Dân Chúa Âu Châu

Liệu Thái Lan có nguy cơ bị Cộng-sản nhuộm đỏ không?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

I- Cuộc bạo động tại Thái Lan bị dẹp tan

Trước tình hình vô trận tự, đốt phá trung tâm thương mại và tài chính quốc tế tại Thủ-đô Bangkok do đám biểu tình Áo Đỏ gây ra, ngày 19.5.2010, chính phủ Thái Lan quyết định giải tỏa bằng biện pháp quân sự. Theo tin của thông tấn xã AFP và Reuters có khoảng 900 binh sĩ và cảnh sát đã phải hộ tống đoàn xe chữa lửa đến dập tắt 17 dẫy nhà nhiều tầng thuộc trung tâm thương mại bị nhóm bạo động đốt phá. Một trực thăng quân sự cũng được dùng để cứu khoảng 100 nhân viên bị kẹt trong đài truyền hình kênh 3 (channel 3). Tại phía Đông-Bắc nhóm bạo động chiếm và đốt hai phòng hội của tỉnh.
Nhờ áp dụng biện pháp mạnh và nhất là sau khi Thiếu-tướng Khattiya Sawasdipol bị bắn vào đầu ngày 13.5.2010 sau đó chết tại bệnh viện Huachiew ngày 17.5.2010, có ít nhất 7 thủ lãnh của phe Áo Đỏ tự ý ra trình diện cảnh sát. Tướng Khattiya thuộc quân đội Hoàng Gia Thái đặc trách Chỉ-huy các cuộc Hành-quân An-ninh Quốc-tế (The International Security Operations Command), người từng cộng tác với Cơ-quan Trung-ương Tình-báo Mỹ “C.I.A" (the Central Intelligence Agency) trong các dịch vụ tình báo tại miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và tham dự vào cuộc chiến được CIA tài trợ chống Cộng-sản Lào (Pathet Laos). Tướng Khattiya cũng từng cải dạng là người Muslim để đột nhập vào sào huyệt của nhóm nổi loạn tại Acceh của Nam Dương (Indonesia). Việc ủng hộ phe Áo Đỏ dậy cách chống xe tăng bằng bom xăng và cướp xe nhà binh để chống chính phủ của Tướng Khattiya khiến ông bị loại ra khỏi quân đội vào ngày 14.1.2010.
Kể từ khi cuộc bạo động xẩy ra vào tháng 3/2010 có ít nhất 74 người chết, trong đó có một phóng viên chụp hình người Ý, và 1.700 người bị thương. Một phóng viên Gia Nã Đại và bốn binh sĩ Thái cũng bị thương do một trái lựu đạn nổ trong khu bị chiếm đóng.

II- Liệu Thái Lan có nguy cơ bị Cộng-sản nhuộm đỏ không?

Để hiểu rõ vấn đề Thái Lan có nguy cơ bị Cộng-sản nhuộm đỏ hay không, chúng ta cần tìm hiểu đảng Cộng-sản Thái Lan và sự nhúng tay vào nội tình Thái Lan của các nước Cộng-sản trong khu vực Đông Nam Á Châu.

2/1- Thái Cộng

Đảng CS Thái Lan hay tên thật là đảng Cộng-sản Xiêm (Siam) ra đời 1/12/1942 và trở thành đảng Cộng-sản lớn thứ nhì tại Đông Nam Á trong thập niên 1970, sau đảng CS Việt Nam. Năm 1948 theo tình báo Anh quốc đảng CS Thái có khoảng 3.000 đảng viên và trung tâm bí mật đóng tại căn nhà gỗ ở đường Siphraya, thủ đô Bangkok. Đảng Cộng-sản Thái Lan được sự ủng hộ của khoảng 4 triệu nông dân và 14.000 quân nhân. Vùng đảng CS Thái có ảnh hưởng lớn nhất là vùng Đông Bắc, miền Bắc và miền Nam Thái Lan. Tháng 2/1951, một phái đoàn của đảng CS Thái tham dự Hội nghị toàn quốc lần hai của đảng CS Việt Nam tại tỉnh Tuyên Quang và tham dự Cuộc họp Quốc-tế của các đảng CS và công nhân vào năm 1960 tại Mạc Tư Khoa. Trong cuộc xung đột giữa Trung Cộng và Sô-viết đảng CS Thái Lan đứng về phía Tầu Cộng và theo chủ thuyết Mao (Maoism) chống lại chủ nghĩa Xét-lại (Revisionism) và Đế-quốc Xã-hội Chủ-nghĩa.
Năm 1962 đảng CS Thái thiết lập đài phát thanh "Tiếng nói Nhân-dân Thái Lan" trụ sở đặt tại tỉnh Vân Nam, Trung-quốc. Mở đầu cho các hoạt động công khai, đảng CS Thái cho ra đời "Mặt-trận Yêu nước Thái Lan" vào ngày 1/1/1965 với chương trình 6 điểm về Hòa-bình và Trung-lập, để chống đối chính quyền Thái và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Thái Lan. Họ áp dụng chiến lược "Chiến tranh Nhân-dân" theo sách lược của đầu sỏ Tầu Cộng là Mao Trạch Đông và già Hồ Việt Nam. Tháng 8/1965 Mặt-trận này, với quân số khoảng 1.200 cán binh, mở đầu các cuộc tấn công quân sự vào các khu vực NaKae và tỉnh Nakhon Phanom. Tới năm 1969 thì Tư-lệnh Tối-cao của Quân-đội Giải-phóng Nhân-dân Thái Lan được thành hình, mở đầu cho cuộc chiến tranh du kích tại phía Bắc và phía Nam giáp biên giới Mã Lai, nơi lực lượng quân sự của đảng CS Mã trú đóng.

Từ năm 1970, CS Thái Lan, được Việt Cộng và Tầu Cộng trợ giúp, đã mở các cuộc tấn công vào phi trường dành cho phi cơ oanh tạc của Hoa Kỳ tại Thái Lan. Sau cuộc đàn áp sinh viên biểu tình tại đại học Thammasat vào tháng 6/10/1970, nhiều sinh viên, công nhân, trí thức khuynh tả tham gia vào đảng Xã-hội Thái và được huấn luyện quân sự và chính trị tại các căn cứ nằm trong đất Lào. Huấn luyện viên là cán bộ CS Thái, Lào và Việt Nam. Năm 1977 CS Thái có khoảng 6.000 tới 8.000 cán binh và một triệu người đồng tình ủng hộ. Trong giai đoạn này một nửa các thành phố Thái Lan bị Cộng-sản xâm nhập. Đến ngày 7/5/1977 thì đảng Xã-hội Thái công bố hợp tác đấu tranh quân sự với đảng CS Thái và ngày 28/9/1977 hai đảng tuyên bố thống nhất trong một mặt trận mang tên "Ủy-ban Hợp tác của các Lực-lượng Yêu nước và Dân-chủ" (Committee for Coordination og Patriotic and Democratic Forces).
Khi Việt-cộng tấn công qua Căm Bốt vào năm 1978 để diệt Pol Pot thì CS Thái lâm vào tình trạng bị tống khứ khỏi lãnh thổ Lào vì CS Lào đứng về phía Việt-cộng. Bunyen Worthong và một nhóm sinh viên tách ra thành lập "Đảng Giải phóng Isan Thái Lan" thường gọi là đảng Pak Mai (Tân Đảng) tại Vientiane, ủng hộ CS Việt Nam và Lào

CS Thái chính thức lên án CSVN xâm lăng Căm Bốt vào ngày 7/6/1979. Sau đó quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Thái Lan và Trung Cộng được tái lập thì hai nước này coi Việt-cộng là địch thủ thân Sô-viết. Tầu Cộng cố vấn cho CS Thái giảm bớt sự chống đối chính phủ Thái và đài phát thanh của CS Thái trên lãnh thổ Trung-quốc bị ngưng hoạt động ngày 10/7/1979. Năm 1980 chính phủ Thái Lan qua nghị định 66/2521 ân xá cho các đảng viên CS về chiêu hồi. Tháng 3/1981 đảng Xã-hội huỷ bỏ quan hệ với đảng CS Thái, vì thấy đảng này bị ảnh hưởng bởi ngoại bang. Tháng 4/1981 lãnh đạo CS Thái yêu cầu đàm phán hòa bình với chính phủ; nhưng chính phủ Thái đòi tất cả cán binh CS phải bỏ súng trước khi khởi sự đàm phán.

Trong một công bố vào ngày 25/10/1981, thiếu-tướng Chavalit Yongchaiyudh, giám đốc phân bộ hành quân của Quân-đội Thái tuyên bố cuộc chiến chống các lực lượng CS Thái đã đi tới hồi kết thúc, khi tất cả các căn cứ lớn của Quân-đội Giải-phóng Nhân-dân Thái Lan ở miền Bắc và Đông-Bắc bị tàn phá. Năm 1982, Thủ-tướng Prem Tinsulanonda ban hành nghị định 65/2525 tiếp tục ân xá cho các cán binh CS Thái. Nhờ chính sách ân xá và chiêu hồi lực lượng quân sự và cán binh CS Thái ngày càng suy sụp. Trong thời gian này hai thủ lãnh cao cấp của Bộ Chính-trị CS Thái là Damri Ruangsutham và Surachai Sae Dan bị quân đội chính phủ bắt giữ. Trong thập niên 1990 người ta không ghi nhận các hoạt động quan trọng nào của CS Thái.

2/2- Sự nhúng tay vào Thái Lan của các đảng Cộng-sản trong vùng.

a)- Tầu Cộng

Cộng đồng người Tầu có mặt tại Thái Lan do hậu quả của hai cuộc các mạng Tân Hợi và Cộng-sản tại Trung Hoa vào năm 1911 và 1927. Sau đó CS Tầu len lỏi vào đám dân buôn, thợ thuyền và dân nghèo để hoạt động và có ảnh hưởng vùng Đông-Bắc Thái Lan, nơi mà CS Việt Nam đã hoạt động mạnh kể từ thập niên 1920. Năm 1923 Tầu Cộng gửi một nhóm tham mưu nhỏ tới Vương Quốc Thái và năm 1926 đảng Nanyang được thành lập tại Đông-Nam Á Châu. Năm 1927 hàng trăm thanh niên Tầu thành lập Thanh Niên Cộng-sản Xiêm (The Communist Youth of Siam: CYS) liên hệ với Đảng CS Siam (CPS). Tổ chức CS thứ hai chi nhánh của đảng CS Tầu tại Thái Lan có tên Đảng CS Tầu của Thái Lan (The Chinese Communist Party of Thailand: CCPT). Tuy nhiên, vào các năm 1921 đến 1931 nhiều cán binh CS Tầu ở Thủ-đô Bangkok và vùng phía Bắc bị bắt do chính sách bài trừ CS của chính quyền Thái Lan. Kể từ năm 1933 thì vấn đề tuyên truyền cho chủ thuyết CS bị coi là tội phạm chống lại quốc gia, khiến cho CS Thái rơi vào tình trạng suy thoái vào năm 1936.
Năm 1950, Thái Lan trở thành Đồng Minh của Hoa Kỳ và trở thành quốc gia đầu tiên tại Á Châu cung cấp quân đội và vật liệu cho Liên Hiệp Quốc tại chiến trường Triều Tiên. Để đáp lại, hàng loạt viện trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho chính quyền Thái Lan. Chính sách chống Cộng-sản và Tầu Cộng trở nên mãnh liệt hơn. Tầu Cộng giúp CS Thái tranh đấu tại nông thôn; nhưng chính sách cải cách của chính phủ Thái đã đóng vai trò quan trọng trong việc tranh thủ nhân tâm, khiến cho các nỗ lực của Tầu Cộng không đạt được thành quả khả quan.
Ngày nay thì khác, CS Tầu đã thành công trong việc chiếm Tây Tạng và qua tay sai Cộng-sản bản xứ tại các nước nhỏ nằm về phía Tây Trung-quốc giáp Ấn Độ như: Bhutan, Bangladesh, Nepal, Miến điện và Tích Lan (Sri Lanka) ở phía Nam… Tầu Cộng đang bành trướng chủ-nghĩa Mao Trạch Động (Maoism) qua các đảng hoặc nhóm Cộng-sản mang tên Đảng Mao (Maoist Party) hay Mặt-trận Mao (Maoist Front) hoặc Phong-trào Mao (Maoist Movement)v.v...

b)- Việt Cộng (VC)

Hồ Chí Minh, biệt hiệu là Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần đại diện Cộng-sản Quốc-tế (CSQT) do Sô-viết lãnh đạo tới Thái Lan để thành lập đảng Cộng-sản Thái Lan (CSTL) với sách lược nhuộm đỏ toàn bộ các quốc gia Đông Dương gồm Việt Nam, Cao Miên và Lào. Tháng 7-1928, Hồ đến Thái Lan, lấy cái tên Tầu lai là Thầu Chín, để hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở các tỉnh Udon Thaini, Phi Chit, Sakon Nakhon... trước khi về trú tại Na-Chock của tỉnh Nakhon Phanom. Ngày mới đến, Hồ đã hô hào dân Việt tại đây dựng lên ngôi nhà gọi là nhà hợp tác để làm nơi sinh hoạt và phổ biến Chủ-nghĩa Cộng-sản. Chính vì vậy mà ở khu vực Nakhon Phanom thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, một tỉnh đông Việt kiều, đã bị Hồ nhuộm đỏ lòm.
Là dân Thái gốc Việt mà hầu như nhà nào cũng treo hình ông tổ Cộng-sản họ Hồ! Năm 1936, qua chương trình diệt trừ Cộng-sản của chính phủ, ở phía Đông-Bắc Thái Lan nhiều cán binh Việt Cộng đã bị bắt. Số còn lại vội trở về nước tham gia vào các cuộc chiến chống Thực-dân Pháp. Từ đó ảnh hưởng của Cộng-sản Việt Nam (CSVN) và Cộng-sản Tầu (CST) suy giảm đối với Cộng-sản Thái. Năm 1954, Thái Lan và Phi Luật Tân tham gia vào Tổ-chức Hiệp-ước Đông-Nam Á "SEATO’ (The Southeast Asia Treaty Organization) với mục đích chống Chủ-nghĩa Cộng-sản qua liên minh với Tây-phương và với các quốc gia thân Tây-phương. Năm 1957, tướng Sarit Thanarat làm cuộc đảo chính lên nằm quyền lực. Năm 1959, hàng loạt nhân vật cánh Tả bị bắt và chính phủ ra lệnh cấm nhập hàng hóa nhập cảng từ Trung Cộng. Năm 1960, nằm trong kế hoạch phá vỡ liên minh Cộng-sản Đông Dương, quân đội Thái Lan đã hành quân bí mật với quân đội Mỹ trên chiến trường Lào.
Trong cuộc chiến Đông Dương và cuộc xung đột giữa Việt Cộng và Tầu Cộng vào năm 1979-1980 thì CS Thái mất phần lớn trợ giúp từ ngoại quốc. Nhiều cán binh CS đã giã từ du kích trở về thành phố qua chính sách chiêu hồi và ân xá của chính phủ Thái. Khi Việt Cộng xâm lăng Cam Bốt vào năm 1979 thì cuộc xung đột giữa CS Thái và VC xẩy ra. Đảng Cộng-sản Việt Nam (CSVN) kể từ năm 1975 có hứa sẽ trợ giúp quân sự cho CS Thái, nhân việc Hoa Kỳ thất bại tại Đông Dương, nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng tại Thái Lan. Những hứa hẹn được nhắc lại nhiều lần; nhưng CS Thái từ chối, cho rằng VC muốn tạo ảnh hưởng của mình vào phong trào cách mạng Thái Lan.
Đối với VC thì việc từ chối của CS Thái là ý muốn của CS Tầu để tránh sự bành trướng cuộc đấu tranh cách mạng trong vùng và chứng minh rằng CS Thái lệ thuộc chính trị vào CS Tầu. Trong thời kỳ đó CS Thái phải chọn giữa hai đồng minh cũ. Cuối cùng CS Thái đã đồng minh với Tầu và Khờ-me Đỏ (Khmer Rouge) rồi tố cáo CSVN là Chủ-nghĩa Đế-quốc Xã-hội tại Đông-Nam Á Châu. Chính vì vậy mà Thủ-tướng VC Phạm Văn Đồng đã tuyên bố hủy bỏ mọi trợ giúp cho CS Thái. Vào năm 1979, các mật khu của CS Thái và CS Thái gốc Tầu ở Lào-quốc bị dẹp bỏ và trục xuất. Trong cuộc xung đột giữa Việt Cộng và Pol Pot thì CS Thái cũng lo sợ Việt Cộng, nên chuẩn bị đối phó một cuộc xâm lăng Thái Lan từ phía Việt Nam.

c)- Miên Cộng

Ngày 4/11/2009 cựu thủ tướng Thaksin được chính phủ Căm Bốt công khai mời làm cố vấn đặc biệt cho chính phủ và thủ-tướng Hun Sen! Theo đài truyền hình Căm Bốt thì chính phủ Căm Bốt từ chối trục xuất Thaksin, vì coi ông ta là nạn nhân của sự kết án chính trị, mặc dù ông ta can tội tham nhũng. Để phản đối, ngày 5/11/2009, chính phủ Thái Lan triệu hồi Đại sứ ở Căm Bốt về nước và Căm Bốt cũng hành động tương tự. Trước biến cố này, người ta ghi nhận đã có cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Thái và Căm Bốt tại khu đền Preah Vihear, nơi mà cả hai nước đều cho là thuộc lãnh thổ của mình. Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva cho rằng hành động của chính phủ Căm Bốt là can thiệp vào nội tình Thái Lan và vi phạm các thoả ước song phương nên cần phải xét lại. Cuộc xung đột lãnh thổ về phương diện lịch sử giữa Căm Bốt và Thái Lan, trong đó có ngôi chùa nổi tiếng Thế-giới là Angkor cũng từng tạo nên căng thẳng giữa hai nước trong nhiều năm qua.

d)- Phi Cộng (Đảng CS Phi Luật Tân: The Communist Party of Philippines: CPP)

Theo sự khám phá của Cơ-quan Phối-hợp Tình-báo Quốc-gia "NICA" (The National Intelligence Coordinating Agency) của Phi Luật Tân thì cán bộ Cộng-sản Phi không chỉ nhận diện được ở Ấn Độ mà cả tại Thái Lan và các quốc gia láng giềng vùng Đông Nam Á. Theo Pedro Cabuay, Giám-đốc của Cơ-quan Phối-hợp Tình-báo Quốc-gia thì các cán bộ CS Phi được xuất cảng qua Ấn Độ để huấn luyện đám tay sai Cộng-sản theo chủ thuyết Mao Trạch Đông (Maoism và những người theo chủ-thuyết này gọi là Maoists). Cơ quan NICA hợp tác với Cơ-quan Trung ương Tình-báo Mỹ "CIA" và "Mossad" (HaMossad leModi’in uleTafkidim Meyuchadim) của Do Thái cũng như với các Cơ-quan tình báo của các quốc gia trong khối ASEAN (The Association of South East Asian Nations). Theo giám-đốc Cabuay thì người sáng lập Cộng-sản Phi, Jose Maria Sison, hiện tỵ nạn tại Hòa Lan, đã vận động đảng viên của mình vào một tổ chức mang tên "Liên-đoàn Quốc-tế Nhân-dân Đấu-tranh" (International League of Peoples Struggle). Liên đoàn này có 40 chi nhánh trên Thế-giới. Qua sự phối hợp giữa hai Cơ-quan Tình-báo Ấn-Phi thì tin tức cho biết CS Phi huấn luyện cho Cộng-sản địa phương của Ấn Độ về chiến tranh du kích tại Tiểu-bang phía Tây Gujarat.

e)- Phải chăng cựu Thủ tướng Thaksin hoạt động có lợi cho Cộng-sản?

Người ta không hiểu tại sao một cựu Thủ-tướng bị Tối Cao Pháp Viện Thái Lan tuyên án về tội tham nhũng mà thiểu số Áo Đỏ lại phản đối và các quốc gia khác vẫn coi thường phán quyết này, để cho Thaksin tự do hoạt động ngoài vòng pháp luật?
Cựu Thủ-tướng Thaksin đã xin tỵ nạn tại Trung-quốc, Nicaragua và nhiều nước Nam Mỹ và Phi Châu. Tường trình cho biết Thaksin đã được quốc gia Bahamas và Nicaragua dành cho tước hiệu công dân danh dự. Thaksin cũng đã xây một lâu đài, trị giá 5,5 triệu bảng Anh, tại Trung-quốc! Chính sự kiện này khiến người ta nghi ngờ có bàn tay nhám của Tầu Cộng trong các vụ bạo loạn tại Thủ-đô Bangkok hiện nay. Tháng 5/2009 theo tường trình thì Thaksin đang ở Dubai. Phát ngôn viên cho biết Thaksin đã sử dụng giấy thông hành (Passport) của 6 quốc gia, không có giấy thông hành Thái Lan. Tháng 12/2008, Thaksin mượn danh nghĩa cao cấp xin Visa một năm của Đức-quốc, nhưng bị chính phủ Đức rút lại vào ngày 28/5/2009. Năm 2009 người ta được biết Thaksin trở thành công dân của nước Montenegro và Nicaragua công nhận Thaksin như một nhà ngoại giao, có nghĩa ra vào nước này theo qui chế ngoại giao.

III- Thái Lan có thể trở thành Việt Nam thứ hai không?

Trước các cuộc bạo động, đốt phá và bất tuân luật pháp của phe Áo Đỏ, người ta liên tưởng ngay tới sự nhúng tay của Cộng-sản trong khu vực. Các vấn đề sau đây có thể chứng minh một phần hay toàn phần hành động của các nước Cộng-sản Á Châu:

-Bằng chứng 1: Nhà cầm quyền Căm Bốt do Thủ-tướng Hun Sen cầm đầu đã mời cựu Thủ-tướng Thaksin của Thái Lan làm cố vấn kinh tế. Thủ-tướng Miên Cộng Hun Sen có vợ là người Việt Nam, được huấn luyện và hỗ trợ bởi Việt Cộng. Chính Việt Cộng đã đưa Hun Sen về nước nắm quyền sau khi Khmer Đỏ của Pol Pot bị đánh bật ra khỏi Thủ-đô Nam Vang trong cuộc xâm lăng Căm Bốt của Việt Cộng vào năm 1978-1979. Vì thế, nếu Hun Sen công khai mời Thaksin làm cố vấn cho ông ta thì người ta có thể hiểu ngầm là có sự đồng ý của Việt Cộng. Thực tế cho thấy 6 tỉnh phía Đông-Bắc Thái Lan, có dân số khoảng 10 triệu người, đã và đang bị Căm Bốt thăm dò qua các hành động khủng bố và đe đọa kiểu cộng-sản. Hàng chục dân làng bị ám sát chứng tỏ cánh tay dài của cộng-sản, nhân sự và tuyên truyền đã từ Lào vượt quan sông Cửu Long vào Thái Lan để thực hiện chính sách bành trướng của Cộng-sản.

-Bằng chứng 2: cựu Thủ-tướng Thaksin đã xây căn nhà trị giá 5,5 triệu Bảng Anh tại Trung-quốc. Tại sao Tầu Cộng lại chứa chấp Thaksin và cho ông ta xây nhà trên lãnh thổ mình, trong khi Thái Lan và Trung Quốc cùng là hội viện của ASEAN và có quan hệ thương mại với nhau trong nhiều năm?

-Bằng chứng 3: Trong một bài viết ngày 13/4/2010 của một mạng lưới truyền thông (đính kèm trong phần tài liệu tham khảo) có tựa đề "Cuộc bạo động Thái Lan là niềm hân hoan cho Nhà cầm quyền Việt Nam" (The Thai unrest is boon for Vietnamese government) đã nhận định rằng: các cuộc xung đột tại Bangkok giữa lực lượng cảnh sát cùng quân đội và những người Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ-tướng Thaksin đã gây nên cái chết cho 21 người và hàng chục người bị thương trong cuối tuần qua lại làm cho Nhà cầm-quyền Việt Nam có cớ so sánh sự bất ổn của Thái Lan và sự ổn định của Việt Nam!
Phạm Chiến Khu, Giám-đốc Viện Nghiên-cứu Quan-điểm Xã-hội, một bộ phận của Đặc-nhiệm Tuyên-truyền của đảng CSVN đã tuyên bố: "Thật hợp lý để nói rằng các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ chuyển đầu tư của họ từ Thái Lan sang Việt Nam. Các nhà đầu tư ngoại quốc tìm thấy ở Việt Nam có chế độ chính trị ổn định, như vậy các nhà đầu tư ngoại quốc đầu tư thay vì ở Thái Lan có lẽ chọn Việt Nam".
Lời phát biểu trên để lộ ý đồ "Ngư ông thủ lợi" của Việt Cộng.

-Bằng chứng 4: Không trực tiếp nói ra; nhưng Việt Cộng và Tầu Cộng vẫn còn rất sợ Thái Lan cho Hoa Kỳ sử dụng các phi trường của Thái vào mục tiêu quân sự để can thiệp vào vùng Á Châu, trong đó biết đâu có cả Việt Nam, Căm Bốt, Lào và Trung quốc trong tương lai?
Do đó các nước Cộng-sản trong vùng muốn lật đổ các chính quyền Thái Lan thân Hoa Kỳ. Nếu không lật được thì họ sẽ gây rối loạn chính trị và làm bất ổn thị trường kinh tế. Từ đó dân chúng Thái sẽ bạo động chống chính quyền và các nhà đầu tư ngoại quốc tránh xa Thái Lan.
Kể từ khi Thống-tướng Sarit Thanarat nắm quyền lực vào năm 1958 thì Thái Lan được coi là bàn đạp của Hoa Kỳ trong cuộc chiến bí mật chống các phong trào Cộng-sản tại Việt Nam, Cam Bốt và Lào. Thỏa hiệp mang tên Thanat-Rush được ký kết giữa Bộ-trưởng Ngoại-giao Mỹ Dean Rush và Thái Lan Thanat Khoman vào năm 1962 nhằm xác định Hoa Kỳ sát cánh cùng Thái Lan chống lái các cuộc tấn công của Cộng-sản trong nước và từ nước ngoài. Theo thỏa hiệp Hoa Kỳ cũng hứa viện trợ kinh tế và xã hội cho Thái Lan. Quân đội Thái được Hoa Kỳ huấn luyện và tài trợ. Đổi lại, Thái Lan cho phép 7 căn cứ Không-quân Mỹ được hiện diện trên đất Thái để chống Cộng-sản Đông Dương
a)- Trong cuộc chiến Việt Nam, Thái Lan đã cho Hoa Kỳ xây dựng phi trường quân sự tại Pattaya và phi trường này được trao lại cho Thái Lan sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.
Ngoài ra, Thái Lan còn cho Hoa Kỳ sử dụng căn cứ Không-quân Hoàng-gia tại Udorn (Udorn Royal Thailand Air Base) nằm về phía Bắc và phi trường U-Tapao ở phía Nam dành cho các phản lực cơ oanh tạc khổng lồ B.52 của Mỹ trong chiến dịch oanh tạc miền Bắc Việt Nam. Hoa Kỳ trong tháng 3/1975 cũng đã dùng phi trường U-Tapao để tiến vận quân dụng và vũ khí cho Tướng Lon Nol, người đảo chính Vua Shianouk lên nắm chính quyền tại Nam Vang.
Đặc biệt ngày 20-21/11/1970, trong cuộc hành quân táo bạo mang tên Kingpin, Lực-lượng Đặc-biệt Mũ Xanh (Green Berets) của Lục-quân Mỹ được sự yểm trợ của toán Đặc-nhiệm 77 của Hàng-không Mẫu-hạm Hải-quân Hoa Kỳ, đã thi hành nhiệm vụ cứu khoảng 100 tù binh Mỹ bị giam tại tỉnh Sơn Tây miền Bắc Việt Nam. Cuộc hành quân tối mật do hai phi cơ trực thăng USAF HH-53s và HH-3 phát xuất từ căn cứ Không-quân Hoàng-gia tại Udorn. Cuộc hành quân không đem lại kết quả, vì khi Lực-lượng Đặc-biệt Mỹ đổ bộ xuống trại tù binh Sơn Tây thì các tù nhân đã được VC di chuyển tới một vị trí khác rồi! Người ta không hiểu tình báo VC biết trước kế hoạch của Mỹ hay tin tức tình báo của Hoa Kỳ không chính xác?
b)- Trong cuộc chiến Iraq và A Phú Hãn (Afghanistan), Thái Lan cũng cho phép Không-quân Mỹ sử dụng phi trường Thái để thực hiện các phi vụ tấn công hoặc yểm trợ các mục tiêu quân sự tại hai chiến trường này.

Kết-Luận

Hiện tại người ta chưa tìm được bằng chứng thiết thực Tầu Cộng, Việt Cộng, Miên Cộng và Lào Cộng trực tiếp nhúng tay vào nội tình Thái Lan qua cuộc bạo động phá hoại vừa qua nhằm lật đổ chính quyền và hủy bỏ Vương quyền Thái. Nhưng dựa vào các sự kiện lịch sử đã và đang xẩy ra tại một số quốc gia Á Châu, người ta thấy rằng:
Một Tây Tạng, quê hương của Phật-giáo Mật-tông, của các Đạt Lai Lạt Ma đã bị Tầu Cộng nhuộm đỏ từ năm 1950, trước sự ngỡ ngàng và chỉ biết tiếc thương của Thế-giới.
Một Vương quyền Nepal đã bị sụp đổ, vì đảng CS Népal đã triệt để khai thác và áp dụng thành công lý thuyết Mao Trạch Đông (Maoism) và chiến lược Chiến tranh Du-kích (Guerrilla Warfare) và Chiến-tranh Nhân-dân (People’s war). Nay đảng CS Nepal lại nắm đa số trong Quốc-hội và đang có ý định hủy bỏ hiến pháp, lật đổ chính quyền, để độc đảng cai trị, nhuộm đỏ nước này và nằm trong quỹ đạo của Tầu Cộng. Cuộc tổng đình công của phe Mao trong tháng 5/2010 là một chứng minh cụ thể cho thấy sức mạnh phe CS Nepal.
Một Tích Lan (Sri Lanka) từng mệnh danh là quê hương thứ hai của Đức Phật cũng đang chịu ân nghĩa của Tầu Cộng. Với vũ khí, bom đạn và viện trợ của Tầu, chính quyền Sri Lanka đã dẹp tan Tổ chức Tamil đối lập thân Tây-phương, nay chịu áp lực nằm trong quỹ đạo và cho Tầu Cộng thiết lập căn cứ hải quân đầu tiên tại Ấn Độ Dương!
Một Ấn Độ, một trong các quốc gia hàng đầu đang trên đà phát triển kinh tế cũng đang phải đối phó với loạn quân xưng danh Maoists và các cuộc xung đột biên giới giữa Ấn và Trung vẫn còn tiếp diễn.
Một Bắc Hàn, đàn em hung hăng của Tầu Cộng, trong tháng vừa qua đã khiêu khích quân sự bằng cách đánh đắm chiến hạm của Nam Hàn tại hải phận giữa hai nước. Sự khiêu khích này trước hết nhằm phô trương sức mạnh nguyên tử của Cộng-sản Bắc Hàn; kế đến tạo nên khủng hoảng cả về chính trị lẫn quân sự trong bán đảo Triều Tiên. Nó sẽ đưa tới hậu quả là các nhà đầu tư ngoại quốc e ngại sự bất ổn trong vùng sẽ gây thiệt hại cho các chương trình đầu tư của họ vào Nam Hàn, một con Rồng Kinh-tế Á Châu.
Chiến lược xâm lăng lâu dài của Tầu Cộng là dùng các đảng Cộng-sản hay tổ chức Maoism tại địa phương để khuấy động và gây rối tại các quốc gia Á Châu về chính trị sẽ đem lại lợi ích cho Tầu Cộng nói riêng và các nước Cộng-sản trong vùng nói chung. Sự bất ổn chính trị tại Thái Lan hay Nam Hàn sẽ là cớ khiến cho các nhà đầu tư của Hoa Kỳ và Tây Phương không muốn đầu tư vào các nước liên hệ.
Thuyết Domino của cố Tổng-thống Eisenhower đã đúng một phần: Việt Nam, Căm Bốt và Lào đã bị nhuộm đỏ bởi Chủ-nghĩa Cộng-sản. Các quốc gia vùng Đông Nam Á còn lại là Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba, Brunei và Phi Luật Tân dù chưa bị nhuộm đỏ, nhưng các đảng Cộng-sản theo chủ-thuyết Mao đang có cơ hội phát triển mạnh.
Hiện nay Tầu Cộng, Việt Cộng, Miên Cộng và Lào Cộng không dám ra mặt trực tiếp nhúng tay vào cuộc lật đổ chính quyền Thái Lan hay một số quốc gia trong vùng, vì các nước này đều là hội viên của Hiệp-hội Các Quốc Gia Đông Nam Á "ASEAN". Một trong các qui định trong hiệp-ước của tổ chức này là "các quốc gia hội viên không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".
Nhưng, với chính sách cho vay tiền nhẹ lãi, trợ giúp tài chính vô điều kiện (không đòi hỏi về Nhân-quyền), viện trợ quân sự dễ dàng v.v… như trong chiến tranh Việt Nam, Tầu Cộng dần dà lôi kéo hoặc làm áp lực các quốc gia chịu ơn phải nằm trong quỹ đạo của Tầu.
Đến một thời điểm nào đó khi Tầu Cộng trở thành Đế-quốc có sức mạnh quân sự và kinh tế ngang hàng với Hoa Kỳ thì giấc mơ "Đại Đông Á" của Minh Trị Thiên Hoàng và Phát-xít Nhật trong Đệ Nhị Thế-chiến sẽ được Tầu Cộng thi hành thành công, không bằng chiến tranh bom đạn, mà bằng chiến lược xâm lăng bằng kinh tế.
Cuối cùng, nếu các quốc gia liên hệ không chịu qui phục thì Tầu Cộng sẽ dùng tay sai Maoists ở các quốc gia liên hệ phát động các cuộc cách mạng vũ trang và nếu cần, Tầu Cộng không ngần ngại sử dụng chiến thuật biển người hoặc vũ khí nguyên tử.