Dân Chúa Âu Châu

Nam Phi Năm 2010 Giải Bóng Đá Quốc Tế

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

I- Đôi dòng lịch sử bóng đá

Vào các thế kỷ trước đây quần chúng chưa mấy quan tâm về việc tập luyện thân thể mà ngày nay chúng ta gọi là thể dục, thể thao. Các hoạt động về thể lực nếu có chỉ dành cho các lực sĩ tham dự Thế Vận Hội Olympic cổ xưa tại Hy Lạp vào năm 776 trước Công-nguyên tới năm 393 sau Công-nguyên. Năm 1894 Pierre de Coubertin mới thành lập Ủy-ban Thế Vận (the Olympic International Committee) để rồi nhân loại bước vào giai đoạn tranh tài thể thao với qui mô toàn thế giới, trong đó có môn bóng đá.
Về lịch sử xa xưa thì môn bóng đá đã có từ trước Công-nguyên dưới các hình thức như sau:
Tại Trung Quốc: Vào đời Nhà Hán, khoảng thế kỷ thứ III và II trước Công-nguyên, binh lính nhà Hán đã chơi bóng đá gọi là “Tsu’Chu’’. Trái bóng da thời đó không phải bơm bằng không khí như ngày nay mà được nhét đầy lông và tóc, có kích thước 30cm - 40cm. Lưới được mắc vào các cọc tre. Trong lúc chơi cầu thủ không được phép đá thẳng vào mục tiêu (gôn: goal) mà phải dùng bàn chân, hay ngực và vai lừa bóng qua đối thủ, chứ không được dùng tay. Như vậy, bóng đá đã bắt nguồn từ các cuộc luyện tập thân thể trong quân đội hoặc trong các chùa và trường huấn luyện võ với cùng mục tiêu là làm cho thân thể cường tráng, có thể chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt hay thắng địch thủ trên chiến trường và đấu trường.
Tại Nhật Bản, môn bóng đá gọi là Kemari, có từ 500 tới 600 năm sau Công-nguyên. Hiện nay người ta còn tiếp tục chơi loại bóng này. Những người chơi không tranh dành bóng mà chỉ đứng thành hình vòng tròn và đá banh cho nhau làm sao trái bóng không rơi xuống đất.
Tại Hy Lạp môn chơi này có tên Episkyro. Khi đế-quốc La Mã chiếm Hy Lạp vào năm 146 trước Công-nguyên thì môn chơi bóng đá của Hy Lạp được Hoàng-đế Julius Ceasar và tướng lãnh của ông ta sử dụng trong quân đội La Mã với tên Harpastum, như một phương pháp thể thao, luyện tập thể lực cho binh sĩ. Đế-quốc La Mã chinh phục các nước Âu Châu và đi tới đâu thì môn chơi này được quảng bá tại đó. Quân lính La Mã cũng đã đem môn chơi bóng đá qua Anh Quốc.
Vào thời gian đầu việc dùng chân đá bóng vẫn còn ít so với môn chơi Rugby của Anh-quốc ngày nay. Trái bóng được làm bằng da và dồn lông thú vật, có đường kính khoảng 8 inches (22cm). Người ta biết rất ít về luật lệ của môn chơi này. Sân bóng có diện tích bằng sân bóng đá ngày nay và cầu thủ không phải mỗi đội chỉ có 11 người mà có cả trăm người.
Về lịch sử bóng đá hiện đại có thể nói đã xuất hiện và phát triển mạnh từ Anh-quốc với ``Hiệp-hội Bóng-đá’’ (the Football Association). Ban đầu nó chỉ là các hội chơi có tính cách tài tử; nhưng dần dà dân chúng thích chơi bóng bằng chân thay vì tay trên sân cỏ.
Trận bóng đá đầu tiên được giao đấu vào năm 1872 giữa đội bóng Anh-quốc và Scotland. Trong thời gian này các trận bóng chỉ xẩy ra trong lãnh thổ Anh Quốc. Bóng đá trở thành nổi tiếng và được công nhận là một bộ môn tranh tài tại Thế Vận Hội OLYMPIC vào năm 1900. Từ năm 1900 thì các trận bóng đá quốc tế mới được tổ chức ngoài lãnh thổ Anh-quốc. Trận đấu giữa Bỉ-quốc và Pháp-quốc diễn ra tại Paris vào tháng 5/1904 đã mở màn cho sự ra đời của FIFA vào ngày 22.5.1904. Có 7 quốc gia tham dự gồm: Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Đức-quốc hứa sẽ tham gia.
FIFA viết tắt từ tiếng Pháp “Fédération Internationale de Football Association’’ (tiếng Anh: the International Federation of Association Football) có nghĩa là Liên-đoàn Quốc-tế của Hiệp Hội Bóng Đá hay chúng ta quen gọi Liên-đoàn Bóng Đá Quốc-tế (hay Liên Đoàn Túc Cầu Thế-giới) được tổ chức 4 năm một lần.
Năm 1928, ông Jules Rimet, chủ tịch FIFA quyết định tổ chức giải này vào năm 1930 tại quốc gia Uruguay. Có 13 đội được mời. Tổ chức tại Uruguay quá xa đối với Âu Châu, vì thế không quốc gia Âu Châu nào hứa sẽ tham dự. Nhưng trước ngày khai mạc 2 tháng thì đội tuyển Pháp, Bỉ, Romenia và Nam Tư (Yugoslavia) thông báo tham dự. Như vậy có 13 quốc gia tranh giải Bóng Đá Quốc-tế đầu tiên gồm 7 đội từ Nam Mỹ, 4 từ Âu Châu và 2 từ Bắc Mỹ. Trong trận chung kết Uruguay thắng Argentina với tỷ số 4-2 trước 93.000 khán giả tại sân bóng Montevideo và trở thành quốc gia đầu tiên thắng Giải Bóng Đá Quốc Tế năm 1930.
Sau đó FIFA phát triển mạnh, có gần 200 đội trên thế giới và các giải Bóng Đá Quốc Tế lần lượt được tổ chức tại các quốc gia sau đây:
Năm 1934: tại Ý Đại Lợi. Đội tuyển quốc gia Ý thắng giải. Người ta tố cáo là nhà độc tài Benito Mussolini có ảnh hưởng tới việc chọn lựa các trọng tài.
Năm 1938: tại Pháp. Người ta ngạc nhiên khi thấy các nước Nam Mỹ tẩy chay, trong đó có cả Uruguay và Argentina. Chỉ có 15 quốc gia tham dự. Pháp tổ chức nhưng đội tuyển nhà bị thất bại. Đội Ý bảo vệ chức vô địch. Cầu thủ Ernest Willimowski của Ba Lan là người đầu tiên phá lưới 4 lần (4 goals). Từ đây khởi đầu cho một qui định mới là quốc gia nào tổ chức thì đội bóng của quốc gia đó được đương nhiên vào vòng loại (Qualification round).
Năm 1942: hai quốc gia đệ đơn xin tổ chức. Đức-quốc nộp đơn cho Hội-nghị FIFA tại Berlin ngày 13.8.1936. Tháng 6/1939, Ba Tây (Brazil) cũng nộp đơn xin tổ chức. Tuy vậy, vì Thế-chiến II bắt đầu bùng nổ; nên Giải Bóng Đá Quốc Tế năm 1942 và kể cả năm 1946 đều bị hủy bỏ.
Năm 1950: tại Ba Tây. Lần này có đội tuyển của Anh-quốc tham dự. Anh-quốc rút ra khỏi FIFA từ năm 1920 với lý do là không muốn chơi với các nước đã chiến tranh với Anh-quốc. Vì lý do chính trị, khối Cộng-sản Đông Âu và Sô Viết không tham gia. Uruguay thắng Brazil và đoạt giải lần thứ hai.
Năm 1954: tại Thụy Sĩ. Lần đầu tiên được chiếu trên màn ảnh truyền hình (TV). Đội tuyển Tây Đức đoạt giải.
Năm 1958: tại Thụy Điển. Ba Tây đoạt giải và cầu thủ Pelé nổi tiếng nhờ phá lưới 2 lần trong trận chung kết. Cầu thủ Pháp, Just Fontaine trở thành người phá lưới nhiều nhất, 13 trái trong toàn vòng loại.
Năm 1962: tại Chí Lợi (Chile). Trước khi khai mạc thì trận động đất lớn nhất trong lịch sử xẩy ra (chấn động 9,5 magnitude). Trận đấu giữa Ý và Chí Lợi là trận “đánh nhau’’ có chủ đích khiến cho 2 cầu thủ bị trong tài người Anh, Ken Aston phạt thẻ đỏ, đuổi ra sân. Kết quả Chí Lợi thắng 2-0. Tan trận cầu thủ Ý phải nhờ cảnh sát bảo vệ đưa về. Vào chung kết Ba Tây thắng Tiệp Khắc (Czechoslovakia) 3-1 và đoạt giải lần thứ hai. Cầu thủ Marcos Coll của Colombia đá cú phạt góc chưa từng có trong lịch sử giải Bóng Đá Quốc Tế, trái banh bay thẳng vào gôn (goal). Dân Nam Mỹ gọi là cú đá Olympic “Olympic Goal’’.
Năm 1966: tại Anh-quốc. Lần đầu tiên có biểu tượng (logo) cho giải Bóng Đá Quốc Tế. Vật trao giải thưởng (Cup) bị ăn cắp, nhưng sau đó được tìm thấy bởi con chó có tên là “Pickles’’. Nam Phi bị loại vì vi phạm hiến chương chống kỳ thị (Apartheid) cho đến năm 1992. Các nước Phi Châu rút lui để phản đối FIFA chỉ dành một nơi tổ chức vòng loại cho các vùng Á Châu, vùng đại dương (Oceania) và Phi Châu. Bắc Hàn (North Korea) là nước đầu tiên tại Á Châu được vào vòng tứ kết. Anh-quốc đoạt giải. Cầu thủ Eusébio của đội Bồ Đào Nha (Portugal) phá lưới cao nhất trong toàn vòng loại (9 goals).
Năm 1970: tại Mễ Tây Cơ (Mexico). Trận đấu giữa Honduras và El Salvador được coi là trận chiến bóng đá (Football War). Bắc Hàn từ chối đấu với Do Thái vì lý do chính trị. Trận đấu Bán-kết gay go giữa Ý và Tây Đức đưa tới kết quả không phân thắng bại, phải đấu thêm giờ và trong 30 phút đấu thêm này hai bên đã phá lưới 5 trái. Cầu thủ nổi danh của Tây Đức Franz Beckenbauer vẫn phải tiếp tục đá, mặc dù tay bị gẫy, vì đội Đức hết người thay thế theo qui định. Đội Ý thắng Tây Đức với tỷ số 4-3; nhưng vào chung kết thua Ba Tây 1-4. Ba Tây là quốc gia duy nhất lần đầu tiên đoạt 3 giải và được trao giải Jules Rimet vĩnh viễn.
Năm 1974: tại Tây Đức. Kỳ nay chiếc Cup mang tên Jules Rimet được thay thế bằng chiếc Cup ngày nay, làm bằng vàng 18 carat và cầu thủ nâng trái bóng. Sô Viết từ chối tới tái đấu tại thủ đô Chí Lợi vịn lý do là Tổng thống Pinoché chống cộng mãnh liệt. Do đó, Chí Lợi đương nhiên được điểm thắng. Đây là thời điểm được coi là cuộc cách mạng “Hệ-thống Bóng Đá Tổng lực’’ (the revolutionary Total Football system) của Hòa Lan được chú ý và đề cao, mặc dù Hòa Lan thua Tây Đức 1-2. Chiến thuật “Tổng-lực’’ có nghĩa là khi tấn công toàn đội đều chạy lên hết và khi đối phương phản công thì chạy về hết. Chiến thuật này đòi hỏi cầu thủ phải được huấn luyện gắt gao và có sức chạy không mệt mỏi trong suốt trận đấu.
Năm 1978: tại Argentina. Cuộc tranh tài được diễn ra sớm hơn, trước 2 năm, vì cuộc đảo chính. Cầu thủ nổi tiếng của Hoà Lan là Johan Cruyff từ chối tham dự, nhưng toàn đội không phản đối. Trong trận bán kết Ba Tây thắng Ba Lan 3-1 để vào chung kết. Argentina gặp Peru trong trận bán kết và muốn vào chung kết, Argentina phải thắng Peru 4 trái. Cuối cùng Argentina đã thắng Peru 6-0, một tỷ số mà người ta nghi ngờ là có sự mua bán nào đó. Cuối cùng Argentina được vào chung kết và thắng Ba Tây 3-1.
Năm 1982: tại Tây Ban Nha. Số đội tham dự vòng loại được gia tăng lên 24 đội. Các đội được chia ra làm 6 nhóm, mỗi nhóm 4 đội. 2 đội đứng đầu nhóm được tiếp tục vòng 2 và được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 3 đội. Đội đứng đầu nhóm được vào Bán-kết. Trong cuộc tranh tài này có hai sự kiện đáng để ý:
-Trận giữa Pháp và Kuwait: trước khi cầu thủ hậu vệ Maxime Bossis của đội Pháp phá lưới nâng tỷ số lên 3-1, thì các cầu thủ Kuwait ngưng đấu, vì tưởng còi của trọng tài đã thổi. Chủ tịch hội bóng đá Kuwait là Sheik Fahid Al-Ahmah đã chạy xuống sân cảnh cáo trọng tài.
-Hung Gia Lợi (Hungary) đã thắng El Salvador với tỷ số lớn nhất trong lịch sử bóng đá là 10-1. Vào chung kết, đội Ý thắng Ba Tây và đoạt giải.
Năm 1986: tại Mễ Tây Cơ. Trong vòng loại này, trận tứ kết giữa đội Argentina và đội Anh-quốc có sự kiện đáng nhớ là cầu thủ nổi tiếng Diego Maradona của Argentina đã dùng tay đánh vào trái banh và làm bàn. Sự kiện này trở thành nổi tiếng mà người ta gọi là “Gôn tay” (Handball goal) và được coi là “Gôn của Thế-kỷ’’ (Goal of the Century) vì Maradona đã dẫn trái banh vượt qua 5 cầu thủ hậu vệ của đội Anh trước khi làm bàn thắng. Chung kết, Argentina thắng Tây Đức 3-2 và chiếm giải lần thứ hai.
Năm 1990: tại Ý Đại Lợi (Italy). Đội tuyển Cameroun tham dự lần thứ hai, đánh bại đương kim vô địch Argentina ngay trong trận mở đầu và là nước Phi Châu đầu tiên lọt được vào vòng tứ kết. Trong cuộc tranh tài có sự kiện đáng ghi nhớ là: trong trận đấu giữa Ba Tây và Chí Lợi, một pháo nổ được quăng xuống gần thủ môn Rojas của Chí Lợi. Anh này giả vờ bị thương bằng cách cắt mặt anh ta bằng lưỡi dao cạo râu mà anh ta dấu ngầm trong bao tay bắt gôn. Đội bóng Chí Lợi từ chối đấu tiếp khi đã thua 0-1. Màn dàn cảnh của Rojas sau bị khám phá đưa tới hậu quả là anh ta bị treo giò 12 năm và đội tuyển Chí Lợi bị hủy bỏ trong danh sách tranh tài kỳ tới vào năm 1994. Tây Đức lần thứ ba thắng giải.
Năm 1994: tại Hoa Kỳ. Nam Tư (Serbia) bị đuổi vì Liên Hiệp Quốc phong tỏa liên quan tới cuộc chiến tại Bosnia-Herzegovina. Nga Sô tham dự lần đầu với tư cách quốc gia sau khi Liên Bang Sô Viết bị sụp đổ. Cầu thủ nổi danh Diego Maradona của Argentina bị đuổi giữa vòng loại. Lý do: sau khi thử máu người ta khám phá ra anh hút sì-ke. Một tai họa đã xẩy ra: André Escobar, cầu thủ hậu vệ của Colombia bị giết chết 10 ngày sau khi anh ta bị lỗi bắt trật bóng (own-goal) ngay trong trận đầu khiến cho Colombia bị loại. Cầu thủ đầu tiên, Oleg Salenko, của đội Nga làm 5 bàn (5 goals) trong trận chung kết thắng Cameroun.
Năm 1998: tại Pháp-quốc. Số đội tham dự vòng loại được gia tăng lên 32 đội. Một kỷ lục thứ hai trong lịch sử bóng đá vòng loại là Iran thắng Maldives 17-0. Trong trận chung kết Pháp thắng Ba Tây 3-0 và đoạt giải.
Năm 2002: lần đầu tiên được tổ chức tại Á Châu, ở Nhật Bản và Nam Hàn (Japan & South Korea). Kỷ lục thứ ba trong lịch sử bóng đá là Úc Đại Lợi (Australia) thắng American Samoa 31-1. Vào chung kết Ba Tây thắng Đức 2-0, trở thành quốc gia thắng giải lần thứ 5.
Năm 2006: tổ chức tại Đức-quốc. Lần đầu tiên các quốc gia thắng giải trước đây phải tranh đấu, nhưng quốc gia tổ chức thì đội tuyển vẫn được quyền lợi đương nhiên vào vòng loại. Đội Ý và Pháp vào chung kết. Thủ quân Zinedine Zidane của Pháp đánh đầu vào ngực của Marco Materazzi, trung vệ của đội Ý, nên bị đuổi ra sân vào 10 phút chót của thời gian đấu thêm. Cuối cùng đội Ý thắng Pháp với tỷ số 5-3 và đoạt giải.
Năm 2010: tại Nam Phi (South Africa). Sau khi các đội tuyển quốc gia đã giao đấu tại các lục địa theo lịch trình bốc thăm của FIFA để cuối cùng còn 32 đội chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm 4 đội được vào vòng loại tại Nam Phi.
- Nhóm A: South Africa, Mexico, Urugay, France
- Nhóm B: South Korea, Greece, Argentina, Nigeria
- Nhóm C: England, USA, Algeria, Slovenia
- Nhóm D: Serbia, Ghana, Germany, Australia
- Nhóm E: Netherland, Danmark, Japan, Cameroun
- Nhóm F: Italia, Paraguay, New Zealand, Slovakia
- Nhóm G: Côte d’Ivoire, Portugal, Brazil, North Korea
- Nhóm H: Honduras, Chile, Spain, Schwizerland

Kết quả: đội tuyển Đức gặp đội tuyển Uruguay tranh giải 3 và 4. Đội tuyển Đức thắng Uruguay với tỷ số 3-2 đoạt hạng 3, được huy chương đồng. Đội tuyển Tây Ban Nha gặp đội tuyển Hòa Lan trong trận chung kết và thắng với tỷ số 1-0, đoạt huy chương vàng và Cup Vàng năm 2010. Hòa Lan đứng hạng 2, được huy chương bạc.
Trong giải bóng đá quốc tế kỳ này có những sự kiện đáng ghi nhớ như sau:
1)-Đội tuyển Pháp có hành động chưa từng có trong lịch sử bóng đá là “đình công không tập dượt’’ chống huấn luyện viên Raymond Domenech. Cầu thủ Nicolas Anelka không nhận khuyết điểm và không xin lỗi huấn luyện viên trong cuộc họp có tranh cãi, sau khi Pháp thua Nam Phi 0-2 vào ngày 17.6.2010. Anelka bị đuổi về nước. Sự kiện bị loại sớm và hành động chống tập luyện của các cầu thủ làm tổn thương tới danh dự nước Pháp. Tổng-thống Nicolas Sarkozy, khi được báo chí Nga phỏng vấn về hành động của đội tuyển Pháp, nhân chuyến công du Nga Sô của ông, đã trả lời là “không thể chấp nhận được’’. Bộ trưởng văn hóa Pháp cũng nói là cần phải đấu với nhiệt tình của con tim. Sau khi đội tuyển Pháp về nước thì đại diện được yêu cầu gặp TT. Nicolas Sarkozy.
2)-Trong trận đấu vào vòng Bát-kết, đội tuyển Anh gặp đội tuyển Đức. Sau khi hai đội huề nhau 1-1, cầu thủ Frank Lampark của Anh đá trái bóng vào thành ngang của gôn rồi trái bóng rơi xuống trong gôn, sau lằn trắng gạch nối giữa hai cột gôn, và nẩy lên đụng thành ngang lần hai, rồi rơi xuống bên ngoài đường ranh được cầu thủ giữa gôn chộp được. Thực tế trái bóng đã rơi vào phía trong gôn; nhưng trọng tài không nhìn kịp nên hủy bỏ. Đây là lỗi của trọng tài và đây là sự kiện tái diễn, vì đội tuyển Đức cũng đã thua Anh trong cùng trường hợp tương tự vào năm 1986. Kết quả đội tuyển Đức thắng với tỷ số 4-1. Đội tuyển Anh phản đối và không thừa nhận quyết định sai của trọng tài. Qua truyền hình chiếu lại người ta công nhận trái bóng đã lọt vào trong. Nếu trọng tài bắt đúng, gôn đó được công nhận, thì đội Anh sẽ dẫn trước 2-1 và biết đâu với tinh thần lên cao sẽ thắng đội Đức?
3)-Trong trận đấu giữa Argentina và Mexico trọng tài cũng bắt sai. Cầu thủ Carlo Tevez của Argentina đá vào gôn; nhưng cầu thủ này đã đứng sau hàng hậu vệ (phòng thủ) của Mexico, có nghĩa ở vào vị thế offside, mà trọng tài vẫn cho đội Argentina thắng trái này. Trọng tài của trận đấu giữa Argentina và Mexico bị loại ra khỏi danh sách trọng tài vào các giải tới.
Sepp Blatter, chủ tịch FIFA phải xin lỗi đội tuyển Anh và Mexico về nhưng lầm lỗi của các trọng tài. Hai đội Anh và Mexico đã chấp nhận lời xin lỗi. Từ vấn đề này, người ta dự trù sẽ dùng các máy ảnh quay lại các trái bóng được đá vào gôn, như trong các giải Tennis.
4)-Đội tuyển Nigeria, được dân ham mộ tặng cho danh hiệu là “Siêu Ó biển’’ (Super Eagle) nhưng lại bị thua Argentina 0-2, Hy lạp 1-2 và huề Nam Hàn 2-2, bị loại khỏi Nhóm B, nên bị chỉ trích là “Siêu gà con’’ (Super Chicken). Vừa bị thất bại nặng nề, vừa có tin đồn lem nhem hối lộ khiến Tổng thống Goodluck Jonathan của nước này, qua phát ngôn viên, muốn treo giò toàn đội tuyển trong 2 năm. Liên đoàn bóng đá đã phải xin lỗi chính phủ và dân chúng ham mộ về kết quả xấu của đội. Tuy nhiên, FIFA cảnh cáo là nếu chính quyền, có nghĩa chính trị, mà xen vào bóng đá thì đội tuyển Nigeria sẽ bị loại khỏi FIFA. Do đó, tin cuối cùng xác nhận là không có việc Tổng thống Nigeria treo giò đội tuyển 2 năm. Chủ tịch FIFA cũng quan tâm về quyết định của chính phủ Pháp điều tra về việc đội tuyển Pháp bị loại ngay vòng đầu.

II-Bóng đá vì tinh thần thể thao hay vì tiền?
Ban đầu bóng đá được coi như một môn thể thao có tính cách quần chúng. Để kích thích môn này các cuộc đấu giao hữu tại địa phương, trên lãnh thổ một quốc gia hay vượt qua biên giới quốc gia để tạo tình thân hữu giữa con người với con người, sự thân thiện giữa các quốc gia với nhau. Ban đầu tinh thần thể thao bóng đá mang tính chất vô vị lợi, vô chính trị, không vì tiền bạc. Nhưng với thời gian, chính trị đã len vào bóng đá, tiền bạc đã chi phối các giải, các cầu thủ và trọng tài để rồi bóng đá dần dà có vẻ nặng về kinh tế hơn thể thao. Nó cũng tạo ra nhiều vụ hối lộ trong các cuộc tranh tài địa phương, lục địa và quốc tế.
Để đi sâu vào vấn đề, chúng ta thử tìm hiểu xem các cầu thủ và trọng tài ngày nay được lợi lộc như thế nào và tại sao họ lại rơi vào tệ nạn nhận hối lộ, bán cả danh dự cá nhân và làm hoen ố tinh thần quốc gia!

2/1-Phần thưởng cho giải Bóng Đá Quốc Tế 2010

Đội tuyển quốc gia nào thắng sẽ nhập Cúp vàng và 30 triệu Mỹ-kim (US Dollars). 32 đội được vào vòng loại được nhận 1 triệu Dollars để trang trải phí tổn tham dự tranh giải. Mỗi đội bị loại khỏi nhóm được mang về nhà 8 triệu Dollars. Số tiền tặng cho các đội đứng đầu mỗi nhóm được ấn định: 9 triệu Dollars cho các đội thắng vào vòng Bát-kết (16 đội còn lại); 18 triệu Dollars cho các đội được vào vòng Tứ-kết; 20 triệu Dollars cho 4 đội được vào vòng Bán-kết. 2 đội vào chung kết đội thua được 24 triệu Dollars và đội thắng 30 triệu Dollars.
Ngoài các giải do FIFA tặng, mỗi cầu thủ và đội tuyển quốc gia còn được tặng tiền do chính phủ hoặc Tổng-hội Bóng-đá và các công ty quảng cáo tại các quốc gia liên hệ.
Ví dụ: Năm 2006, mỗi cầu thủ của đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ được tặng thêm khoảng $65.000 (USD) khi tham dự kể từ khi được vào toán giao đấu vòng loại. Về toàn đội thì được tặng thêm $2,6 triệu khi được vào vòng 2 (vòng 16 có nghĩa 16 đội còn lại sau khi các đội trong nhóm (32) đã đấu với nhau); $2,25 triệu khi được vào vòng Tứ-kết; $2,6 triệu khi được vào vòng Bán-kết; 3 triệu khi được vào Chung-kết và 3,75 triệu khi thắng giải bóng đá thế giới.

2/2-Lương một năm của mỗi cầu thủ

Tùy theo mỗi đội và liên đoàn bóng đá mà số tiền lương của mỗi cầu thủ sẽ khác nhau. Tính theo Dollar Mỹ (US Dollar) thì lương trung bình của mỗi cầu thủ của liên đoàn bóng đá khoảng từ $50.000 tới $250.000 USD một năm. Lương của cầu thủ thuộc liên đoàn bóng đá quốc gia (National Football League) khoảng $1,4 triệu USD một năm.
Hiện nay một số cầu thủ bóng đá sau đây có số lương một năm cao nhất tính theo Mỹ-kim (US Dollar).
-Lionel Messi, người Argentina, đá cho đội Barcelona (Tây Ban Nha), $43,3 triệu (USD).
-Cristiano Ronaldo, người Bồ Đào Nha, đá cho đội Real Madird (Tây Ban Nha), $39,4 triệu.
-Kaka, người Ba Tây, đá cho đội Real Madrid (Tây Ban Nha), $24,7 triệu.
-Thierry Henry, người Pháp, đá cho đội Barcelona (Tây Ban Nha), $23,5 triệu.
-Carlos Tevez, người Argentina, đá cho đội Manchester City (Anh quốc), $20,2 triệu.
-Frank Lampard, người Anh, đá cho đội Chelsea (Anh-quốc), $18,7 triệu và các quảng cáo khác khoảng 22,5 triệu.
-Samuel Eto’, người Cameroun (Phi Châu), đá cho đội Inter (Ý Đại Lợi), $18,1 triệu.
-Wayne Rooney: người Anh, đá cho đội Manchester United, 17 triệu và các quảng cáo khoảng 210 triệu.
-John Terry, người Anh, đá cho đội Chelsea (Anh-quốc), $14.6 triệu, và 6 triệu tiền hợp đồng với Umbro và các quảng cáo cho các công ty Samsung, Nationwide và Svenska Spel của Thụy Điển.
-Steven Gerrard, người Anh, đá cho đội Liverpool (Anh-quốc), $13.1 triệu và các quảng cáo khoảng 22 triệu.
-Xavi, người Tây Ban Nha, đá cho đội Barcelona (Tây Ban Nha), $12.4 triệu.
-Ashley Cole: người Anh, đá cho đội Chelsea, 9,36 triệu và các quảng cáo khác khoảng 3 triệu.
Gia sản của mỗi cầu thủ của Anh-quốc nêu trên khoảng $6 triệu USD.

2/3-Lương của huấn luyện viên bóng đá

Jose Mourinho huấn luyện viên của đội Chelsea của Anh-quốc đứng đầu với số lương là $18 triệu USD một năm. Kế đến là huấn luyện viên Svend Goran Eriksen của đội Manchester United $11,5 triệu USD. Kewell của đội Liverpool $10 triệu USD, Fabio Capello (England): $9,9 triệu, Viduka của đội Middesbourg $6,5 triệu USD, Tim Cahill của đội Everton $5 triệu USD.
Các huấn luyện viên có lương thấp hơn:
- Marcelo Lippi (Italy): 4,1 triệu - Javier Aguirre (Mexico): 4 triệu - Joachim Löw (Germany): 3,3 triệu - Berter van Marwijk (Netherlands): 2,7 triệu - Ottmar Hitzfeld (Switzerland): 2,6 triệu - Vicente del Bosque (Spain): 2,2 triệu - Carlos Queiroz (Portugal): 2 triệu - Pim Verbeek (Australia): 1,82 triệu - Carlos Parreira (South Africa): 1,8 triệu - Dunga (Brazil): 1,25 triệu - Diego Maradona (Argentina): 1,2 triệu - Takeshi Okada (Japan): 1,2 triệu - Ricki Herbert (New Zealand): 1,2 triệu - Otto Rehhagel (Greece): 1,15 triệu - Paul Le Guen (Cameroon): 960.000 - Marcelo Bielsa (Chile): 850.000 - Vahdi Halilhodzic (Cote d’Ivoire): 740.000 - Raymond Domenech (France): 720.000 - Hun Jung Moo (South Korea): 600.000 - Morten Olsen (Denmark): 570.000 - Milovan Rajevac (Ghana): 540.000 - Bob Bradley (USA): 400.000 - Radomir Antic (Serbia): 447.000 - Matjaz Kek (Slovenia): 360.000 - Gerardo Martino (Paraguay): 360.000 - Rabah Saadane (Algeria): 360,000 - Reinaldo Rueda (Honduras): 350.000 - Vladimir Weiss (Slovakia): 312.000 - Oscar Washington Tabárez (Uruguay): 300.000 - Kim Jong Hun (North Korea): 250.000 - Shaibu Amodu (Nigeria): 180.000.

2/4-Các câu lạc bộ bóng đá lấy tiền đâu mua cầu thủ với giá hàng triệu US Dollars?

Một việc mua bán lớn lớn nhất và đắt nhất trong lịch sử bóng đá là Câu-lạc bộ bóng đá Real Madrid của Tây Ban Nha đã mua cầu thủ thượng thặng người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo từ đội Manchester United của Anh với giá $132 triệu USD. Hiện nay Ronaldo là một trong các cầu thủ có số lương cao nhất, $500.000,00 (năm trăm ngàn) USD 1 tuần! John Terry đá cho đội Chelsea cũng là cầu thủ xuất sắc; nhưng chỉ lãnh lương gần bằng nửa của Ronaldo: $240.000,00 USD 1 tuần.
Ngoài ra, Real Madrid còn bỏ ra hàng triệu USD để mua các danh thủ khác như Kaka từ AC Milan của Ý và Karim Benzema, Alvaro Arbeloa và Xabi Alonso từ Liberpool của Anh. Câu lạc bộ lớn của Anh, Manchester United, cũng đã dùng $330 triệu USD để mua các cầu thủ nổi tiếng như: Carlo Tevez, Emmanuel Adebayor, Craig Bellamy, Toure v.v…
10 cầu thủ thượng thặng được mua bán với giá như sau: (1 đồng bảng Anh trị giá cao hơn 1,5 đồng Mỹ-kim - US Dollar. Để dễ tính toán, chúng tôi lấy chẵn 1,5. (£1 British Pound = $1,5 (US Dollar).
-Cristiano Ronaldo: Manchester United bán cho Real Madrid $120 triệu (US Dollar)
-Kaka: AC Milan bán cho Real Madrid $84 triệu
-Zinedine Zidane: Juventus bán cho Real Madrid $68,43 triệu
-Luis Figo: Barcelona bán cho Real Madrid $55,5 triệu
-Hernan Crespo: Parma bán cho Lazio $53,25 triệu
-Gianluigi Buffon: Parma bán cho Juventus $48,9 triệu
-Robinho: Real Madrid bán cho Manchester City $48,75 triệu
-Christian Vieri: Lazio bán cho Inter $48 triệu
-Dimitar Berbatov: Tottenham bán cho Manchester United $46,125 triệu
-Andriy Shevchenko: AC Milan bán cho Chelsea $45 triệu

Và hàng trăm cầu thủ từ Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ được mua bán với giá thấp hơn vài triệu hoặc vài trăm ngàn Mỹ-kim; nhưng vì hạn chế của bài viết, chúng tôi không thể nêu hết được.
Với số tiền chi tiêu lớn lao như vậy, làm cách nào các câu lạc bộ bóng đá thu tiền về để không bị lỗ và phá sản?
Câu lạc bộ bóng đá của Anh là Chelsea đã được nhà tỷ phú dầu hỏa người Nga, Roman Abramovich, mua trong 5 năm. Ông này có tài sản trị giá $80 tỷ USD. Chính vì vậy mà việc bỏ ra hàng triệu USD mua cầu thủ nổi tiếng như Shevenko (Nga), Ballack (Đức) và Drogba (Cameroun) trong vòng 2 năm là chuyện không có gì ngạc nhiên.
Câu Lạc Bộ bóng đá của Anh Manchester United nay do tỷ phú Sheikh Mohammed làm chủ cũng có tài sản trị giá $80 tỷ USD, nên việc bỏ ra hàng triệu USD mua các cầu thủ Rubinho, Adebayor và các cầu thủ thuộc hạng quốc tế khác cũng là chuyện bình thường.
Về kinh doanh thì có người thành công và không ít người thất bại. Câu lạc bộ bóng đá Liverpool được người Mỹ George Gillet và Tom Hicks mua, nhưng việc tái cải tổ tài chính hình như không mấy thành công. Tuy vậy, Liverpool cũng đã bỏ tiền mua cầu thủ nổi tiếng của Tây Ban Nha là Fernando Torres. Hơn phân nửa câu lạc bộ bóng đá của Anh-quốc ngày nay rơi vào tay chủ ngoại quốc chứng tỏ thị trường bóng đá tại Anh đã và đang còn gặp khủng hoảng.
Câu lạc bộ bóng đá Real Madrid, khi mua nhiều cầu thủ nổi tiếng với giá hàng chục và cả trăm triệu USD, đương nhiên họ phải tìm cách gỡ lại vốn. Cách đầu tiên là bán vé, kiếm tiền quảng cáo từ các công ty quốc tế như nước ngọt Coca Cola chẳng hạn, bán các loại quần áo, mũ nón, khăn quàng cổ, giầy dép, vòng tay, kính râm, đồng hồ … có hình danh thủ bóng đá, Cristiano Ronaldo là một ví dụ. Ngoài ra, họ cũng phải tìm sự bảo trợ khác từ các ngân hàng, công ty dịch vụ, chuyên chở…
Ví dụ: khi mua cầu thủ số một của Anh, David Beckham, Real Madrid đã kiếm lời khoảng $100 triệu USD do bán các sản phẩm mang nhãn hiệu và hình Beckham. Đối với Cristiano Ronaldo cũng vậy.
Cầu thủ tiền đạo người Argentina, Lionel Messi, hiện đá cho đội Barcelona của Tây Ban Nha được coi là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong năm 2009 (World‘s Best Footballer in 2009), cầu thủ của năm 2009 của Âu Châu (European Player Of The Year) và đoạt tước hiệu “Quả bóng vàng’’ (Ballon d’Or). Lionel Messi hiện nay đứng hàng đầu thế giới, vượt trội hơn Cristiano Ronaldo cả về số gôn (goal), danh tiếng và lương tháng.

10 cầu thủ đã đoạt tước “Quả bóng vàng’’ là:

2009: Lionel Messi, 2008: Cristiano Ronaldo, 2007: Kaka, 2006: Fabio Cannavaro, 2005: Ronaldinho, 2004: Andriy Shevchenko, 2003: Pavel Nedved, 2002: Ronaldo, 2001: Michael Owen, 2000: Luis Figo, 1999: Rivaldo
III-Giải Bóng Đá Thế Giới năm 2010
3/1-Chi phí:
Để chuẩn bị cho Giải Bóng đá Quốc-tế năm 2010, các vận động trường bóng đá khổng lồ đã được xây dựng và người ta tính số tổn phí lúc đầu dự trù vào năm 2006 là $1,095 tỷ (USD). Nhưng tới năm 2010 theo báo chí phí tổn tăng lên $4,65 tỷ và cuối cùng lên tới đỉnh cao là $10,2 tỷ để xây 10 vận động trường bóng đá mới. Phí tổn gia tăng một phần do giá xi-măng và thép trên thị trường lên giá.

3/2-Lợi tức
Theo báo Der Spiegel của Đức-quốc thì lợi tức của FIFA thu được qua dịch vụ bán bản quyền truyền hình và thị trường quảng cáo được ghi nhận như sau:
- Năm 1994, thị trường Hoa Kỳ: $120,96 triệu (USD)
- Năm 1998, thị trường Pháp-quốc: $207,9 triệu (USD)
- Năm 2002, thị trường Nhật Bản – Nam Hàn: $1.706 triệu (USD)
- Năm 2006, thị trường Đức-quốc: $1910,16 triệu (USD)
- Năm 2010, thị trường Nam Phi: khoảng $2.898 (USD)
Nhưng thực tế cho thấy FIFA thu lợi khoảng $3.000 triệu USD ($3 tỷ (USD) do việc được miễn thuế số tiền các công ty bảo trợ, gia tăng 50% so với Giải Bóng Đá Quốc-tế 2006 tại Đức Quốc.
FIFA trao giải thưởng cho 32 đội và các đội thua thắng trong các vòng kế tiếp tổng cộng chỉ có 600 triệu USD. Như vậy FIFA được lời: 3.000 triệu USD chưa tính các phí tổn chi cho trọng tài, ban tổ chức, di chuyển và việc tổ chức.
Nam Phi xây dựng được 10 vận động trường bóng đá tân thời và khoảng 483.000 du khách mang tới lợi tức thu nhập khoảng 675 triệu (USD), cũng như số tiền chia với FIFA về bán vé vào xem các trận đấu bóng.
Ngoài 483.000 du khách, còn có 17.000 phóng viên báo chí tới Nam Phi trong dịp này. Các trạm kiểm soát biên giới tại Nam Phi cho biết có thêm khoảng 201.856 người không phải là khách du lịch chính thức đi qua biên giới và khoảng 30.000 tới coi trận Bán-kết và Chung-kết.
Sau biến cố này, người ta hy vọng số lượng du khách và số đầu tư vào Nam Phi sẽ gia tăng, một khích lệ về sự phát triển kinh tế khá quan trọng. Chính vì vậy mà nhiều quốc gia lớn cạnh tranh nhau được tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới và đưa tới tình trạng ăn hối lộ, tham nhũng trong cơ cấu FIFA.

3/3-Lợi dụng Cup vàng để chứa bạch phiến

Chiếc Cup vàng giả cao 36cm được làm để chứa 11kg bạch phiến (Cocaine) đã bị cảnh sát Colombia bắt tại phi trường Bogota ngày 4.7.2010. 11kg bạch phiến đã được làm bằng bột bạch phiến trộn chung với Acetone hoặc Gasoline để dễ nặn thành hình, rồi sơn vàng bên ngoài. Cúp bạch phiến giả chứa bạch phiến sẽ được đưa tới Tây Ban Nha.

3/4-Lợi dụng Giải Bóng Đá Quốc-tế quảng cáo bất hợp pháp

FIFA đã kiện hãng sản xuất bia Baravia của Hòa Lan ra tòa án vì tội lợi dụng trận đấu giữa Đan Mạch và Hoà Lan để quảng cáo bia cho hãng này.

3/5-Trái bóng tồi tệ nhất

Nhiều cầu thủ, phóng viên báo chí và huấn luyện viên, trong đó có Favio Capello, huấn luyện viên đội tuyển Anh, cho rằng trái bóng đá 2010 có tên Jubulani do công ty Adidas của Đức chế tạo là trái bóng tồi tệ nhất. Những người khác ví nó như trái bóng bán trong các đại siêu thị! Độ nẩy cao và tiếng vang của nó khi rơi xuống, khi đá tự do, đá phạt hay ở khoảng cách dài không đạt tiêu chuẩn so với các trái bóng da năm 1982, 1986 và 1998 v.v... Trái bóng 2010 giá bán khoảng 150 USD/1 trái và hiện nay xuống giá còn khoảng 120 USD.

IV. Tham nhũng trong Bóng Đá và FIFA

Vì bài viết đã dài, chúng tôi sẽ đề cập đề tài này vào một dịp khác.