Dân Chúa Âu Châu

Các cuộc chiến Israel - Palestine (1)

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong lịch sử đấu tranh dành chủ quyền và bảo vệ nền độc lập của mỗi quốc gia chúng ta thấy tại một số nước đã xuất hiện các anh hùng trẻ tuổi như: Việt Nam có Triệu thị Trinh (Triệu Ẩu) đánh đuổi quân Ngô của Tầu, Pháp-quốc có Trinh Nữ Jeanne d´Arc chống quân Anh và Do Thái có chú bé chăn cừu Đa-vít (David) chiến thắng tướng khổng lồ Gô-li-át (Goliath) của quân Phi-li-tinh (Philistine: tên gọi dân Palestine trước Công-nguyên). Mỗi nam và nữ anh hùng trẻ tuổi có những thành tích khác nhau trên chiến trường; nhưng tựu chung đều nêu cao tinh thần dân tộc và bảo vệ đất nước, dù phải hy sinh mạng sống của mình.
Để nhìn lại chặng đường lịch sử chiến tranh giữa hai dân tộc Do Thái và Palestine, mời quí độc giả theo dõi hai giai đoạn:
-Các cuộc chiến trước Công-nguyên.
-Các cuộc chiến sau Công-nguyên.

I- Các cuộc chiến trước Công-nguyên

Vào năm 1.225 trước Công-nguyên (TCN), sau 405 năm sống đời dân tị nạn, vì bị người Ai Cập áp bức bắt làm nô lệ, Môi-sê (Moses) đã được Thiên Chúa chọn làm người lãnh đạo để đưa dân thoát khỏi Ai Cập, vượt qua sa mạc Si-na-i (Sinai) để trở về quê hương. Như vậy dân Do Thái chính gốc vào thời điểm đó có thể nói đã mất tổ quốc 405 năm, nay phải sống cuộc đời di dân lang thang trên đất đai của người Ả-rập và Palestine. Vì thế đã có nhiều cuộc chiến tranh giữa dân Do Thái và dân địa phương trong vùng. Muốn có nơi sống dân Do Thái phải chiếm đất, bảo vệ lãnh thổ và dân mình. Có khá nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ giữa dân Do Thái và các dân tộc khác trên đất Palestine; nhưng chúng tôi chỉ kể một số cuộc chiến quan trọng.
Khi đọc lại lịch sử Do Thái quí độc giả cũng thấy là một số thành phần dân tộc Do Thái đã phản bội Thiên Chúa. Bằng chứng đầu tiên là sau khi Môi-sê cứu dân ra khỏi Ai Cập, lên núi cầu nguyện để nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong một thời gian, thì ở dưới núi một nhóm dân bắt đầu chống lại các thủ lãnh, và thay vì thờ phượng Thiên Chúa, chúng gom vàng bạc đúc tượng bò để quì lậy. Khi Môi-sê xuống núi đem theo "Mười Điều Răn" của Thiên Chúa thấy nhóm dân phản bội, ông tức giận, cảnh cáo và trừng phạt chúng. Nhưng tật nào vẫn chứng nấy, nhóm dân này vẫn tiếp tục hành động phản bội, khiến Thiên Chúa trừng phạt bằng cách đặt chúng dưới sự cai trị của dân Phi-li-tinh trong 40 năm, kể từ năm 1070 (TCN).
Sau 40 năm Thiên Chúa lại thương xót, muốn chỉ định người lãnh đạo giải thoát dân Do Thái khỏi quân Phi-li-tinh, nên sai Thiên Thần báo tin cho vợ ông Ma-nô-a (Manoah) lần thứ nhất: ”Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai. Vậy bây giờ phải kiêng cữ: đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch. Vì này bà sẽ có thai và sinh một con trai. Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một na-dia của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Ít-ra-en khỏi tay người Phi-li-tinh.” (Na-dia là nazirite có nghĩa người Do Thái).

Lần thứ hai ThiênThần hiện ra nói với ông Ma-nô-a và lập lại những gì đã nói với vợ ông ta. Sự việc đã xẩy ra như Thiên Thần truyền tin. Khi lớn lên Sam-sôn yêu và cưới một phụ nữ Phi-li-tinh, mặc dù cha mẹ phản đối. Để phá hủy cơ sở của quân Phi-li-tinh, Sam-sôn đã dùng lửa cột vào đuôi 300 con chó sói và thả chúng chạy tứ tung, đốt cháy các doanh trại của Phi-li-tinh, nên chúng tìm đến nhà giết vợ và gia đình cha vợ của chàng. Sau đó Sam-sôn lại yêu Đa-li-la (Dalilah). Trong các cuộc xung đột, Sam-sôn đã đánh bại hàng trăm quân Phi-li-tinh. Thấy Sam-sôn có sức mạnh địch muôn người, đã có lần trên đường tới nhà vợ thứ nhất bị sư tử tấn công, nhờ thần lực của Thiên Chúa, chàng bèn túm cổ con sư tử và xé nó ra từng mảnh. Để hạ cho dược Sam-sôn, quân Phi-li-tinh bèn tìm đến dụ Đa-li-la và hứa sẽ cho nàng 1.100 đồng tiền cắc làm bằng bạc, nếu nàng cho chúng biết vì sao Sam-sôn có sức mạnh không ai đánh lại được. Nhiều lần nàng thử lấy dây thừng trói chàng trong lúc ngủ; nhưng lúc thức dậy chàng vặn mình một cái thì dây thừng đứt hết. Sau cùng Đa-li-la dùng tình yêu và làm bộ giận hờn khiến Sam-sôn yếu lòng, thổ lộ chàng có sức mạnh vì lời giao ước của cha mẹ với Thiên Chúa là chàng không được uống rượu và tóc không được phép cắt. Thế là khi chàng ngủ, Đa-li-la cho đầy tớ cắt tóc chàng và báo cho quân Phi-li-tinh. Chúng đến bắt Sam-sôn, móc hai mắt và giải về nhốt trong nhà tù tại Ga-da (Gaza). Để hành hạ, chúng bắt chàng kéo cối đá xay gạo nặng cả ngàn cân. Vào một ngày kia, các thủ lãnh Phi-li-tinh và dân tụ tập trong đền Đa-gôn (Dagon) để hội họp và dâng lễ, Sam-sôn bị dẫn tới làm trò thằng mù cho dân chúng xem. Chàng cầu xin Thiên Chúa cho mình sức mạnh trở lại và nói với người áp tải dắt chàng tới cột chính của đền thờ. Khi thần lực của Thiên Chúa nhập vào, Sam-sôn đã kéo sập đền Đa-gôn và tất cả người Phi-li-tinh trong đó đều bị chết. Thế là từ đó dân Do Thái được giải thoát. Sam-sôn làm thủ lãnh (vua) dân Do Thái được 20 năm. (Hiện nay làng Mauterndorf, Lungau, Salburg, Styria ở Áo-quốc và Ath thuộc tỉnh Hainaut ở Bỉ-quốc hàng năm còn tổ chức lễ hội Sam-sôn).

-Trận chiến thứ 2

Dân Do Thái thua và "Hòm Bia Giao Ước" bị Phi-li-tinh cướp mất.
Khi Thiên Chúa sai Môi-sê (Moses) cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập và để điều hành một dân tộc, Người đã lập Giao-ước với dân. Nói theo kiểu ngày nay Giao-ước là một Thỏa-hiệp hay một Hiến-pháp trong đó có 10 Điều-luật căn bản tức là “Mười Điều Răn hay Giới Răn” và những điều-lệ khác qui định bổn phận thờ phượng Thiên Chúa qua các nghi lễ và các qui định về các sinh hoạt xã hội của con người v.v… “Mười Điều Răn” được Thiên Chúa dùng ngón tay viết trên bia đá và trao cho ông Môi-sê. Bia đá này được cất giữ trong chiếc hòm mạ vàng được gọi là “Hòm Bia Giao Ước” (The Ark of God hoặc The Ark of the Covenant), được kính thờ như một báu vật linh thiêng quan trọng nhất của dân tộc Do Thái.
Cuộc chiến xẩy ra tại chiến tuyến Ebenezez-Aphek giữa dân Do Thái và Phi-li-tinh sau năm 1031 (TCN). Quân Do Thái bị thất bại, 30.000 lính bị giết, "Hòm Bia Giao Ước" bị quân Phi-li-tinh cướp mất và hai con ông Ê-li (Eli) là Hóp-ni (Hophni) và Pin-nơ-hát (Phinehas) cũng bị tử thương. Tuy nhiên, khi dân Phi-li-tinh cướp được "Hòm Bia Giao Ước" đem vào đền thờ thần Đa-gôn (Dagon) và đặt bên tượng thần Đa-gôn thì hai lần tượng thần của chúng bị ngã sấp mặt xuống đất, đầu và hai tay bị lìa khỏi thân tượng. Thấy vậy, chúng sợ hãi phải di chuyển Hòm Thánh từ Át-đốt tới Gát (Gath). Nhưng Thiên Chúa lại trừng phạt quân Phi-li-tinh bằng cách làm cho thân mình của mỗi người trong chúng bị các cục u lớn nổi lên nhức nhối. Quân Phi-li-tinh quá sợ hãi và sau bẩy tháng chiếm giữ, chúng phải trả "Hòm Bia Giao Ước" lại cho dân Do Thái.

-Trận chiến thứ 3

Chú bé chăn cừu Đa-vít chiến thắng tên khổng lồ Gô-li-át (Goliath)

Sau nhiều lần tấn công mà quân Phi-li-tinh không hoàn toàn đánh bại và bắt dân Do Thái làm nô lệ, chúng lại gây hấn bằng cách thách thức dân Do Thái rằng, nếu các ngươi có người nào can đảm, dám ra đấu tay đôi với tướng khổng lồ Gô-li-át (Goliath) thì chúng sẽ không gây chiến nữa. Vua Sa-un (Saul) và triều thần lo sợ, chưa kiếm được dũng sĩ nào, thì bất ngờ chàng thiếu niên chăn cừu Đa-vít đến tình nguyện ra chiến đấu với Gô-li-át. Ai cũng bật cười, vì chàng thanh niên nhỏ bé như vậy làm sao địch nổi tên khổng lồ?
Nhưng Đa-vít quyết tâm và một mình ra trận mặt đối mặt với tên khổng lồ. Đa-vít cầm gậy trong tay, chọn lấy năm hòn đá cuội dưới suối, bỏ vào túi chăn chiên, rồi tiến về phía tên Gô-li-át. Hắn thấy chú nhỏ Đa-vít thì chê rằng, dân Do Thái của ngươi chả lẽ không có ai tài giỏi hơn mà đưa thằng nhóc ra làm trò cười. Khi tên Phi-li-tinh bắt đầu tiến lên, Ða-vít cũng vội vàng chạy tới đương đầu với nó. Ða-vít thọc tay vào bị, lấy từ đó ra một hòn đá lớn, để vào dây vải, rồi quay dây vài vòng để tăng tốc độ và phóng hòn đá trúng vào đầu Gô-li-át. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất. Đa-vít chạy tới đạp chân lên mình nó và vì không có gươm, Đa-vít phải dùng gươm của nó chặt đầu nó. Người Phi-li-tinh thấy thủ lãnh anh hùng của mình bị chặt đầu thì bỏ chạy tán loạn. Dân Ít-ra-en và Giu-đa xông lên, reo hò và đuổi theo chúng cho đến lối vào thung lũng và tới cửa thành Éc-rôn (Ekron). Thây người Phi-li-tinh ngã gục trên đường Sa-a-ra-gim (Shaaraim), cho đến Gát và Éc-rôn. Sau khi ráo riết đuổi theo người Phi-li-tinh, con cái Ít-ra-en quay trở lại cướp phá trại chúng. Ða-vít lấy đầu tên Phi-li-tinh và đem về Giê-ru-sa-lem (Jerusalem); còn các vũ khí của nó thì đặt trong lều mình. (Sa-mu-en chương 17)
Sau chiến thắng của Đa-vít, dân Do Thái không còn bị quân Phi-li-tinh đe dọa nữa. Đa-vít lên ngôi, thống nhất 12 chi họ Israel và mở rộng quyền lực cũng như lãnh thổ để trở thành một Đế-quốc. Sau khi vua Đa-vít chết 12 chi họ Do Thái lại chia rẽ, không phục tùng vua Sa-lô-môn (Salomon), nên đất nước Do Thái bị chia hai: một vương quốc Israel ở phía Bắc và Judeah ở phía Nam. Sau đó đất nước Do Thái bị các đế quốc Syria, Babylon, Iran, Ai Cập, Rô-ma, Thổ Nhĩ Kỳ... xâm lăng và cai trị. Dân Palestine cũng rơi vào tình trạng tương tự cho tới năm 1947.

II- Các cuộc chiến sau Công-nguyên

Sau khi liên minh quân sự của các nước Ả Rập bị thất bại trong kế hoạch tấn công Do Thái để đòi lại lãnh thổ mà dân Ả-rập đã làm chủ trên hai ngàn năm, dân tộc Palestine nhận thấy các cuộc chiến nếu thành công thì đó là kết quả của các nước Ả Rập. Khi đã chiến thắng thì các nước này sẽ được lợi nhiều trên giải đất Palestine. Vì thế, kể từ thập niên 1970, dân Palestine nhận thấy việc tranh đấu đòi lại chủ quyền lãnh thổ không thể hoàn toàn phó mặc cho các nước Ả Rập nữa, mà phải tự dân mình đứng ra đấu tranh trực diện với Do Thái.

1)-Nguyên nhân thành hình các tổ chức khủng bố

Trong thập niên 1970-1980, khi nghe tới Phong Trào Giải Phóng Palestine (PLO) và tên Abu Amar (Yasser Arafat) cả Thế giới đều lên án về những hoạt động khủng bố và không tặc của tổ chức này. Nói tới Arafat và PLO, người ta liên tưởng ngay đến những trái bom nổ bất ngờ trên đường phố, trước các cơ sở hành chính, tại trung tâm kinh tế và phi trường của người Mỹ, cũng như Do Thái, trên Thế giới. Những vụ không tặc và khủng bố của PLO từ các năm 1972, 1976, 1977, 1978, 1985, 1986, 1988, 1989 v.v... đã làm chấn động các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ. Chiến thuật khủng bố của PLO và các nhóm kháng chiến Palestine nhằm đích sau đây:
-Gây tiếng vang trên chính trường Quốc tế để các quốc gia quan tâm và hỗ trợ cho cuộc chiến đấu dành độc lập tự chủ của dân tộc Palestine.
-Đòi Liên Hiệp Quốc xét lại quyết định 242 về vấn đề Do Thái phải rút quân khỏi các vùng chiếm được của dân Palestine trong trận chiến thần tốc vào năm 1967, và công nhận dân tộc Palestine có chủ quyền trên lãnh địa của mình,
-Đòi Hoa Kỳ phải xét lại chính sách ngoại giao đối với các nước vùng Trung Đông; đặc biệt về sự hỗ trợ trực tiếp Do Thái trong chương trình lấn đất dành dân tại lãnh thổ Palestine.
-Cảnh cáo Do Thái về hành động xâm lăng và không thi hành nghiêm chỉnh các phán quyết của Liên Hiệp Quốc.
-Cương quyết đấu tranh dành độc lập tự chủ cho dân tộc Palestine bằng bất cứ giá nào và bằng mọi phương thức: chính trị, ngoại giao, không tặc và khủng bố.

1/1)- Al-Fatah

Al-Fatah là tổ chức lớn nhất, được thành lập vào cuối năm 1957, do Yasser Arafat lãnh đạo. Al-Fatah nguyên thuỷ không đồng ý với đường lối đấu tranh mềm dẻo của PLO do các nước Ả rập thành lập tại Ai cập. Yasser Arafat không tán thành đường lối lệ thuộc. Ông ta tự chọn con đường của tổ chức Fatah đã vạch ra, tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích và khủng bố nhằm vào các mục tiêu dễ tấn công tại Do Thái. Cuộc tấn công đầu tiên làm cho tổ chức Al-Fatah nổi tiếng và Thủ lãnh Yasser Arafat được nổi danh là cuộc tấn công vào lực lượng quân sự của Do Thái ngày 21-3-1968 tại Karameh, gần biên giới Jordan. Kết quả của cuộc tấn công đầu tiên, sau những thất bại nặng nề của các nước Ả-rập trong cuộc chiến 1967, đã làm sống dậy tinh thần quật khởi của dân Palestine. Sự thành công này còn chứng tỏ rằng: một lực lượng nhỏ được trang bị dù với những vũ khí thô sơ; nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, người ta vẫn có thể làm "thất điên bát đảo" kẻ thù hùng mạnh hơn.

Như lịch sử đã chứng minh: không có cuộc cách mạng nào lại không có chia rẽ; không có dân tỵ nạn nào không bị chia năm xẻ bẩy. Tổ chức Al-Fatah cũng không tránh khỏi những vấn nạn trên hành trình giải phóng dân tộc. Vì bất đồng chính kiến và đường lối đấu tranh, tổ chức Al-Fatah lại chia ra thành ba nhóm.
-Nhóm Abu Nidal do Sabri Khalil Banna (Abu Nidal) cầm đầu. Nhóm này còn được gọi là "Nhóm Tháng Chín Đen" vì nhiều cuộc không tặc và khủng bố được thi hành vào tháng chín. Abu Nidal ly khai tổ chức Al-Fatah vào năm 1976 và tự thành lập nhóm riêng biệt tại Iraq. Abu Nidal chống lại sự hiện diện của quân đội Syria tại Lebanon và tất cả các Thủ lãnh cấp tiến Ả Rập nào theo đuổi chủ trương thỏa hiệp chính trị với Do Thái. 50 cán bộ nồng cốt của tổ chức Al-Fatah bị Abu Nidal ghi vào sổ tử hình. Trước sự phản bội và chống đối quá khích này, tổ chức al-Fatah vào năm 1975 đã phải lên án "tử hình khiếm diện" Abu Nidal. Abu Lyad đặc trách an ninh nội bộ của al-Fatah đã ra lệnh cho các tay ám sát chuyên nghiệp của mình giết Abu Nidal tại Thủ đô Bagdad, nhưng việc bất thành. Sau đó Abu Nidal đã phải chuyển Ban chỉ huy qua Syria năm 1980 và năm 1985 phải chạy qua Libya. Có tin cho rằng Abu Nidal bị Tổng thống Libya, Moamor Gadhaffi, nhốt lại theo yêu cầu của các lãnh tụ Ả-rập.

-Nhóm Abu Abbas do Muhammed Abu Abbas chỉ huy và được sự trợ giúp của Syria. Abu Abbas tách rời tổ chức al-Fatah để chiến đấu chống Do Thái và Hoa Kỳ bằng phương thức khủng bố và không tặc vượt ra ngoài biên giới Do Thái. Một trong những thành tích làm kinh hoàng Thế giới của nhóm Abu Abbas là vụ cướp chiếc tầu du lịch "Achille Laura" của Mỹ trên biển Địa Trung Hải (Mediterranean Sea) vào năm 1975. Một công dân Mỹ, ông Leon Klinghoffer, người tàn tật, đã bị toán hải tặc giết chết. Vì thế, chính phủ Hoa Kỳ bằng bất cứ giá nào muốn bắt giữ toán khủng bố. Nhưng theo yêu cầu, toán khủng bố được trả về Ai Cập, một quốc gia đã từng ủng hộ PLO ngay từ thời kỳ mới thành lập; nên nước này không muốn trao nhóm khủng bố cho Hoa Kỳ. Chính phủ Ai Cập đã cung cấp phi cơ và phóng thích toán khủng bố. Các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ được lệnh ngăn chận và bắt phi cơ chở quân khủng bố phải hạ cánh xuống đảo Cicily, vị trí thuộc lãnh địa của Liên Minh Phòng thủ Bắc Đại tây Dương (NATO). Nhưng một lần nữa, Ý Đại Lợi sợ bị khủng bố; nên không thi hành luật Quốc tế về hải tặc. Quân đội Ý được lệnh ngăn cản, không cho quân đội Mỹ bắt giữ toán khủng bố. Cuối cùng toán khủng bố được Ý Đại Lợi chuyển giao cho Nam Tư (Serbia).

-Nhóm Abu Musa: Nhóm này theo đuổi cùng một mục tiêu chiến đấu chống Do Thái bằng phương pháp quân sự và khủng bố. Abu Musa từ năm 1983 được cả Tổng thống Syria là Assad và Tổng thống Libya Gadhaffi hết mình hỗ trợ để chống lại Yasser Arafat. Cuộc tấn công vào các trại tỵ nạn của người Palestine ở Chatilla và Burj al-Barajneh tại Lebanon là một bằng chứng điển hình. Abu Musa dựa vào lý do Yasser Arafat đã đơn phương tham dự hội nghị Algeria ngày 7-6-1987, mà không tham khảo ý kiến của các nhóm khác. Hội nghị Algeria nằm trong kế hoạch của Tổng thống Ronald Reagan nhằm vãn hồi hòa bình và thi hành Quyết định 242 của Liên Hiệp Quốc. Nội dung chính của quyết định 242 của Liên Hiệp Quốc qui định Do Thái phải rút quân về biên giới trước chiến tranh 1967 và trả các vùng đất đã chiếm được cho các nước Ả-rập.

1/2)-Phong trào Giải phóng Palestine "PLO" (Palestine Liberation Organization)

Phong trào Giải phóng Palestina được thành hình vào năm 1964. Mục tiêu của Phong trào nhằm kết hợp toàn dân Palestine trong một tổ chức để thống nhất tư tưởng và tập trung chỉ đạo, nhằm chiến đấu dành lại quyền tự chủ và thành lập một quốc gia Palestine. PLO qui tụ nhiều tổ chức chính trị và nhiều nhóm quân sự khác nhau; nhưng tất cả các kế hoạch được thông qua và thi hành bởi quyết định của Hội đồng Quốc gia Palestine (Palestine National Council). Hội đồng này gồm có 450 hội viên; hình thức tổ chức và quyền hạn giống như một Quốc Hội. PLO được các quốc gia dầu hỏa Trung Đông hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Hàng năm Phong trào này được tài trợ khoảng 100 triệu Mỹ kim. Ngân khoản trợ giúp nhiều hay ít còn tùy thuộc vào các biến chuyển của tình hình và nhu cầu thiết thực. Theo các chuyên viên tài chánh Thế giới thì tài sản của PLO trong thập niên 1970-1980 có khoảng 1 tỷ Mỹ-kim và hàng chục tỷ Mỹ-kim đang được sử dụng trong các chương trình kinh tài tại nhiều quốc gia.

1/3)- Phong-trào ANM (Arab Nationalist Movement)

Phong Trào Quốc Gia Ả Rập được Ai Cập trực tiếp hỗ trợ dựa theo quan niệm: "chỉ có sự hoàn toàn đồng tình và hợp tác của dân Ả-rập, PLO mới có thể khôi phục đất nước”. Để giải phóng dân tộc, Phong trào Quốc gia Ả-rập dựa vào chủ thuyết Cộng sản, với hy vọng được Đế quốc Liên-Sô nhúng tay vào cuộc chiến chống Do Thái và Hoa Kỳ. Phong trào này vì bất đồng trong đường lối đấu tranh; nên lại chia làm hai Mặt-trận:
- Mặt-trận PFLP (Popular Front for the Liberation of Palestine)

Mặt Trận Nhân Dân Giải Phóng Palestine được thành lập vào năm 1967. Mặt trận này theo cánh tả và do George Habash cầm đầu. Ban chỉ huy của Mặt-trận đặt tại Thủ đô Damascus thuộc Syria. Nhóm này được cả Syria và Iraq ủng hộ, đã chủ trương không tặc các đường bay Quốc tế. George Habash chống đường lối của Yasser Arafat và âm mưu lật đổ vua Hussein của Jordan, vì chính sách hòa hoãn của vua Hussein đối với tổ chức al-Fatah và Do thái. Ngoài ra, Mặt trận PFLP đã phá hoại hệ thống dẫn dầu tại Lebanon, nhằm tạo sự nghi ngờ và xung đột giữa quốc gia Saudi Arabia và tổ chức al-Fatah. Khoảng 50% dân chúng và sĩ quan Jordan đồng ý với chủ trương này. Hậu quả gây ra là quân đội Jordan đã một lần bắn vào xe của vua Hussein; nhưng may mắn thay, khi xẩy ra cuộc ám sát, ông không ngồi trong xe này. Nhóm khủng bố của PFLP đã gây kinh hoàng Thế giới vào cuối tháng năm 1972, khi nhóm này cướp phi cơ hàng không dân sự Pháp trên đường bay từ Thủ đô Ba-lê (Paris) tới Rô-ma (Rome). Hậu quả của vụ không tặc đã gây cho 25 người chết và 78 bị thương. Theo người ta được biết: trưởng nhóm khủng bố của PFLP đã chỉ huy toán không tặc là Wadi Haddad. Sau nhiều năm chiến đấu đơn độc không gây được ảnh hưởng tốt và không tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng Palestine, năm 1987 Mặt trận PFLP trở về cộng tác với Yasser Arafat.

- Mặt-trận PDFLP: (Popular Democratic Front for the Liberation of Palestine)
Mặt Trận Dân Chủ Nhân Dân Giải Phóng Palestine, một bộ phận của Mặt Trận PFLP, tách rời al-Fatah năm 1969, do Nayif Hawatmeh chỉ huy. Nhóm này được Algeria, Syria, Iraq và có thể cả Liên Sô yểm trợ trong chủ trương bất cộng tác và đối thoại với Do Thái. PDFLP đã nhúng tay vào hàng loạt các hoạt động khủng bố tại Do thái, nhưng không đạt được mục tiêu theo đường lối tả khuynh. Năm 1987, Mặt trận PDFLD trở về hợp tác với Yasser Arafat.

1/4)- Phong-trào PFLP-GC: (The Popular Front for the Liberation of Palestine- General Command)

Tổng Chỉ huy Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine, do Ahmed Jabril, một đại úy của quân đội Syria cầm đầu. Tổ chức này tách khỏi Mặt-trận PFLP vào năm 1969 và chống phe nhóm của Yasser Arafat. Về tư tưởng và chính trị không có gì thay đổi. Nhưng chủ trương chống Do Thái bằng vũ lực và khủng bố khắp nơi. Mặt trận PFLD-GC hoạt động được là nhờ sự hậu thuẫn của hai quốc gia Libya và Syria.

1/5)-Hamas: Phong-trào Đối-kháng Islam (Harakat al-Muqawima al-Islamiyya, Islamic Resistance Movement), đối lập với tổ chức Huynh-đệ Muslim (Muslim Brotherhood (Ikhwan al-Muslimin)) ở Gaza, được thành lập vào năm 1987-1988 trong cuộc nổi dậy lần thứ nhất (Intifada) của dân Palestine, thủ-lãnh là Ahmad Yassin. Hamas chủ trương quá khích, quyết tiêu diệt Do Thái qua các cuộc khủng bố, pháo kích vào lãnh thổ Do Thái, nên bị Hoa Kỳ và Liên-hiệp Âu-châu xếp vào danh sách của các tổ chức khủng bố trên Thế-giới. Nhưng đối với dân Palestine tại Gaza thì Hamas lại có uy tín và được đa số ủng hộ. Hiến-chương tháng 8/1988 của Hamas có ghi “Toàn lãnh thổ Palestine là quốc gia uỷ thác cho Islam, không bao giờ được dâng nộp cho người không phải Muslim và là một phần hội nhập vào thế giới Muslim”. Hamas thành lập ba nhóm khác nhau: Nhóm chính trị, Nhóm tình báo và Nhóm quân sự. Hamas trước đây được Ả Rập Saudi viện trợ khoảng 28 triệu Mỹ-kim một tháng và trở thành lực lượng đối kháng với Fatah của Yasser Arafat. Mục tiêu chính của Hamas là không công nhận quốc gia Do Thái tồn tại trong lòng Ả-rập, tấn công vào binh lính và dân chiếm cư Do Thái bằng bom nổ, pháo kích và bom tự sát. Thế-giới thì lên án; nhưng Hamas lại được đa số dân Palestine ở Gaza ủng hộ đến nỗi chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas, người kế vị chủ-tịch Yasser Arafat, phải hợp tác, bổ nhiệm thủ lãnh Hamas vào chức vụ Thủ-tướng.

1/6)- Palestinian Islamic Jihad Movement

Phong-trào Thánh-chiến Islam là nhóm quân sự chiến đấu cho mục tiêu hủy diệt Do Thái và thay vào đó một quốc gia Hồi-giáo Palestine. Jihad không chỉ chống Do Thái, nhưng chống cả các chính quyền Ả-rập mà họ coi là không hoàn toàn theo đường lối Islam và lại thân Tây-phương. Cả hai tổ chức Hamas và Jihad đều chống Thỏa-hiệp Oslo 1993, coi đó là sự phản bội dân tộc Palestine và các quyền lợi của Hồi-giáo. Hai tổ chức này tấn công Do Thái nhằm mục tiêu hủy bỏ chương trình hòa bình giữa chính quyền Do Thái và Palestine. Vào tháng 10/1995, Thủ lãnh của Jihad là Fathi Shkaki bị giết tại đảo Malta. Ramadan Abdullah Shallah, người đã sống tại Hoa Kỳ được lên thay thế. Vụ ám sát này theo dư luận thì tình báo Do Thái đã hành động. Thành quả của Jihad: từ ngày 30.1.2001 tới ngày 6.3.2008 có tất cả: 34 cuộc khủng bố khiến cho hàng trăm người bị chết và bị thương.
Ngoài ra còn nhiều tổ chức nhỏ khác nhưng vì giới hạn của bài viết chúng tôi không thể kể hết.
2)- Một số vụ không tặc và khủng bố điển hình trên Thế-giới
Có thể nói rằng: nếu không có các vụ khủng bố, không tặc và hải tặc, làm rúng động Thế giới; PLO không gây được tiếng vang nào trên chính trường Quốc tế. Một số vụ khủng bố tiểu biểu được ghi nhận như sau:
-Năm 1972: toán khủng bố bốn người của PFLP đã cướp phi cơ Sebena và bắt phi công phải đáp xuống sân bay Lod tại Do Thái. Khi máy bay hạ cánh, lực lượng đặc biệt của Do Thái đã tấn công và giết chết bốn tên không tặc. Sáu hành khách bị thương trong cuộc tấn công giải thoát này. Cuối tháng năm, nhóm không tặc lại cướp máy bay của hãng Hàng Không Pháp (Air France), hậu quả gây cho 25 người chết và 68 bị thương. Đến tháng tám, toán khủng bố PLO đã xâm nhập vào làng Thế vận tại Muenchen thuộc miền Nam Đức quốc và bắt giữ các lực sĩ Do Thái làm con tin. Cuộc khủng bố này đã gây căng thẳng về ngoại giao và làm chấn động các lực sĩ của các quốc gia tham dự Thế Vận Hội 1972.
- Năm 1973: Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestina (PFLP) đã hoạt động khủng bố đặc biệt nhắm vào các hãng hàng không của Hoa Kỳ và một số quốc gia Âu Châu như: - Cướp máy bay của hãng "PAN-American” tại phi trường Thủ đô Beirut - Cướp phi cơ hàng không dân sự Mỹ "TWA” - Cướp máy bay của hãng hàng không Thụy sĩ "Swiss Air” - Cướp máy bay của hàng không quốc gia Do Thái "EL-AL”... Trong lần cướp phi cơ của hãng ‘EL-AL’, khi phi cơ đang bay trên không, nhân viên an ninh của Do thái đã phản ứng kịp thời và bắn chết một tên không tặc, bắt giữ tên thứ hai là Leila Khaled, một phụ nữ Palestina - Lần cuối cùng nhóm khủng bố cướp phi cơ "BOAC” của Anh quốc và bắt phi công đáp xuống Dawson’s field. Hậu quả của các cuộc không tặc trên đã gây cho ba phi cơ bị tiêu hủy và 60 người bị bắt làm con tin.
-Năm 1976: máy bay của hãng hàng không Pháp "Air France” trên đường từ Do Thái trở về Pháp quốc bị toán khủng bố của PLO cướp. Phi công bị cưỡng bức phải bay qua phi trường Entebbe của Uganda và được Tổng thống Uganda, ông Idi Amin đứng ra làm trung gian giải quyết.
-Năm 1977: máy bay dân sự của Đức bị 3 kẻ khủng bố người Ả Rập và 1 khủng bố người Đức cướp. Phi hành đoàn bị cưỡng ép phải bay qua Thủ đô Mogadishu của Somalia. Trên đường đáp xuống Dubai, phi công trưởng bị toán khủng bố giết chết. Sau khi thỏa thuận với các nhà cầm quyền Somalia, lính biệt kích của Đức đã tấn công máy bay tại Mogadishu, giải thoát được con tin và giết chết 3 tên khủng bố.
-Năm 1978: máy bay của Ai Cập bị cướp và bị bắt buộc đáp xuống đảo Cyprus. Lính biệt kích của Ai Cập đã đụng độ và bị thất bại trước lực lượng của đảo Cyprus tại vùng phi trường. Lực lượng biệt kích của Ai cập Không đột nhập được vào máy bay và cuối cùng toán khủng bố đã đầu hàng cảnh sát đảo Cyprus.
-Năm 1982: Đại sứ Do Thái Sholoma Argov tại Anh quốc bị bắn chết ở Thủ đô Luân Đôn.
-Năm 1985: máy bay của Ai cập lại bị cướp và bị ép buộc phải đáp xuống đảo Malta.
-Cũng năm 1985, quân khủng bố bắn vào quầy kiểm soát vé của hãng hàng không Do Thái tại Thủ đô La Mã nước Ý và tại Thủ đô Vienna Áo quốc; đồng thời nhóm hải tặc đã cướp chiếc tầu du lịch "Achille Laura” của Mỹ trên Địa Trung Hải và đặt bom nổ tại chi nhánh hãng hàng không Mỹ "North-West Orient” ở Thủ đô Copenhagen Đan Mạch.
-Năm 1986: Phi cơ dân sự của Do thái ở Luân Đôn, bị đặt bom nổ.
-Năm 1988: máy bay dân sự Mỹ bị đặt bom và nổ tung trên không phận Scotland, làm cho 270 hành khách chết mất xác.
-Năm 1989: những hoạt động có chủ đích khủng bố diễn ra tại quán "Café Liberation” tại Islands Brygge, ở Thủ đô Copenhagen Đan Mạch v.v...

3)-Trên đường chiến thắng, xuất hiện trước Liên Hiệp Quốc

Sau hơn mười năm đấu tranh bằng chính trị cũng như quân sự, Phong trào Giải phóng Palestine đã gặt hái được những kết quả khả quan; mặc dù cả Thế giới đều lên án là " bọn khủng bố và không tặc”. Những thành quả mà Yasser Arafat, Thủ lãnh của tổ chức al-Fatah và chủ tịch PLO từ năm 1968, đạt được, phải kể đến quyết định tối quan trọng của các nước Ả-rập trong việc thừa nhận Phong trào Giải phóng Palestina là đại diện hợp pháp duy nhất của dân Palestine. Sự công nhận này được tuyên bố trong cuộc họp Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các nước Ả Rập tại Rabat vào tháng tư năm 1974. Từ sự công nhận này, thủ lãnh Yasser Arafat đã bất ngờ được vận động để xuất hiện trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên vào tháng 11/1974. Khi xuất hiện trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Yasser Arafat ngang tàng đã tuyên bố: "Tôi tới đây mang theo một cành ô-liu và khẩu súng lục chiến đấu cho hòa bình. Đừng để cành ô-liu rơi khỏi bàn tay tôi". (Yasser Arafat là lãnh tụ duy nhất được phép mang súng lục khi tuyên bố trước Đại-hội Đồng Liên Hiệp Quốc, vì ông ta sợ Do Thái và phe chống đối ám sát vào bất cứ lúc nào. Yasser Arafat là một lãnh tụ bị tình báo Do Thái và các nhóm kháng chiến Palestine khác cố tình ám sát hàng chục lần nhưng vẫn thoát nạn).
Lời tuyên bố vừa bao hàm ý hướng hòa bình, vừa như một lời đe dọa của Yasser Arafat đã mở đầu cho trang sử tái lập quốc gia Palestine mà vấn đề còn lại chỉ là yếu tố thời gian. Dù Yasser Arafat được phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và PLO được phép tham dự với tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc; nhưng chính phủ Do Thái trong những thập niên trước đây vẫn không chịu đối thoại với PLO. Chính phủ Do Thái vẫn coi PLO chỉ là một nhóm khủng bố, không có tư cách để đàm phán song phương.

4)- Chiến dịch nổi dậy lần thứ nhất năm 1987

Chiến dịch này được thực hiện bởi trẻ em và phụ nữ Palestine qua các cuộc biểu tình đòi độc lập và ném đá vào binh lính Do Thái. Các cuộc bạo động nhằm đánh động lương tâm Thế-giới qua các hình ảnh phụ nữ, trẻ em bị lính Do Thái đàn áp, gây tử thương và bị thương. Thành quả của chiến dịch rất khả quan nhờ hệ thống truyền thanh, truyền hình và báo chí Thế-giới lên án Do Thái. Vì thế, một hội-nghị hòa bình được tổ chức tại thủ-đô Madrid, Tây Ban Nha vào năm 1991. Tuy nhiên, hội nghị này không đưa tới kết quả thực tế. Các cuộc biểu tình bạo động chống Do Thái tiếp tục xẩy ra.
Qua trung gian Na-Uy, đại diện Do Thái và Palestine đã mật đàm tại thủ đô Oslo, Na-Uy vào năm 1993. Kết quả của các cuộc mật đàm đã đưa tới Thỏa-hiệp Oslo được ký kết tại thủ-đô Hoa Thịnh Đốn ngày 28.9.1995, giữa Thủ-tướng Do Thái Yitzhak Rabin và thủ lãnh PLO Yasser Arafat, dưới sự chứng kiến của Tổng-thống Mỹ Bill Clinton. Hậu quả của thỏa hiệp này đưa tới cái chết đau thương cho Thủ tướng Do Thái. Ngày 4-11-1995, sinh viên luật khoa Do Thái, Yigal Amir, đã dùng súng lục bắn chết Thủ-tướng Rabin tại quảng trường hòa bình, ngay sau khi ông xuất hiện trước khán đài nói về thỏa hiệp hòa bình với Palestine. Có thể nói cuộc ám sát này nằm trong kế hoạch của phe chống thỏa hiệp với Palestine. Mùa hè năm 1994, một Thày Tư Tế của Chính Thống giáo tại Brooklyn, ông Abraham Hecht, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Truyền hình Do Thái đã tuyên bố rằng: "Bất cứ người Do thái nào nhượng cắt lãnh thổ của Do Thái cho người không phải là Do thái, theo luật lệ tôn giáo sẽ phải chết".
Kết quả của Thỏa-hiệp Oslo là dân Palestine được có một Hội-đồng cai trị, được tổ chức bầu cử thành lập một chính phủ tự trị tại hai phần đất Bờ Phía Tây và Gaza. Còn các vấn nạn về đất đai, dân tị nạn, thành phố Jerusalem… sẽ được hai bên tiếp tục thảo luận.
Chương trình Hòa Bình với Palestine của Thủ tướng Yitzhak Rabin đã đưa tới sự thành công rất đáng khích lệ về phương diện ngoại giao. Khi Hội nghị Madrid được triệu tập vào tháng 10 năm 1991, Do Thái mới chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với 91 quốc gia. Nhưng sau Thỏa Hiệp Oslo-I ngày 13-09-1993, Do Thái đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 155 quốc gia, kể cả các quốc gia Ả rập như Morocco, Tunesia, Oman, Qatar và Bahrain. Hội nghị Kinh tế tại Thủ đô Amman của Jordan vào tháng 10 năm 1995 là một chứng minh thực tế cho thấy sự thù địch giữa một số nước Ả Rập và Do Thái đã phần nào được giải tỏa, để đi tới chỗ hợp tác về kinh tế giữa các quốc gia trong vùng.
Từ kết quả của Thỏa-hiệp Oslo, năm 1994 Do Thái đã ký Hiệp-ước Hòa-bình với Jordan.

5)-Chiến dịch nổi dậy lần thứ hai năm 2000

Tuy đạt được kết quả quản trị hai phần đất và có chính quyền tự trị; nhưng dân Palestine vẫn chưa đạt được mục tiêu lấy lại đất đai đã mất trong cuộc chiến 1967, nên chiến dịch nổi dậy lần thứ hai được mở màn vào năm 2000. Các cuộc biểu tình bạo động chống Do Thái xẩy ra liên tục khiến cho Thế-giới quan tâm và chính phủ Mỹ lại phải can thiệp, đứng ra tổ chức Hội-nghị Thượng-đỉnh tại Trại Đa-vít (David Camp) ở Hoa Kỳ lần thứ hai vào năm 2000. Tại hội nghị này có sự tham dự của Tổng-thống Mỹ Bill Clinton, Thủ-tướng Do Thái Ehud Barak và chủ tịch Palestine, Yasser Arafat. Tuy nhiên, hội nghị vẫn không giải quyết được các vấn đề rắc rối giữa hai phe. Không phe nào chịu nhượng bộ nhau.
Các cuộc họp mới đây giữa Tổng-thống Mỹ Barack Obama với Chủ-tịch Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Do Thái Benjamin Nethanyahu vào các ngày 22/9/2009, 24/3/2010, 6/7/2010 và 24/3/2010 cũng không đạt được kết quả khả quan nào. Do Thái vẫn không chịu ngưng chương trình xây cất các khu gia cư trên phần đất chiếm được của Palestine trong cuộc chiến 1967.

Kỳ tới: "Bao giờ quốc-gia Palestine ra đời?"