Dân Chúa Âu Châu

KHỦNG HOẢNG CHÁNH TRỊ ÐẪM MÁU TẠI SYRIA

BY: HÀ MINH THẢO

Trong giờ đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 12.02.2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã thật xúc động khi lên tiếng kêu gọi sự đối thoại tại Syria, đặc biệt khi nhắc đến sự hủy diệt các trẻ nhỏ trong các cuộc tấn công tàn bạo những ngày qua. Đức Thánh Cha đã nói: "Tôi theo dõi với nhiều lo âu các giai đoạn bi thảm vì những bạo hành gia tăng tại Syria, đã khiến nhiều nạn nhân bị thiệt mạng. Tôi nhớ đến họ, nhất là các trẻ em, trong kinh nguyện của tôi, những người bị thương, và những ai chịu đau khổ vì hậu quả của một cuộc tranh chấp càng ngày càng gia tăng. Tôi muốn lập lại lời kêu gọi khẩn cấp để chấm dứt những bạo hành và đổ máu. Cuối cùng, tôi mời gọi mỗi người, và trước hết các giới chức chính trị, hãy ưu tiên dành cho tiếng nói cho sự đối thoại để hòa giải và hợp tác trong hòa bình. Điều khẩn cấp là phải đáp ứng những nguyện ước chính đáng của các thành phần khác nhau trong quốc gia, cũng như đến mong ước của cộng đồng quốc tế, đang lo lắng cho lợi ích chung của cả vùng này".

Thật vậy, ngày 10.02.2012, tại Alep, thành phố thứ hai của Syria đã bị lâm vào cuộc khủng hoảng. Nhiều cuộc tấn công đã xẩy ra tại đây, trước đây rất yên tĩnh. Đây là ngã tư của nhiều quốc gia, một nơi có nhiều Kitô hữu, và trong số các người Công giáo cũng có những người Armenia đã chạy trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ XX, cũng như những người Chaldée, tị nạn từ Iraq, cùng các chủng viện và tu viện, đang phục vụ cho dân chúng. Kết quả, ít ra cũng có 25 người chết và 175 người bị thương trong hai vụ tấn công bằng những chiếc xe có gài bom để phá hủy hai công thự của sở cảnh sát thành phố Alep. Ngoài ra, tại Homs, tình hình vẫn ‘bi thảm’. Đức cha Mario Zenari, Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại thủ đô Damascus, đã than phiền về ‘sự tuyệt vọng và đau khổ đang diễn ra hàng ngày của dân chúng’ và khuyên cộng đồng quốc tế ‘phải hành động thật nhanh chóng để giải trừ các vụ bạo hành đang tiếp diễn’.
Ngày 15.01.2011, người dân Tunisia đã thành công lật đổ Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali, chấm dứt 23 năm cầm quyền của ông. Sau đó, những cuộc tranh đấu cho dân chủ đã xảy ra tại nhiều nước Trung Đông khác như Ai cập, Libya… và đã lan tràn tới Syria, quốc gia ngự trị bởi nhà độc tài tàn bạo Bachard al-Assad.

I. BACHARD AL-ASSAD LÀ AI?

A. Tới khi mang quân hàm Đại tá.

Bác sĩ Bashar al-Assad sinh ngày 11.09.1965 tại Damascus, thủ đô Syria, là con trai của cố Tổng thống Hafez al-Assad. Lúc đầu, ông không có khát vọng chính trị. Ông Hafez al-Assad đã chọn lựa và chuẩn bị cho anh trai là Basil al-Assad để nối ngôi Tổng thống tương lai. Ông đã học tại trường Franco-Arab al-Hurriyet Damascus và thông thạo tiếng Pháp và Anh. Tốt nghiệp y khoa, ông hành nghề bác sĩ nhãn khoa tại quân y viện Tishreen (ngoại ô Damascus), sau đó tu nghiệp tại Luân đôn (Anh quốc), nơi ông gặp người vợ tương lai, Asma al-Akhras, Syria Hồi giáo Sunni. Tuy nhiên, Basil đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1994 và Hafez đã phải chọn đứa con trai út Bashar. Do đó, Bashar đã phải quay trở lại Syria và được huấn luyện tại Học viện quân sự ở Homs, bắc Damascus, và được thăng hàm Đại tá tháng giêng năm 1999 và thi hành những sứ vụ tạo niềm tin nơi chính phủ Syria. Đặc biệt, ông đã viếng thăm Liban để gặp Tổng thống Emile Lahoud, và tháng 11.1999, đã hội kiến với Tổng thống Pháp Jacques Chirac tại điện Elysée.

B. Tổng thống Cộng hòa.

1. Chính sách đối nội.

Khi Tổng thống Hafez al-Assad qua đời, Quốc hội sửa đổi Hiến pháp để hạ thấp tuổi tối thiểu để ứng cử Tổng thống, từ 40 còn 34 và đề nghị ông Bashar al-Assad nhận chức Tổng thống ngày 25.06.2000. Ông hứa hẹn sẽ thực hiện các cải cách kinh tế và chính trị ở Syria, và được bầu làm Tổng thống trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 10.06.2000.
Sau khi nhậm chức Tổng thống, chế độ tự do được cởi mở một chút đủ để được quảng cáo là ‘Mùa Xuân Damascus’. Nhiều trăm tù nhân chính trị được tự do, diễn đàn về dân chủ hóa Syria được cho phép và chấm dứt tình trạng khẩn cấp đã có hiệu lực từ năm 1963. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Assad tuyên bố có những lằn ranh đỏ không thể vượt qua và hàng chục trí thức lại bị bắt giữ. Tuy có một số cải cách kinh tế, nhưng sự can thiệp của chính phủ được thắt chặt và tham nhũng lan tràn làm suy yếu nền kinh tế của đất nước. Thêm nữa, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa kỳ làm tình hình thêm phức tạp.

2. Chính sách đối ngoại.

Dù mối liên hệ luôn căng thẳng giữa Syria và Do Thái, nhưng Tổng thống Assad đã thành công nối lại cuộc đàm phán hòa bình về cao nguyên Golan mà Do thái chiếm đóng từ năm 1967. Hoa Kỳ và Do Thái cáo buộc ông Assad hỗ trợ các nhóm vũ trang như Hezbollah, Hamas và Thánh chiến Hồi giáo.
Tháng 05.2001, thừa dịp tiếp đón Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, ông đã phát biểu tại Damascus để chỉ trích Do Thái: "Chúng ta nhận thấy công lý bị vi phạm các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Liban, Golan và Palestine, với những tàn sát các nguyên tắc bình đẳng khi nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra một dân tộc vượt trội các dân tộc khác [...]. Họ xâm phạm các nơi thánh thiêng và mưu toan tiêu diệt những lề luật của các tôn giáo hữu thần với tâm tình phản bội Đức Kitô và cũng cùng một cách đó mà họ đã cố gắng phản bội và giết tiên tri Mahomet".
Ông Assad phản đối cuộc tấn công vào Iraq của quân đội Mỹ năm 2003, bằng sử dụng lá phiếu Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất chấp tình trạng thù địch tồn tại giữa Syria và Iraq. Với vụ ám sát Thủ tướng Liban Rafik Hariri, và Syria là nơi ẩn náu của nghĩa quân Palestine, ông phải hứng chịu sự chống đối mãnh liệt của Hoa kỳ và Pháp.
Trong thế giới Á Rập, Bashar al-Assad có mối quan hệ tốt đẹp với Tổ chức Giải phóng Palestine và cố gắng thiết lập mối giao hảo với các quốc gia bảo thủ Á Rập khác, bằng đứng bảo trợ chương trình nghị sự dân tộc Á Rập.

Ông đã được tái bầu Tổng thống sau khi thắng với 97,62% số phiếu bầu tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 27.05.2007.

Syria phải rút quân ra khỏi Liban từ tháng 06.2001 dưới áp lực quốc tế. Vụ ám sát Thủ tướng Rafik Hariri tháng 02.2005 đã gây sự phẫn nộ của một phần lớn người dân Liban, các cáo buộc đã nhanh chóng qui vào các tổ chức bí mật Syria, khiến cuộc rút quân sớm hoàn tất vào tháng 04.2005.
Phó Tổng thống Abdel Halim Khaddam, tuyên bố từ chức ngày 30.12.2005 trong một cuộc phỏng vấn trên đài Al-Arabiya tại Dubai và đã tị nạn tại Paris với gia đình. Tháng 01.2006, ông cáo buộc Assad đã đe dọa Hariri trong những tháng trước khi ông này bị ám sát, và Assad cũng như là một trong những người đứng đầu hệ thống mafia tại Syria và Liban.
Bashar al-Assad đã ủng hộ Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong tiến trình thành lập Liên minh Địa Trung Hải (Union pour la Méditerranéa) và đã trở thành một đối tác không thể thiếu trong sự thành công của dự án. Ông đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ngày 13-14.07.2008 tại Paris và đã được mời tham dự cuộc Diễn binh nhân Lễ Quốc khánh ngày 14.07.2008 cùng với lãnh đạo các quốc gia khác là thành viên Liên minh Địa Trung Hải. Sự hiện diện của ông trên khán đài danh dự đã gây ra những sự tranh luận.

III. CUỘC KHỞI NGHĨA TỪ NĂM 2011.

Làn sóng phản đối có tên ‘Mùa xuân Ả Rập’, xuất phát từ Tunisia, lan sang Ai Cập, các tầng lớp người dân biểu tình đòi hỏi tự do và dân chủ, nhất là nhân quyền phải được tôn trọng hơn. Họ bị quân đội và các cơ quan bí mật đàn áp. Ngày 18.03.2011, cuộc đòi tự do và dân chủ đã lan tới Syria khi 4 người biểu tình bị thiệt mạng và cả trăm người bị thương trong các cuộc xuống đường lần đầu tiên chống chính quyền Tổng thống Bachar Al Assad lên cầm quyền từ năm 2000 do cảnh sát bắn đạn thật khi họ hô to khẩu hiệu và giương cao biểu ngữ với hàng chữ ‘Thượng Đế, Syria và Tự do’. Tại Deraa, tòa nhà biểu tượng của quyền lực, Trụ sở Đảng Baath, bị phóng hỏa.

Đảng Baath (Phục hồi Xã hội chủ nghĩa Ả rập) cầm quyền tại nước này từ năm 1963. Ngày 13.11.1970, Bộ trưởng Quốc phòng Hafez al-Assad trở thành Tổng thống sau cuộc đảo chính quân sự không đổ máu, mang tên ‘Phong trào Chỉnh đốn’, cho đến khi qua đời năm 2000 và được Tổng thống Bachar Al Assad kế quyền.
Đến ngày 25.03.2011, hàng chục người đối lập đã bị bắt và bất chấp sự đàn áp và những nhượng bộ từ chính phủ, phong trào lan rộng đến tất cả các thành phố lớn như Damascus, Homs, Banias… Ngày 03.08.2011, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án ‘hành vi vi phạm phổ biến về nhân quyền và việc sử dụng vũ lực chống lại người dân’ của các cơ quan an ninh, hy vọng có thể tránh được cuộc nổi dậy dẫn đến vụ thảm sát của Hama vào năm 1982.

Ngày 08.07.2011, Đại sứ Hoa kỳ và Pháp tại Damas đã đến Hama, ở bắc Damascus, với 800 ngàn dân, đang bị lực lượng quân đội và chiến xa bao vây, sau khi gây tử vong 22 người, trong đó có một trẻ em 12 tuổi. Tiếp theo, ngày 11.07.2011, các sứ quán hai nước này tại Damascus bị những người thân chế độ tấn công và đập phá.
Cuối tháng 08.2011, Hội đồng Quốc gia Syria (Conseil national syrien, tiếng Pháp và Syrian National Council, tiếng Anh) được thành hình và đã chính thức được giới thiệu với thế giới ngày 01.11.2011 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) gồm 190 thành viên đại diện cho các thành phần chống lại chế độ Bashar al-Assad từ Huynh đệ Hồi giáo đến những đảng phái người Kurdes hay Syria hải ngoại, dưới sự lãnh đạo của Burhan Ghalioun. Ngày 09.10.2011, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đã cảnh cáo sẽ chống lại các quốc gia công nhận Hội đồng này. Ngày 10.10.2011, Hội đồng chuyển quyền Lybia và Pháp quốc chính thức công nhận Hội đồng Quốc gia Syria.
Ngày 14.01.2012, tướng Mustapha al-Cheikh, nguyên là người lãnh đạo số hai của lực lượng quân sự miền Bắc Syria, phụ trách tình báo, là nhân vật cao cấp nhất trong quân đội Syria đào ngũ, tỵ nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố thành lập Hội đồng Quân sự Cấp cao để phối hợp, tổ chức các chiến dịch võ trang nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Bachar el Assad.

IV. VẬN ĐỘNG HÒA GIẢI QUỐC TẾ.

A. Sự can thiệp của Liên đoàn các quốc gia Á Rập.

Ngày 26.10.2011, một phái đoàn của Liên đoàn các quốc gia Á Rập (viết tắt Liên đoàn Á Rập, Ligue des Etats arabes, tiếng Pháp và League of Arab States, tiếng Anh) do Ngoại trưởng Qatar, Hamad ben Jassem, dẫn đầu đã đến Damascus để thảo luận với ông Bachar al-Assad nhằm tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria và ‘tránh một cuộc can dự của nước ngoài’. Ngoài ra, Tổ chức Human Rights Watch cũng yêu cầu Liên đoàn Á Rập đề nghị chính phủ Syria cho gởi đến các quan sát viên độc lập.

Ngày 30.10.2011, tại Doha (Qatar), Liên đoàn Á Rập, họp với đại diện Damascus, đưa ra kế hoạch chấm dứt bạo lực tại Syria mà nội dung chi tiết không được tiết lộ. Trong một phiên họp kế tiếp vào ngày 02.11.2011 tại Cairo (Ai Cập), chính quyền Damascus chấp nhận kế hoạch do Liên đoàn Á Rập đề ra để giúp Syria ra khỏi vòng xoáy bạo động tại đây từ 7 tháng qua. Theo đó, chánh phủ Assad ngưng các vụ đàn áp, triệt thoái quân đội khỏi các thành phố đang chiếm để đàn áp biểu tình, trả tự do những người bị bắt trong các cuộc trấn áp và cho phép các tổ chức phi chính phủ, truyền thông quốc tế đến quan sát tình hình. Ngoài ra, Ủy ban Bộ trưởng của Liên đoàn sẽ tổ chức liên lạc giữa chính quyền Syria và phe đối lập, để hai bên có thể tiến hành đối thoại trong thời gian tới. Vì chính phủ Syria không thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch do Liên Đoàn đề nghị để ra chấm dứt bạo động như đã hứa và các vụ trấn áp vẫn tiếp diễn, nhất là tại thành phố Homs với thêm 23 người thiệt mạng hôm qua, trong cuộc họp các ngoại trưởng tại Cairo hôm 12.11.2011, Liên Đoàn Á Rập đã quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động của Syria và yêu cầu các thành viên triệu hồi đại sứ tại Damascus. Sau đó, Syria sẽ còn bị trừng phạt về kinh tế, chính trị.

Ngày 13.11.2011, Tổng thư ký Liên đoàn Á Rập Nabil al-Arabi tuyên bố yêu cầu Hội đồng Bảo an giúp đỡ để bảo vệ thường dân tại Syria vì các nước Ả Rập không có khả năng tự thực hiện. Hôm 16.11.2011, Liên đoàn ra thời hạn 3 ngày để Syria chấp nhận các yêu cầu: chấm dứt các cuộc đàn áp phong trào phản kháng, thả toàn bộ tù chính trị và cho phép quan sát viên vào theo dõi tình hình. Sau thời hạn đó, nếu không thi hành, Damascus sẽ bị trừng phạt kinh tế. Ngày 27.11.2011, Liên đoàn Á Rập đã thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria và sẽ có hiệu lực ngay tức khắc. Đó là việc ngưng mọi giao dịch thương mại và phong tỏa các tài sản của chính phủ Damascus tại các nước Ả Rập, ngưng các chuyến bay thương mại đến Syria, cấm các nhân vật cao cấp trong chính phủ này đến lãnh thổ các nước thuộc Liên đoàn. Nền kinh tế Syria vốn đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Âu châu và Hoa Kỳ nay lại thêm có nguy cơ bị bóp nghẹt do một nửa lượng hàng xuất cảng và gần một phần tư lượng hàng nhập cảng của Syria là với các nước Á Rập.

Tối ngày 26.12.2011, 50 quan sát viên từ các nước Á Rập do tướng Moustapha al-Dabi, người Soudan, dẫn đầu đã tới Syria với nhiệm vụ giám sát tình hình tại đây. Hôm sau, các quan sát viên đã bắt đầu công việc tại thành phố Homs, một trọng điểm của phong trào phản kháng chế độ Assad, nơi mà trong vòng 24 giờ qua đã có hơn 30 người bị giết do các vụ tấn công của quân đội chính phủ. Đồng thời, nhiều chiến xa cũng được rút ra khỏi một số khu phố của thành phố. Ngày 30.12.2011, 32 thường dân đã tử vong vì đạn của quân đội. Bất chấp đàn áp, dân chúng đã rầm rộ xuống đường chống chế độ tại các thành phố lớn, nhất là ở những nơi có phái đoàn quan sát viên Á Rập đến thăm viếng. Ngày 01.01.2012, Ủy ban đại diện Liên đoàn Á rập kêu gọi triệu hồi các quan sát viên khỏi Syria với lý do chính quyền Syria ‘tiếp tục sát hại thường dân vô tội’, bất chấp, trước đó, Liên đoàn đang chuẩn bị gửi thêm một nhóm quan sát viên thứ nhì đến Syria vào ngày 05.01.2012.

B. Sự can thiệp vô hiệu của Liên hiệp quốc.

Ngày 09.06.2011, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bắt đầu thảo luận về một dự thảo nghị quyết về Syria do Anh, Pháp, Đức và Bồ đào nha đệ nạp kêu gọi chính quyền Damascus cải cách và gỡ bỏ lệnh phong toả các thành phố để các tổ chức nhân đạo quốc tế làm công tác cứu nạn. Nhưng đã bất thành vì Nga và Trung quốc đe dọa phủ quyết.
Ngày 19.12.2011, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết ‘Lên án chính quyền Syria vi phạm nhân quyền trầm trọng và thường xuyên, đặc biệt là giết người bừa bãi, lạm dụng vũ lực, sát hại những người biểu tình và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền’. Với 133 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 43 vắng mặt, một tháng sau khi bản dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp và Đức soạn thảo được Ủy ban Nhân quyền Đại hội đồng tán thành. Nhưng nghị quyết của Đại hội đồng không có giá trị cưỡng hành.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, ngày 23.12.2011, lên án các vụ khủng bố vừa xảy ra tại Damascus giết chết ít nhất 44 người. 15 thành viên Hội đồng cũng bày tỏ ‘lời chia buồn chân thành nhất tới các nạn nhân của những hành động bỉ ổi này và tới gia đình họ cũng như nhân dân Syria’. Thường thì Hội đồng chỉ gửi lời chia buồn đến chính phủ quốc gia bị tấn công, như vậy, có thể hiểu là chính phủ Bacchar al-Assad đang bị quốc tế cô lập.

Sau buổi cầu nguyện thứ sáu ngày 20.01.2012, hàng ngàn người Syria, dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Quốc gia Syria, xuống đường biểu tình yêu cầu các quan sát viên Á Rập chuyển giao sứ mạng vận động hòa bình tại quốc gia này cho Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Do đó, ngày 27.01.2011, Hội đồng họp kín tại New York (Hoa Kỳ) để thảo luận về hồ sơ Syria, trên cơ sở một dự thảo nghị quyết do các nước phương Tây và Á Rập đề nghị. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon kêu gọi Hội đồng nên có cùng một tiếng nói khi: "Nhiều người đã xuống đường để đòi hỏi dân chủ, tự do và phẩm giá. Chúng ta cần phải giúp đỡ họ vì họ đã bị đàn áp trong một thời gian quá dài". Đại sứ Marocco, thay mặt các nhà ngoại giao Anh, Pháp soạn thảo, có tham khảo ý kiến của Qatar, Hoa Kỳ, Đức, Bồ Đào Nha và Marocco. Tuy nhiên, ngày 04.02.2012, trong phiên họp khoáng đại, trái với 13 thành viên khác trong Hội đồng bỏ phiếu thuận dự thảo nghị quyết, Nga và Trung Quốc dùng phiếu chống để phủ quyết văn kiện.

Với số 384 trẻ em Syria bị thiệt mạng và 380 em bị bắt giữ, theo Unicef, kể từ khi bắt đầu phong trào phản kháng tháng 03.2011 đến cuối tháng 01.2012, và khoảng 6.000 dân thường đã bị giết hại, dư luận thế giới phản đối sự phủ quyết này. Amnesty International nói: "Sự phủ quyết vô trách nhiệm của Nga và Trung Quốc là một sự phản bội bất nhân đối với người dân Syria". Nhưng tại sao Nga và Trung Quốc đã hàng động như vậy?

Nga không thể phó mặc để nhìn Syria, đồng minh hiếm hoi còn lại tại Trung Đông và khách hàng quan trọng mua vũ khí của Nga đang gặp nguy hiểm. Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin đã tuyên bố trong phiên họp Hội đồng Bảo an ngày 31.01.2012: "Không có cơ hội nào cho một kế hoạch thay đổi chế độ tại Syria. Liên hiệp quốc không thể áp đặt một cuộc dàn xếp chính trị nội bộ tại nước này vì Hội đồng Bảo an không có nghĩa vụ đó. Người dân Syria có quyền tự quyết định cho vận mệnh mình và có thể vẫn có một cơ hội khác cho việc phá vỡ vòng xoáy bạo lực tại đây". Trung Quốc phản đối dùng vũ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và gây sức ép buộc Damas phải thay đổi chế độ. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc khẳng định việc sử dụng vũ lực đối với một nước là đi ngược lại ‘tiêu chuẩn cơ bản trong các quan hệ quốc tế’ và vi phạm nguyên tắc của Liên hiệp quốc.
Ngày 16.02.2011, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết khác về Syria, với đa số phiếu áp đảo: 137 phiếu thuận, 12 chống (trong đó có Nga và Trung Quốc) và 17 nước không bỏ phiếu.

C. Sự lo ngại của Tòa Thánh về Syria.

Tòa Thánh lo âu về tình hình tại Syria vì, trong lúc bạo lực gia tăng, không ai hay định chế nào có thể đưa ra giải pháp. Tòa Thánh bày tỏ sự đau lòng vì đã có biết bao nhiêu nạn nhân vô tội. Khi tiếp Ngoại giao đoàn ngày 09.01.2012, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói: "Chúng ta không thể thản nhiên trước những gì đang xẩy ra tại Syria. Tôi cảm thấy hết sức lo ngại cho các người dân của các quốc gia trong đó đang có nhiều căng thẳng và bạo hành, đặc biệt là tại Syria, nơi tôi mong ước sẽ chấm dứt nhanh chóng các vụ đổ máu chan hòa và sẽ có sự khởi đầu của một đối thoại có kết quả giữa các thành phần chính trị, được phụ giúp bởi sự hiện diện của các quan sát viên độc lập".

Linh mục Dall’Oglio, Dòng Tên, sáng lập viên cộng đồng khổ tu Sirô-Công Giáo Deir Mar Musa, hoạt động tại Syria nhiều năm qua, cho biết tình hình nghiệm trọng đòi hỏi sự huy động tất cả những người có thiện tâm. Cha phỏng đoán là nỗ lực này cần phải chú ý đến những sự tế nhị khác nhau, đang chịu nhiều đau khổ, như các cộng đồng Chính Thống giáo Byzantin đang duy trì những mối liên hệ mật thiết với Giáo hạt tại Moscou, và có một vai trò rất tế nhị hiện thời, đó là của những người Arménien đang chiếm đại đa số trong các Kitô hữu tại Syria. Theo cha, Vatican có thể dùng kinh nghiệm lâu đời về đối thoại với thế giới Hồi giáo vì cuộc nội chiến tại đây có nguy cơ biến thành một sự hủy hoại mà các cộng đồng Kitô có thể sẽ phải gặp như các cộng đồng tại Irak.

Khi cuộc khủng hoảng xảy ra, thái độ của người Kitô giáo tại Syria là ngờ vực. Ngày 27.10.2011, Tiến sĩ Samuel Gregg, Giám đốc Nghiên cứu Viện Acton tại Michigan, cho biết: "Nói chung, người Kitô giáo không muốn tham gia cuộc nổi dậy chống lại chế độ Assad bởi vì việc chọn lựa giữa Bashar al-Assad và Phong trào Huynh Đệ Hồi giáo không phải là một chọn lựa đơn giản, dễ dãi".