Dân Chúa Âu Châu

Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Về sự thay đổi khí hậu

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

Trong những năm gần đây báo chí và hệ thống truyền thanh, truyền hình thường đề cập tới nhân loại đã, đang và sẽ còn bị các thiên tai tàn phá như: động đất, thời tiết nóng, bão lụt và hạn hán. Trước thảm họa này, người ta đặt câu hỏi tại sao có nhiều thiên tai như vậy?
Các bác học thiên văn, không gian và địa chất đã cùng nhau nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi tại sao. Một trong các thành quả nghiên cứu cho biết: thiên tai bão lụt và hạn hán là do sự thay đổi nhiệt độ bầu khí quyển của trái đất. Khí hậu thay đổi là đề tài chính được các nhà lãnh đạo của 192 quốc gia tham dự Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu đem ra bàn thảo và cố gắng tìm giải pháp thiết thực nhằm đối phó với những tai họa mà nhân loại sẽ gặp phải trong tương lai. Hội Nghị đã diễn ra tại Thủ-đô Copenhagen của Đan Mạch từ ngày 7 tới 18.12.2009.
Vì sự quan trọng của vấn đề, chúng tôi sẽ trình bày trong 2 bài về khí hậu thay đổi. Hậu quả của sự thay đổi này đưa đến nhiều tại họa cho nhân loại và các sinh vật khác. Bài 1: Thoả-hiệp căn bản Kyoto về vần đề giảm thiểu khí độc CO2. Bài 2: Kết quả của Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu "COP15" (1) tại Copenhagen.

I- Đôi hàng về thỏa hiệp Kyoto (Kyoto Protocol)

Năm 1992, Hội-nghị Thượng-đỉnh về trái đất đã diễn ra tại Rio de Janeiro, thủ đô Ba Tây và các chính phủ đã đồng ý về một Hiệp-ước Căn-bản Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu. Mục tiêu chính là sự ổn định độ tập trung của khí độc CO2 trên bầu khí quyển ở mức độ không gây nguy hại. Trong Hội-nghị này các quốc gia đã phát triển (Developed countries) đồng ý giảm thiểu số lượng thải khí độc CO2 ở mức độ năm 1990, khoảng 355 ppm (parts per million) như hình vẽ đính kèm.
Hội-nghị Kyoto tại Nhật Bản đưa tới một thỏa hiệp Quốc-tế vào ngày 11/12/1997. Thoả hiệp này có hiệu lực từ ngày 16/2/2005. Văn phòng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặc tránh về sự thay đổi khí hậu đặt tại thành phố Bonn của Đức-quốc. Mục tiêu của bản thỏa hiệp Kyoto là ràng buộc 37 quốc gia kỹ nghệ và Liên hiệp Âu Châu phải giảm 5% (so với mức độ của năm 1990) lượng khí độc CO2 hay GHG (Green House Gas) thải ra từ các nhà kính trồng cây và các nhà máy kỹ nghệ trong thời gian 5 năm, từ năm 2008 tới 2012. Các quốc gia kỹ nghệ bị qui trách nhiệm, vì họ đã thải ra số lượng khí độc lớn lao vào khí quyển qua một quá trình hoạt động sản xuất dài 150 năm. Có 184 quốc gia đã phê chuẩn thỏa hiệp Kyoto. Các nguyên tắc thi hành được tiếp tục thông qua tại Hội-nghị COP.7 ở thủ-đô Marrakesh của Ma-rốc (Morocco) vào năm 2001 và được gọi là thỏa hiệp Marrakesh (Marrakesh Acoords). Thỏa hiệp Kyoto mới chỉ là khuôn mẫu để nghị các tiêu chuẩn và hướng dẫn các quốc gia có trách nhiệm thi hành kế hoạch giảm thiểu khí độc CO2. Tới năm 2012, hết giai đoạn thứ nhất, sẽ có Hội-nghị khác được tổ chức để đúc kết và đưa ra đường lối mới. Thỏa hiệp Kyoto ra đời bắt nguồn từ Hiệp-ước Căn-bản Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu "UNFCCC" (The United States Framework Convention on Climate Change) mà mục tiêu chính là làm thế nào giảm được sự hâm nóng địa cầu càng nhiều càng tốt.
Để xác nhận vấn đề thời tiết ngày càng nóng là nguyên nhân gây nên thiên tai, năm 2007, trên 200 bác học, giáo sư đại học và các nhà nghiên cứu đã họp tại Bali thuộc Nam Dương (Indonesia) để bàn thảo, nhận định và đi tới kết quả chung quyết là đưa ra "Tuyên-ngôn Bali 2007 về Khí-hậu của các nhà khoa học" (2007 Bali Climate Declaration by scientists) trong đó minh định hai vấn đề: Khí hậu nóng là do lượng Carbon Dioxide (CO2) có nhiều trong không khí, vượt quá mức tự nhiên, và 90% tin chắc là do các hoạt động của con người. Tuyên-ngôn này ra đời nhằm hỗ trợ cho Liên Hiệp Quốc trong chương trình vận động các quốc gia giảm thiểu khí độc CO2 thải vào khí quyển, để nhiệt độ không tăng quá 2oC và phải giảm thiểu khí độc CO2 ít nhất 50% vào năm 2050, dưới mức năm 1990.

II- Khí độc CO2

Chúng ta thường nghe nói khí độc CO2, vậy CO2 là gì?

CO2 là ký hiệu hóa học có tên là Carbon Dioxide, kết hợp bởi 1 nguyên tử than, Carbon (C) và 2 nguyên tử dưỡng khí, Oxygen (O2). Oxygen là khí thở cần thiết cho con người trong chu kỳ sản xuất và chuyên chở máu trong cơ thể. Mỗi khi có người ngất xỉu hay khó thở, thường người ta chụp ống dẫn Oxygen vào mũi bệnh nhân để nhịp thở tiếp tục và duy trì sự sống. CO2 là chất khí có trong bầu khí quyển bao quanh trái đất và chỉ nặng bằng 0,038% không khí. Đối với loài người thì CO2 là khí độc; nhưng đối với cây cối thì không thể thiếu được trong chu trình phát triển. CO2 ở độ tập trung khoảng 1% (10.000 ppm (parts per million) (2) sẽ làm cho một số người bị nửa tỉnh nửa buồn ngủ. Nếu độ tập trung lên 7% tới 10% thì người ta bị xây xẩm, nhức đầu, nhìn và nghe không rõ, thiếu tỉnh táo trong vài phút tới một giờ. Tháng 3/2009 người ta đo được độ tập trung CO2 trên bầu khí khí quyển của trái đất là 387 ppm, vượt quá mức năm 1990.
Tuy nhiên, độ tập trung trên khí quyển sẽ loãng ra do sự thay đổi mỗi mùa. CO2 giảm vào mùa Xuân và mùa Hè ở Bắc Bán Cầu (Northern Hemisphere), khi cây cối đâm chồi nở lá sẽ tiêu thụ một số lượng rất lớn CO2. Qua mùa Thu và Đông, lúc lá cây tàn rụng và cây cối trơ trụi ngủ yên hoặc chết thì độ tập trung CO2 lại nhiều. CO2 không chỉ phát xuất từ các ống khói nhà máy, máy bay, tầu thuỷ, xe cộ, lò sưởi, máy móc trong gia đình v.v… mà còn từ hơi thở của người và thú vật (người hít Oxygen vào và thở ra CO2; cây cối thì ngược lại). Phần lớn các nhà nghiên cứu về khí hậu đều hỗ trợ Liên Hiệp Quốc trong việc xác định nhân loại đã làm cho trái đất ngày một nóng hơn, do khí CO2 thải ra ngày một nhiều, nhiều nhất trong vòng 65.000 năm. Từ năm 1906 tới 2005 nhiệt độ gia tăng 0,74oC. Khí hậu nóng, theo Liên Hiệp Quốc, các vùng ẩm ướt sẽ ẩm ướt hơn (vì mưa bão nhiều) và các vùng khô cằn càng khô cằn hơn (vì thiếu mưa và do độ nóng gia tăng). Khoảng 1/6 dân số thế giới sẽ bị thiếu nước, 20-30% các loài thú và cây cối có nguy cơ biến mất; phần lớn san hô sẽ bị huỷ hoại nếu nhiệt độ tăng +2oC; nạn chết đói sẽ xẩy ra do mất mùa và nước biển dâng cao tạo cho hàng triệu người phải di tản.

1- ­Các khu vực thải khí độc CO2 nhiều nhất

1/1- Trung-quốc: Trung-quốc có 1.338.612.963 người, là nước thải CO2 nhiều nhất, 20,7% của thế giới, tương đương với 8,1 tỷ tấn CO2 một năm. Tính đầu người thì mỗi người thải khoảng 1 tấn CO2 một năm. Nhà cầm-quyền Trung Cộng mượn cớ Trung-quốc là một nước đang phát triển (developing country), chứ không phải đã phát triển (developed country) nhằm tránh né trách nhiệm giảm thiểu chất độc CO2. Ngày 22/9/2009, chủ tịch nước Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) yêu cầu các quốc gia đã phát triển phải trợ giúp các nước đang phát triển; phải giảm thiểu 40% vào năm 2020 so với mức độ năm 1990; tài trợ 1% Tổng sản lượng Quốc nội hàng năm để giúp các quốc gia khác và cung cấp kỹ thuật tân tiến làm giảm bớt lượng CO2 (hệ thống lọc trong ống thải khói của xe hơi là một ví dụ). Về phía Trung Cộng thì thời điểm công bố sẽ được thông báo trong tương lai. Tổng sản lượng Quốc nội của Trung-quốc năm 2008 là 4,3 ngàn tỷ Mỹ-kim (USD). Trong hội nghị Kyoto Trung Cộng ký vào thỏa hiệp như một nước đang phát triển, có nghĩa không có trách nhiệm về việc giảm thiểu CO2.

1/2- Hoa Kỳ: Hoa Kỳ có 308.089.065 người, là quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới thải 6,087 tỷ tấn khí độc CO2 một năm, chiếm 15,5% của thế giới. Tính đầu người thì mỗi người thải khoảng 20 tấn CO2, nhiều gấp 20 lần dân Trung quốc. Tuy nhiên, dù dân số chỉ bằng 1/5 dân Tầu; nhưng Tổng sản lượng Quốc-nội của Hoa Kỳ vào năm 2008 lên tới 14,2 ngàn tỷ USD, nhiều gấp 3,3 lần so với Trung-quốc. Các chính phủ Mỹ trước đây chống lại đòi hỏi phải hứa giảm thiểu một số lượng CO2 nhất định và từ chối trách nhiệm thi hành Thỏa hiệp Kyoto, với lý do không chấp nhận một sự cưỡng ép trách nhiệm có tính cách pháp lý (legal hay Juridical obligations). Nhằm chống chế cho sự từ chối yếu lý của mình, chính phủ Mỹ đòi hỏi Trung-quốc (China), Ấn Độ (India), Nam Phi (South Africa) và Ba Tây (Brazil) phải hứa hẹn giảm bớt sự gia tăng thải chất độc, mặc dù các quốc gia này đang trên đà phát triển. Đạo luật về khí hậu nhằm giảm mức độ 4% CO2 vào năm 2020 đã bị Quốc Hội Mỹ làm tê liệt! Chính phủ Mỹ có ký vào Thỏa hiệp Kyoto; nhưng không được Quốc Hội phê chuẩn! Tới chính phủ của Tổng thống Barack Obama thì có sự thay đổi. Ngày 22/9/2009, Tổng-thống Obama tuyên bố: "Chúng tôi hiểu sự nghiêm trọng của sự đe dọa khí hậu. Chúng tôi quyết hành động. Và chúng tôi sẽ không gánh trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau"(We understand the gravity of the climate threat. We are determined to act. And we will meet our responsibility to future generations).

1/3- Liên Hiệp Âu Châu (EU: European Union): Liên Hiệp Âu Châu (LHÂC) bao gồm 27 quốc gia, dân số: 491.587.852 người, đứng thứ ba về thải nhiều khí độc CO2 , 11,8% của thế giới, khoảng 4,641 tỷ tấn một năm. Tính đầu người thì mỗi người thải 9 tấn. Tổng sản lượng Quốc nội GDP khoảng 18,3 ngàn tỷ USD, nhiều gấp 4,2 lần Trung-quốc và 1,35 lần Hoa Kỳ. Stavros Dimas, Đặc-ủy Liên-hiệp Âu-châu về Môi trường phát biểu ngày 27/10/2009: "Chúng tôi đang vượt chỉ tiêu của thoả hiệp Kyoto". LHÂC sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong Hội-nghị Copenhagen, có thể giảm lượng thải chất độc 20% vào năm 2020 so với mức độ năm 1990. LHÂC cũng muốn các quốc gia giầu có giảm 80% tới 95% vào năm 2050, và đề nghị các nước nghèo cũng nên giảm thiểu sự gia tăng thải chất độc. Để giải quyết vấn đề, LHÂC phải chi phí mỗi năm 150 tỷ USD kể từ năm 2020, trong đó có từ 7 tới 22 tỷ USD xuất từ ngân sách công cộng, có nghĩa từ tiền đóng thuế của dân chúng. LHÂC ký vào Thỏa hiệp Tokyo và hứa giảm thiểu sự thải chất độc trung bình 8% dưới mức năm 1990. Như vậy chỉ có LHÂC có thiện chí và dẫn đầu về quyết định giảm thiểu khí độc CO2 như một sự ràng buộc pháp lý và có trách nhiệm thi hành.

1/4- Liên Hiệp Phi Châu (AU: Africa Union) có 52 quốc gia, dân số khoảng 100 triệu người. Cũng như Trung-quốc, Liên Hiệp Phi Châu (LHPC) muốn các quốc gia giầu phải có trách nhiệm ràng buộc pháp lý, cắt giảm 40% dưới mức năm 1990 kể từ năm 2020. LHPC cho rằng 20% tới 30% không chấp nhận được. Mỗi năm LHPC thải khoảng 3,164 tỷ tấn CO2, 8,1% của thế giới, mỗi đầu người 4 tấn, đứng hàng thứ tư thế giới. Tổng sản lượng Quốc nội năm 2008 là 34 tỷ USD. LHPC ký vào Thoả hiệp Kyoto là các nước đang phát triển nên không có trách nhiệm cắt giảm về pháp lý.

1/5- Ấn Độ: có 1.198.003.000 người, là quốc gia đứng hàng thứ năm về thải khí độc CO2, khoảng 5%, tức 1,963 tỷ tấn mỗi năm. Tuy vậy, ngày 21/10/2009, Jairam Ramesh, Bộ trưởng Môi-trường cho rằng "sự ràng buộc pháp lý về mục tiêu giảm thiểu là dành cho các quốc gia đã phát triển và các quốc gia đã phát triển mà thôi". (International legal binding [greenhouse gas] reduction targets are for developed countries and developed countries alone.“ Lời phát biểu này chứng tỏ Ấn Độ không chấp nhận sự ràng buộc nào về pháp lý. Tổng sản lượng Quốc nội của Ấn Độ năm 2008 là 1,2 ngàn tỷ USD. Ấn Độ ký vào Thoả hiệp Kyoto với tư cách là quốc gia đang phát triển; nên không có trách nhiệm thi hành.

1/6- Nhật Bản: Nhật Bản có 130 triệu dân, đứng hàng thứ sáu thả nhiều khí độc CO2: 3,3%, tức 1,293 tỷ tấn một năm. Nhật Bản chịu cắt giảm 25% dưới mức năm 1990 kể từ năm 2020, nếu các quốc gia khác cùng có thiện chí thi hành. Yukio Hatoyama, Thủ-tướng Nhật tuyên bố: "Chúng tôi nghĩ các quốc gia đang phát triển cũng đòi hỏi sự cố gắng giảm thiểu khí độc". (We think developing countries are also required to make an effort to reduce greenhouse gases). Tổng sản lượng Quốc nội của Nhật Bản năm 2008 là 4,9 ngàn tỷ USD. Nhật Bản đã ký vào Thoả hiệp Kyoto và giảm thiểu 6% dưới mức năm 1990, kể từ năm 2008 tới 2012. Như vậy, Nhật Bản là quốc gia thứ hai chấp nhận sự giảm thiểu khí độc CO2 như một sự ràng buộc và có trách nhiệm thi hành.

1/7- Các Quốc gia Vùng Vịnh - Trung Đông: Các quốc gia Trung Đông hay quen gọi là các nước Ả Rập gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Saudi Arabia.Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia. Mỗi năm các quốc gia Ả Rập thải khoảng 890 triệu tấn CO2, tức 2,3% thế giới, mỗi đầu người 25 tấn. Tổng sản lượng Quốc nội năm 2008 là 468 tỷ USD. Các quốc gia Vùng Vịnh ký vào Thoả hiệp Kyoto là các nước đang phát triển, nên không có trách nhiệm cắt giảm về pháp lý.

1/8- Các Đảo Nhỏ (Small Islands): Các nước nằm trong quần đảo "AOSIS" gồm 42 đảo thuộc vùng biển Thái Bình Dương và Caribbean đang lo sợ tai họa về sự tồn tại. Các đảo này thải khoảng 246 triệu tấn CO2 một năm, tức 0,6% của thế giới, mỗi đầu người là 4 tấn CO2. Tổng sản lượng Quốc nội năm 2008 là 46 tỷ USD. Các đảo ký vào Thoả hiệp Kyoto là các nước đang phát triển, nên không có trách nhiệm cắt giảm về pháp lý.

III- Hậu quả của sự hâm nóng địa cầu (The Consequences of Global Warming)
Khí hậu ngày càng trở nên nóng sẽ đưa tới hậu quả nguy hại cho nhân loại. Sau đây là một số bằng chứng.

1- Nhiệt độ cao: Nhiệt độ gia tăng sẽ đưa tới nhiều tai họa như hạn hán, hỏa hoạn, mưa bão, lụt lội và cuồng phong. Trong 35 năm qua thế giới đã chứng kiến sự tàn phá lớn lao của nhiều trận cuồng phong bão lớn ở cấp độ 4 và 5. Trận bão Katrina tàn phá New Orlean Hoa Kỳ vào tháng 8/2005 gây nên tổn thất về nhân mạng và vật chất lớn nhất trong lịch sử là một trường hợp điển hình. Hơn 1,7 triệu người phải di chuyển và 200.000 người rơi vào tình trạng bệnh hoạn. Theo công bố tại Paris của cơ quan đặc trách về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) thì đến năm 2100, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên từ 1,8oC tới 4oC. Băng đá vùng Bắc và Nam Cực sẽ tan nhiều đưa tới tình trạng nước biển dâng cao từ 18cm tới 59 cm. Theo Viện nghiên cứu Goddard về không gian của Cơ-quan Hàng-không và Không-gian Hoa Kỳ "NASA" thì khí hậu trái đất ngày nay coi như nóng nhất trong một triệu năm. Trong một bài viết trên Tập san Hàn Lâm Khoa-học Quốc-gia (the National Academy of Sciences) bác học James Hanse cho biết đặc biệt vùng Thái Bình Dương xuất hiện hiện tượng nóng nực "El Niño" và trái đất nóng hơn 0,2 độ mỗi 10 năm, trong 30 năm vừa qua. Trả lời cho hãng thông tấn Reuteurs, James Hansen nói: "Bằng chứng cho thấy, chúng ta đang tiếp cận với hậu quả nguy hiểm của sự không trong lành do loài người tạo ra". Khí hậu quá nóng giết chết nhiều người không chỉ tại các vùng nhiệt đới Á, Phi châu, mà cả vùng ôn đới phía Nam châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 1995 tại Chicago chỉ trong một tuần lễ có tới 739 người bị chết vì luồng gió (sóng) cực nóng. Năm 2003 những luồng gió cực nóng đã cướp đi 70.000 mạng sống của con người tại Châu Âu. Riêng tại Pháp có gần 15.000 người chết trong vòng 2 tuần lễ nóng bỏng nhất, nhiệt độ lên tới 40oC (104o Fahreinhait). Bắc Mỹ vào tháng 7/2006 cũng có 140 người chết vì luồng gió nóng. Nhiệt độ cao làm cho thực phẩm dễ bị ngộ độc (Samonella). Năm 2004 nhiều du khách trên tầu du lịch bị bệnh tiêu chảy vì ăn sò huyết sống ở vùng Alaska. Hạn hán và lụt lội gây nên tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống, thiếu dinh dưỡng, tạo nên các cuộc di dân lớn và chiến tranh khu vực. Các nhà nghiên cứu dự kiến có khoảng 50 triệu người trên thế giới sẽ trở thành "di dân môi trường" vào năm 2010, do nước biển dâng cao, hạn hán và lụt lội.

2- Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới sức khoẻ: Khí hậu nóng là cơ hội cho muỗi có thể bay xa hơn để gieo bệnh sốt rét. Trước đây muỗi chỉ có tầm hoạt động khoảng 3.300 feet (990m). Ngày nay vì khí hậu nóng chúng có thể bay xa 7.200 feet (2.160m). Các sinh vật khác cũng sẽ gây nên bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết và tiêu chảy v.v… cho đa số dân nghèo ở các quốc gia đói khổ. Khí độc Carbon Dioxide (CO2) có nhiều trong bầu khí quyển sẽ gây nên bệnh suyễn và các loại bệnh dị ứng. Bằng chứng là Hoa Kỳ, Trung-quốc đã có hàng 100.000 người bị bệnh hoạn hay nhiễm khí độc trong những năm vừa qua. Nhiều CO2 trong bầu khí quyển là cơ hội cho các loại cây hoang mọc lên nhiều và chúng sẽ gây nên các bệnh dị ứng và bệnh suyễn. Mưa nhiều cuốn theo các nguyên tố gây nên bệnh truyền nhiễm từ đất, nông trại và đường phố thấm vào hệ thống cung cấp nước uống. Năm 1993, tại Milwaukee có hơn 403.000 người dân bị bệnh tiêu chảy do nước bị nhiễm trùng.

3- Nhiệt độ cao ảnh hưởng đời sống các sinh vật: Nhiệt độ cao gây nguy hại cho san hô dưới biển. Băng đá tan tạo nên tình trạng thiếu thực phẩm cho gấu trắng ở Bắc Cực và chim cánh cụt đi hai chân (penguins) ở Nam Cực. Nhiệt độ nóng hủy hoại hệ thống các loài sinh vật và thảo mộc (Ecosystem) khiến cho nhiều loại bị tuyệt chủng. Người ta dự tính có tới 1 triệu loài có thể bị xóa sổ trên trái đất vào năm 2050. Theo một nghiên cứu mới đây thì 2000 loại cây và thú vật đồng chủng di chuyển tới Bắc và Nam cực với nhip độ trung bình 6,3 cây số (3,8 dặm) mỗi 10 năm. Cũng thế, người ta khám phá những vật đồng chủng tại khu vực núi Alpine di chuyển 36,6m (20 feet) mỗi 10 năm trong bán thế kỷ 20. Tin mới nhất của giới hữu trách về sự thay đổi khí hậu cho biết có khoảng 20% tới 30% cây cối và thú vật đồng chủng có nguy cơ bị diệt chủng, nếu nhiệt độ tăng từ 0,4oC (2,7o Fahrenheit) tới 0,9oC (4,5oF).

4- Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới băng tuyết và mực nước biển: Theo Tạp chí Nghiên cứu Địa lý (Geophysical Research) tới năm 2040 thì Bắc Cự không còn băng đá và tầu bè có thể qua lại dễ dàng. Nước biển sẽ lên cao 0,58m (23 inches) vào năm 2100, nếu độ nóng như hiện nay vẫn tiếp tục gia tăng. Băng đá Bắc và Nam cực tan nhiều sẽ ảnh hưởng tới sự tan băng đá của sông ngòi và ao hồ. Theo cơ quan Hàng-không và Không-gian Hoa Kỳ "NASA" băng đá Bắc Cực tan với mức độ đáng báo động, 9% mỗi 10 năm. Vào tháng 9/2007, Trung-tâm Dữ kiện Quốc gia về băng đá và tuyết cho biết vùng băng tuyết của Bắc Cực thu nhỏ lại gần nửa triệu dặm vuông so với tháng 9/2005. Trong 3 thập niên qua có hơn 2,6 triệu cây-số vuông (1 triệu dặm vuông) biển đóng băng, lớn bằng diện tích Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, đã biến mất, vì trái đất bị hâm nóng. Mực nước biển lên cao sẽ đe dọa các vùng đất thấp gần bờ biển. Trong thế kỷ 20 vừa qua mực nước biển lên cao từ 10cm (4 inches) tới 20cm (8 inches) và vẫn tiếp tục. Giới hữu trách về sự thay đổi khí hậu tiên đoán mực nước biển sẽ lên cao khoảng 58cm (23 inches) vào năm 2100. Nhưng những năm gần đây các nhà nghiên cứu nhận thấy mực nước biển lên cao nhanh hơn so với thời gian trước. Nhiều gấu trắng bị chết chìm, vì chúng phải bơi xa tìm mồi mà không còn băng tuyết để dừng chân. Theo cơ quan khảo nghiệm địa lý của Hoa Kỳ tiên đoán có 2/3 gấu trắng Bắc Cực sẽ bị chết, khi số lượng băng đá tan mỗi ngày một nhiều. Khoảng 90% băng tuyết Bắc Cực dầy 4 cây số, nếu trong các thế kỷ tới tan hết thì mực nước biển sẽ dâng cao 60-70 mét. Nhiệt độ cao làm cho băng tuyết tan, tia sáng mặt trời có thể chiếu sâu xuống lòng biển làm bốc hơi khí Carbon Dioxide CO2 và Methane CH4 (Methane có độ đông đặc hay tỷ trọng ở +25oC là 0,656kg/m3, mạnh gấp 20 lần CO2) thì sự nguy hại đối với nhân loại và trái đất sẽ lớn lao không thể tưởng tượng nổi trong các thế kỷ tiếp theo! Đúng là tai họa Đại Hồng Thuỷ sẽ nhận chìm nhân loại không biết vào thời điểm nào.

IV- Một số đảo sẽ biến mất và nhiều thành phố bị nước biển tràn ngập
Băng đá của Bắc và Nam Cực tan sẽ làm cho nước biển dâng cao và tràn ngập một số đảo cũng như thành phố. Một số hiện tượng sau đây chứng minh cho sự nguy hiểm sẽ xẩy ra:

4/1- Đảo Tuvalu sẽ biến mất: Quốc gia Tuvalu bao gồm 9 ghềnh đá và đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 1,06 triệu cây số vuông, nằm về phía Nam Xích đạo, cách Úc Đại Lợi 4.000 cây số. Dân Tuvalu gốc Samoa và Tonga, có 85% theo Tin Lành, 3,6% Adventists, 1,4% Công Giáo và 15% Baha´i. Tuvalu có khoảng 10.000 người sống rải rác trên 26 cây số vuông đất bằng. Trước đây, theo Giáo-sư Stefan Rahmsdorf của Viện Potsdams nghiên cứu về khí hậu thay đổi, cho rằng đảo này còn tồn tại khoảng từ 80 tới 100 năm. Nhưng các nghiên cứu mới nhất cho thấy nó chỉ còn tồn tại khoảng 40 tới 50 năm mà thôi! Như vậy, quốc gia Tuvalu có nguy cơ sẽ chìm dưới nước biển trong tương lai. Hiện có khoảng 3.000 dân đảo Tuvalu đã xin tị nạn. Trong tương lai Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan (New Zealand) sẽ đón nhận di dân Tuvalu khi mực nước biển ngày càng dâng cao.

4/2- Cộng-hòa Kiribati: Nước Cộng Hòa Kiribati bao gồm 33 đảo nhỏ trải dài trên một diện tích 5 triệu cây số vuông, nằm gần đường Xích-đạo. Các đảo quan trọng của nước này là Gilbert, Banaba, Bắc Phenix và Nam Esporadas. Trước đây Kiribati nằm trong quần đảo Gilbert Islands là thuộc địa của Anh Quốc năm 1916. Năm 1978 nhóm đảo Ellice Islands tách khỏi Kiribati để thành quốc gia Tuvalu; sau đó tới lượt Kiribati độc lập vào năm 1979 và trở thành hội viên Liên Hiệp Quốc năm 1999. Dân đảo có 53,4% theo Công Giáo, 39,2% Tin Lành, 2,4% Baha´i, 1,9% Adventists và 1,6% mormons. Tổng thống Anote Tong nắm chính quyền từ năm 2003. Năm 1989 Liên Hiệp Quốc đã báo động về thời tiết nóng làm nước biển gia tăng và Kiribati có nguy cơ bị nước biển tràn ngập.
4/3- Ấn Độ: Đảo Lohachara ngoài khơi Calcutta phía Đông-Bắc Ấn Độ, có 10.000 dân đã phải di tản. Hiện có 2/3 các đảo bị ngập nước biển. Toàn bộ 12 đảo đang trên đường bị nước biển tràn ngập. Có khoảng 70.000 người sẽ phải di chuyển khỏi các đảo này. Các đảo đầu tiên này đã bị ngập lụt 8 năm trước đây; nhưng nay thì đảo Lohachara là đảo đầu tiên biến mất trên bản đồ thế giới.
4/4- Vùng Amazon có thể bị biến mất trong vòng 100 năm: Cuộc nghiên cứu mới đây cho biết vùng rừng nhiệt đới Amazonas trong vòng 100 năm chỉ còn lại trong trí nhớ của nhân loại. Hiện rừng này bị tàn phá vì vấn đề sản xuất cây, gỗ và canh tác. Theo hãng thông tấn AP thì vừa thiếu mưa, vừa thời tiết nóng đã làm cho các sông ngòi bị khô cạn dần, mực nước sông Amazon xuống thấp 15,8 mét. Sự khô cạn và thiếu nước có thể gây khốn đốn cho đời sống của 42.000 dân.
*** Hội-nghị Liên Hiệp Quốc về sự Thay-đổi Khí-hậu diễn ra tại Copenhagen từ ngày 7 tới 18/12/2009, nhưng vì nhà in nghỉ Lễ Giáng Sinh, báo DCÂC phải gửi đi in sớm, nên bài viết này phải gửi trước ngày 15/12/2005 trong khi Hội-nghị chưa kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày kết quả của Hội-nghị COP15 trong số báo tới và năm nào Sài Gòn sẽ bị nước biển tràn ngập!