Dân Chúa Âu Châu

Khủng Hoảng Nợ Công Âu Châu

BY: HÀ MINH THẢO

Cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Euro từ 2 năm qua đã gây giông tố không những cho khu vực mà, ngày nay, còn đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu như báo cáo về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới trong tam cá nguyệt 3/2011 vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation de coopération et de développement économiques, OCDE) công bố hôm 28.11.2011, cho thấy tình hình chung sẽ còn tiếp tục xấu đi trong ba tháng cuối năm 2011. Đà tăng trưởng chậm lại trong toàn khối OCDE, khủng hoảng nợ công mà nhiều quốc gia đang phải giải quyết khiến mục tiêu của Âu châu muốn giảm bớt khiếm hụt ngân sách xuống còn 4,5 % TSLNĐ vào năm tới ngày càng xa vời!
Đến Paris ngày 07.12.2011, Bộ trưởng Tài chính Hoa kỳ, Timothy Geithner, nói ông tin tưởng sự thành công của các quốc gia Âu châu đối phó với khủng hoảng nợ công. "Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng đó là Hoa kỳ và phần còn lại thế giới tin tưởng sự thành công và tin chắc sẽ thành công."
Bài này được viết tiếp theo bài "Khủng hoảng Nợ Công" đăng trong "Dân Chúa Âu Châu" số 348 tháng 10.2011.

I. HY LẠP.

A. Khả năng "thắt lưng buộc bụng" đã cạn.

Đến cuối tháng 09.2011, số bách phân thất nghiệp Hy lạp đã lên đến 16% lực lượng lao động. Từ giữa năm 2010, Hy lạp đã được hỗ trợ tài chính 110 tỷ Euro để thoát khỏi phá sản, và lời hứa một gói cứu viện thứ hai trị giá 159 tỷ Euro, nếu chính quyền Athens đồng ý một kế hoạch tiết kiệm 28 tỷ Euro hầu, đến năm 2015, giảm được 12% trong tỷ lệ khiếm hụt ngân sách so với TSLQN. Mục tiêu là có tiền thanh toán nợ 350 tỷ Euro đang bóp nghẹt Hy lạp và làm lành mạnh hóa nền tài chính và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước này.
Các chủ nợ (Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế), bất chấp lời khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cho rằng nước này không còn có khả năng gánh chịu thêm những biện pháp khắc khổ nữa để nếu muốn họ tháo khoán khoản tín dụng 8 tỷ Euro đã hứa cấp hầu tránh được tình trạng phá sản.
Những điều kiện khắc nghiệt mà Hy lạp bị buộc phải thực hiện cho đến nay đã đưa nước này vào vòng suy thoái nặng nề hơn dự kiến: TSLQN Hy lạp, mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo sẽ giảm 3,5% trong năm 2011, trong thực tế có thể giảm đến 5,5%, theo ước tính mới của chính phủ Hy lạp xuống đến 5,8%, theo dự tính bởi các chuyên viên ngân hàng Barclays. Tại sao vậy?
Trước hết, sức mua của người tiêu thụ Hy lạp bị giảm sút quá mạnh và quá nhanh do tiền lương bị sụt (40% đối với một số công chức) và số người thất nghiệp luôn gia tăng (từ 7,2% lực lượng lao động năm 2008 đã vượt mức 16% từ tháng 6 vừa qua). Do đó, mức cầu nội địa phải giảm bớt.
Thêm vào đó, môi trường kinh tế quốc tế khó khăn, lại thêm chi phí tài chính (tiền lời vay nợ) và chi phí nhân viên (đóng góp các quỹ an ninh xã hội như về thất nghiệp) khiến khả năng cạnh tranh bị giảm, hàng hóa khó xuất cảng.

Hai nguyên nhân làm đình đốn nền kinh tế và, do đó, TSLQN giảm và thuế dự trù bị thất thu, ảnh hưởng đến ngân sách. Kết quả, thay vì giảm bớt, lại thấy nợ vay Hy lạp lại tăng lên từ 127,10% TSLQN năm 2009 đến 142,80% năm 2010 và dự kiến tới trên 160% vào năm 2011 và sẽ tiếp tục tăng vào năm 2012.
Nguy hiểm hơn, khi nền kinh tế và tài chánh một quốc gia bị xấu đi thì các cơ quan định mức tín nhiệm (agence de notation) cho điểm thấp xuống tức phải trả tiền lời/năm với bách phân cao hơn vì được coi là khả năng hoàn trái xuống thấp hơn.
[Có 3 cơ quan định mức tín nhiệm chính toàn cầu có biệt danh "Big Three": Moody (được thành lập đầu tiên năm 1909 bởi John Moody để đánh giá nợ các công ty đường sắt, khu vực luôn gọi vốn từ tư nhân), Fitch Ratings (từ năm 1913, kiểm soát bởi doanh nhân người Pháp Marc Ladreit của Lacharrière Fimalac) và Standard & Poor (lập năm 1941) chiếm 90% thị phần thế giới. Thị phần còn lại được chia cơ quan nhỏ, kể cả cơ quan Dagong (Trung quốc vừa hạ điểm nước Pháp từ AA- xuống A+ vì tăng trưởng kinh tế thấp và nợ công ngày càng tăng cao). Để xếp hạng một quốc gia hoặc công ty phải là kết quả của công tác ít nhất là 2 nhà phân tích thảo luận nội bộ với các nhà phân tích khác có kinh nghiệm, nhưng phần lớn dựa trên thông tin công cộng. Để cho điểm, cơ quan đánh giá cử một "phân tích viên chính" chịu trách nhiệm để liên tục đánh giá tín dụng quốc gia hay công ty đó và nguy cơ vỡ nợ các khoản vay của nó bằng đánh giá bởi một điểm số, trong đó khoảng từ AAA+ (tốt nhất) đến D (thấp nhất).]

B. Trưng cầu Dân ý.

Tối ngày 31.10.2011, Thủ tướng Hy lạp George Papandreou tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu nguy đồng Euro mà các lãnh đạo khu vực này đã chấp thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 26 và 27.10.2011. Theo đó, các ngân hàng tư nhân sẽ xóa 50% số nợ cho Hy lạp vay, tức khoảng 100 tỷ Euro, Âu châu sẽ cho Hy lạp vay 100 tỷ từ nay đến 2014 và đứng ra bảo lãnh 30 tỷ Euro. Một phần tiền này sẽ được dùng vào việc tăng vốn cho các ngân hàng Hy lạp, tức các cơ sở tài chính này sẽ đặt dưới sự giám sát của Liên hiệp Âu châu. Ngày 20.10.2011, chính quyền Hy lạp đã phải chấp thuận tăng thêm nữa các biện pháp khắc khổ như cắt giảm thêm lương, cho khoảng 30 ngàn nhân viên trong lĩnh vực công tạm thời nghỉ việc để Âu châu chấp thuận cho đợt giải ngân này.

Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và cả hai tỏ quyết tâm là Âu châu phải thực thi kế hoạch cứu nguy khu vực Euro. Tổng thống Pháp cho rằng "đây là cách thức duy nhất để giải quyết vấn đề nợ của Hy lạp". Chiều ngày 0.11.2011, hai vị lãnh đạo Pháp và Đức họp riêng với các Chủ tịch Hội đồng Âu châu, Ủy ban châu Âu và Eurogroup, t2ổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Cannes (Pháp quốc), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, và, sau đó, với Thủ tướng Hy lạp George Papandreou để yêu cầu giải thích về quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của ông. Theo chính phủ Pháp, Thủ tuớng Hy lạp có quyền cho tổ chức trưng cầu dân ý nhưng phải làm trước Lễ Giáng sinh năm nay và, thay vì đặt câu hỏi cho người dân là có chấp nhận kế hoạch khắc khổ của chính phủ hay không, thì chỉ nên hỏi là có muốn tiếp tục ở trong khu vực đồng Euro hay không. Như vậy, khi người dân trả lời "không", Hy lạp rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung.

Điều mà các lãnh đạo Âu châu lo sợ nhất là việc các các quốc gia lần lượt rời khu vực Euro. Sau Hy lạp, phải chăng sẽ đến lượt Ý, Tây ban nha, Bồ đào nha, những nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Sự tan rã của khu vực Euro đe dọa sự tồn tại của Liên hiệp Âu châu, như lời tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói với các phóng viên báo "Le Monde" ngày 13.12.2011: "Euro là trái tim Âu châu. Nếu nó tan vỡ, Âu châu sẽ không cưỡng lại sự tan vỡ. Cuộc khủng hoảng về sự tự tin và sự tín nhiệm của Euro đã đặt ra một nguy cơ đối với tính bền vững của Liên minh Âu châu".
Phải chăng ông George Papandreou thấy những chính sách khắc khổ mà người dân phải chịu trái với những gì ông đã hứa trước đó khi tranh cử, nên ông muốn biết ý cử tri qua cuộc trưng cầu dân ý vì ông cũng không muốn tổ chức bầu cử trước thời hạn như yêu cầu của lãnh đạo đảng cánh hữu Dân Chủ Mới, Antonis Samaras?
Cuối cùng thủ tướng Papandreou bỏ ý định tổ chức trưng cầu dân ý và yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu còn tín nhiệm ông hay không. Do đó, sáng ngày 05.11.2011, với 153 phiếu thuận trên 298 phiếu bầu, Quốc hội Hy lạp đã tái xác nhận sự tín nhiệm thủ tướng Georges Papandreou. Tuy nhiên, sự tín nhiệm đó chỉ nhằm để cho ông Papandreou rời "chiếc ghế thủ tướng" trong danh dự, nhất là sau khi chính ông đã gây ra khủng hoảng trong nội bộ đảng xã hội Pasok cầm quyền do quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về những điều kiện mà Âu châu đòi hỏi để đổi lấy kế hoạch trợ giúp của họ.
Sau đó, ông Papandreou đến gặp tổng thống Hy lạp để thảo luận về thành phần "chính phủ đồng thuận" mà ông kêu gọi hữu phái và cực hữu đối lập tham gia.

C. Chính phủ "đoàn kết dân tộc".

Tối ngày 07.11.2011, tổng trưởng tài chính 17 quốc gia thành viên khu vực Euro yêu cầu 2 đảng Xã hội và Dân chủ Mới nhanh chóng thành lập chính phủ "đoàn kết dân tộc" để phải viết một văn bản cam kết tuân thủ thỏa thuận mà Hy lạp đã đạt được trong Phiên họp thượng đỉnh khu vực Euro 26-27.10.2011, nhất là phải hứa thi hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu, giải quyết bội chi ngân sách nhà nước và nợ công Hy lạp. Văn bản chính thức này là điều kiện quyết định để khối Euro và Quỹ Tiền tệ Quốc tế giải ngân 8 tỷ Euro trong tháng 11 vừa qua, như đã định trong khuôn khổ chương trình cứu nguy Hy lạp 110 tỷ đã được thông qua từ tháng 05.2010. Hy lạp cần có 8 tỷ trong số đó để thanh toán nợ đáo hạn trước ngày 30.11.2011.
Trưa ngày 10.11.2011, tổng thống Hy lạp đã đề cử ông Lucas Papademos, 64 tuổi, cựu phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương Âu châu từ năm 2002 đến 2010 sau khi đã là thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy lạp, vào chức vụ Thủ tướng với nhiệm vụ thành lập chính phủ "đoàn kết dân tộc", có nhiệm vụ thực hiện các quyết định đã đạt được trong Hội nghị Thượng đỉnh các nước khu vực đồng Euro ngày 26-27.10.2011. Tân thủ tướng Papademos tuyên bố: "Tôi tin rằng sự tham gia của Hy Lạp vào khu vực đồng Euro là một bảo đảm cho sự ổn định tiền tệ, một nhân tố cho sự thịnh vượng kinh tế, và cho dù có những khó khăn, cũng sẽ hỗ trợ được cho việc vực dậy nền kinh tế quốc gia".
Sự chọn lựa một chuyên gia tài chính có chủ trương hội nhập Âu châu giữ chức thủ tướng, sau 4 ngày thương thảo căng thẳng, đã mang lại những phản ứng tích cực từ các đối tác Âu châu và các chủ nợ Liên hiệp Âu châu cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đòi hỏi đất nước đang trên bờ vực phá sản này cần có một giải pháp chính trị rõ ràng.
Bắt tay vào việc, chính phủ "đoàn kết dân tộc" đã thuyết phục Quốc hội thông qua kế hoạch thứ nhì cứu nguy Hy lạp đã đạt được hồi cuối tháng trước, gồm:
- nhận thêm 130 tỷ tín dụng để tránh mất khả năng thanh toán nợ đáo hạn,
- được xóa 100 tỷ Euro nợ công của nhà nước Hy Lạp, tương đương với 50 % khoản tiền mà các cơ quan tài chính tư nhân, là các ngân hàng Hy lạp và Âu châu, các hãng bảo hiểm đã cho chính phủ Athènes vay.
Đổi lại, Hy lạp phải thi hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng một cách triệt để, và gần như là bị đặt dưới sự giám sát của các chủ nợ là Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

II. CÁC TÂN CHÍNH PHỦ MỚI KHÁC.

A. Ý đại lợi.

Ngày 12.08.2011, chính phủ Ý đã thông qua một kế hoạch kinh tế khắc khổ, tiết kiệm 45,5 tỷ Euro trong 2 năm bằng tăng thuế và giảm chi tiêu nhà nước, để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực Euro, đang có nguy cơ tràn sang nước Ý. Sau đó, ngày 14.09.2011, Hạ viện Ý đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch kinh tế khắc khổ này của thủ tướng Silvio Berlusconi, nhưng với mệnh giá 53,3 tỷ Euro.
Ngay khi Hạ viện chuẩn bị bỏ phiếu cho kế hoạch kinh tế khắc khổ thì phía ngoài cổng Hạ viện, dân chúng ồ ạt biểu tình phản đối chính phủ và đã xẩy ra những xô xát giữa những người biểu tình và một vài thành viên của Hội đồng chính phủ. Cảnh sát đã phải can thiệp để lấy lại an ninh trật tự trước Hạ viện. Nguyên nhân là cho đến đầu tháng 08.2011, thủ tướng Berlusconi vẫn tuyên bố là nền kinh tế Ý rất vững chắc và không có nguy cơ vỡ nợ. Nhưng, sau đó, khi các công trái phiếu Ý bị ế trên thị trường chứng khoán quốc tế, Ngân hàng Trung ương Âu châu lên tiếng cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của Ý và lập tức Hội đồng Âu châu làm áp lực lên chính phủ Ý để đưa ra chính sách "thắt lưng buột bụng" này.
Ngày 08.11.2011, Hạ viện Ý bỏ phiếu về Bản quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của chính phủ Berlusconi. Văn kiện này đã được thông qua, nhưng kết quả đã cho thấy thủ tướng Ý không còn đa số ở Quốc hội. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Berlusconi cho biết ông sẽ từ chức.

Dù Quốc hội thông qua kế hoạch kinh tế khắc khổ 53,3 tỷ Euro và cải tổ cơ cấu như đã cam kết với Liên hiệp Âu châu, nhằm giảm nợ công, cải tiến thủ tục hành chính và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Thủ tướng Đức vẫn thúc giục Ý phải sớm thành lập chính phủ mới để thay thế chính phủ cựu Thủ tướng Berlusconi. Do đó, Tổng thống Giorgio Napolitano, đã đẩy nhanh tiến trình chính trị để Quốc hội biểu quyết nhanh những biện pháp và cải tổ nói trên tại Thượng viện ngày 11.11.2011 và tại Hạ viện ngày 12.11.2011. Sau đó, Thủ tướng Berlusconi triệu tập nội các để chính thức tuyên bố từ chức và nộp đơn từ chức lên Tổng thống Napolitano.
Ngày 13.11.2011, Tổng thống Napolitano yêu cầu ông Mario Monti, 68 tuổi, nguyên là Ủy viên Âu châu, trong 10 năm liền đã đặc trách các hồ sơ kinh tế, thương mại Liên hiệp Âu châu và được xem là một chính trị gia có uy tín đối với giới đầu tư, thành lập nội các. Tân Thủ tướng tuyên bố ông tin tưởng là nước Ý vượt qua được khủng hoảng và đề ra mục tiêu "lành mạnh hóa các khoản chi tiêu công cộng để đưa nước Ý trở lại con đường tăng trưởng, đồng thời vẫn quan tâm đến những công bằng xã hội".

Ngày 14.11.2011, tân Thủ tướng Mario Monti bắt đầu thảo luận với các đảng chính trị để thành lập nội các. Thị trường tài chính quốc tế hài lòng về việc đề cử giáo sư kinh tế này vào chức vụ Thủ tướng. Do đó, Roma đã thành công trong việc phát hành thêm 3 tỷ Euro công trái với lãi suất giảm bớt so với phiên giao dịch thứ sáu ngày 11.11.2011. Trưa ngày 16.11.2011, ông Mario Monti đã trình diện Hội đồng chính phủ mới tại dinh Tổng Thống, gồm 1 Thủ tướng và 17 Tổng trưởng. Đây là lần đầu tiên một Hội đồng chính phủ Ý hoàn toàn là "chuyên viên" và "phi chính đảng".
Ngày 24.11.2011, lãnh đạo của ba nền kinh tế lớn nhất khu vực Euro, Đức, Pháp và Ý họp ở Strasbourg để bàn cách đối phó với khủng hoảng nợ công trong khối Euro. Nhưng Pháp, cũng như nhiều nước Âu châu khác, vẫn bất đồng với Đức về vai trò của Ngân hàng Trung ương Âu châu can thiệp để bảo vệ các quốc gia đang gặp khó khăn vì Berlin lo ngại lạm phát tăng cao do các chính phủ buông lỏng việc siết chặt ngân sách và chính Ngân hàng Trung ương Âu châu cũng không muốn can thiệp trong lúc này. Ngoài ra, Đức cũng chống lại việc phát hành trái phiếu Âu châu (Euro-obligation, tiếng Pháp hay Euro-bond, tiếng Anh) theo đề nghị của Ủy ban Âu châu, như là một hình thức để các nước khối Euro tương trợ nhau gánh chung nợ công. Nhân dịp này, Thủ tướng Ý trấn an các đối tác về quyết tâm của ông giảm bớt nợ công khoảng 1.900 tỷ Euro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ý.
Ngày 04.05.2011, chính phủ Ý dự trù tiết kiệm thêm 20 tỷ Euro từ nay đến năm 2014 chủ yếu nhờ vào các biện pháp như tăng thuế, giảm trợ cấp an sinh xã hội và lương hưu … Mặt khác, nội các Mario Monti dự trù một kế hoạch 10 tỷ Euro để vực dậy nền kinh tế Ý, được báo chí ủng hộ và mệnh danh là chương trình "Cứu nguy nước Ý" trong lúc các dự đoán tổng sản phẩm nội địa Ý năm 2012 sẽ giảm từ 0,4 đến 0,5 %.

Khi loan báo các biện pháp hà khắc này, bà Elsa Fornero, Tổng trưởng Xã hội, đã không cầm được nước mắt khi bà nhắc đến chữ "hy sinh" mà những tầng lớp người nghèo phải gánh chịu. Về phần mình Thủ tướng Mario Monti tuyên bố ông không nhận tiền lương để góp phần làm nhẹ gánh nợ công của Ý. Giới phê bình nhận định: tuy đây chỉ là giọt nước trong biển cả nhưng điều đó nói lên tính nhân bản của chính phủ Monti và quyết tâm phục hồi kinh tế và tài chính Ý của nội các mới.

B. Tây ban nha.

Trong cuộc tuyển cử Quốc hội Tây ban nha ngày 21.11.2011, đảng Nhân Dân do ông Mariano Rajoy lãnh đạo đã đạt được thắng lợi vẻ vang với 45% phiếu tín nhiệm hợp lệ và giành được đa số tuyệt đối tại viện Lập pháp với 186/350 ghế dân biểu. Sau hơn 7 năm cầm quyền, chính phủ Xã hội nhận được tỷ lệ phiếu thấp nhất từ khi nền dân chủ được tái lập cuối thập niên 1970. Đảng này là nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt buộc phải có các biện pháp khắc khổ. Nhờ đó, Liên minh Cộng sản-Sinh thái từ 2 ghế dân biểu trong Quốc hội cũ đã giành được 10 ghế.
Ông Mariano Rajoy, lãnh đạo cánh hữu, sẽ nhậm chức Thủ tướng vào ngày 20.12.2011 tới, một người được cho là kiên trì dù không có sức thu hút quần chúng, sẽ phải nhanh chóng đưa ra những chính sách chống khủng hoảng được biết trước là khắt khe hơn các biện pháp của đảng Xã Hội đã thực hiện.
Theo giới phân tích thì chính phủ tương lai đang đứng trước nhiệm vụ vô cùng khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp 21,5% lực lượng lao động, cao nhất trong Liên hiệp Âu châu, thâm hụt ngân sách trên 6% TSLNĐ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt được 0,8% trong 12 tháng qua. Trong tình trạng bất lợi này, chánh phủ hữu phái sẽ dùng "đũa thần" nào để có thể giữ lời hứa giảm thâm hụt ngân sách xuống 4,4% TSLNĐ vào cuối năm 2012 và, đồng thời, hồi phục dần nền kinh tế Tây ban nha.

III. LIÊN HIỆP ÂU CHÂU CHỜ HIỆP ĐỊNH MỚI.

Liên hiệp Âu châu đã có Phiên họp thượng đỉnh từ chiều ngày 8 đến trưa ngày 09.12.2011 tại Bruxelles để đồng thuận "tăng cường kỷ luật ngân sách". Theo đó, ngân sách các quốc gia thành viên phải được thông qua bởi Ủy ban Âu châu và nếu bị vi phạm mức khiếm hụt 3% TSLNĐ sẽ bị trừng phạt "tự động".
Có 23 quốc gia, trong đó có 17 nước thành viên khu vực Euro, chấp thuận thỏa thuận này. Hai quốc gia Cộng hòa Séc và Thụy điển xin chờ ý kiến Lập pháp trước khi trả lời và hai nước Hung gia lợi và Anh quốc không tham gia.
Nhiều giải pháp đã bị bỏ qua vì sự chống đối của Đức. Hai biện pháp được thỏa thuận là thành lập "Cơ chế ổn định Âu châu" (MES, Mécanisme Européen de stabilité) tiến hành sớm hơn một năm, kể từ tháng 07.2012 và "Quỹ Bình ổn Tài chính Âu châu" FESF được gia hạn đến giữa năm 2013.
Ngoài ra, khả năng cho vay của cơ chế MES cũng đã gây tranh luận nhiều vì, theo lý thuyết, MES có 500 tỷ Euro nhưng vì Đức sợ phải chi thêm nên giải thích 500 tỷ đó là tính chung cả hai quỹ MES và FESF. Đức cũng từ chối việc MES có quyền vay tiền Ngân hàng Trung ương Âu châu vô giới hạn.
Trong khi chờ đợi Hiệp định mới, các quốc gia khu vực Euro chỉ được quyền trông cậy vào Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để vay tiền.