Dân Chúa Âu Châu

Pháp Quốc Và Liên Hiệp Âu Châu

BY: HÀ MINH THẢO

Ngày 06.05.2012, cử tri Pháp đã tuyển ông François Hollande vào chức vụ Tổng thống trong nhiệm kỳ 2012-2017. Trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên đảng Xã hội này luôn yêu cầu bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, tái đàm phán Hiệp ước Âu châu về thắt chặt kỷ luật ngân sách mà bà và Tổng thống Sarkozy đã chủ xướng.

I. TUYỂN CỬ TỔNG THỐNG PHÁP.

Ngay từ đầu năm 2011, các cuộc thăm dò dân ý cho thấy ứng cử viên đảng Xã hội (dù là Hollande hay Martine Aubry và, nhất là, Dominique Strauss-Kahn) đều đắc cử trước Tổng thống xuất nhiệm vì, một cách chung, ông chỉ ghi những thành tích trên trường quốc tế, nhưng nhiều thất bại trong nước. Do đó, ông Sarkozy gặp nhiều khó khăn khi phải chịu sự chấm điểm của đồng bào.

A. Đặc tính cuộc tuyển cử năm nay.

1. Sự đơn độc của Tổng thống xuất nhiệm.

Lần đầu tiên, trong một cuộc bầu cử Tổng thống có 10 ứng cử viên thì 9 người đều chống lại nhân vật thứ 10, đương kim Tổng thống tranh cử nhiệm kỳ hai. Do đó, đã có những người cho rằng ông Hollande thắng cử không phải là người xuất sắc, nhưng vì người ta muốn triệt hạ ông Sarkozy chỉ lo cho người giàu và để số người thất nghiệp tăng trong 5 năm qua.
Trong khi vận động bầu cử năm 2007, ông Sarkozy hứa giảm số đó còn 5% số người trong tuổi làm việc lúc mãn nhiệm 2012. Sự thật, số bách phân cuối tháng 06/2007 là 8,40%, rồi tháng 06/2008 giảm còn 7,60% và, từ đó, tăng đến 9,40% vào cuối năm 2011. Trong thời gian gần, nhiều xí nghiệp lớn định sa thải nhân viên mà, do sự can thiệp của ông Sarkozy, họ đã cố gắng trì hoãn. Do đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OCDE) tiên đoán đến cuối 2012, tỷ lệ này sẽ là 10,40% và Viện Quan sát Pháp thời cơ kinh tế (OFCE) nghĩ rằng sẽ lên đến 10,70% số người trong tuổi làm việc. Năm 2007, khẩu hiệu ‘làm việc nhiều hơn để thu lợi tức cao hơn’ (travailler plus pour gagner plus) đã góp phần giúp ông thắng phiếu trước bà Ségolène Royal, ứng cử viên Xã hội, nay đã trở thành một đề tài châm biếm cho mọi người.

2. Tranh cử với những quan điểm cực đoan.

10 ứng cử viên đã tham dự cuộc tuyển cử năm nay gồm 3 thuộc hữu phái, 5 thuộc tả phái, 1 trung phái và 1 độc lập. Trong số này, ba vị (Sarkozy, Hollande và François Bayrou) có khả năng thắng cử nhưng vì do ảnh hưởng của giới truyền thông và các viện thống kê công bố các thăm dò dân ý, nên mọi người chỉ chú ý đến 2 ứng viên Hollande và Sarkozy. Ngoài ra, rất nhiều cử tri công nhận ông Bayrou là một ‘tín hữu Công giáo tốt và công dân tốt’, nhưng họ không thể bầu phiếu được vì ông không có đa số tại Quốc hội vì nước Pháp được điều hành bởi Thủ tướng được sự tín nhiệm của Quốc hội. Ðiều khác, chủ trương trung dung của ông hài hòa, hợp lý, không mị dân nên thiếu sức hấp dẫn. Ý tưởng ‘sản xuất ở Pháp, tiêu dùng hàng Pháp’ của ông để giảm nhập cảng (cán cân ngoại thương 2011 bị khiếm ngạch 70,67 tỷ euro), tăng tăng trưởng và bớt người thất nghiệp. Hai ứng cử viên vào vòng hai đã dùng lấy ý kiến này, sau khi họ đã đặt mua các áo T-shirt cho các ủng hộ viên từ ngoại quốc.

- Bên hữu phái, để thuyết phục cử tri đầu phiếu cho ông thay vì cho bà Le Pen (ứng cử viên Mặt trận Quốc gia, Font National), ông Sarkozy phải hứa áp dụng các biện pháp ‘cực hữu’ như sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về người nhập cư, thêm điều kiện khó khăn cho người ngoại quốc xin sum hợp gia đình… và, cùng với Tổng trưởng Nội vụ Claude Guéant và Thủ tướng François Fillon, đáp trả với bà Le Pen về ‘Thịt Halal (Hồi giáo), Thịt Casher (Do thái giáo)’ khiến tín hữu các tôn giáo phản đối. Đức cha Michel Dubost, Chủ tịch Hội Đồng Liên lạc với các tôn giáo Hội đồng Giám mục Pháp tuyên bố với báo La Croix: «François Fillon nên nhớ Đạo luật 1905 về Phân quyền Giáo hội và Quốc gia là không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của tôn giáo, và cũng không phán xét về ‘truyền thống tôn giáo’… Nói chung, tôi nghĩ rằng các vấn đề đó không nên đề cập trong cuộc tranh cử tổng thống».

Ngày 11.03.2012, khi vận động tranh cử tại Villepinte, ông Sarkozy cam kết khi tái đắc cử, Pháp sẽ rút khỏi không gian Schengen nếu Liên hiệp Âu châu không điều chỉnh các hiệp ước liên quan đến quyền tự do đi lại. Ông tuyên bố như vậy để thu hút phiếu cử tri Mặt trận quốc gia mà các lãnh đạo đảng này thường quy trách nhiệm cho người nhập cư là nguồn cội mọi sự bất ổn. Schengen, một làng ở Luxembourg, nơi các quốc gia Pháp, Đức, Bỉ, Hòa lan và Luxembourg đã ký kết Thỏa hiệp về tự do đi lại vào năm 1985. Năm 1997, Thỏa hiệp này được áp dụng cho 27 nước thành viên Liên hiệp Âu châu đã ký Hiệp ước Amsterdam.

Ông Sarkozy đề nghị cần quy định quyền trừng phạt, đình chỉ hay trục xuất khỏi không gian Schengen một quốc gia mà Chính phủ không đủ khả năng kiểm soát biên giới mình. Giới thẩm quyền Liên hiệp Âu châu cho biết đang có dự thảo để các nước thành viên có quyền tái lập tạm thời việc kiểm soát biên giới bên trong không gian Schengen châu Âu, trong trường hợp có nạn nhập cư bất hợp pháp ồ ạt, không kiểm soát được.

- Bên tả phái, ngược lại, ông Jean-Luc Mélenchon (Mặt trận Tả phái, Front de Gauche) muốn chiếm phiếu của ông Hollande (đảng Xã hội) bằng ‘lấy của nhà giàu phát cho người nghèo’:
a) Thuế lợi tức, tăng từ 5 bậc (tranches) với bách phân thuế đến 100% cho những lợi tức chịu thuế từ 360.000 euro/năm. Tăng thu ngân sách được 20 tỷ euro. Ông Hollande đề nghị 75% và từ 1 triệu;
b) Giảm 30 tỷ euro trợ cấp góp các quỹ an ninh xã hội từ giới chủ xí nghiệp;
c) Ước thu 100 tỷ euro do bỏ bớt những sự miễn đóng góp thuế và các quỹ xã hội khác;
d) Tăng lương tối thiểu tháng từ 1.398 euro lên 1.700 euro, tức tăng 21,50%;
e) Tái lập tuổi đi hưu lúc 60 tuổi;
f) Bồi hoàn 100% chi phí y tế…

B. Kết quả tuyển cử.

1. Bầu cử vòng một ngày 22.04.2012. 79,47% số người ghi danh đã tham gia đầu phiếu, nhưng chỉ 98,09% tỷ số đó là hợp lệ và kết quả là: ông François Hollande đạt được 28,63% số phiếu hợp lệ; ông Nicolas Sarkozy (Liên minh vì một Phong trào Nhân dân, Union pour un mouvement populaire) 27,18%; bà Marine Le Pen 17,90%; ông Jean-Luc Mélenchon 11,11%; ông François Bayrou (Phong trào Dân chủ, Mouvement démocrate) 9,13%; bà Eva Joly (Sinh thái học Âu châu Xanh, Europe Écologie Les Verts) 2,31%; ông Nicolas Dupont-Aignan (Đứng lên Nền Cộng hòa, Debout la République) 1,79%; ông Philippe Poutou (Tân đảng chống tư bản, Nouveau Parti anticapitaliste) 1,15%; bà Nathalie Arthaud (Tranh đấu thợ thuyền, Lutte ouvrière) 0,56% và ông Jacques Cheminade (độc lập) 0.25%.

Năm nay, đảng Cộng sản (Parti communiste français) không giới thiệu ứng cử viên tranh cử mà đã phải sát nhập vào Front de Gauche của ông Mélenchon vì không tiền sau khi những ứng cử viên Tổng thống PCF Robert Hue (năm 1995 thu 8,64% phiếu hợp lệ và chỉ được 3,37% năm 2002) và Marie George Buffet chỉ có 3,37% năm 2007). Sau khi tham chính với đảng xã hội mà số người thất nghiệp ngày càng gia tăng khiến các đảng viên phải than vãn: «Khi xưa, chúng ta chống chủ bóc lột. Ngày nay, muốn bị bóc lột, chủ không thèm ».
Đảng này (như đảng Cộng sản Việt Nam) đều thuộc Cộng sản Đệ Tam do Lénine thành lập ngày 02.03.1919 tại Moskva (Nga) do Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo để đấu tranh lật đổ các chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập chuyên chính vô sản. Kế vị Lénine là Josef Staline. Nhưng Cộng sản Đệ Tứ giới thiệu hai ứng cử viên ông Philippe Poutou và bà Nathalie Arthaud. Đệ Tứ Quốc tế hay Cộng sản Đệ Tứ là liên minh quốc tế của những người theo chủ nghĩa Trotskiste thành lập năm 1938 tại Paris, theo khuynh hướng ‘cách mạng thường trực’ do Trotsky đưa ra từ sau khi Lenin qua đời (1924) để chống lại đường lối ‘cách mạng vô sản trong một quốc gia’ của Staline. Kể từ năm 1953, Đệ Tứ Quốc tế phân hóa thành nhiều nhóm nhỏ.

2. Bầu cử vòng hai ngày 06.05.2012. Ngày 10.05.2012, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Jean-Louis Debré đã chính thức công bố kết quả như sau:
- ông François Hollande thu 18.000.668 phiếu, tức 51,6% số phiếu hợp lệ;
- ông Nicolas Sarkozy thu 16.860.685 phiếu, tức 48,4% số phiếu hợp lệ.
Như vậy ông François Hollande đạt đa số tuyệt đối và đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2012-2017, bắt đầu lúc 24 giờ ngày 15.05.2012.
Đây là Tổng thống thứ 7 của Đệ Ngũ Cộng hoà Pháp và chấm dứt 17 năm hữu phái ngự trị tại Điện Elysée.
C. Tân Tổng thống là ai?
François Hollande sinh ngày 12.08.1954 tại Rouen (Normandie) trong một gia đình trung lưu, cha là bác sĩ tai mũi họng và Mẹ là trợ tá xã hội (assistante sociale). Ông đã theo học tại trường Jean Baptiste de La Salle ở Rouen, rồi tại Trung học Pasteur (Paris, năm 1968) và tốt nghiệp Institut d‘Etudes Politiques (IEP) và Ecole des Hautes Etudes Commerciales (HEC) tại Paris. Sau đó, năm 1980, ông mãn khóa học tại Ecole nationale d‘administration. Tại đây, ông đã gặp bà Ségolène Royal, sau đó, hai người sống chung (concubinage, không đám cưới) và có 4 con. Năm 2007, sau khi bà Royal thất cử tổng thống ở vòng hai, họ đã chia tay. Hiện nay, ông đang sống chung với ký giả Valérie Trierweiler.
Gia nhập đảng Xã hội năm 1979, ông được bầu làm Dân biểu Quốc hội lần đầu năm 1988 và, năm 1997, nhận chức Đệ Nhất Bí thư đảng Xã hội cho đến tháng 11.2008. Năm 2011, ông đã tuyên bố ứng cử tổng thống năm 2012 với vài đảng viên xã hội khác như ông Dominique Strauss-Kahn, v.v… Ngày 14.05.2011, ông Strauss-Kahn gặp ‘tai nạn tình dục’ tại khách sạn Sofitel ở Manhattan (Nữu Ước, Hoa kỳ) khiến ông phải bỏ cuộc. Sau đó, khi bầu sơ bộ, các cử tri thân đảng Xã hội đã chọn ông làm ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội.
Ngày 15.05.2012, ông François Hollande đã đến nhận chức vụ tại Dinh Tổng thống lúc 10 giờ. Ông Nicolas Sarkozy đã tiếp và bàn giao với tân Tổng thống, quan trọng nhất là mật mã để điều khiển võ khí nguyên tử. Sau đó, ông rời Điện Elysée. Lúc 16 giờ 45, tổng thư ký Phủ Tổng thống đọc thông cáo báo tin Tổng thống đã cử ông Jean-Marc Ayrault giữ chức Thủ tướng.

II. LIÊN HIỆP ÂU CHÂU.

Sau khi ông Hollande thắng cử, chủ trương chung nhằm thăng bằng ngân sách Merlel-Sarkozy chỉ dựa trên sự kiệm ước (sự khắc khổ, thắt lưng buộc bụng) đã bị nhiều chỉ trích. Tân Tổng thống cũng đồng ý là phải thăng bằng ngân sách nhưng bằng việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Thật vậy, Pháp, cũng như nhiều quốc gia thành viên khác không thể dễ dàng kích thích kinh tế mà luôn vấp phải hai điều kiện quan trọng khu vực Euro về Nợ công 60% tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ) hay GDP (Gross Domestic Product, tiếng Anh hay Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp) và Bội chi ngân sách 3% TSLNĐ.

Đức đang có mức tăng trưởng là 2,30% và khiếm hụt công là 2,50% tổng sản lượng nội địa năm 2011 và mức tăng trưởng kinh tế Pháp chỉ là 1,70% năm 2011 và 0% cho tam cá nguyệt 01.2012. Phải có tăng trưởng ít nhất là 2% TSLNĐ hàng năm mới hy vọng giảm số người thất nghiệp. Đức thành công thì Pháp cũng phải làm được.
A. Những Hiệp ước liên tiếp nhưng vô hiệu.

Ngày 07.02.1992, Tổng thống Pháp François Mitterand đã ký Hiệp ước Maastricht về việc thành lập Euro, đồng tiền chung Âu châu. Hiệp ước quy định nền kinh tế và tài chính các quốc gia gia nhập phải hội đủ 5 điều kiện mà 2 điều chính là Khiếm hụt Công phải dưới 3% TSLNĐ và Nợ công phải dưới 60% TSLNĐ. Ngày 01.01.1999, Euro được khai sinh trong sổ sách và ngày 01.01.2002, Euro tiền mặt có hiệu lực thanh toán.

Sau đó, các nước thành viên vẫn vi phạm 2 điều kiện này, kể cả hai quốc gia kinh tế hàng đầu khu vực Euro là Đức và Pháp. Do đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp Âu châu ngày 22.03.2005, Đức và Pháp yêu cầu các nước thành viên khác ký ‘Thỏa ước Bình ổn Kinh tế và Phát triển (Pacte de stabilité et de croissance) để cam kết không vi phạm hai quy định trên.
Thời gian qua, để đối phó các cuộc khủng hoảng kinh tài từ năm 2008, sự khiếm hụt công bị đào sâu hơn do chính phủ dùng công quỹ để tài trợ các xí nghiệp trong khi giới này, lợi dụng khó khăn tạm thời, đẩy các công nhân mình vào thảm trạng thất nghiệp hầu bảo tồn cổ tức trả cho giới tư bản. Các quỹ an ninh xã hội bị thất thu vì số người lao động giảm bớt. Số bách phân khiếm hụt này tại Pháp năm 2009 đã là 7,9% và sang năm 2010 là 7,9%, rồi vào năm 2011 giảm còn 5,2%, mục tiêu năm 2012 là 5,70% TSLNĐ.
Liên hiệp Âu châu đã họp thượng đỉnh ngày 08 và 09.12.2011 tại Bruxelles để đồng thuận ‘tăng cường kỷ luật ngân sách’. Theo đó, ngân sách các quốc gia thành viên phải được thông qua bởi Ủy ban Âu châu và nếu bị vi phạm mức khiếm hụt 3% TSLNĐ sẽ bị trừng phạt ‘tự động’. Các điều này đã được thống nhất trong Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ngày 30.01.2012. ‘Thỏa hiệp bình ổn, hợp tác và điều hành trong Liên hiệp kinh tế và tài chính’ (Traité pour la stabilité, la coordination et la gouvernance dans l‘Union économique et monétaire) được các nước ký tháng 03.03.2012 và chỉ được áp dụng sau khi 25 quốc gia (Anh và Cộng hòa Séc không dự) chuẩn nhận.

B. Khiếm hụt Công.

Tại Hy Lạp, ngày 04.10.2009, Đảng Xã hội của ông George Papandreou thắng cuộc bầu cử Quốc hội. Trong tháng 10 này, các số liệu cho tài chính công cho thấy mức thâm hụt ngân sách 12% và công nợ đến 113,4% TSLQN, năm 2009. Đây là một bất ngờ đối với tân chánh phủ vì họ chờ một sự thâm hụt ngân sách chỉ 6% TSLNĐ. Do đó, Ủy ban Âu châu mở cuộc điều tra ‘toàn diện’ và áp đãt những biện pháp khắc nghiệt để kiểm soát công chi. Sau đó, khám phá khác là thâm hụt công Hy lạp trung bình từ 1991 đến 2000 là 6,8% TSLNĐ, chứ không là 3% để gia nhập đồng Euro. Lỗi tại ai nếu không phải là tại các giới thẩm quyền Ủy ban Âu châu không chu toàn trách nhiệm?
Ngày 07.12.2009, các cơ quan định mức tín nhiệm nợ (agence de notation) đã lần lượt hạ điểm tín dụng Hy lạp khiến những nhà đầu tư chỉ chịu mua trái phiếu nước này với lãi suất ngày càng cao khi cần tiền để trả vốn vay và tiền lời.
Ngày 06 đến 08.01.2010, các chuyên gia từ Ủy ban Âu châu và Ngân hàng Trung ương Âu châu để kiểm tra tài chính công Hy lạp. Ngày 13.01.2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, theo lời yêu cầu của Hy lạp, nghiên cứu những khả năng hỗ trợ kỹ thuật để giúp xây dựng lại nền tài chính của mình. Ngày 14.01.2010, Chính phủ công bố kế hoạch khắc khổ của Hy lạp, mà mục tiêu là củng cố tài chính thông qua việc giảm chi tiêu công cộng tới 47,7% TSLNĐ năm 2013, so với 52% trong năm 2009. Từ đó, Hy lạp rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội chưa từng thấy. Do đó, sau cuộc bầu cử Quốc hội, các đảng đã không thể thành lập chính phủ và phải bầu lại có thể ngày 17.06.2012. Một giải pháp đang được suy nghĩ để Hy lạp có thể ra đi trong trật tự khỏi khu vực Euro.

C. Nợ Công.

Nợ công nước Pháp là tổng số nợ các chính quyền công quyền trung ương và địa phương, các quỹ an ninh xã hội, xí nghiệp công cùng những cam kết tài chính.
Nợ công Pháp năm 1995 chỉ là 663,50 tỷ euros, tức 55,5% TSLNĐ, nên Pháp được gia nhập vào Khu vực Euro. Sau đó, bách phân đó tăng dần: cuối năm 2007, nợ công đã là 1.211,60 tỷ euros, tức 64,20% TSLNĐ và cuối tháng 09.2011 đã lên đến 1.688,90 tỷ euros, tức 85,30%. Nợ công sẽ tiếp tục tăng từ 87,4% năm 2012 và, có thể, đến 87,3% TSLNĐ vào năm 2013. Từ tháng 09.2012, Pháp phải đi vay để trả lương cho công chức, quân nhân… Nếu các khoản nợ đến 90% TSLNĐ thì sẽ có những ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Có vay phải hoàn trả là lẽ đương nhiên, nhưng cái phải lo là tiền lời (lãi, intérêts) và sự tăng lãi suất. Năm 2011, Pháp vay 1.689 tỷ euros và lãi suất là 3%, thì tiền lời phải trả mỗi năm cũng đã là 50,67 tỷ euros, thứ nhì sau ngân sách Bộ Quốc gia Giáo dục. 70% nợ của Pháp vay từ các nhà đầu tư ngoại quốc và mỗi khi lãi suất tăng 1% thì phải trả thêm 3 tỷ euros. Ai ấn định lãi suất vay?
Các nhà đầu tư cho vay với lãi suất cao hay thấp tùy mức tín nhiệm nơi người vay là con nợ tốt hay xấu về việc trả nợ. Nhưng làm sao người cho vay có thể biết nước đi vay, nên họ phải nhờ đến các cơ quan định mức tín nhiệm nợ (agence de notation). Khi nền kinh tế và tài chánh một quốc gia bị xấu đi thì các cơ quan này cho điểm thấp xuống tức phải trả tiền lời/năm với bách phân cao hơn vì được coi là khả năng hoàn trái xuống thấp hơn.

D. Tổng thống Pháp viếng thăm Thủ tướng Đức.

Sau khi nhậm chức và bổ nhiệm Thủ tướng, Tổng thống François Hollande đã rời Paris đi Berlin để gặp gở Thủ tướng Angela Merkel theo lời mời của bà này để làm quen. Khi tranh cử, bà đã từ chối gặp ông Hollande vì bà ủng hộ Tổng thống Sarkozy. Ứng cử viên Sarkozy đã đề nghị bà không nên qua tham dự các hội họp tranh cử của ông vì lý do tế nhị.
Trên đường đi, phi cơ chở ông Hollande đã bị sét đánh trúng và phải trở lại căn cứ quân sự gần Paris để lên chiếc thứ hai đi tiếp.
Sự hợp tác được thấy giữa Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống François Hollande tại cuộc họp đầu tiên dưới áp lực từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã thể hiện được sức mạnh Pháp-Đức vượt ra ngoài những tranh chấp. Đó là nhận định của các quan sát viên ngày 16.05.2012. Nhị vị đồng ý ủng hộ việc Hy lạp ở lại khu vực Euro.
Thủ tướng Anh David Cameron, ngày 16.04.2012, tuyên bố tại Viện Dân biểu rằng khu vực Euro cần phải thực hiện cấp bách các biện pháp để bảo đảm các thành viên yếu nhất bằng phải đi theo một hướng khác. Hoặc có thể hòa giải, hoặc đi đến một sự tan rã và đó là một sự lựa chọn không thể trì hoãn.