Dân Chúa Âu Châu

Do Thái và Palestine, cuộc tranh chấp lâu dài nhất thế giới

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Đôi lời mở đầu

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được điện thư (email) của độc giả dài hạn Nguyệt-san Dân Chúa Âu Châu hỏi về vấn đề sự thành hình quốc gia Do Thái, các cuộc xung đột giữa Do Thái và các nước Ả Rập, các cuộc xung đột giữa Do Thái và Palestine, bao giờ quốc gia Palestine thành hình và viễn tượng hòa bình giữa Do Thái và các nước Ả Rập trong vùng... Cũng có độc giả thắc mắc tại sao nhà độc tài Adolf Hitler lại hận thù và giết gần 6 triệu người Do Thái trong Thế-chiến II?
Đây có lẽ cũng là những câu hỏi của nhiều độc giả đang cần tìm hiểu.
Do Thái và Palestine là vấn đề lớn không chỉ liên quan trực tiếp tới nền an ninh của hai dân tộc Do Thái và Palestine mà còn ảnh hưởng cả đến các nước Ả Rập trong vùng và Thế-giới.
Vấn đề Do Thái và Palestina không chỉ là một kinh nghiệm xung đột lịch sử dai dẳng nhất, mà nó còn có thể gây nguy hại trực tiếp tới người theo Thiên Chúa Giáo trên Thế-giới.
Vấn đề Do Thái và Palestina vẫn được tổ chức al-Qaeda lợi dụng để phát động các cuộc khủng bố Do Thái, Hoa Kỳ và Đồng-minh Tây-phương theo Thiên Chúa giáo, mà họ cho là "Thập Tự Quân" của thời đại mới chống các nước Islam. Cuộc chiến xâm lăng quốc gia Hồi-giáo Iraq và A Phú Hãn (Afghanistan) là hai bằng chứng cụ thể.
Vấn đề Do Thái và Palestine cho đến nay vẫn còn nằm trong giai đoạn tranh chấp gay go và có nguy cơ đưa đến cuộc chiến khốc liệt, nếu Iran trực tiếp ủng hộ dân Palestine và tấn công Do Thái bằng vũ khí nguyên tử. Iran luôn ủng hộ tiền bạc và vũ khí cho tổ chức Hezbollah, Muslim hệ phái Shia, tại phía Nam Lebanon. Cuộc viếng thăm Lebanon của Tổng-thống Iran, Mahmoud Admadinejah, vào ngày 13.10.2010 là một bằng chứng chứng tỏ sự phô trương sức mạnh và khiêu khích Do Thái.
Vì thế, chúng tôi sẽ trình bày một số bài nằm trong chủ đề "Do Thái và Palestine, cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu dài nhất Thế-giới". Các bài này được thay thế bài "Biến Cố Trong Tháng", nếu trên Thế-giới không có biến cố nào quan trọng xẩy ra trong tháng liên hệ.
Bài 1

QUỐC GIA DO THÁI VỚI NHỮNG THĂNG TRẦM LỊCH SỬ

I)- QUỐC GIA DO-THÁI TRƯỚC CÔNG NGUYÊN

1)- Sự thành hình quốc gia Do Thái về phương diện lịch sử dân số

Sách Phúc Âm theo Thánh Matthêu khởi đầu bằng bản tường thuật Gia Phả của Chúa Giêsu (Mt 1: 1-17) và bắt đầu từ Tổ-phụ Abraham. Như vậy Tổ-phụ Abraham được coi là mốc lịch sử của Do Thái.
Theo Kinh Thánh Cựu Ước, Sách Khởi Nguyên, ông Abraham (Thế kỷ XIX trước Chúa giáng sinh) có cha tên là Terah, người gốc thành Ur, sắc tộc Chaldeans, vùng đất Mesopotamia, Iraq ngày nay. Gia đình đã di chuyển sống đời du mục tại miền Haram. Từ Haram, Thiên Chúa đã dẫn đưa Abraham xuống phía Tây-Nam đến miền Canaan và cuối cùng định cư tại giải đất Palestine, sát bờ biển Địa Trung Hải. Abraham lúc đầu có tên là Abram, nhưng đã được Thiên Chúa đổi tên là Abraham (Khởi Nguyên 17: 5) khi Người ký Giao Ước với ông.
Ông Abraham và vợ Sarah đã sinh ra Isaac. Isaac và vợ Rebecca sinh ra Jacob, sau được đổi tên là Israel (Khởi Nguyên 32: 29). Jacob sinh được 12 người con là tổ phụ của 12 chi họ Israel. Do đó, khi tái lập quốc gia (vào ngày 14 tháng 5 năm 1948), người Do Thái đã đặt tên nước mình là Israel. Mười hai người con trai của Jacob là: Reuben (đầu lòng) Simeon, Levi, Judah, Issachar, Zebulun (Mẹ là Leah) Joseph, Benjamin (Mẹ là Rachel), Dan, Neptali (Mẹ là Bilhah), Gad, Asher (Mẹ là Zilpah) (Khởi Nguyên 35: 23-26).
Vào khoảng năm 1630 (trước Chúa giáng sinh), vì nạn đói xảy ra tại vùng đất Canaan, nên cả gia đình Jacob đã phải sang sinh sống tại Ai Cập và phát triển thành một dân đông đảo. Sau 405 năm, tức vào năm 1225 (trước Chúa giáng sinh), vì bị người Ai Cập áp bức bắt làm nô lệ, nên Môi-sê đã được Thiên Chúa chọn làm người lãnh đạo để đưa cả dân tộc thóat khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, vượt qua sa mạc Sinai để trở về lại quê hương là “đất Chúa đã hứa” ban cho tổ phụ Abraham (Sách Xuất Hành).
Theo sách Dân số (Genesis) trong Kinh Thánh Cựu Ước thì có thể nói quốc gia Do Thái (Israel) được thành hình vào ngày 1 tháng 2 năm thứ 2, sau khi dân Do Thái được Môi-sê cứu ra khỏi Ai-cập vào năm 1225 trước Công-nguyên (BCE) và tiến hành việc kiểm tra dân số.
"1 Tại sa mạc Xi-nai ngày mồng một tháng hai năm thứ hai kể từ khi con cái Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập, Ðức Chúa phán với ông Mô-sê trong Lều Hội Ngộ rằng: 2 ”Các ngươi hãy kiểm tra dân số toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en theo thị tộc và gia tộc, lập danh sách mọi người đàn ông từng người một. 3 Những người từ hai mươi tuổi trở lên, nghĩa là mọi người trong dân Ít-ra-en đến tuổi nhập ngũ, thì ngươi và A-ha-ron hãy liệt kê theo đơn vị của chúng. 4 Mỗi chi tộc còn phải có một người giúp các ngươi, người ấy phải là tộc trưởng." (trích Kinh Thánh Cựu Ước - Dân Số - Chương 01 - Bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
12 chi tộc đầu tiên của dân tộc Do Thái gồm: Reuben, Simeon, Judah, Issachar, Sabulon, Joseph (Epraim), Manasseh, Benjamin, Dan, Asher, Gad, Naphtali.
Cuộc kiểm tra dân số đưa tới kết quả: Chi tộc Rưu-vên: 46.500 người, chi tộc Si-mê-ôn: 59.300, chi tộc Gát: 45.650, chi tộc Giu-đa: 74.600, chi tộc Ít-xa-kha: 54.400, chi tộc Dơ-vu-lun: 57.400, chi tộc Ép-ra-im (Giu-se): 40.500, chi tộc Mơ-na-se: 32.200, chi tộc Ben-gia-min: 35.400, chi tộc Ðan: 62.700, chi tộc A-se: 41.500, chi tộc Náp-ta-li: 53.400.
Ðó là những người đã được ông Mô-sê và ông A-ha-ron kiểm tra cùng với mười hai người phụ trách Ít-ra-en, mỗi người phụ trách gia tộc mình. Tất cả con cái Ít-ra-en đã được kiểm tra theo gia tộc của họ, từ hai mươi tuổi trở lên, tất cả các chiến binh trong dân Ít-ra-en, tổng số người được kiểm tra, là 603.550 người.
(BCE viết tắt của nhóm chữ: Before Common Era hay BC: Before Chritus (trước Đức Giê-Su) trước Công-nguyên (viết tắt là TCN). CE: Common Era hay A.D: Anno Dommini: Năm của Thiên Chúa – theo lịch Gregorian hay Tây lịch, kể từ năm 1 trở đi tính là sau Công nguyên (CN) thường người ta không đề gì cả.)

2)- Sự thành hình quốc gia Do Thái về phương diện địa lý.

Vào thời điểm năm 1225 (TCN) đất Canaan nằm giữa sông Jordan và biển Địa Trung-hải. Canaan trên bản đồ bao gồm lãnh thổ Do Thái, Lebanon, Palestine và Jordan ngày nay.
Biên giới xứ Ca-na-an
“1 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê: 2 “Hãy ra lệnh cho con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Khi anh em vào đất Ca-na-an, thì phần đất rơi vào tay anh em làm gia nghiệp, chính là đất Ca-na-an với các biên giới như sau: 3 Phía nam, đất của anh em sẽ bắt đầu từ sa mạc Xin, giáp giới Ê-đôm. Ranh giới phía nam sẽ khởi sự từ cuối Biển Muối, ở mạn đông. 4 Rồi ranh giới đó sẽ vòng xuống phía nam, lên giốc Ác-ráp-bim, đi qua Xin, đến phía nam Ca-đê Bác-nê-a, rồi lại tiến về Kha-xa Át-đa và đi qua Át-môn; 5 sau đó, từ Át-môn, ranh giới vòng xuống Suối Ai-cập để đi ra Biển. 6 Phía tây, anh em sẽ có Biển Lớn làm ranh giới. Ðó sẽ là ranh giới phía tây của anh em. 7 Và đây là ranh giới phía bắc: từ Biển Lớn, anh em sẽ vạch một đường lên núi Ho; 8 rồi từ núi Ho, anh em sẽ vạch một đường đến Cửa Ải Kha-mát. Ranh giới sẽ đi đến Xơ-đát, 9 rồi chạy tiếp đến Díp-rôn và đi tới Kha-xa Ê-nan. Ðó sẽ là ranh giới phía bắc của anh em. 10 Sau đó, anh em sẽ vạch một đường làm ranh giới phía đông từ Kha-xa Ê-nan đến Sơ-pham. 11 Từ Sơ-pham, ranh giới đó sẽ đi xuống Ríp-la, ở phía đông A-gin. Ði xuống nữa, ranh giới đó sẽ tiếp giáp với các đồi phía đông biển hồ Kin-ne-rét; 12 rồi đi xuống theo dọc sông Gio-đan và đi tới Biển Muối. Ðó sẽ là đất của anh em với các ranh giới chung quanh.” (Kinh Thánh Cựu Ước - Dân số - Chương 34) (Xin coi hình bên trái tựa đề bài viết ở trên).

3)- Sự thành hình quốc gia Do Thái về phương diện chính quyền

Xét về công pháp quốc tế ngày nay, được gọi là một quốc gia cần có một lãnh thổ, một dân tộc và một chính quyền. Dựa trên yếu tố này, quốc gia Do Thái tạm coi là chính thức thành hình vào năm 1225 (TCN), với cơ chế tổ chức giống một chính quyền, đứng đầu là Môi-sê, A-ha-rôn điều hành và 12 chi tộc có lực lượng quốc phòng là các thanh niên tuổi quân dịch từ 20.
Tuy nhiên, nếu dựa vào tổ chức hành chính của một quốc gia thì quốc gia Do Thái (Melech Ysra’el) có một chính phủ quân chủ đúng nghĩa bắt đầu là triều đại vua Saul ben Qysh, (1030-1010 TCN), Thủ-đô Gibeah/Givat Shaul, kế đến là triều đại vua Ishbaal (1010-1008 TCN), Thủ-đô Mahanaim; rồi thời đế-quốc Do Thái với vua Đa-vít (David) (1008-970 TCN) thủ-đô đặt tại Hebron (7 năm) sau dời về Jerusalem (33 năm) và thời huy hoàng con vua Đa-vít là vua Salomon (970-931 TCN) Thủ-đô vẫn tại Jerusalem. Sau đó 12 chi tộc chia rẽ nhau và Do Thái bị phân chia thành hai vương quyền: Vương-quyền Judah (Judea) ở phía Nam và Vương-quyền Israel ở phía Bắc. Chính sự chia rẽ này dẫn tới sự mất nước về tay các dân tộc khác trong vùng và dân Do Thái bị lưu đày và bị bắt làm nô lệ.
**Lịch sử quốc gia Do Thái với Thủ-đô Jerusalem về phương diện pháp lý được tính kể từ thời quân chủ đầu tiên năm 1030 (TCN), triều đại vua Saul.
Trên thực tế người ta thường nhắc đến vua Đa-vít nhiều hơn, vì vào thời điểm này quốc gia Do Thái được thống nhất và trở thành Đế-quốc bá chủ trong vùng.

4)- Dân Do Thái bị mất nước vào tay Assyria (Iraq)(900-607 TCN)

Theo Kinh Thánh và tài liệu Assyria, Damascus và vương quốc Israel bị vua Tiglath Pileser III chinh phục vào năm 732 (TCN). 10 trong số 12 chi tộc của Dân Do Thái bị lưu đầy tại Assyria sau bị xóa nhoà. Số còn lại ẩn trốn nhiều nơi trên đất nước. Năm 720 (TCN) vương quyền Israel phía Bắc bị sụp đổ, kể cả vương quốc Philistine (Palestine). Kinh Thánh cũng nói vua Assyria là Sennacherib đã thất bại trong việc chinh phục Judah (Judea) ở phía Nam. Năm 722 (TCN) Assyria chinh phục hoàn toàn vương quốc Israel và người Do Thái phía Bắc phải tha hương.

5)- Do Thái dưới thời cai trị của Babylon (607-536 TCN)

Đế quốc Assyria sau đó bị sụp đổ và Đế-quốc Babylon ra đời, chiếm và cai trị các lãnh thổ trước đây của Assyria. Assyria hay Iraq ngày nay là nơi Tổ-phụ Abraham sinh ra và Vườn Địa Đàng (Eden) nơi Thiên Chúa tạo dựng Tổ-tông loài người “Adam” và “Eva” từ bụi đất cũng ở đây, vùng thung lũng Tigris và Euphrates, giữa Babylon và vịnh Ba Tư (Iran).
Năm 586 (TCN): vương quyền Judea bị mất về tay Babylon dưới triều đại Nebuchadnezzae II (586-140 TCN). Đền thờ Jerusalem thứ nhất của vua Salomon bị phá huỷ và dân Do Thái bị lưu đầy qua Babylon.
Lịch sử dân Israel bị mất chủ quyền đất nước và bị lưu đày được kể từ thời điểm này.
Quí độc giả lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ và thuộc bài thánh ca “Thân phận lưu đày” của nhạc sĩ Tiến Dũng, Đỗ Xuân Quế trong Mùa Vọng Giáng Sinh:
“ÐK. Bên sông Ba-bi-lon, ngồi tôi khóc, ngồi tôi khóc, ngồi tôi khóc Si-on, Si-on! Bên sông Ba-bi-lon, tiếng thông reo, tiếng thông reo, tiếng thông reo nỉ non, nỉ non…”
Đây là bài ca thống thiết não nề của người dân Do Thái bị lưu đày nhớ về quê hương Si-on, nhớ một thời vàng son dưới triều đại Đa-vít và Sa-lô-mon đã qua.

6)- Dân Do Thái dưới thời cai trị của Ba Tư (Iran)

Năm 539 (TCN): Vương quốc Babylon bị sụp đổ. Ba Tư (Iran) nắm quyền cai trị Do Thái. Vua Ba Tư là Cyrus Đại Đế cho phép người Do Thái quay trở về quê hương và được phép xây lại thành và đền thờ Jerusalem. Đền Thờ thứ hai được xây dựng vào năm 516-519 (TCN) trong triều đại của vua Darius Đại Đế, tức 70 năm sau khi Đền thờ Thứ nhất bị phá hủy. 50.000 người Do Thái được phép trở về Judea dưới quyền chỉ huy của Zerubabel và sau đó tái xây dựng thành Jerusalem.
Năm 456 (TCN), nhóm thứ hai khoảng 5.000 người dưới quyền hướng dẫn của Ezra và Nehemiah trở về Judea. Theo tài liệu lịch sử thì dân không phải Do Thái đã viết thư cho Đại-đế Cyrus nhằm ngăn chặn người Do Thái trở về nước.

7)- Do Thái dưới thời cai trị của Hy Lạp

Năm 333 (TCN) Đại-đế Alexander đánh bại Ba Tư và chinh phục Judea. Quyển Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Do Thái "Hebrew" được dịch ra tiếng Hy Lạp tại Thủ-đô Alexandria, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Alexander chết, năm 305 (TCN) Do Thái rơi vào sự tranh chấp giữa Đế-quốc Seleucid (Syria) và Ptolemy I Soter, tự xưng là Pharaoh của Ai Cập, nhưng vẫn còn là một phần của Đế-quốc Seleucid.
Năm 174-135 (TCN), vua Antiochus II Epiphanes của Đế-quốc Seleucid muốn tiêu diệt đạo Do Thái (Judaism) và thay thế bằng đạo Hy Lạp (Hellenism), nên người Do Thái đã làm cuộc cách mạng chống đối do Judas Maccabeus cầm đầu. Cuộc cách mạng đã chấm dứt sự cai trị của Hy Lạp và được người Do Thái kỷ niệm trong ngày lễ Hanukkah.
Năm 164 (TCN), Jerusalem được giải phóng. Judah được đặt tên là bạn của dân chúng và quốc hội Rô-ma. Judea được cai trị bởi nhà Maccabees năm 166 (TCN), Judah năm 160 (TCN) và Jonathan năm 143 (TCN).

8)- Do Thái độc lập dưới triều đại Hasmonea (140 - 37 TCN)

Vương-quyền tôn giáo Hasmonea của Israel dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Simon Maccabaeus, sau hai thập niên người anh là Judas Maccabee nổi lên, vào năm 165 (TCN), chống quân đội Seleucid. Vương quyền Hasmonea tồn tại được 130 năm sau rơi vào tay Vương quyền Hê-rốt (Herod) vào năm 37 (TCN) dưới thời cai trị của Đế-quốc Rô-ma. Thời kỳ này Do Thái coi như được độc lập và tự trị về lãnh vực tôn giáo. Các thày Rabbin của đạo Do Thái cầm quyền và Thày Thượng phẩm Đền Thánh Jerusalem được coi như một ông vua. Năm 125 (TCN) vua Hasmonea là John Hyrcanus chiếm Edom và bắt dân vùng này cải đạo Do Thái.

9)- Dân Do Thái dưới thời cai trị của Đế -quốc Rô-ma (64 (TCN) – 630 CN)

-Dị Giáo Rô-ma (Pagan Rome - 64 (TCN) - 330)

Năm 64 (TCN) tướng Rô-ma là Pompey chinh phục Judea. Tuy vậy, Đền thờ Do Thái ở Jerusalem trở thành cấu trúc tôn giáo duy nhất trong Cộng-hòa Rô-ma (Đế-quốc Rô-ma), được phép không treo hình Hoàng-đế Rô-ma. Từ năm 37 (TCN) đến năm 6 (CN) vua Hê-rốt (Herod) cai trị Judea đã nới rộng Đền Thánh và đổi tên đền thành Đền Herode. Đền này được coi là đền thờ lớn nhất Thế-giới vào thời điểm đó.

II- SAU CÔNG NGUYÊN

Năm 6 phần lớn đất nước Do Thái trở thành một tỉnh của Syria trực thuộc quyền cai trị của Đế-quốc Rô-ma. Tuy nhiên dân Do Thái là một dân tộc bất khuất đã nổi dậy chống Đế-quốc Rô-ma nhiều lần.

1)- Cuộc chiến Do Thái - Rô-ma đầu tiên (66-70)

Có 3 nguyên nhân dẫn tới các cuộc nổi dậy của dân Do Thái từ năm 66 tới 70:
Thứ nhất: Hoàng-đế Nero cần tiền và ra lệnh cho quan tổng trấn tại Judea là Gessius phải trưng dụng tiền bạc tại kho của Đền Thờ. Khi một vài người nghịch ngợm đầu đội mũ tròn đi qua thì quan bắt thuộc hạ phạt; nhưng khi họ bắt không được thì quan sai bắt người dân nào đi ngang qua để hành hạ.
Thứ nhì: sự xung đột tôn giáo giữa dân Do Thái và nhà cầm quyền Rô-ma.
Thứ ba: nguyên nhân chính là sau 60 năm phải đóng thuế cao cho Đế-quốc Rô-ma, người Do Thái bất mãn, vì tiền thuế lại được sử dụng tại Ý và biên giới. Dân Judea ngày càng nghèo và thất nghiệp, phải vay mượn hoặc bán đất.
Thứ tư: Từ một hy vọng mong manh: có lời trong sách Dân Số chương 24, đoạn 17 trong Kinh Thánh Cựu Ước: "17 Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết."
"Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cóp": người Do Thái nổi dậy theo Shimon Bar Kose, vì tên ông này quen gọi là Bar Kochba (con của sao trời) nên được hiểu là người cứu tinh (Messiah) của dòng họ Jacob đã đến. Bar Kochbar cầm đầu cuộc nổi dậy năm 132-136 và đặt tên nước lại là "Israel", tên của Ông Tổ Jacob.
Cuộc chiến đầu tiên xẩy ra vào năm 66 còn được gọi là "Cuộc nổi dậy vĩ đại". Đây là một trong ba cuộc nổi dậy lớn của dân Do Thái ở Judea chống Đế-quốc Rô-ma.
Cuộc nổi dậy đưa tới hậu quả là Hoàng-đế Titus Flabius Vespasianus ra lệnh tấn công phá huỷ thành và Đền Thánh Jerusalem vào năm 70. Biến cố này xẩy ra đúng như lời Đức Giê-Su đã báo trước:
Ðức Giêsu thương tiếc thành Giê-ru-sa-lem
(41) Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương (42) mà nói: ”Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! ”Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. (43) Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. (44) Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”. (Lu-ca, V- 41-44).
Cuộc nổi dậy thứ hai mang tên Kitos xẩy ra vào năm 115-117 và cuộc nổi dậy thứ ba có tên Bar Kokhba vào năm 132-135.

2)- Cuộc chiến Do Thái - Rô-ma lần thứ hai (115-117)

Năm 115-117 dân Do Thái ở Libya, Ai Cập (Egypt), đảo Cyprus (ở phía Nam ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ), Kurdistan (ở phía Bắc Iraq) và Lod (thành phố Sharon cách Thủ đô Tel Avis hiện nay của Do Thái 15 cây số về hướng Đông-Nam) nổi dậy chống Rô-ma. Cuộc nổi dậy này dẫn tới nhiều cuộc thảm sát hàng loạt của người Do Thái và Rô-ma. Toàn dân Do Thái ở đảo Cyprus bị xoá tên và không được sinh sống ở đây.
Năm 131, Hoàng Đế Hadrian dự tính xây lại thành Jerusalem nhu một món quà cho dân thuộc địa Do Thái. Nhưng khi ông ta tới Jerusalem đổ vỡ thì đổi ý xây thành khác mang tên Aelia Capitolina để cho quân sĩ cư ngụ và xây một đền thờ thờ thần Jupiter. Người Do Thái nổi dậy chống đối, sau đó bị đuổi khỏi Jerusalem và Judea bị đổi thành Palestina. Tên Palestine (tiếng Anh) và Filistin (tiếng Ả Rập) thoát thai từ đây.

3)- Cuộc chiến Do Thái - Rô-ma lần thứ ba (132-136)

Từ năm 132-136 Shimon Bar Kose, thường được gọi là Bar Kochba (con của sao trời) cầm đầu cuộc nổi dậy của người Do Thái đặt tên nước lại là "Israel" và đúc tiền cắc có hình ảnh Jerusalem của Do Thái tự do thay vì tiền của Rô-ma. Bar Kochba được người Do Thái coi như một Tiên-tri (Messiah) sẽ cứu dân Do Thái, vì cái tên "con của sao trời" của ông. Cuộc nổi dậy này kéo dài được 3 năm, sau đó bị Hoàng đế Hadrian sai tướng Saxtus Julius Severus từ Anh-quốc kéo quân sang Palestine dẹp.
Hậu quả của cuộc nổi dậy là 580.000 người Do Thái bị giết, 50 thành và 985 làng mạc bị phá hủy. Kinh Thánh Torah và lịch Do Thái bị cấm, các học giả Judaism bị xử tử, Cuộn Sách Thánh bị đốt ngay trên Đền-thờ Đá. Trên nền Đền Thờ cũ Hoàng-đế Adrian đặt 2 tượng thay vào đó, một tượng thần Jupiter, một tượng của ông ta. Để xóa hết tư tưởng về nước Judea, Hoàng-đế Adrian xóa tên Judea trên bản đồ và thay thế bằng tên Syria Palestina của người Philistine, cựu thù của Israel. Ông ta tái lập Jerusalem như là một thành phố của Rô-ma với tên mới là Aelia Capitilina. Người Do Thái không được vào thành này. Theo Kinh Thánh, ngoài việc xử tử Bar Kochbar, quân Rô-ma còn giết chết 10 Thày Thượng phẩm (Rabbins) của Tối Cao Pháp Viện thời đó và nhiều người bị hành hạ thể xác như: Rabbin Akiba bị lột da, Rabbin Ishmanuel bị lột da đầu từ từ, Rabbin Hanania bị cột chặt vào cây cột rồi cuộn kinh Torah quanh người đốt cho cháy từ từ.

4)- Do Thái dưới thời cai trị của Byzantine (Rô-ma Thiên Chúa giáo 330-631)

a)- Cuộc nổi dậy chống Hoàng-đế Constantius Gallus II và Caesar cai trị miền Đông (351-352)

Vào thế kỷ thứ tư vua Contanstine I theo đạo Thiên Chúa và trở thành Hoàng-đế Rô-ma. Đạo Thiên Chúa trở thành quốc giáo. Vì sự khác biệt về giáo lý trong Thiên Chúa giáo, Đế-quốc Rô-ma bị phân chia thành hai: Đế-quốc phương Tây (Công Giáo) và Đế-quốc phương Đông Byzantine chịu ảnh hưởng của Chính Thống Hy Lạp, Orthodox. Thủ-đô Đế-quốc phương Đông được dời về Byzantium sau đổi là Constantinople (ngày nay là Istambul thủ-đô Thổ Nhĩ Kỳ). Hoàng-đế Constantius Gallus II dành những đặc quyền cho Thiên Chúa giáo và kỳ thị các tôn giáo khác. Do đó người Do Thái nổi lên chống đối vào năm 351-352.
b)- Năm 628 Hoàng-đế Rô-ma Heraclius của Byzantine đánh bại vương quyền Sassanid của Ba Tư, chiếm lại Jerusalem. Dân Do Thái chống đối bị trục xuất khỏi đất Palestine và bị bắt làm nô lệ.
Năm 628 có thể coi đây là thời kỳ dân Do Thái hoàn toàn bị mất chủ quyền đất nước và phần lớn bị lưu đày khắp nơi trong Đế-quốc Rô-ma và phân tán trên thế giới.

5)- Do Thái dưới thời cai trị của Ả-rập (636-1099)

Năm 638: quân Ba Tư chiếm Jerusalem. Thủ lãnh Muslim (Caliph) Omar thỏa thuận bảo vệ người theo Thiên Chúa giáo. Đất Judea bị chia thành hai vùng quân sự: vùng Filastin (Palestine) ở phía Nam, thủ phủ tại Al-Lod sau đổi thành Ramlah và vùng Urdum ở phía Bắc, thủ phủ là Tiberias (Tabariyeh).
Kể từ năm 638 lãnh thổ Palestine bị đặt dưới sự cai trị của các thủ lãnh Muslim Rashidun ở Medinah (Ả Rập Saudi), rồi Umayyad ở Damacus (Syria) và Abbasid ở Baghdah (Iraq).
Năm 691, thủ lãnh Muslim Abd al-Malif (685-705) thuộc hệ Ummayyad xây Đền Thờ Hồi giáo ngay trên nền Đền Thờ Jerusalem thứ hai cũ của Do Thái đã bị quân Rô-ma phá hủy vào năm 70.
Năm 705, Đền thờ Hồi-giáo thứ hai, Al-Aqsa, được xây trên nền Đền Thờ Đá (Temple Mount) trong thành cổ Jerusalem. Đền Thờ Đá theo người Do Thái là nơi Thiên Chúa lấy bụi đất tạo nên ông Adam và Eva; đó là đất thánh của dân tộc và đạo Do Thái.

6)- Do Thái dưới thời Thập Tự Quân (Crusader 1099-1291)

Năm 1099, cuộc chinh chiến chiếm lại Jerusalem khỏi tay người Ả Rập do vua nước Pháp Louis XI chủ xướng được bắt đầu với đạo quân gồm các chí nguyện quân người Thiên Chúa giáo tại Âu Châu. Các chiến binh mang cờ có hình Thập Tự (Thánh Giá), nên gọi là Thập Tự Quân. Cuộc hành quân thành công, chiếm lại Jerusalem và thành lập Vương-quốc Jerusalem (Kingdom of Jerusalem). Trong thời kỳ này Palestine bị xóa tên và người Do Thái chống đối cũng bị giết nhiều và bán làm nô lệ. Đây là biến cố mà cả dân Do Thái, Palestine và Ả Rập đều hận thù. Ngày nay tổ chức khủng bố Al-Qaeda cố khơi lại biến cố này để khủng bố các quốc gia Thiên Chúa giáo Do Thái, Hoa Kỳ và Tây phương.
Năm 1260-1291 đất Do Thái nằm giữa lằn ranh tranh chiến trường, giữa Đế-quốc Mông Cổ và Vương quyền Mamluks của Ai Cập. Cuối cùng Sultan Baybars của Ai Cập đã đánh bại cả quân Mông Cổ và Thập Tự Quân vào năm 1291.

7)- Do Thái dưới thời cai trị của Hồi giáo Ai Cập (1260-1517)

Năm 1267 Babybars chiếm Hebron (cố đô của vua Đa-vít) và cấm dân Do Thái còn ở lại thờ phượng tại Đền Thánh thứ hai ở Judea. Sự sụp đổ của Thập Tự Quân đưa tới hậu quả là dân Do Thái bị tống xuất khỏi Âu Châu, bắt đầu tại Anh-quốc năm 1290; Pháp-quốc năm 1306 và Tây Ban Nha.
Năm 1453, Thủ-đô Byzantine bị rơi vào tay Đế-quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ, chấm dứt sự cai trị của người Thiên Chúa giáo tại Trung Đông. Tây Ban Nha chiếm lại được quyền lực và trục xuất người Do Thái vào năm 1492. Bồ Đào Nha cũng hành động tương tự vào năm 1497. Có những người Do Thái theo đạo Thiên Chúa và nhiều người chạy trốn sang Ba Lan, Bắc Phi và Nam Mỹ.

8)- Do Thái dưới thời Ottoman Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ (1517-1917)

Dưới thời Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, đất Do Thái trở thành một phần của tỉnh Syria. Năm 1648-1654 có cuộc nổi dậy do Khmelnytsky cầm đầu ở Ukraine với mục tiêu tách rời khỏi Ba Lan. Cuộc nổi dậy bị thất bại và hơn 100.000 người Do Thái bị giết, đưa tới việc hồi cư của dân Do Thái về quê hương và sống quanh quẩn tại bốn thành phố cũ.

III- DO THÁI THỜI KỲ CẬN ĐẠI

1)- Phong trào và cuộc cách mạng Zion (1897-1917)

Cuộc cách mạng dân quyền tại Pháp-quốc vào năm 1789 có thể nói đã giải phóng người Do Thái tại Âu Châu và đưa tới quyền bình đẳng trong xã-hội. Nhưng sự đòi hỏi này gây nên việc chống đối quyền công dân của người Do Thái. Danh từ chống Do Thái "Antisemites" tại Âu Châu xuất hiện và hàng ngàn người Do Thái đã phải dời Nga Sô trở về đất Palestine. Năm 1870, Mikveh Israel thành lập Liên minh Israel Hoàn-vũ (Alliance Israelite Universelle), tiếp theo là Petah Tikva (1878), Rishon LeZion (1882) v.v…
Năm 1897, Hội nghị Zi-on thứ nhất (First Zionist Congress) công bố sẽ thiết lập quê hương cho dân Do Thái tại đất Palestine được bảo vệ bởi luật pháp.

2)- Anh và Pháp-quốc có ảnh hưởng và kiểm soát.

Trong Thế Chiến I (1914-1918), 4 tiểu đoàn chí nguyện quân của Do Thái mang tên "Jewish Legion hay Zion Mule Corps" đã được thành lập (1914-1915) và chiến đấu cùng Quân-đoàn 38 và 42 của Anh-quốc nhằm đánh bật quân Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi đất Palestine. Sau khi Đế-quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman bị sụp đổ chính phủ Anh do Thủ tướng Lloyd-George cầm quyền và qua Ngoại-trưởng Arthur James Balfour đã đưa ra một bản tuyên ngôn mang tên "Tuyên ngôn Balfour năm 1917" có nội dung như sau:
"Quan niệm Chính phủ của Nữ Hoàng với thiện chí thiết lập tại Palestine một quê hương cho dân tộc Do Thái, và sẽ tận dụng mọi nỗ lực tốt nhất để đạt tới mục tiêu này, cần hiểu rõ rằng không gì sẽ được thực hiện có thể gây ra định kiến về các quyền dân sự và tôn giáo của các cộng đồng không phải Do Thái hiện tồn tại ở Palestine, hay các quyền và tình trạng chính trị thủ đắc của người Do Thái trong bất cứ quốc gia khác nào"
Khi quân đội Anh giải phóng Trung Đông khỏi tay Thổ Nhĩ Kỳ và quản trị vùng này (1917-1948), chính phủ Anh thành lập 2 quốc gia tại vùng này:
-Palestine, gồm khu vực Bắc Do Thái, Bờ phía Tây (West Bak), Gaza và Jordan.
-Mesopotania: gồm nhiều vùng của Ottoman ở phía Nam Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, ngày nay là Iraq.

3)- Đặc mệnh của Hội Quốc Liên (The League of Nations Mandate)

Sau Thế Chiến II Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) trao quyền hành cho Anh-quốc tại đất Palestine theo tinh thần bản công bố Balfour và đòi hỏi phải thành lập một chính phủ tạm thời để điều hành vấn đề Do Thái tại Palestine. Chính phủ này có Hội-đồng 224 vị đại diện, một nửa được Hội-nghị Zion tuyển chọn; một nửa do người Do Thái ở các quốc gia không ở trong hệ thống Zionism tuyển chọn. Hội đồng này cấp phép hồi cư cho người Do Thái, số lượng do chính quyền Anh quyết định. Tài chính do người Do Thái ở ngoại quốc trợ giúp.

4)- Do Thái nổi dậy chống Anh-quốc (1945-1947)

Sau thảm họa bị Hitler tiêu diệt trong Thế Chiến II người Do Thái sống sót ở Âu Châu trở thành dân vô gia cư, mang thân phận dân tị nạn và 97% muốn trở về đất Palestine. Dòng thác trở về quê hương đã tìm đến các tổ chức chui để về nước, vì sự hạn chế số lượng do hậu quả của Bạch Thư năm 1939, một sự thỏa thuận với các nước Ả Rập mà Anh quốc phải thi hành. Do đó, vào năm 1946 dân Do Thái bất mãn thành lập tổ chức Mặt trận Do Thái Phản kháng, chống lại nhà cầm quyền Anh ở Palestine. Sự phản kháng đến tai Quốc-hội Hoa Kỳ, và vì sợ bị trở ngại trong việc vay tiền của Mỹ để các ngân hàng Anh-quốc không bị phá sản và sợ xung đột với các nước Ả-rập, chính phủ Anh bèn bàn giao vấn đề Palestine cho Liên Hiệp Quốc.

5)- Quốc gia Do Thái ra đời sau Quyết định của Liên Hiệp Quốc (1947)

Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ định một Uỷ ban Đặc nhiệm LHQ về Palestine (United Nations Special Committee on Palestine - UNSCOP) để quyết định về vấn đề chia đất Palestine. Tháng 9/1947, một tháng sau khi phân chia một phần lãnh thổ Ấn Độ cho Hồi-quốc (Pakistan), Ủy-ban Đặc-nhiệm LHQ đưa vấn đề Palestine ra trước Đại Hội Đồng LHQ vào ngày 29.11.1947. Kết quả đưa tới việc thành lập 2 quốc gia, một Ả Rập, một Do Thái. Thành phố Jerusalem trực thuộc quyền quản trị của LHQ. Chính phủ Anh sợ mất lòng các nước Ả Rập nên từ chối cộng tác và không cho LHQ tới Palestine trong thời gian chờ giải quyết dứt khoát.
Sau 2.679 năm đất nước Israel bị xóa tên trên bản đồ và phần lớn dân tộc Do Thái bị lưu đầy khắp Thế-giới, ngày 14.5.1948, sau khi quân đội Anh rút khỏi Haifa, Hội-nghị Do Thái dưới sự lãnh đạo của David Ben-Gurion, Tổng-thống đầu tiên, đã tuyên bố sự thành hình quốc gia Israel theo chương trình phân chia của LHQ. Lãnh tụ của hai siêu cường quốc là Tổng thống Mỹ Harry S. Truman và nhà lãnh đạo Sô-viết Joseph Stalin lập tức công nhận tân quốc gia Israel.
Sự ra đời của quốc gia Israel đưa tới các cuộc xung đột và chiến tranh giữa Do Thái với Palestine và các nước Ả Rập kể từ tháng 11 năm 1947. n
-------------------
Chú thích:
(1)- ”His Majesty’s government view with favour the establishment in Palestine of a national home for the Jewish people, and will use their best endeavours to facilitate the achievement of this object, it being clearly understood that nothing shall be done which may prejudice the civil and religious rights of existing non-Jewish communities in Palestine, or the rights and political status enjoyed by Jews in any other country.”[1]