Dân Chúa Âu Châu

Các cuộc chiến giữa Do Thái và các nước Ả Rập

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Như trong bài 1 chúng tôi đã viết: Ngày 29.11.1947 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) với 33 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 10 vắng mặt, đã đưa ra Quyết-định 181 thành lập 2 quốc gia, một quốc-gia Ả Rập (an Arab State), một quốc-gia Do Thái (a Jewish State). Do Thái chấp nhận quyết định của LHQ và tuyên bố quốc gia Israel ra đời vào ngày 14/5/1948. Tất cả các nước Muslim và Ả-rập độc lập bỏ phiếu chống lại quyết định của LHQ. Sự chống đối này đưa tới các cuộc chiến tranh chống Do Thái của các nước Ả Rập kể từ năm 1948 cho tới ngày nay.
Vì giới hạn của bài báo, chúng tôi không viết tất cả các cuộc xung đột vũ trang hay nổi loạn nho nhỏ mà chỉ nói tới các cuộc chiến tranh quan trọng giữa Do Thái và các nước Ả Rập xẩy ra theo thứ tự thời gian như sau:
1) Cuộc chiến năm 1947-1948
2) Cuộc chiến tại kinh đào Suez năm 1956
3) Cuộc chiến thần tốc năm 1967
4) Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973

1)- Cuộc chiến năm 1947-1948:

Để thống nhất đường lối chính trị, năm 1945 Liên-đoàn Ả Rập (the Arab League) được thành hình với 7 nước hội viên là: Egypt (Ai Cập), Iraq, Lebanon, Saudi Arabia, Syria, Transjordan và Yemen. Iran vào thời kỳ đó dưới sự cai trị của Vương-quyền Shah thân Mỹ, nên không đứng về phe Ả Rập mà ủng hộ tân quốc gia Israel.
Ngày 15.5.1948, Tổng Thư ký của Liên-đoàn các quốc gia Ả-rập (the League of Arab States) gửi điện tín cho Tổng Thư-ký LHQ công bố mục đích của các nước Ả Rập là thành lập một ”Quốc-gia Thống-nhất Palestine” (a United State of Palestine) thay vì 2 quốc gia, một quốc gia Israel, một quốc gia Ả-rập theo quyết định của LHQ. Liên-đoàn các quốc gia Ả-rập tuyên bố sẽ tái lập trật tự tại Palestine và thành lập một quốc gia Ả-rập và công nhận sự độc lập của quốc gia Palestine. Liên đoàn tuyên bố việc chia đất Palestine của LHQ là bất hợp pháp, đối nghịch với đa số dân Ả-rập tại lãnh thổ Palestine và xác định việc thiếu một chính quyền hợp pháp là sự cần thiết mà các nước Ả-rập phải can thiệp vào để bảo vệ quyền lợi và tài sản của dân Ả-rập.
Trên đất Palestine, vùng đất dành cho Do Thái trong đó dân Do Thái có 499.000 người, chiếm 32% trên tổng số dân; dân Ả-rập có 438.000 người, nhưng qua Quyết-định 181 của LHQ lại được chia tới 56% lãnh thổ, kể cả vùng sa mạc Negev ở phía Nam không người cư trú. Tại vùng đất dành cho các nước Ả-rập thì dân Ả-rập và dân gốc Palestine có tới 818.000 người và dân Do Thái chỉ có 10.000 người; nhưng dân Ả-rập chỉ được chia 42% lãnh thổ. Nếu cộng lại, dân Do Thái có 499.000 người, trên tổng số 1.256.000 người Ả-rập (438.000 Ả-rập và 818.000 Ả-rập gốc Palestine) mà được chia 56% đất đai là sự không công bằng.

Do sự bất mãn trước quyết định 181 của Liên Hiệp Quốc, 5 nước Ả-rập là Egypt, Iraq, Jordan, Lebanon và Syria đã đồng loạt mở các cuộc tấn công Do Thái tại các chiến tuyến phía Nam Lebanon, bán đảo Sinai và khu vực Transjordan trước đây do Anh-quốc đặc nhiệm, tức quốc gia Jordan do vua Abdullah I cai trị.
Vua Abdullah I của Jordan lúc đó là tư lệnh binh đoàn Ả-rập (the Arab Legion) vào tháng 7/1948 có khoảng 40.000 chiến binh được huấn luyện và chỉ huy bởi các sĩ quan Anh-quốc. Tới tháng 10/1948 binh lính Ả-rập gia tăng lên khoảng 55.000 người. Do Thái vào tháng 6/1948 có khoảng 40.825 lính gồm các lực lượng Haganah, Stern và Irgun; nhưng tới tháng năm 1948 số binh lính đã gia tăng lên tới 115.000 người. Tuy vậy, vua Abdullah lại không quá quan tâm về việc chia đất Palestine và sự thành hình quốc gia Israel. Ông ta chấp nhận quyết định của LHQ, nhưng với điều kiện là phần đất Palestine, tức vùng Bờ phía Tây sông Jordan (West Bank), phải được sát nhập vào Jordan và ông đã được Do Thái chấp nhận trong các cuộc mật đàm với điều kiện là quân Jordan không tấn công vào lãnh thổ Do Thái do LHQ đã phân chia. Tuy nhiên, năm 1948 các nước Ả Rập làm áp lực đòi vua Abdullah I phải hợp tác trong đoàn quân Ả Rập để tấn công Do Thái. Có thể vì thân thiện với Do Thái, vua Abdullah bị ám sát vào năm 1951.

Do Thái vẫn khẳng định chương trình chia đất là hợp pháp với lý do dân Do Thái chiếm đa số trong vùng đất dành cho quốc gia Israel. Hoa Kỳ, Do Thái và Sô-viết coi hành động của các nước Ả-rập là hiếu chiến. Trygve Lie, Tổng Thư-ký LHQ cho rằng nó là sự hiếu chiến đầu tiên sau Thế Chiến II. Tầu Cộng lúc đó lại tuyên bố ủng hộ công bố của các nước Ả-rập.
Ai Cập mở đầu trận chiến với 2 phi cơ oanh tạc thủ đô Tel Aviv của Do Thái. Một phi cơ bị bắn hạ và phi công bị bắt sống. Ai Cập tiếp tục oan kích vào lãnh thổ Do Thái. Không quân Do Thái trả đũa bằng các cuộc không tập vào các cơ sở quân sự tại Damacus (Syria) và Amman (Jordan). Trong cuộc chiến đấu chống Ai cập Do Thái đã dành được một chiến thắng hết sức vẻ vang. Tại chiến trường Yad Mordechai lực lượng tự vệ 130 của Do Thái chỉ với súng trường, súng trung-liên và súng PIAT chống xe thiết giáp (Tank) đã cầm cự suốt năm ngày, chống trả mãnh liệt đoàn quân Ai Cập được trang bị thiết giáp, pháo binh và Không-quân. Ai Cập vừa chết vừa bị thương khoảng 400 người; Do Thái chỉ có 26 chết và 49 bị thương.
Ngày 29.5.1948 LHQ kêu gọi ngưng chiến trong vòng 28 ngày và cử Folke Bernadotte làm người hòa giải cùng với toán quan sát của LHQ bao gồm các sĩ quan của Bỉ, Hoa Kỳ, Thuỵ Điển và Pháp. Phái đoàn này có nhiệm vụ hòa giải và bảo đảm Thánh-địa Jerusalem và sự an toàn của dân chúng trong vùng. Nhưng cả hai phe Do Thái và Ả-rập đều lợi dụng thời gian ngưng chiến để củng cố lực lượng và chuẩn bị chiến đấu dành phần thắng cho mình.
Tư lệnh chiến trường của Do Thái lúc đó là Tướng Yitzhak Rabin (sau trở thành Thủ-tướng thứ 5 của Do Thái và bị ám sát chết vì bắt tay hòa bình với thủ lãnh Phong-trào Giải-phóng Palestine ”PLO” là Yassir Arafat) đã tuyên bố: ”nếu không có sự yểm trợ vũ khí từ Cộng-sản Tiệp Khắc thì Do Thái khó có thể củng cố an ninh và chống trả các cuộc tấn công của lực lượng quân sự từ các nước Ả-rập”.

Trong khi ngưng chiến đặc nhiệm LHQ Bernadotte bắt đầu hoạt động cho giải pháp chính trị: thành lập một quốc gia Ả-rập Palestine bên cạnh quốc gia Do Thái và một Liên-hiệp được hình thành giữa hai quốc gia tự chủ Israel và Jordan gồm cả Bờ phía Tây (West Bank); sa mạc Negev hoặc một phần sẽ thuộc về quốc gia Ả-rập và phía Tây Galilee thuộc về Do Thái; cố đô Jerusalem thuộc về quốc gia Ả-rập, khu vực Do Thái liên kết vào thành phố tự trị và phi trường Lydda và Haifa trở thành phi trường tự do cho cả Do Thái và Ả-rập.
Cả Do Thái và Ả-rập đều phản đối đề nghị này. Ngày 8/7/1948, một ngày trước khi thời hạn ngừng chiến chấm dứt, Tướng Naguib của Ai Cập mở lại cuộc chiến, tấn công vào khu vực Negba của Do Thái. Ngày 9/7/1948, Do Thái trả đũa trên cả ba chiến tuyến Ai Cập, Jordan và Lebanon. Cuộc chiến kéo dài được 10 ngày thì Hội-đồng Bảo-an LHQ yêu cầu ngừng chiến lần thứ hai vào ngày 18/7/1948.

Ngày 16/9/1948, Folke Bernadotte, đại diện của LHQ, đề nghị chương trình mới về việc phân chia lãnh thổ Palestine: Jordan được phép sát nhập các khu vực thuộc Ả-rập là Negev, Lydda và Ramla. Quốc gia Do Thái được toàn vùng Galilee và thành phố quốc tế Jerusalem, để thay thế cho vấn đề người tị nạn. Đề nghị này cũng bị hai phe từ chối. Ngày 17/9/1948, Bernadotte đại diện của LHQ bị ám sát tại Jerusalem bởi chiến binh Lehi của Do Thái, vì họ sợ chính phủ Do Thái sẽ chấp nhận chương trình này.

Quyết-định 194 của Liên Hiệp Quốc (UN Resolution 194)

Tháng 12/1948, Đại-hội Đồng LHQ thông qua Quyết-định 194 với những điểm chính liên quan tới thỏa hiệp hòa bình, dân tị nạn được phép trở về quê hương và sống hòa bình với láng giềng. Ai không về sẽ được đền bù tài sản bị mất mát. Quyết-định cũng đề cập tới việc thành lập một Ủy-ban Đặc-nhiệm Hòa-giải LHQ (the U.N. Conciliation Commission). Tuy vậy, nhiều phần của quyết định không được thi hành đưa tới cuộc xung đột về dân tị nạn Palestine.

** Thỏa-hiệp Ngưng-chiến năm 1949 của Do Thái:

Để tránh các cuộc chiến với các nước láng giềng hầu bảo vệ nền độc lập mới ra đời, năm 1949 Do Thái đã ký thỏa hiệp ngưng chiến với Ai Cập vào ngày 24/2, Lebanon ngày 23/3, Jordan ngày 3/4 và Syria ngày 20/7. Biên giới mới của Do Thái sau cuộc chiến 1948 được mở rộng thêm 18%, tức 78% so với lãnh thổ thời kỳ Anh-quốc đặc nhiệm vùng Palestine. Vùng Gaza bị Ai Cập chiếm và vùng Bờ phía Tây (West Bank) bị Jordan chiếm không thay đổi. Tổ-chức Quan-sát Ngưng chiến LHQ và Đặc-nhiệm ngưng bắn Hỗn hợp được thành lập để hướng dẫn ngưng bắn và lực lượng bảo vệ hòa bình LHQ cũng được gửi tới.

** Hậu quả:

Cuộc chiến năm 1947-1948 đưa tới hậu quả là:

-Do Thái có 6.373 người chết trong đó có 4.000 binh lính và số còn lại là thường dân, tổn thất khoảng 1% dân số. Tổn thất của Ả-rập không rõ. Người ta ước lượng khoảng 8.000 tới 15.000 người.
-Theo thống kê của Đặc nhiệm Hòa-giải LHQ về vấn đề Palestine ước lượng có khoảng 711.000 dân Palestine phải chạy tị nạn khỏi các vùng do Do Thái kiểm soát.
2)- Cuộc chiến tại kinh đào Suez năm 1956
Năm 1869, kinh đào Suez được mở cửa cho tầu bè quốc tế thông thương giữa Ấn Độ Dương (Indean Ocean) và Địa Trung Hải (Mediterranean Ocean). Kinh Suez được hoàn thành sau 10 năm làm việc và được tài trợ bởi chính phủ Pháp và Ai Cập. Việc điều hành do Công ty Quốc-tế Kinh đào Hàng-hải Suez (the Universal Company of the Suez Maritime Canal), một công ty đặc nhiệm của Ai Cập đảm trách. Khu vực chung quanh kinh Suez vẫn thuộc quyền lãnh thổ sở hữu của Ai Cập. Lợi điểm của kinh đào Suez là rút ngắn đường hàng hải từ Ấn Độ Dương qua Địa Trung Hải tới Âu Châu và ngược lại. Tầu bè tới Âu Châu kể từ thời điểm này không phải đi vòng qua Phi Châu, qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), nơi có giòng nước xoáy dễ làm đắm tầu bè.
Năm 1875 vì nợ nần và khủng hoảng tài chính, chính phủ Ai Cập phải bán cổ phần hùn trong công ty điều hành kinh đào cho Anh-quốc. Chính phủ Anh mua 44% cổ phần với giá 4 triệu Bảng Anh (£4 million). Phần lớn cổ phần còn lại là của các nhà đầu tư Pháp. Năm 1882 quân đội Anh chiếm Ai Cập dành quyền kiểm soát kinh Suez và các lợi tức của kinh này. Năm 1888 qua Hiệp-định Constantinople kinh Suez được coi là vùng trung lập dưới sự bảo trợ của Anh-quốc. Đế-quốc Ottoman cho phép tầu bè tự do qua lại trong thời gian chiến tranh cũng như hòa bình. Hiệp ước có hiệu lực từ 1904. Lực lượng của Anh-quốc đồn trú tại kênh Suez vào lúc đó có khoảng 80.000 binh sĩ.

Ngày 24.1.1952 Anh-quốc quyết định tước vũ khí của lực lượng cảnh sát Ai Cập nổi loạn tại đồn Ismailia khiến cho 41 người Ai Cập bị chết. Biến cố này tạo nên phong trào chống Tây-phương ở Thủ-đô Cairo. Hàng trăm người ngoại quốc bị nhóm nổi loạn giết chết, trong đó có 11 dân Anh, và tài sản của họ bị tàn phá. Phong trào này đưa tới cuộc cách mạng lật đổ Chế-độ Quân-chủ Ai Cập. Ngày 23.7.1952 quân đội do Muhammad Neguib và Gamal Abdul Nasser (sau trở thành Tổng-thống) cầm đầu làm cuộc đảo chính mang tên “Phong-trào Sĩ-quan Tự-do” (the Free Officers Movement) đã lật đổ vua Farouk và thành lập Cộng-hòa Ai Cập (Egyptian Republic).
Ngày 26.7.1956, Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser bất ngờ công khai quốc hữu hóa kinh đào Suez của Anh-Pháp, sau khi chính phủ Anh và Mỹ không viện trợ chương trình xây đập vĩ đại Aswan để giữ nước sông Nile dùng cho nông nghiệp. Chính phủ Anh-Mỹ cúp viện trợ vì Ai Cập công nhận Cộng-hòa Nhân-dân Trung-hoa, tức Tầu Cộng, khi cuộc khủng hoảng giữa Tầu Cộng và Đài Loan lên cao điểm. Vì quyền lợi của mình, quân đội Anh, Pháp và Do Thái được điều động tấn công Ai Cập vào ngày 29.10.1956 để chiếm lại quyền kiểm soát kinh đào Suez. Quân độ Anh, Pháp và Do Thái thành công; nhưng lại bị áp lực của Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết tại Liên Hiệp Quốc, phải rút quân.

Lúc đó Cộng-sản Sô Viết làm áp lực quân sự và đe dọa sẽ can thiệp đứng về phe Ai Cập, tấn công bằng phi đạn vào vị trí quân sự của Anh, Pháp và Do Thái. Vì áp lực này, ngày 8.11.1956, Tổng-thống Do Thái Ben-Gurion thông báo Tổng-thống Mỹ Eisenhower là Do Thái muốn rút quân khỏi bán đảo Sinai để nhường lại cho Lực-lượng Khẩn-cấp Liên Hiệp Quốc “UNEF” (the United States Emergency Force) gồm các quốc gia không là hội viên của Khối quân-sự Đồng-minh Tây-phương “NATO” và Khối Cộng-sản Đông Âu “Warsaw Pact”.
Hoa Kỳ tuy là Đồng-minh của Anh-quốc, nhưng dùng áp lực tài chính bắt quân đội Anh phải chấm dứt can thiệp vào kinh Suez. Chính phủ Anh chịu nhượng bộ vì về tài chính, Anh-quốc đang gặp khốn đốn, chỉ trong khoảng 30.10.1956 tới 2.11.1956, Ngân-hàng Quốc-gia Anh bị tổn thất $50 triệu Mỹ-kim và nguồn cung cấp dầu hỏa của Anh bị khủng hoảng do kinh Suez bị đóng cửa. Chính phủ Anh kêu cầu Quỹ Tiền-tệ Quốc-tế IMF (International Monetary Fund); nhưng Hoa Kỳ từ chối giúp đỡ khi Anh-quốc chưa chịu ký vào thỏa hiệp ngưng chiến và rút quân. Ngoài ra, Anh-quốc còn những món nợ khổng lồ với chính phủ Mỹ, các công ty và tư nhân Mỹ sau Thế-chiến II mà chưa trả được. Cùng lúc, Ả Rập Saudi bắt đầu phong tỏa dầu hỏa bán cho Anh và Pháp-quốc. Trong khi đó Khối NATO cũng không chịu cung cấp dầu hỏa cho Anh và Pháp-quốc. Chính vì vậy mà ngày 6.11.1956, Thủ-tướng Anh Anthony Eden đành tuyên bố ngưng chiến và cảnh giác cả Pháp-quốc cùng Do Thái. Lực lượng đặc nhiệm Anh-Pháp phải rút vào ngày 22.12.1956, nhường chỗ cho Lực-lượng Khẩn-cấp Liên Hiệp Quốc do Đan Mạch và Colombia đảm trách. Do Thái rút khỏi bán đảo Sinai vào tháng 3/1957; nhưng từ chối sự hiện diện của quân Liên Hiệp Quốc trên các phần đất đã chiếm được. Ngày 24.4.1957 kinh Suez đươc mở cửa cho tầu bè qua lại.

*** Sau vụ Hoa Kỳ chơi xỏ, bỏ rơi quân đội Pháp tại trận chiến Điện Biên Phủ vào năm 1954 và áp lực bắt phải rút quân trong cuộc xung đột tại kinh Suez năm 1956-1957, tình hữu nghị giữa Pháp-quốc và Hoa Kỳ không bao giờ còn mật thiết nữa. Từ biến cố kinh đào Suez, Tổng-thống Pháp Charles de Gaulle cho rằng không thể dựa vào Đồng-minh, vì đang giữa cuộc chiến chính phủ Anh đơn phương ngưng chiến mà không thông báo cho chính phủ Pháp; còn chính phủ Mỹ lại chống Pháp về chính trị. Vì thế, vào năm 1966 Tổng-thống Charles de Gaulle đã quyết định không hội nhập vào Khối NATO và ngày nay quân đội Pháp mặc dù nằm trong Khối NATO, nhưng không chịu đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tướng lãnh Mỹ trong NATO, có nghĩa quân đội Pháp do Tướng Pháp chỉ huy và chịu trách nhiệm vùng nào đó khi được chỉ định. Cũng vì bất mãn với Hoa Kỳ, Pháp-quốc đã chuyển giao tài liệu kỹ-thuật nguyên tử cho Do Thái, kể cả ngòi nổ (bộ phận kích hỏa) nguyên tử. Chính vì vậy mà Do Thái mới chế tạo được bom nguyên tử, một vũ khí phòng thủ không nước Ả Rập nào dám xóa tên Do Thái trên bản đồ khi chưa có vũ khí nguyên tử.

3)- Cuộc chiến thần tốc năm 1967

Ngày 18-05-1967, Tổng thống Ai Cập Gamel Abdel al-Nasser ra lệnh cho quân đội Liên Hiệp Quốc rút khỏi sa mạc Sinai; đồng thời ông điều động quân từ Yemen trở về và đưa tới trấn đóng tại bán đảo Sinai. Ngày 21-05-1967, nhằm khóa đường di chuyển của Do Thái, 7 sư đoàn của Ai Cập được lệnh tiến tới biên giới Do Thái và ngăn chặn trục giao thông từ bán đảo Sinai tới Saudi Arabia. Quân đội Syria và Jordan được đặt trong tình trạng báo động 100% và sẵn sàng lâm trận tại phía Bắc và phía Đông Do Thái.
Trước tình hình gây chiến đó, ngày 25-05-1967, Tổng Tư lệnh Quân đội, Tướng Yitzhak Rabin ban hành lệnh báo động 80% lực lượng chiến đấu của Do Thái để đối phó với những biến chuyển quân sự có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Tướng Moshe Dayan, người anh hùng của cuộc chiến năm 1956 đã giải ngũ vì bị thương hư một mắt và đang hành nghề nhà báo, được điều động trở lại phục vụ trong chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng. Vì sự sống còn của dân tộc, ngày 04-06-1967 chính phủ Do Thái quyết định tham chiến.

Ngày 05-06-1967 vào lúc 7 giờ 45 phút, trong khi không quân của Ai Cập đang ăn sáng, hàng trăm phi cơ phản lực chiến đấu của Do Thái bất ngờ tấn công các sân bay, đài radar và các máy bay vận tải còn đang đậu tại sân bay của Ai Cập. Trong vòng ba giờ đồng hồ, không quân của Ai Cập gồm 242 chiến đấu cơ Mic 21 và phi cơ oanh tạc trên chiến địa Sinai coi như bị hủy diệt hoàn toàn. Cùng chung số phận, không quân của Syria và Jordan đã bị phi cơ Do Thái đánh tan tành ngay trên đất liền. Trong vòng 16 giờ, 400 máy bay của Syria và Jordan bị chiến đấu cơ của Do Thái biến thành những mảnh sắt vụn. Trong khi đó, Không quân của Do Thái chỉ bị tổn thất 19 phi cơ trong tổng số 200 chiếc. Ngày 07-07-1967 Trung đoàn lính dù ‘Modechai Gur’ tái chiếm Thành Cổ, Bức tường phía Tây và Đền Thờ Jerusalem mới được tái thiết. Thành Thánh Jerusalem sau gần hai ngàn năm bị dân Ả Rập chiếm đóng; nay được giải phóng hoàn toàn và đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Do Thái. Trên đà chiến thắng, Tướng Rabin, Tổng Tư Lệnh Quân đội và Tướng David (Dado) Elazar, Tư lệnh mặt trận tiền phương phía Bắc được lệnh Tổng trưởng Quốc phòng Moshe Dayan tấn chiếm cao nguyên Golan của Syria vào ngày 09-06-1967. Chỉ một ngày sau, quân đội Do Thái hoàn toàn làm chủ tình hình tại cao nguyên Golan.

Ngày 12-06-1967, Liên Hiệp Quốc lên án chiến tranh và ban hành Quyết định 242 yêu cầu Do Thái rút quân ra khỏi các vùng mới chiếm được. Sau đó, Thỏa hiệp ngưng chiến giữa Do Thái và các nước nước Ai Cập, Syria và Jordan đã được thi hành. Tuy nhiên, Do Thái vẫn không thực thi quyết định 242 của Liên Hiệp Quốc ngay trong thời gian này.
Sở dĩ người ta gọi là cuộc chiến tranh ‘Thần tốc” vì quân lực của Do Thái chỉ trong 6 ngày đã đánh tan Không quân của Ai Cập, Syria, Jordan, và đơn vị chủ lực trong cuộc chiến trên sa mạc Sinai. Khi Không quân đã làm chủ được vùng trời thì chiến thắng coi như nghiêng hẳn về phía quân đội Do thái. Hơn thế nữa, nếu so sánh sự tổn thất giữa cuộc chiến năm 1948 và 1967; người ta thấy trong chiến cuộc dành độc lập năm 1948, Do Thái đã bị tổn thất khoảng 6.000 nhân mạng; nhưng cuộc chiến năm 1967, Do Thái chỉ có 777 người chết. Trận chiến kết thúc quá nhanh và hầu như ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Chỉ trong 6 ngày, quân lực của Do Thái đã “tả xông, hữu đột”, đánh tan quân Jordan ở phía Đông, chặn đứng quân Lebanon và Syria ở phía Bắc, bao vây và cô lập hoàn toàn quân đoàn thiện chiến của Ai Cập trên sa mạc Sinai. Một quân lực của một dân tộc vỏn vẹn khoảng ba triệu dân, đã đánh tan ba đạo quân của Liên minh ba nước trên 65 triệu dân, và chiếm giữ một diện tích đất đai rộng lớn gấp mười lần lãnh thổ Do Thái. Kế hoạch gây chiến kiểu “lấy thịt đè người” của các nước Ả Rập lân cận đã đưa tới hậu quả: Ai Cập mất bán đảo Sinai; Jordan mất Bờ Phía Tây (West Bank) sông Jordan; Palestine mất Gaza; Syria mất cao nguyên Golan.

Hậu quả sau cuộc chiến

Sau chiến thắng năm 1967 có hơn 850.000 người Do Thái phải từ bỏ hoặc bị đuổi khỏi các nước Ả Rập phải trở về Do Thái. Người Do Thái còn lại tại các nước Ả Rập bị ngược đãi hay bị giết. Trong các cuộc bạo động tại Yemen và Syria hàng trăm người Do Thái bị giết, tại Lybia người Do Thái bị hủy bỏ quyền công dân, tại Iraq tài sản bị tịch thu v.v… Số lượng đất đai, khoảng 100.000 cây số vuông (Km2) mà người Do Thái sở hữu tại các nước Ả Rập nay phải bỏ lại lớn gấp bốn lần diện tích lãnh thổ Do Thái. Người Do Thái tại Bờ Phía Tây (West Bank) và Gaza cũng bị tịch thu tài sản khi trở về đất Do Thái. Cái khác biệt ở chỗ là những người Ả Rập sống tại Do Thái vẫn được quyền sở hữu đất đai, tài sản và không bị mất quyền công dân. Ngày nay chỉ còn khoảng 7.000 người Do Thái sống tại các nước Ả-rập.

4)- Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973

Sau 3 trận chiến chống Do Thái bị thua, các nước Ả Rập cố gắng tân trang quân đội và mua chiến cụ từ Sô Viết để tiếp tục chủ trương ”Ba Không”: ”Không công nhận, không hòa bình và đối thoại với quốc gia Israel”.
Tổng-thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, thân Sô Viết, bị bệnh chết vào tháng 9/1970 và Anwar Sadat lên kế vị tiếp tục chương trình đòi lại bán đảo Sinai. Năm 1971 Anwar Sadat tuyên bố với Gunnar Jarring, đại diện của LHQ rằng: ”Nếu Do Thái chịu rút quân đội khỏi bán đảo Sinai và vùng ven biển Gaza cũng như chịu thi hành Quyết-định số 242 (ngày 22.11.1967) của Hội Đồng Bảo An LHQ thì Ai Cập sẵn sàng thỏa hiệp hòa bình với Do Thái”.
Hai điểm chính của Quyết-định 242, ngày 22.11.1967 là Do Thái phải rút về vị trí trước cuộc chiến năm 1967 và tôn trọng nền độc lập và lãnh thổ bất khả xâm phạm của các nước láng giềng. Nhưng Do Thái từ chối rút khỏi đường ranh trước tháng 6/1967. Tổng-thống Syria là Hafez al-Assad không cùng quan điểm với Tổng-thống Ai Cập Anwar Sadat nên tiếp tục gia tăng tiềm năng quân sự để chiếm lại Cao-nguyên Golan và áp lực Do Thái phải rút khỏi Gaza và Bờ Phía Tây.

Vì Do Thái không chấp nhận các điều kiện của Ai Cập, Tổng-thống Sadat bắt đầu mua vũ khí hiện đại do Số Viết sản xuất như: phi cơ phản lực chiến đấu MiG-21, Hỏa-tiễn chống chiến xa SA-2, SA-6 và SA-7, xe tăng (Tank) T-55, T-62, vũ khí chống xe tăng RPG-7 và hỏa-tiễn chống xe tăng AT-3 của Sô Viết. Các vũ khí và quân dụng này phải có theo chiến thuật ”ưu thế trận địa chiến” của Sô Viết. Các Tướng lãnh của Ai Cập thua trận trong năm 1967 bị thay thế. Sô Viết muốn bán và viện trợ vũ khí cho Ai Cập cũng nằm trong chương trình thử nghiệm xem vũ khí (bao gồm các trang bị của Không, Lục và Hải-quân) của Cộng-sản có thắng được Hoa Kỳ không. Tuy công khai bán vũ khí cho Ai Cập nhưng Sô Viết vẫn sợ phải đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ, nên đã tham dự đàm phán tại Thủ-đô Oslo của Na Uy. Tổng-thống Ai Cập Anwar Sadat biết được chuyện này đã quyết định trục xuất 20.000 cố vấn quân sự của Sô Viết về nước vào năm 1972 và tuyên bố đứng về phe Hoa Kỳ. Trong khi đó Syria vẫn thân thiện với Sô Viết. Vì Hoa Kỳ và Sô Viết đều không muốn chiến tranh Trung Đông bùng nổ, nên Tổng-thống Mỹ Richard Nixon và lãnh tụ Sô-Viết Leonid Brezhnev đã họp mặt vào tháng 6/1973 và hứa là Do Thái phải rút về biên giới trước cuộc chiến 1967.

Trong khi dân Do Thái đang chuẩn bị ngày lễ ăn năn thống hối linh thiêng nhất ”Yom Kippur” theo luật: kiêng ăn uống, không đi giầy da, không tắm rửa, không xức dầu thơm, kiêng việc xác thịt vợ chồng v.v… (giống như người Công giáo ăn chay hãm mình chuẩn bị Tuần Thánh Phục Sinh), thì các lãnh tụ của các nước Ả Rập và Islam họp nhau tại Thủ-đô Khartoum, Sudan và đi tới quyết định ”Không công nhận, không hòa bình và đối thoại với quốc gia Israel” mà người ta quen gọi là ”3 không” (three no´s).
Ngày 6/10/1973, Ai Cập bất ngờ dùng các phà chứa hàng tấn chất nổ TNT tông vào chiến lũy kiên cố nhất Thế-giới (sau chiến lũy Maginot của Pháp trong thời Đệ I và Đệ II Thế Chiến) của Do Thái nằm dọc theo kinh đào Suez. Sau đó quân Ai Cập vượt qua lằn ranh ngưng chiến, tấn công vào bán đảo Sinai. Cùng lúc, quân Syria ào ạt tấn công vào Cao-nguyên Golan, nơi mà Do Thái đã chiếm được trong trận chiến 6 ngày năm 1967.

Bán đảo Sinai là nơi đã xẩy ra 3 lần quần thảo giữa quân Do Thái và Ai Cập. Nay là lần thứ tư. Ai Cập chuẩn bị trước với 100.000 lính, 1.350 xe thiết giáp, 2.000 súng đại bác, súng cối, hỏa tiễn chống thiết giáp và các dàn hỏa tiễn SAM chống phi cơ Do Thái đặt bên phía Tây kinh đào trên vùng đất Ai Cập.
Lực lượng Do Thái có Binh-đoàn Jerusalem gồm 450 binh sĩ trải dài trên 16 chốt phòng thủ dọc theo kinh đào Suez cùng với 3 thiết đoàn gồm 290 xe thiết giáp.
Vì tương quan lực lượng quá chênh lệch (1 chọi 20) và bị tấn công bất ngờ nên lúc đầu Do Thái phải vừa lui quân vừa cố thủ cầm chân địch. Sau đó quân Do Thái được tăng cường thiết giáp, pháo binh và phi cơ yểm trợ đã phản công tại các mặt trận, đánh bọc hậu, tấn công vượt qua kênh Suez chiếm khoảng 2.000 cây số vuông bờ phía Tây của kinh Suez, chỉ cách Thủ-đô Cairo của Ai Cập khoảng 101 cây số. Lực lượng Do Thái cắt đứt đường liên lạc giữa Cairo và kinh Suez, cô lập đường tiếp tế quân dụng và thực phẩm và bao vây Quân-đoàn III của Ai Cập tại phía Đông kinh Suez. Đến ngày 24/10/1973 thì quân Do Thái bao vây và cô lập hoàn toàn Quân-đoàn III của Ai Cập khiến cho tình hình trở nên căng thẳng cao độ.

Về phía Đông-Bắc thì quân đội Do Thái đánh bật quân Syria ra khỏi lãnh thổ và tiến sâu vào đất Syria, tiến tới vị trí chỉ cách Thủ-đô Damacus 40 cây-số.
Trước tình hình nguy ngập có thể đưa tới chiến tranh toàn vùng, Liên Hiệp Quốc phải can thiệp bằng quyết định đình-chiến vào ngày 25/10/1973. Do Quyết-định 338 ngày 22.10.1973 của LHQ, và do Thỏa-hiệp ngưng chiến, Do Thái phải trả lại phần đất chiếm được ở phía Tây kinh Suez; nhưng vẫn giữ lại Cao-nguyên Golan của Syria.

Về tổn thất:

Quân đội Do Thái bị tổn thất 2.800 chết, 8.800 bị thương, 293 bị bắt, 400 xe tank bị phá hủy, 102 phản lực cơ chiến đấu bị bắn hạ gồm 32 F-4S, 53 A-4S, 11 Mirages và 6 Super Mysteres và 2 trực thăng Bell 205 và CH-53.
Quân đội các nước Ả Rập bị tổn thất cao hơn. Theo Thời báo Chủ-nhật Luân Đôn (London Sunday Times) có khoảng 15.000 lính Ai Cập và Syria bị giết, 35.000 bị thương; 8.372 lính Ai Cập và 392 lính Syria bị bắt sống; 13 lính Iraq và 6 Morocco bị bắt. Quân Ả Rập bị tổn thất 2.250 xe Tank trong đó 400 xe bị Do Thái chiếm được, 341-514 phi cơ bị hạ, 19 tầu bè bị đánh chìm trong đó có 10 tầu phóng hỏa tiễn.

Kết luận

Tổn thất hai bên nêu trên cho thấy Do Thái một mình chiến đấu với các địch thủ đông hơn và được trang bị bởi vũ khí hiện đại do Sô Viết bán và yểm trợ; nhưng vẫn đạt được chiến thắng huy hoàng, vang danh Thế-giới. Đây là một kinh nghiệm chiến trường cho thấy tinh thần dũng cảm, quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập của toàn dân và toàn quân, cùng với chiến thuật hữu hiệu của Tướng lãnh Do Thái, đã đóng một vai trò quyết định. Sự nhất trí của dân và quân là yếu tố chủ chốt đã đem lại chiến thắng vinh quang và bảo vệ được nền độc lập của đất nước Do Thái.
Chiến thắng oanh liệt của một quân đội Do Thái nhỏ bé đánh tan các đạo quân khổng lồ Ả Rập trong các cuộc chiến bảo vệ độc lập cho tổ quốc khiến một số nhà bình luận thời cuộc đặt câu hỏi là: 

-Tại sao Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa thua Việt Cộng ngay trên lãnh thổ Miền Nam?

-Toàn dân, toàn quân miền Nam có thực sự quyết chí chiến đấu chống Việt-cộng không?
Một trong các lý do Hoa Kỳ thất bại đã được danh Tướng “độc nhỡn” Moshe Dayan trả lời, khi ông tới thăm Miền Nam Việt Nam vào năm 1966 và cùng tham dự hành quân với Thủy-quân Lục-chiến Mỹ với tư cách là nhà báo của Do Thái. Hy vọng nếu có dịp chúng tôi sẽ bàn về vấn đề này.