Dân Chúa Âu Châu

Những cái chết không người yêu vuốt mắt

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Đôi lời giới mở đầu

Bỏ tù các Sĩ-quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (SQ/QLVNCH) qua cái gọi là chính sách cải tạo của Việt Cộng kể từ sau ngày 30.4.1975 là nguyên nhân đưa tới nhiều cái chết oan nghiệt trong các trại cải tạo. Là một Sĩ-quan từng trải qua các trại cải-tạo Trảng Lớn, Kà-tum và Suối Máu, tôi đã có dịp chứng kiến tận mắt những cái chết thê thảm. Nguyên nhân đưa tới những cái chết tức tưởi của các chiến sĩ VNCH trên chiến trường hay trong nhà tù Cộng-sản dĩ nhiên là hậu quả của mưu đồ xâm chiếm miền Nam và chính sách cải-tạo của Việt Cộng (VC).
Nhân kỷ niệm 35 năm Quốc Hận, xin kể lại đây tâm tư của SQ/QLVNCH trong tù cải tạo vào thời điểm năm 1978-1980 và sự ra đi về bên kia thế giới của một số chiến sĩ VNCH. Mời quí độc giả trở về với quá khứ để tưởng nhớ "Những cái chết không người yêu vuốt mắt!’’

Thấm thoát đã bốn năm trôi qua. Bốn năm nằm trong trại cải tạo, người sĩ quan Pháo-binh có cảm tưởng dài như bốn thế kỷ! Thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi; chương trình cải tạo vẫn được tiếp tục không mốc hạn. Đảng Cộng sản hy vọng qua chính sách cải tạo, những người thuộc chế độ cũ sẽ gột rửa được tư tưởng chống phá Cách-mạng, để đổi chiều "Yêu nước là yêu Chủ-nghĩa Xã hội". Người Cộng-sản không hay chưa nhận ra được chân giá trị giữa Chủ-nghĩa Tự do và Xã-hội Chủ-nghĩa. Họ cũng chưa chứng minh được Xã-hội Chủ-nghĩa "ưu việt" ở chỗ nào. Nếu đem cuộc sống của dân chúng thuộc khối Cộng-sản Đông Âu, Trung-cộng và Việt-cộng, để so sánh với nếp sống của Tây-phương hay miền Nam Việt Nam; người ta thấy có sự chênh lệch khá cao.

Tuy nhiên sự khác biệt về kinh tế, về phương diện vật chất không quan trọng bằng lãnh vực tinh thần, đó là sự tự do, một báu vật đã được định giá bằng máu và nước mắt của bao nhiêu thế kỷ. Vì không chứng minh được cái hay cái đẹp của Chế-độ Cộng-sản, làm sao họ có thể thuyết phục được sĩ quan cải tạo, những người có trình độ hiểu biết đáng bậc thày của giáo viên cải huấn, những người đã nhận thức sâu xa giá trị của tự do dân chủ xuyên qua các trào lưu tư tưởng lớn của nhân loại.

Từ chủ trương và chính sách một chiều, từ trên xuống dưới chỉ biết nhai đi nhai lại một điệp khúc "Yêu nước là yêu Chủ-nghĩa Xã-hội", nghe hoài nhàm tai. Chính sách cải tạo dưới con mắt của Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà chỉ là kế hoạch trả thù, chứ không phải xóa bỏ hận thù. Cái khẩu hiệu "Không làm không có ăn", nếu so sánh giữa hai miền thì Miền Nam giầu có, ấm no và hạnh phúc hơn miền Bắc. Như vậy phải ca tụng đồng bào miền Nam và hoan hô các chiến sĩ Quốc-gia đã đấu tranh để bảo vệ tự do và hạnh phúc của miền Nam mới phải. Như vậy: cán ngố Việt-cộng cần được đưa vào các trung tâm để nâng cao trí tuệ mà các giảng viên phải là Sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới hợp lý.

Từ đó, dù thời gian qua đi, nhưng những kỷ niệm oai hùng xưa không thể nào phai mờ trong tâm trí của những người trai thời chinh chiến. Quá khứ càng anh hùng, thực tại càng đau đớn xót xa. Tự-do không còn, Dân-chủ đã mất. Không hình ảnh nào thấm thía bằng hai câu thơ vừa có ý châm biếm, vừa có ý phản kháng Chế-độ Cộng-sản, mà đồng bào miền Nam và các Sĩ quan còn đang sống trong các trại cải tạo hầu như đã thuộc lòng:

"Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý,
Đồng khởi vùng lên mất Tự do ".

Đảng Cộng-sản đổi đường Công Lý thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do thành đường Đồng Khởi tại Thủ đô Sài gòn, không ngoài mục đích xóa bỏ những danh xưng đường phố cũ và nêu cao những cuộc khởi nghĩa của Việt-cộng. Nhưng người ta cũng hy vọng rằng những con đường này sẽ là khởi điểm bùng nổ cuộc cách mạng giải phóng quê hương vào một ngày nào đó, để Công-lý lại về với lẽ phải và Tự-do lại được hồi sinh, để Nhân Quyền được bảo đảm

Cả miền Nam bao phủ mầu cờ búa liềm đỏ máu, mầu cờ mà dân chúng Miền Bắc, đặc biệt là dân di cư năm 1954, khi nhìn thấy đều kinh hoàng; mầu cờ mà các nhà cách mạng, các đảng phái Quốc-gia trong thời kỳ kháng Pháp và chống Nhật năm 1945, nhìn thấy là tủi buồn uất hận.

"Giải phóng Miền Nam", một khẩu hiệu đã đầu độc hàng chục ngàn thanh niên miền Bắc lao đầu vào cuộc chiến tàn khốc và bỏ thây trong rừng thiêng nước độc, trên đường mòn xâm lược của họ Hồ. Đại Thắng Mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng đồng bào miền Nam từ chỗ giầu sang, trở về thời kỳ "bần cố nông", và từ cuộc sống tự do sung túc lâm vào kiếp khủng bố đọa đầy!

Bốn năm qua rồi, nhưng đa số Sĩ quan cải tạo vẫn còn bị nhốt trong tù. Nếu dựa vào Hiệp Định Ba Lê năm 1973, thì chính sách cải tạo không phải là khoan hồng nhân đạo; mà là vô nhân đạo. Vì sau thời gian học tập tốt, Đảng lại đưa ra khẩu hiệu "Lao động tốt" để đánh giá sự hối cải của từng Sĩ quan cải tạo. Có học phải có hành, tư tưởng tốt phải thể hiện qua hành động. Vì thế kế hoạch thi đua lao động và chọn lựa những "Anh hùng lao động" được tung ra, là một âm mưu bóc lột sức người và tạo ra cảnh cạnh tranh bất chính hoặc gây ra những xung đột về tư tưởng cũng như hành động trong các Sĩ quan cải tạo.

Để thi hành chương trình "Lao động tốt", Đảng lại đưa các sĩ quan cải tạo đến vùng rừng núi miền Bắc, miền Trung, Cao nguyên hay vùng sình lầy châu thổ sông Cửu Long. Bốn năm qua đi, nay coi như làm lại từ đầu. Rừng Kà-tum không thâm sơn chướng khí đủ, nên các Sĩ quan QLVNCH lại được đưa đi xa hơn nữa, lên Bình Long, Phước Long, Kon-tum, Buôn Mê Thuột, Tánh Linh, Xuyên Mộc, rừng lá và miền Trung v.v... để thử nước độc và làm bạn với muỗi rừng gây bệnh sốt rét.

Những Sĩ quan có tên trong danh sách "Anh hùng lao động" hay những người còn nằm chờ như "cá nằm trên thớt!", gương mặt trông chẳng còn thần khí như xưa! Đa số lo sợ "Ra đi không có ngày về!" Có người bi quan thở dài: "Kỳ này chắc được về Vùng V (Năm) Chiến Thuật! Còn gì nữa mà mong ngày đoàn tụ!" Tất cả những người sẽ ra đi hay còn nằm chờ trong trại cải tạo Suối Máu ở Hố Nai, Biên Hòa đều bị giao động và choáng váng.

Trời đất như có vẻ cảm thông thân phận của các Sĩ quan cải tạo. Không gian bỗng trở nên âm u, mưa phùn rơi rả rích suốt đêm ngày.

Vì đang sống trong thời gian chờ đợi để được kêu tên, các Sĩ quan không phải đi lao động bên ngoài. Những lúc rảnh rỗi, đa số anh em ngồi từng nhóm chơi cờ tướng hay làm những đồ kỷ niệm, để khi có dịp thăm nuôi tặng người nhà; cũng như để ghi khắc thời kỳ tủi buồn nhất trong đời.

Trong lúc ngoài trời vẫn đổ mưa, cảnh vật chìm lặng dưới mây mù gió lộng, bỗng một luồng sét đánh rung chuyển cả dẫy nhà K.3 nơi tôi đang ở. Sét đánh tung mái tôn, gẫy cột nhà. Từ ngoài sân bỗng có tiếng la thất thanh:

- Chết tôi rồi!

Những người đang tắm dưới mái tôn vội chạy vào nhà. Người ở trong nhà thì chạy ra khiêng anh sĩ quan bị sét đánh da cháy xám và bất tỉnh. Anh em vội vàng, người thoa dầu, người làm hô hấp nhân tạo và tất cả những phương pháp khác để cứu nạn nhân. Sau đó anh được đưa sang bệnh xá K.30 để cấp cứu. Nhưng số bất hạnh, anh bị chết ngay trên đường di chuyển. Cây trứng cá gần chỗ tôi ngồi, vô tội vạ; cũng bị sét đánh gẫy cành, rớt ngọn. Tôi và một số anh em ngồi dựa vào cột nhà bằng sắt, cũng bị điện sét giật, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Mưa vẫn rơi. Gió vẫn thổi. Sấm vẫn nỗ rền vang trên không trung. Sau giây phút sét đánh bàng hoàng, các sĩ quan cải tạo trở về vị trí của mình. Ai nấy đều nằm nhìn trời, đầu óc suy tư bâng khuâng.

Có người giầu tưởng tượng cho rằng "Trời muốn đánh tan những gian nhà nhốt Sĩ quan cải tạo", như vậy sắp được tha. Người khác lại cho rằng "Sét đánh là điềm xui, phen này đi dễ, khó về!".

Trong tâm tư, mỗi Sĩ quan đều nghĩ về số phận các bạn mới ra đi lao động nơi miền rừng núi hồi sáng sớm tinh sương. Giờ này họ tới đâu?

Ai cũng lo lắng bồi hồi và tự hỏi: "Bao giờ tới lượt mình? Thời gian thử thách bao lâu, để được gọi là học tập tốt, lao động tốt?"

Một số sĩ quan già, qua kinh nghiệm vào những năm của thập niên 1950, qua cái gọi là chính sách "Trăm hoa đua nở" tại miền Bắc vào các năm 1957-1958, thì không một ai tin rằng có đi lao động mới chóng được tha. Đối với các sĩ quan trẻ, thì sau ba năm cải tạo, họ đã hiểu được sự lừa dối của Đảng và Nhà nước Cộng-sản. Vì thế hầu như ai cũng nghi ngờ và thất vọng. Tình trạng vượt tù ngày càng gia tăng. Bệnh khủng hoảng thần kinh hay các bệnh nan y bộc phát ngày một nhiều. Tình trạng tuyệt vọng đưa tới những vụ tự tử, một hiện tượng có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong các trại cải tạo.

Mọi người đang nằm suy tư, bỗng có tiếng xe di chuyển và tiếng nói ồn ào:
- Ủa! Đoàn xe chở các sĩ quan đi lao động hồi sáng sớm; sao giờ lại trở về?
- Chắc ngày mai lại có "biên chế" hoặc có người được tha.
- Còn khuya! Làm gì có chuyện tha! Đi lao động mút chỉ!

Những tiếng bàn luận mỗi lúc một to. Tôi vội đi ra ngoài để quan sát và xem tình hình như thế nào. Vừa ra khỏi láng, tôi nghe một sĩ quan trở về nói lớn:

- Mưa quá! Đường bị ngập lụt. Nước cuốn trôi cả cầu, nên đoàn xe phải quay đầu trở lại. Mai đi tiếp.
Ai nấy đều thở dài!

Trong tâm trí, người nào cũng biết rằng tương lai thật đen tối. Những khu rừng hoang thú dữ sẽ là nơi sinh hoạt của các anh hùng lao động. Con đường đưa tới lao động vinh quang là con đường đất sình lầy ngập lụt. Trại lao động vinh quang là vài ba gian nhà lá trống trải tại những vùng "khỉ ho cò gáy". Vinh quang của các anh hùng lao động là mỗi ngày được vài ba củ sắn, dăm củ khoai hoặc ba bốn muỗng bo bo; để rồi phải vào rừng hàng cây số, vác cây hai ba người ôm, phá rừng làm rẫy, đắp những con đường đất dẫn vào núi đồi trùng điệp, những con đường chiến lược được xử dụng nhằm phục vụ cho chính sách bành trướng của Chế-độ Cộng-sản Quốc-tế và Việt Nam.

Những người trở về đêm nay lo âu, ngủ không được. Người còn ở lại thì suy tư miên man, thức trắng đêm. Hình ảnh một thời lao động cực khổ tại Kà-tum, Sa-mát, nay lại hiện ra trong tâm trí của các SQ/QLVNCH đã hơn một lần nằm gai nếm mật. Tương lai đi về đâu và số phận mình sẽ ra sao, không ai biết được.

Vì chương trình đưa Sĩ quan cải tạo đi lao động tại miền rừng núi; nên một số gian nhà tôn K.3 ở phía sau, gần cầu tiêu, bị bỏ trống. Trong khung cảnh đen tối của những đêm mưa buồn, các Sĩ quan còn lại thường kể cho nhau nghe những truyện ma quái vô tội vạ. Các câu truyện về "Ma Lai rút ruột, ma Cà Rồng ăn xác chết tại nghĩa địa, Oan hồn tử sĩ trở về khóc than v.v..." là những đề tài khá hấp dẫn và thường làm cho những người yếu bóng vía không dám đi cầu tiêu ban đêm.

Tại K.3 này, đã có một Đại- úy Thiết-giáp thắt cổ tự tử sau hiên nhà vệ sinh. Anh có để lại bức thư tuyệt mệnh gửi cho vợ con. Vì chết trong oan nghiệt, đêm đêm anh trở về láng thăm bạn bè. Nhiều người nghe anh đi tới đi lui, guốc kêu lọc cọc. Đôi guốc cố hữu mà anh vẫn mang mỗi ngày trong trại cải tạo. Hình ảnh anh thắt cổ treo toòng teng bên hiên nhà càng làm cho khu nhà bỏ trống thêm âm u hoang vắng, đặc biệt vào những đêm mưa phùn gió bấc và đêm đông lạnh giá.

Những người nhát gan đêm đêm không dám nằm ngủ ngoài bìa, không dám đi giải quyết "đệ tứ khoái" vào ban đêm. Vì thế, cứ vào buổi chiều, trước khi màn đêm sắp buông xuống, nhiều anh em đã đứng sắp hàng dài cả trăm mét để "tống khứ chất bã" cho cái bầu tâm sự vơi đi. Ban đêm anh nào bị đau bụng bất ngờ, bị "Tào Tháo đuổi", thường phải năn nỉ bạn bè đi theo.

Chiều nay sao buồn quá! Gió đơn côi thổi qua các khe cửa của dẫy nhà tôn bỏ trống tạo nên những tiếng rít nghe rợn người. Bầu trời đen nghịt do mây mưa bao phủ. Cảnh vật bị chìm đắm trong màn đêm tĩnh mịch. Mưa rơi rả rích trên mái tôn, trong lòng người cô quạnh. Đêm buồn hiu không ru nổi giấc ngủ. Một chàng sĩ quan trẻ thuộc binh chủng Pháo binh rảo bước trong các căn nhà bỏ trống. Đêm buồn đưa tâm tư anh trở về dĩ vãng. Anh nhớ những ngày đầu gặp gỡ người yêu, nhớ câu ca dao mà anh đã mượn cớ để mở đầu câu chuyện tán tỉnh:

Bây giờ Mận mới hỏi Đào,
Vườn Hồng đã có ai vào hay chưa?

Là nữ sinh văn hay chữ tốt, V… liền đối lại cũng bằng hai câu ca dao với cử chỉ thật duyên dáng:
Mận hỏi thì Đào xin thưa,
Vườn Hồng có lối nhưng chưa ai vào!

Thế rồi hai người quen nhau, yêu nhau và dìu nhau dạo trên các con đường phố, trong công viên hay bên bờ hồ thơ mộng. Nhưng rồi chiến tranh lan rộng trên khắp lãnh thổ miền Nam. Tết Mậu Thân 1968, những tiếng đạn chát chúa thay cho tiếng pháo Giao thừa. Xác pháo tàn không thấy, chỉ thấy vỏ đạn AK văng đầy khắp nơi. Những tiếng hô "Xung phong" át cả lời chúc "Bình an" nhân dịp dân quân miền Nam đón Tết! Trẻ em thơ ngây thay vì được bộ quần áo mới, nay lại phải mặc áo tang. Cha khóc con, vợ khóc chồng, cả miền Nam ngụp lặn trong máu lửa binh đạo. Cảnh vui ngày Tết nay biến thành cảnh mai táng chia lìa.

Thế rồi, theo lệnh Tổng động viên, anh đã hân hoan lên đường làm nghĩa vụ giữ vững non sông. Anh ra đi với biết bao kỷ niệm: nhớ khi mới nhập ngũ bận trên mình bộ quân phục rộng thùng thình và dài lê thê trông thật tức cười; nhớ lúc đeo ba lô hành quân dã chiến, lúc gắn "Alpha" ra trường, ra đơn vị và thời gian xông xáo hành quân diệt địch trên chiến trường... là tất cả những kỷ niệm tuy gian nan nhưng hào hùng.

Nhưng bỗng chốc cuộc đời quân ngũ bước vào khúc quanh lịch sử. Tất cả chỉ còn là những kỷ niệm thương đau! 30-4-1975, ngày miền Nam bị Việt Cộng xâm chiếm, bị nhuộm đỏ bởi Chủ-nghĩa Cộng-sản Vô Thần! 30-4-1975, cuộc đời oai phong của các Sĩ quan QLVNCH bước qua một trang sử mới, trang sử bị tù tội đọa đầy. Cuộc đời được thêu dệt bằng những vòng hoa kẽm gai là cuộc đời vô nghĩa. Ngồi trong hàng rào kẽm gai tính từng ngày, mong từng bữa ăn, là những gì quá tủi nhục đắng cay. Đi lao động tại các khu rừng già hoang dã là cảnh tượng chán chường và thê lương khó tả. Hình ảnh các tù nhân phải lao động khổ sai đang ám ảnh và đè nặng lên tâm hồn chàng Sĩ quan Pháo binh trẻ tuổi.

Chiều nay, mưa giăng buồn khắp không gian. Chiều nay, các gian nhà bỏ trống trở nên vắng vẻ lạ thường. Chàng Sĩ quan lang thang một mình trong khu nhà điêu tàn, tay ôm từng cây cột và lắc mạnh những xà ngang. Mắt anh nhìn hờ hững vào không gian vô tận.

Gió vẫn rít qua các khe cửa như những tiếng ma hú gọi hồn. Mưa vẫn rơi tí tách trên mái nhà tôn rỉ xét. Mưa rơi trên lối đi. Mưa soi mòn những góc nhà hiu quạnh. Thời gian trôi mau. Màn đêm đã buông xuống. Tất cả sĩ quan cải tạo đều an giấc, chỉ còn những tiếng côn trùng tỉ tê dưới mưa khuya vắng vẻ nghe như những tiếng rên tha thiết, trầm buồn. Nó vọng lên như những âm điệu hòa tấu bi ai trong màn đêm u tối.

Thỉnh thoảng có tiếng mơ nói của một vài người đang ôn lại những kỷ niệm thời chinh chiến. Lâu lâu có tiếng thì thầm của một hai người rủ nhau đi cầu tiêu vào giữa đêm. Họ vội vã nhìn trước nhìn sau, vì phải đi băng qua khu nhà bỏ trống để tới nơi một người đã treo cổ tự tử cách đây không lâu.

Trong đêm tăm tối ma quái đó, có một bóng đen lặng lẽ bước đi trong căn nhà bỏ trống. Có lúc bóng đen dừng lại, lúc nhẩy lên cao, như muốn nắm lấy xà ngang. Nhưng rồi bóng đen đứng lại im lìm như kể lể.

"V…, anh viết cho em trong đêm buồn hiu hắt. Anh viết cho em khi tâm hồn anh đang giao động cực mạnh. Viết cho em để chứng tỏ rằng không bao giờ anh muốn xa em hay chối bỏ một tình yêu đã đượm mầu qua bao năm tháng. Đêm nay, đêm tăm tối kinh hoàng. Anh đã ôn lại chặng đường qua đi và hiện đang sống trong mặc cảm của những anh hùng ngã ngựa. Anh nhớ mãi những kỷ niệm êm đềm năm xưa, nhớ cử chỉ âu yếm, nhớ hành động ôm choàng lấy anh khi anh về phép, nhớ lúc em mân mê tà áo chiến binh, nhớ bàn tay mềm mại thon xinh vuốt nhẹ trên "Alpha’’ vai anh và nhớ lời em thường nói:

"Trông anh oai quá. Em yêu dáng kiêu hùng của những chàng trai thế hệ đi làm nghĩa vụ giữ gìn quê hương và bảo vệ tự do hạnh phúc cho đồng bào.’’

Viết cho em hôm nay cũng để xác định rằng, anh vẫn yêu em như thuở nào. Vẻ hào hùng ngày xưa, nay không còn nữa! Thân thể anh bắt đầu tàn tạ bơ phờ; nhưng tình yêu em không bao giờ thay đổi. Thân phận của anh cũng như các Sĩ quan khác là thân phận của những người mang tư tưởng chiến bại và bị bỏ quên trong ngục tù. Danh dự của người chiến sĩ chiến đấu cho tự do dân chủ, nay bị Việt-cộng chụp cho cái danh hiệu "Ngụy Quân!" Nếu dựa vào "Dân làm chủ và ý dân là ý Trời", thì người đấu tranh cho ước vọng Tự do Dân chủ của toàn dân là Ngụy Quân, hay kẻ khủng bố, đàn áp bóc lột và tước đoạt mọi quyền căn bản của dân mới là Ngụy Quân?

Tất cả các Sĩ quan chân chính đều mang nặng mặc cảm trước cuộc đời vô nghĩa còn lại. Tất cả không còn kiêu hùng, không còn là Đại Bàng tung cánh bay cao như một thời đã qua. Các anh đã mất công danh, tan sự nghiệp, lấy gì để bảo đảm đời sống cho gia đình, và là chỗ tựa cho những người vợ hiền hòa chung thủy! Từ những mặc cảm đó, một số Sĩ quan thường nói bông đùa với nhau:

-Kỳ này ra thăm nuôi, tớ sẽ nói với vợ: em hãy tự quyết định cho tương lai của mình. Nếu cần phải sống và lo cho con, hãy coi anh như người đã chết. Nếu có thể, Em hãy kiếm người khác có phương tiện và công danh cao hơn anh để bắt đầu một cuộc đời mới v.v...!"

Anh thật không ngờ, lời nói bồng bột thiếu đắn đo phát ra trong một lúc tâm hồn trống rỗng, khi con người cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, đã xúc phạm đến mối tình chung thủy của em. Xuất thân từ một gia đình gia giáo, trưởng thành trong môi trường luân lý đạo đức và luôn đặt niềm tin vào đối tượng mình yêu, lời nói kiểu bông đùa đó, đã vô tình dẫm nát tim em. Em đã sống xa chồng, sống trong tủi nhục vì mang danh là vợ Sĩ-quan Nguỵ! Em đã cực khổ suốt ngày để kiếm tiền nuôi con và từng giờ, từng phút, từng giây mong được gặp lại người yêu. Thời gian hội ngộ trong những lúc được thăm nuôi dù có ngắn ngủi, nhưng cũng đủ sưởi ấm lòng nhau, tạm đủ để làm vơi đi phần nào nỗi buồn tê tái của kẻ ở trong tù và người sống ngoài vòng kẽm gai.

Bao nhiêu hy vọng, bao nỗi nhớ thương bị một lời nói vô tình làm tan như mây khói! Danh dự của em bị xúc phạm. Lòng chung thủy của em bị coi thường. Tình yêu sâu đậm bao nhiêu, khi bị phũ phàng sẽ đau đớn nát tan không tưởng tượng nổi. Vì thế em giận anh, như giận một kẻ bạc tình. Em ra về trong tủi nhục. Em sống trong thất vọng và cuộc đời đã khổ đau, nay lại chồng chất đau khổ. Em tủi thân và thực sự muốn xa lánh anh. Những lần thăm nuôi sau này vắng bóng em, điều đó chứng tỏ em đã lạnh nhạt với anh.

Em ơi! Em hãy hiểu rằng: trong lúc khổ đau và thất vọng, nhiều người không thể kiểm soát được tư tưởng của mình. Có những người mắc bệnh nan y. Có những người rơi vào tình trạng đãng trí và có cả những người bị tê liệt, mù lòa, vì khóc than cho cuộc đời cải tạo! Anh cũng bị mặc cảm chi phối, anh không hoàn toàn kiểm soát được lời nói của mình và đúng ra, vì thương em, anh không muốn cuộc đời của em dính liền với thực tại thê thảm của người tù cải tạo, người đã hết thời. Sự vô tình của anh và sự giận hờn của em đã cắt đứt tình ta.

Em ơi! Cuộc tình đã đượm mầu qua bao năm tháng nay trở thành vô nghĩa, nay chỉ còn lại thương đau! Hết tình yêu, con người như cây khô, vô nghĩa. Cuộc đời không có em, còn ai sưởi ấm lòng anh. Anh đã hối hận. Anh đã khóc trong nhiều đêm dài thổn thức, kể từ khi em không còn đến thăm anh nữa.

Đêm nay, đêm cuối cùng của đời anh. Đêm nay kết thúc cuộc đời của một chiến sĩ không được hân hạnh hy sinh vì Tổ-quốc trên chiến trường; nhưng chết trong trại tù cải tạo.

Kính lậy cha mẹ,
Đêm nay con nhớ lại những lời cha mẹ kể về thời thơ ấu của con, thật đẹp và dễ thương. Đêm nay con nhớ lại những năm tháng dài được sống bên cha mẹ, những người luôn lo cho con mình từng miếng ăn, giấc ngủ và nhất là khi con đau ốm. Đưa con tới trường, dậy bảo con thành người hữu ích cho xã hội, là những hành động chứng tỏ sự quan tâm và tình thương bao la của cha mẹ dành cho con. Khi lập gia đình, khi có đứa con đầu tiên khôi ngô tuấn tú; lúc đó công ơn của cha mẹ ngày xưa, nay con mới hiểu rõ và tình thương cha mẹ mới thấm thía hơn nhiều. Cũng vì nghĩ lại thân phận mình, giờ con hối hận về những hành vi có khi đã làm mất lòng cha mẹ. Con còn nhớ những lần cãi lại cha mẹ, đôi lúc thô lỗ cọc cằn. Nếu hiểu theo đạo lý và phong tục Việt Nam, thì các hành vi đó cũng được coi như ngỗ nghịch.

Giờ đây, khi sa cơ thất thế, nhìn lại bản thân, con thấy xấu hổ vô cùng. Cuộc đời của con tuy không dựa trên những dối trá lưu manh; nhưng con vẫn cảm thấy vô nghĩa! Con không còn dịp báo hiếu cha mẹ và chăm sóc vợ con. Trong hoàn cảnh hiện nay, con hoàn toàn thất vọng. Tương lai mờ tối quá. Tương lai của một kẻ bại trận và vô dụng đối với gia đình.

Con thấy phải xa tất cả, sống cũng như thừa!
- Lậy cha mẹ, xin tha cho, con là đứa con bất hiếu!
- V… ơi! Anh là người chồng vô tình và vô dụng!
- Chào tất cả!!!

Thời gian lặng lẽ trôi. Màn sương vẫn còn bao trùm cả không gian. Xa xa có tiếng cú kêu não nùng như gọi hồn người về bên kia thế giới. Trại cải tạo Suối Máu vẫn còn chìm đắm trong sương mù. Nhiều người còn ngủ say. Trong khi đó có vài người dậy sớm tập thể dục, bóng hình chập chờn, tay chân cử động như những bóng ma trong căn nhà bỏ trống gần đường đi. Cảnh vật còn đang im lìm, bỗng có tiếng la thất thanh:
- Anh em ơi! Có người thắt cổ tự tử!

Những hồi kẻng báo động và báo thức vang lên. Toàn thể sĩ quan cải tạo tại K.3 bị rúng động qua lời thông báo lại có người thắt cổ tự tử. Nhiều sĩ quan sợ bị liên lụy không dám tới gần xác chết. Một số người bạo dạn hơn, tò mò đến gian nhà bỏ trống phía trong xem sao. Từ xà ngang trong căn nhà hoang vắng, một xác chết treo toòng teng, mặt tím bầm, lưỡi lè ra trông thật ghê sợ.

Bọn công an Việt-cộng được thông báo, vác súng chạy vào và cô lập khu vực. Sau khi khám xét sơ sài, tên cán bộ có trách nhiệm ra lệnh:
- Lấy cái chiếu bó lại, đem nó đi!

Khi lục soát đồ đạc của chàng Sĩ-quan cải tạo xấu số; người ta thấy hai bức thư ân tình và oan trái có nội dung tổng quát như trên.

Trời vừa hừng sáng, nhưng lại bị mây đen phủ kín. Mưa rơi lả tả trên K.3 kinh hoàng. Các sĩ quan cải tạo ngậm ngùi nhìn theo người bạn xấu số bị cuốn tròn trong chiếc chiếu cũ thảm thương.

Có những tiếng nghẹn ngào nức nở và tiếng thản thở não nề:
-Tội nghiệp thay! CÁI CHẾT KHÔNG NGƯỜI YÊU VUỐT MẮT!