (đoàn luật sư Hải Phòng). 4 bị cáo gồm Đoàn Văn Vươn (SN 1963), Đoàn Văn Quý (SN 1966), Đoàn Văn Sịnh (SN 1957), Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị đề nghị truy tố trước tòa tội danh "giết người" được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 BLHS, có khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình. 2 bị cáo nữ trong vụ án này là Nguyễn Thị Thương, SN 1970, (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý SN 1982) bị đề nghị truy tố ra trước tòa tội danh "Chống người thi hành công vụ" được quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 BLHS, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Vào ngày 5.4 năm 2013, kết thúc 3 ngày xét xử mệnh danh là xét xử công khai, đang khi hàng trăm công an chìm nổi tìm mọi cách ngăn cản dân chúng đến tham dự phiên tòa. Kết quả là bản án tổng cộng 15 năm 6 tháng tù (+33 tháng tù cho hai bà vợ) đổ xuống gia đình nông dân họ Đoàn.

Nhân dịp này thử nhìn lại biến cố cưỡng chế nhà đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng:
Bản tin của đài RFI ngày mùng 5.1.2012 loan tin: Đối đầu và chạm súng từ một vụ cưỡng chế nhà đất ở miền Bắc khiến sáu công an và bộ đội bị thương nặng. 7 giờ sáng thứ năm, hơn một trăm người gồm cán bộ uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, công an và bộ đội kéo đến cưỡng chế một khu đất 50 hectares. Khu đất này do ông Đào Văn Vươn thầu canh tác nuôi trồng, đã hết hạn thầu nhiều năm, nhưng không chịu nộp thuế, giao đất.
Đoàn người của chính quyền bị vướng mìn, phải rút lui để di tản người bị thương. Công an thành phố điều động lực lượng vũ trang lớn hơn trở lại lần thứ nhì, đến gần nhà kêu gọi bên trong giao nộp vũ khí và tuân thủ cưỡng chế, lại bị bắn ra từ trong nhà. 6 công an và bộ đội bị trọng thương trong hai lần chạm súng, trong số đó có viên thượng tá trưởng công an huyện Tiên Lãng.
Hằng trăm công an Hải phòng và bộ đội được điều động đến hiện trường, thì cả nhà ông Vươn đã bỏ trốn. Nhà cầm quyền ra lệnh truy bắt. Công an Hải Phòng hôm thứ sáu khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ. Công an tạm giữ 6 người trong gia đình chủ đầm Đoàn Văn Vươn. Những người bị tạm giam chờ truy tố gồm 4 người nam giới họ Đoàn, cùng hai phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Hiền. Công an xác định nghi can trực tiếp nổ súng là Đoàn Văn Quý. Quý đã bỏ trốn, công an đang truy bắt. Nghi can Đoàn Văn Vươn nhận đã cầm đầu nhóm người chống lại lực lượng cưỡng chế.
Riêng vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, thật ra ban đầu huyện chỉ giao 21 hecta đất bãi bồi ven biển. Sau đó với kiến thức của một kỹ sư nông nghiệp và với quyết tâm, ông đã lấn ra biển thêm được 19,3 hecta, rồi được hợp thức hóa bằng cách giao đất bổ sung. Không chỉ đổ mồ hôi nước mắt, tiền bạc vay mượn, ông Vươn còn bị mất đi một đứa con và một người cháu tại đây. Thế nhưng chưa hết thời hạn hợp đồng, chủ tịch huyện đã ra quyết định cưỡng chế để giao lại cho người khác mà không hề bồi thường, và ngôi nhà của ông Quý dù không nằm trong phần đất bị thu hồi cũng đã bị san bằng.
Hiện ông Vươn và người em là Đoàn Văn Quý - người đã nổ súng vào lực lượng cưỡng chế - đang bị giam giữ và bị truy tố, cùng với hai người khác trong gia đình.
Đây là lần đầu tiên người dân "đơn thương độc mã" dám đứng lên đương đầu một cách mạnh mẽ như thế với lực lượng cưỡng chế thu hồi đất. Vụ này đang gây nhiều tranh luận, đặt lại các vấn đề quan trọng từ Luật đất đai cho đến Hiến pháp, mà hiện nay một số chính quyền địa phương cấp huyện, xã đang tùy tiện ứng xử với quyền hành quá lớn trong tay, gây oan ức cho nhiều người nông dân bị mất đất. Nhiều nhà bình luận nhận định rằng: biến cố này có thể là một khúc quanh, khiến cho nhà cầm quyền csVN phải lo sợ, vì những gì sắp xẩy đến?! Có thể làm sụp đổ cả chế độ toàn trị của đảng csVN đã mục nát từ bên trong!


2. "Họ PHảI ĐƯợC TRả Tự DO VÀ ĐƯợC BồI THƯờNG THIệT HạI THỏA ĐÁNG."

Ủy ban Công lý và Hòa bình
TGM Hải Phòng
Thư gửi Tòa Án Nhân Dân Tp Hải Phòng
Ủy ban Công lý và Hòa bình Việt Nam
6bis Tôn Đức Thắng,
p. Bến Nghé, quận 1, Tp HCM
Tòa Giám mục Hải Phòng
46 Hoàng Văn Thụ, Q. Hồng Bàng,
Tp Hải Phòng
Số 01/13HP-CLHB

Ngày 29 tháng 3 năm 2013

Kính gửi: Tòa án Nhân dân Tp Hải Phòng

Sau khi nhận được đơn thông báo lịch xét xử và lời kêu cứu của đại diện gia đình ông Đoàn Văn Vươn ký ngày 26.03.2013, chúng tôi thấy thật thiếu sót nếu không cùng với công luận gửi Văn thư này lên quý vị về phiên tòa lịch sử này.
Vụ án rất dài với nhiều tình tiết phức tạp mà người ta dễ dàng đọc được khắp nơi trên các phương tiện thông tin đại chúng, có nội dung đơn giản là người nông dân Đoàn Văn Vươn sau khi không được giải quyết khiếu nại chính đáng của chính quyền các cấp, đã cùng với người thân, chống lại việc cưỡng chế phi pháp của chính quyền địa phương để giữ thành quả quai đê lấn biển lập đầm nuôi hải sản hàng chục năm trời bằng mồ hôi xương máu và cả tính mạng của người thân, theo lời mời gọi của nhà nước khuyến khích nông dân khai hoang lập điền.
Mặc dầu dư luận Việt Nam và quốc tế, trong đó có nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, cảm thông sâu sắc và bênh vực hành vi công lý của anh em ông Vươn, đồng thời lên án các việc bạo quyền của chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, đã áp dụng sai pháp luật, cưỡng chế sai thẩm quyền, điều động sai nhân sự, nhằm chiếm đoạt đất đai hợp pháp của nông dân được Pháp luật bảo hộ. Điều mà chính Thủ tướng chính phủ trong cuộc họp với nhiều cơ quan ban ngành vào ngày 10.02.2012 về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng đã dứt khoát khẳng định: "Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm nghiêm trọng".

Ấy vậy mà công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố vụ án, bắt giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú đối với anh em nhà ông Vươn để tiến hành điều tra. Ngày 04.01.2013, Viện Kiểm sát thành phố Hải Phòng đã có bản Cáo trạng nặng nề truy tố anh em nhà ông Vươn. Đặc biệt là ngày 18.03.2013, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định số 407/2013/HSST-QĐ đưa vụ án ông Vươn ra xét xử. Theo quyết định này thì bốn người trong gia đình ông Vươn gồm: ông Đoàn Văn Vươn, ông Đoàn Văn Quý, ông Đoàn Văn Sịnh, ông Đoàn Văn Vệ bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng truy tố về "tội giết người" theo điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự, sẽ bị xử từ ngày 2/4 - 5.4.2013, tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng. Còn bà Phạm Thị Báu, và Nguyễn Thị Thương bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng truy tố về tội "chống người thi hành công vụ" theo điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ luật Hình sự, sẽ bị xử từ ngày 8/4 - 10.4.2013 tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Lần này công luận đã thấy một dòng họ bị tù đày vì chống lại những hành vi bất chính, một dòng họ bị khởi tố, truy tố và xét xử vì chính sách pháp luật đất đai bất cập, nhất là vì hành động sai trái có hệ thống của chính quyền địa phương, và liệu công luận có phải chứng kiến dòng họ đó bị án tử vì sự thật? Sự thật của những người nông dân chất phác bị đẩy đến đường cùng nên tưởng rằng có thể tự sức chống lại hành vi sai pháp luật của người khác để gìn giữ phần đất mà họ đã rưới mồ hôi xương máu trên đó ròng rã đã 20 năm trường?
Liệu người ta có thể chấp nhận một bản án sẽ được tuyên dựa trên một bản Cáo trạng không tôn trọng thực tế, thiếu lý luận pháp lý và bất chấp công luận? Chúng tôi đề xuất Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cũng như những nhà hữu trách để cho công lý lên tiếng, lấy dân làm gốc để bảo vệ dân, bảo vệ công lý.

Theo đó, cần thiết phải trả tự do cho anh em nhà ông Vươn vì họ không phạm "tội giết người" theo điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự hoặc tội "chống người thi hành công vụ" theo điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, như đã nói ở trên, theo kết luận điều tra của cơ quan Chính phủ ngày 10.02.2012 thì do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật, nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng trái pháp luật, đồng thời việc cưỡng chế dưới sự lãnh đạo và điều động của lãnh đạo huyện Tiên Lãng cũng vi phạm nghiêm trọng pháp luật - lạm dụng chức vụ và quyền hạn, gây thiệt hại cho tài sản và lợi ích hợp pháp của công dân, buộc chính quyền huyện Tiên Lãng phải bồi thường cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn và thực tế đã được thi hành.
Như vậy, việc cưỡng chế của chính quyền huyện Tiên Lãng là hành vi vi phạm pháp luật, nên tự bản chất nó không còn là "thi hành công vụ". Hơn nữa, lực lượng cưỡng chế bất hợp pháp được tổ chức có vũ trang để xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân, có tính chất nghiêm trọng, nên việc chuẩn bị của anh em ông Vươn trong việc cài chất nổ giản đơn quanh vườn và sử dụng súng hoa cải là một hành động phòng vệ chính đáng (theo khoản 1 điều 15 Bộ luật Hình sự) để bảo vệ tính mạng và lợi ích hợp pháp của gia đình mình. Việc phòng vệ này được xem là không vượt quá giới hạn vì thực tế đã không gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng của các đối tượng xâm phạm.

Rõ ràng là ông Đoàn Văn Vươn và gia đình vì bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình nên đã phòng vệ chính đáng trước các đối tượng đã vi phạm pháp luật xâm hại đến lợi ích hợp pháp của công dân. Hành vi phòng vệ chính đáng đó tự bản chất là không có tội vì được luật pháp Việt Nam và quốc tế cho phép. Họ phải được trả tự do và được bồi thường thiệt hại thỏa đáng.
Chúng tôi đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, với tư cách là cơ quan duy nhất có quyền xét xử độc lập với các cơ quan nhà nước khác trong phiên tòa sơ thẩm này, làm việc khách quan theo như tinh thần sửa đổi Hiến pháp mà Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện. Trong mọi trường hợp, chỉ nhân danh Công lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân.

Trân trọng cám ơn
Giám mục Giáo phận Vinh
(ký tên và đóng dấu)
Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Chủ tịch UB Công lý Hòa bình
Giám mục Giáo phận Hải Phòng
(ký tên và đóng dấu)
Giuse Vũ Văn Thiên



3. THAY LờI KếT: PHảN ứNG SAU Vụ ÁN BấT CÔNG.

Báo bán nguyệt san điện tử Tự Do Ngôn Luận số 168 ra ngày mùng 1.4.2013 đã tổng kết phản ứng trong bài xã luận đanh thép như sau:
Vụ án của thế kỷ 21 (mà đối ảnh của nó là vụ án của thế kỷ 20 ở Nọc Nạn năm 1928) đã kết thúc hôm nay (05.04.2013)* với bản án tổng cộng 15 năm 6 tháng tù (+33 tháng tù cho hai bà vợ) đổ xuống gia đình nông dân họ Đoàn. (xin xem chi tiết ở trên)
Suốt 15 tháng trời kể từ ngày họ bị bắt giam hoặc quản chế (từ 05.01.2012), mọi tầng lớp nhân dân quốc nội (trong đó có cả một số quan chức), đồng bào hải ngoại, người Việt lẫn người ngoại quốc, đều đã chăm chú theo dõi vụ việc tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng này. Hầu hết đều bênh vực cho các bị can nói trên, coi họ như những nạn nhân vô tội của một vụ cưỡng chiếm đất đai tài sản do nhà cầm quyền địa phương thực hiện.
Ai cũng tưởng sau khi sự thật đã bị phơi bày trên hàng trăm tờ báo, hàng ngàn trang mạng, hàng vạn bài biết, công lý sẽ được thực thi và các nông dân được hoàn trả tự do, tài sản lẫn danh dự. Thế nhưng công luận đã hết sức bàng hoàng phẫn nộ khi ngày 04.01.2013, Viện Kiểm sát thành phố Hải Phòng đã ra một bản cáo trạng nặng nề truy tố anh em nhà ông Vươn, một bản cáo trạng không có những nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, không làm rõ những chứng cứ quy kết, chẳng lột tả được bản chất sự việc, nghĩa là nói lấy nói được theo cung cách xưa rày của Cộng sản! Tiếp đó, ngày 18.03.2013, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định đưa họ ra xét xử với các tội danh nói trên.

1) Theo các chuyên viên luật, phiên tòa xét xử anh em Đoàn Văn Vươn trong 3 ngày qua đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Quả thế, theo Facebook của ông Trần Đình Triển, một trong những luật sư biện hộ: "Đa số các bị cáo đều tố cáo trong giai đoạn điều tra, họ đã bị đánh đập, bức cung, mớm cung, dụ cung. Có nhiều trường hợp đưa giấy trắng ép bị cáo ký khống vào… Nội dung cơ bản chưa cần xác định theo cáo trạng đúng hay sai về người bị hại và người làm chứng, nhưng nóng lên tại phiên tòa chính là việc Hội đồng Xét xử và Viện Kiểm sát hỏi theo hướng buộc tội hoặc mang tính chất để buộc tội. Đến phần luật sư thẩm vấn thì đa số bị Chủ tọa phiên tòa dùng quyền uy để cắt hoặc dừng câu hỏi, tạo nên không khí căng thẳng tại phiên tòa không đáng có. Chủ tọa thì cho rằng mình có quyền cắt hoặc dừng theo ý mình. Luật sư thì cho rằng: Chủ tọa có quyền nhưng phải trên cơ sở pháp luật được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự…". Có lúc quan tòa lại đóng vai công tố nữa, một điều hết sức quái đản đối với pháp chế của nhân loại văn minh!

2) Bên ngoài phòng xử, thì như mọi phiên tòa chính trị mấy năm nay, tuy luôn được tuyên bố là công khai, nhưng người dân và bạn bè, thậm chí thân nhân các bị cáo đều bị ngăn chặn từ xa, rào chắn dựng cách tòa án cả trăm mét, sóng điện thoại bị phá cả vùng. Công an sắc phục lẫn thường phục dày đặc, côn đồ thì lúc nhúc, nhiều gấp mấy lần số dân đến tham dự. Bọn này chỉ làm có mỗi một việc là xô đẩy, đánh đập, giật biểu ngữ, cướp điện thoại và máy chụp ảnh, bị nhân dân chất vấn cho ra lẽ vẫn không thèm trả lời. Một số blogger nổi tiếng đến lấy tin tức và ủng hộ nạn nhân của pháp luật đã bị hành hung, có người trọng thương phải vào bệnh viện nhưng ngay sau đó cũng bị tống ra ngoài, có người bị áp tải lên Hà Nội như kẻ tội phạm…

3) Rốt cuộc sau 3 ngày, bất chấp lời kêu gọi mãnh liệt của công luận, đến từ nhiều chuyên viên pháp luật, nhiều nhân sĩ trí thức, nhiều chức sắc tôn giáo hoặc từ nhiều dân oan đồng cảnh ngộ, các ông Phạm Đức Tuyên –Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Hải Phòng, chủ tọa phiên tòa, Trần Mạnh Hùng – Thẩm phán, Bùi Đăng Dung và Nguyễn Thanh Bình – Kiểm sát viên giữ quyền công tố, cùng Hội thẩm nhân dân -với lối xét xử coi thường lương tri và luật pháp- đã biến các nạn nhân thành tội phạm với những bản án bất công nặng nề. Dẫu có chút kiến thức, nhóm "cầm cân công lý" ấy đã tỏ ra hoàn toàn vô tư cách! Thay vì can đảm thực hiện đúng vai trò xét xử cao quý của mình cách khách quan và độc lập, họ đã tối mặt làm theo lệnh trên, cụ thể là từ Bộ chính trị CS. Những kẻ đó -y như đám thẩm phán tại mấy phiên tòa xét xử các chiến sĩ nhân quyền Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải- là nỗi nhục khôn cùng cho nền công lý của Việt Nam và cả nhân loại! So với vụ án Nọc Nạn gần 100 năm trước, thì quả thật Thực dân Pháp còn có ý thức tôn trọng công lý và công luận hơn nhiều, mặc dầu họ là những kẻ thống trị ngoại chủng. Chưa kể là qua gần 80 năm cai trị, "bọn Thực dân tàn ác" đó còn làm nhiều điều hữu ích cho đất Việt và giết sinh mạng của người Việt ít hơn những kẻ cùng bọc trứng mẹ Âu Cơ, cùng da vàng máu đỏ nhưng đã bị mù quáng vì chủ nghĩa Mác Lê phi nhân bản phản dân tộc!

4) Nguyên nhân của vụ án, phiên tòa và những bản án đang làm cho toàn dân và quốc tế công phẫn như thế, đó chính là vì nó động tới Cộng sản Việt Nam, một đảng cầm quyền và một nhà cầm quyền độc tài độc đoán, không do dân bầu, chẳng được dân chọn, chuyên thao túng quốc hội lẫn tòa án, độc dụng công an lẫn quân đội, tự tạo Hiến pháp, bày ra luật pháp chỉ có lợi cho riêng bè đảng, phe nhóm và hoàn toàn thẳng tay đàn áp tất cả những ai động tới ngai vàng và túi bạc của họ. Cụ thể là họ đã bày ra Luật Đất đai hết sức bất công phi lý…

5) Nền tảng cho tất cả chính sách cai trị độc đoán, bóc lột trắng trợn và chà đạp công lý đó chính là bản "Hiến pháp" mà Cộng sản đang đưa ra cho toàn dân để gọi là "lấy ý kiến" từ đầu năm nay, với một vài thay đổi râu ria sau khi đã ngồi trên nó 20 năm và nay không thấy êm nữa.
Viết lên những điều như thế, phải chăng đảng và nhà cầm quyền CSVN muốn hợp pháp hóa những gì họ đã làm trong quá khứ, đặc biệt qua vụ Tiên Lãng, và sẽ làm trong các vụ Tiên Lãng tương lai mà họ dự đoán sẽ ngày càng có cơ bùng nổ sau khi tân Hiến pháp và tân Luật đất đai được "đổi mới như cũ" với nhiều tiềm năng tai hại cho đất nước và dân tộc? Thành ra, để trừ hậu họa này, toàn dân Việt Nam, ngoài chuyện "biểu tình trên mạng" qua việc ký vào các bản kiến nghị, các lời tuyên bố, còn phải "biểu tình trên đường" hàng ngàn, hàng vạn, hàng ức, hàng triệu người để bày tỏ ý chí và sức mạnh của toàn dân. Ý chí và sức mạnh đập tan áp bức độc tài, đòi hỏi công lý sự thật, xây dựng tự do dân chủ!