Dân Chúa Âu Châu

Bao giờ Hoa Kỳ & Đồng Minh Nato Tháo Chạy Khỏi A Phú Hãn?

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

I- Từ Đồng Minh tới địch thủ

Ngày 24.12.1979 hơn 100.000 lính Sô-viết tấn công vào A Phú Hãn mở đầu cho cuộc xâm lăng lật đổ chế độ của Tổng-thống Amin và đưa tay sai Babrak Garmal, rồi Mohammad Najibullah lên nắm chính quyền. Cũng từ đó Hoa Kỳ, từ thời Tổng-thống Jimmy Carter, rồi qua TT. Ronald Reagan, với Học-thuyết Reagan (Reagan Doctrine) đã ngầm trợ giúp các cuộc chiến chống Cộng-sản tại Angola, Nicaragua và nhiều quốc gia khác. Ở A Phú Hãn thì chính phủ Mỹ giúp chí nguyện quân Mujahideen, được cả Hồi Quốc, Ả-rập Saudi và một số quốc gia Islam hỗ trợ, mở cuộc Thánh-chiến chống quân xâm lược Sô-viết. Taliban, một trong các tổ chức chiến đấu giải phóng A Phú Hãn đã nắm được 95% quyền lực vào năm 1996 và hoàn toàn kiểm soát lãnh thổ vào năm 2000. Nhưng sau đó, vụ khủng bố Nữu Ước ngày 11.9.2001 đã biến Hoa Kỳ và Taliban thành thù địch.
Ngày 20.9.2001, trong bài thuyết trình trước Quốc-hội Mỹ, TT. George W. Bush đã đưa ra lời khuyến nghị tối hậu cho nhóm cầm quyền Taliban sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 tại Nữu Ước:
-Bắt Osama bin-Laden giao cho Hoa Kỳ, -Phóng thích tất cả các tù nhân ngoại quốc, trong đó có công dân Mỹ. -Bảo vệ các nhà báo, viên chức ngoại giao và nhân viên của các hội từ thiện tại A Phú Hãn. -Đóng cửa các trại huấn luyện khủng bố, và giải giao cho các nhà cầm quyền hợp pháp tất cả các tên khủng bố, và bất cứ người nào và bất cứ cơ cấu trợ giúp nào. -Cho phép Hoa Kỳ tới các trại huấn luyện để xác định các trại huấn luyện này đã đóng cửa.
Nhóm Taliban cao ngạo cho rằng sẽ xúc phạm tới đạo Islam, nếu nói chuyện với các lãnh tụ chính trị ngoại đạo (không phải Muslim) nên không muốn nói chuyện với TT. Bush. Taliban, qua đại sứ ở Hồi Quốc (Pakistan) không chấp nhận khuyến nghị tối hậu, vì thiếu bằng chứng chứng minh Osama bin-Laden có liên quan tới vụ khủng bố.
Ngày 7.10.2001, với lý do nhóm này đã yểm trợ cả về tài chính lẫn quân sự, kể từ năm 1996, cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda, do trùm khủng bố Osama bin-Laden cầm đầu, quân đội Anh-Mỹ tấn công vào A Phú Hãn để lật đổ nhóm cầm quyền Taliban. Cuộc can thiệp vào A Phú Hãn cũng nhằm truy lùng Osama bin-Laden và hủy diệt các trung tâm huấn luyện của tổ chức Al-Qaeda. Hành động của chính phủ Mỹ dựa vào Quyết-định số 1267 năm 1999 và QĐ 1333 năm 2000 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đòi Taliban phải bắt nộp Osama bin-Laden. Ngày 12.11.2001 Taliban thua phải bỏ Thủ-đô Kabul chạy tới vùng biên giới giữa A Phú Hãn và Hồi Quốc.
8 năm trôi qua nhưng quân đội Mỹ và Đồng Minh NATO vẫn không bắt hoặc giết được thủ-lãnh của Taleban là Mohammed Mullah Omar và Osama bin-Laden. 8 năm trôi qua mà tình hình A Phú Hãn vẫn chưa thực sự được ổn định.
Để tìm hiểu những thành quả và thất bại của quân đội Mỹ và Đồng Minh tại A Phú Hãn, cũng như đến thời điểm nào thì Hoa Kỳ lại tháo chạy khỏi A Phú Hãn, mời quí độc giả theo dõi các điểm dưới đây:

II- Thành quả của Hoa Kỳ và Đồng Minh

Cuộc hành quân của Liên-minh Anh-Mỹ đã lật đổ chế độ độc tài Taliban và phá hủy các trại huấn luyện của Tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đồng thời xây dựng một chế độ dân chủ tự do theo kiểu mẫu Tây phương. Cuộc bầu cử Tổng-thống vào ngày 20.8.2009 vừa qua là một chứng minh cụ thể. Ngày 8/9/2009 hãng thông tấn Pháp AFP và nhật báo The Wall Street Journal của Mỹ cho biết kết quả bầu cử Tổng thống tại A Phú Hãn do Đặc-nhiệm Bầu-cử Độc-lập “IEC” (Independent Electoral Commission) công bố như sau:
Đương kim Tổng-thống Hamid Karzai, thuộc dân tộc Pashtun ở phía Nam, được 54,1% tổng số phiếu và cựu Bộ-trưởng Ngoại-giao Abdullah Abdullad, được các dân tộc thiểu số khác ở phía Bắc ủng hộ, được 28,3% sau khi 91,6% phiếu được kiểm duyệt. Đặc-uỷ Khiếu-nại Bầu-cử “ECC” của quốc gia (The Country’s Electoral Complaints Commission) lần đầu tiên nói rằng đã có sự gian lận bầu cử.
Theo Nữu-ước Thời-báo (The New York Time) của Mỹ và hãng thông tấn Reuters của Anh-quốc thì những người trung thành với TT. Karzai đã đặt hàng trăm vị trí bầu cử mà không có cử tri đi bầu, nhưng vẫn có hàng trăm ngàn phiếu bầu. Phát ngôn viên của Đặc-nhiệm Bầu-cử Độc-lập, Daud Ali Najafi, nói rằng các thùng phiếu từ 600 vị trí trên toàn quốc đã bị “niêm phong”, cho thấy có khoảng 360.000 phiếu bất hợp lệ, mỗi vị trí bầu cử có từ 600 tới 700 phiếu. Theo điều lệ bầu cử thì TT. Karzai phải được hơn 50% tổng số phiếu mới thắng cử. Dưới 50% phải tranh cử giai đoạn hai.
Có 5,4 triệu cử tri đi bầu. 1,7 triệu dân còn đang tị nạn tại Hồi Quốc trong thời kỳ Taliban nắm quyền lực tại A Phú Hãn. Trong số đó có 860.000 cử tri có quyền bầu cử. Nhưng trong cuộc bầu cử Tổng-thống năm 2009 kỳ này không ai lo cho họ về vấn đề được bầu cử vắng mặt, như trong cuộc bầu cử lần thứ nhất vào năm 2004. Dù sao đi nữa, thành quả của một chế độ dân chủ tự do được thành hình, cũng như ở Iraq, thật đáng ca tụng.

III- Hậu quả của chiến tranh

Tuy nhóm Taliban bị thua và bỏ chạy; nhưng tình hình an ninh của A Phú Hãn vẫn không hoàn toàn được yên ổn. Quân đội Đồng Minh đang đứng trước những khó khăn như:

1- Vấn đề trồng cấy và bán thuốc phiện (Opium)

Sau khi nhóm cầm quyền Taleban bị sụp đổ thì vấn đề trồng cây thuốc phiện để chế biến thành bạch phiến (heroin) lại phát triển mạnh. A Phú Hãn ngày nay sản xuất bất hợp pháp khoảng 92% thuốc phiện của thế-giới. Từ năm 2005 tới 2006 gia tăng 78%, đặc biệt vùng mất an ninh ở phía Nam lại phát triển mạnh. Theo Văn phòng Dược phẩm và Tội ác “UNODC” (United States Office on Drugs and Crime) có thể so sánh tình hình an ninh với việc sản xuất thuốc phiện. Ở khu vực an ninh nông dân chỉ sản xuất 20% thuốc phiện; ở khu vực kém an ninh thì lên tới 80%. Hiện quân đội Đồng Minh có hai khuynh hướng đề nghị giải quyết tệ nạn trồng thuốc phiện:
-Phương pháp 1: phá hủy các cánh đồng trồng thuốc phiện, trong đó có bàn tay của Taleban và Al-Qaeda nhúng vào. Nhưng thực tế không đơn giản. Gần 3 triệu dân nghèo chỉ có thể sống nhờ trồng thuốc phiện. Nếu Hoa Kỳ và NATO tiêu hủy các cánh đồng trồng thuốc phiện, dân nghèo sẽ không có tiền mua thực phẩm và họ sẽ chạy theo Taliban và Al-Qaeda, trở thành địch thủ khá nguy hiểm. Nếu để họ canh tác thuốc phiện hợp pháp và chỉ bán lại cho chính phủ hay NATO thì giá cả trên thị trường bất hợp pháp và chợ đen cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
-Phương pháp 2: Nâng cao lợi tức cho nông dân bằng cách khuyến khích trồng các nông phẩm khác có lợi tức cao hơn cây thuốc phiện. Muốn vậy, Hoa Kỳ và Đồng Minh phải giúp về kỹ thuật canh tác, phân bón và hệ thống dẫn nước vào các cánh đồng, cũng như bảo đảm thị trường tiêu thụ nông phẩm của dân.

2- Vấn đề một quốc gia theo chế độ dân chủ, tự do

Trước tình trạng bất ổn tại A Phú Hãn, vào tháng 11/2006, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HĐBA/LHQ) cảnh cáo là A Phú hãn có thể trở thành một quốc gia không thành công (The unsuccessful State), vì chính quyền không kiểm soát được phần lớn lãnh thổ. Lý do: các tệ nạn bạo hành, sản xuất thuốc phiện bất hợp pháp, cơ cấu chính quyền yếu đuối, khủng bố bằng bom tự sát, tấn công vào cơ sở công cộng và gài mìn bẫy trên các trục lộ giao thông v.v…. Năm 2006, A Phú Hãn bị xếp vào hàng thứ 10 các quốc gia không thành công.

3- Vấn đề Lực-lượng Yểm-trợ An-ninh Quốc-tế “ISAF” (International Security Assistance Force)

Giai đoạn đầu của cuộc chiến chỉ có quân đội Mỹ và Anh quốc. Đến ngày 20.12.2001 thì Lực-lượng Yểm-trợ An-ninh Quốc-tế được HĐBA/LHQ thành lập qua QĐ số 1386. Thời kỳ đầu Lực-lượng đồn trú chung quanh Thủ-đô Kabul. Nhưng qua năm 2003 ISAF mở rộng hoạt động tới miền Bắc, năm 2005 miền Tây và năm 2006 miền Đông. Ngày nay coi như ISAF lãnh trách nhiệm bảo vệ an ninh toàn quốc với quân số 37.000 lính từ 37 quốc gia. Mục tiêu của Lực-lượng Yểm-trợ An-ninh Quốc-tế là vãn hồi hòa bình, trợ giúp tái thiết và phát triển đất nước. Sự hiện diện của quân đội Mỹ và Đồng Minh trong thời gian đầu nhằm đánh đuổi Taliban và Al-Qaeda không gây hận thù trong lòng người dân A Phú Hãn. Nhưng với thời gian, cuộc chiến kéo dài và nhiều người dân bị chết oan do phi pháo bắn lầm hoặc qua các cuộc hành quân tảo thanh. Có thể nói những vụ gây nên chết chóc, như vụ “Mỹ Lai” của Việt Nam, đã xẩy ra. Vụ mới nhất xẩy ra vào thượng tuần tháng 9/2009, khi Taliban phục kích cướp được 2 xe chở dầu xăng tiếp tế cho NATO từ Tajikistan tới Afghanistan. Để giải thoát, người chỉ huy quân sự của quân đội Đức đã kêu phi cơ Đồng Minh tấn công toán Taliban. Cuộc oanh kích phá hủy 2 xe xăng gần khu dân cư gây cho hơn 90 người dân tử thương và bị thương. Chính phủ A Phú Hãn, NATO, đặc biệt Đức-quốc đã phàn nàn và xin lỗi.

4- Tổn thất nhân mạng

Tính tới ngày 4.9.2009, tổng cộng có 1.297 binh sĩ Đồng Minh tử trận tại A Phú Hãn gồm: USA: 746, UK: 211, Gia Na Đại: 128, Đức: 38, Pháp: 31, Đan Mạch: 26, Tây Ban Nha: 25, Hòa Lan: 21, Ý: 15, Úc: 11, Romania: 11, Ba Lan: 10, Estonia: 6, Na-uy: 4, Tiệp Khắc: 3, Latvia: 3, Hung Gia Lợi: 2, Bồ Đào Nha: 2, Nam Hàn: 2, Thụy Điển: 2, Thổ Nhĩ Kỳ: 2, Bỉ: 1, Phần Lan: 1, Lithuania: 1.

5- Tốn phí về chiến tranh

Ngày 17.2.2009, TT. Barack Obama quyết định gửi thêm 17.000 lính tới A Phú Hãn, không kể 36.000 binh sị Mỹ đã có mặt tại đây, nhằm mở các cuộc hành quân tiêu diệt và đẩy lui Taliban và Al-Qaeda ra khỏi các vùng dân cư ở phía Nam. Sau 8 năm tham chiến, Hoa Kỳ đã tiêu hết khoảng 220 tỷ Mỹ-kim (MK) cho chiến trường A Phú Hãn. Mỗi tháng tốn khoảng 4 tỷ MK. Nếu cuộc chiến kéo dài mãi thì gánh nặng chiến tranh sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng xã hội và kinh tế của Hoa Kỳ. Dù thêm quân và tốn phí ngày càng cao; nhưng quân đội Mỹ và Đồng Minh vẫn không hoàn toàn tiêu diệt được nhóm tàn quân Taliban và Al-Qaeda.

IV- Taleban vẫn chưa thua

Với quân số còn lại khoảng từ 10.000 tới 15.000 mà Taliban vẫn có khả năng làm cho quân đội NATO và quân đội của A Phú Hãn mất ăn mất ngủ. Trong tuần đầu của tháng 9/2009, Taliban đã gia tăng các hoạt động tấn công quân đội Đồng Minh và cơ sở của chính quyền A Phú Hãn. Hành động này nhằm khủng bố tinh thần cử tri đi bầu trong cuộc tranh cử Tổng-thống năm 2009. Khi đặc sứ của LHQ, Richard Holbrooke, tới Thủ-đô A Phú Hãn thì Taliban và Al-Qaeda đã tung một loạt các cuộc tấn công vào dinh thự của chính quyền tại Thủ-đô, gây cho 26 người chết. Ngày 1/9/2009, một xe chở bom tự sát đã vượt qua ba lớp bảo vệ an ninh lao vào cổng chính phi trường Kabul gây cho 3 thường dân chết và 6 bị thương. Cùng thời gian này, phát ngôn viên của Lực-lượng Mỹ, Đại-úy Elizabeth Mathias, cho biết có 4 binh sĩ Mỹ bị quân Taleban phục kích giết chết tại tỉnh Kunar. Ngày 6.9.2009, Taliban cũng tấn công Bộ chỉ huy của quân đội NATO bằng xe chở bom tự sát. Cuộc tấn công gây cho 7 người chết và 91 bị thương. Anthony Cordesman, chuyên gia về quân sự cho biết Taliban đã mở rộng vùng ảnh hưởng, từ 30 khu vực trong năm 2003 lên tới 160 thành phố tính tới cuối năm 2008.

Hoa Kỳ và Đồng Minh tham chiến thường dựa vào nguyên tắc tiếp liệu chuyên nghiệp, trong khi đó Taliban chỉ cần áp dụng các chiến thuật có vẻ tài tử, nhưng lắm lúc làm cho quân đội Mỹ phải điêu đứng. Trong cuộc phục kích và tấn công lần thứ ba trong tháng này vào các đoàn quân xa tiếp liệu cho quân đội Mỹ và Đồng Minh trên tuyến đường ở phía Tây-Bắc Hồi Quốc, quân Taliban đã phá huỷ 150 xe Humvees và các quân xa khác của NATO. Humvees giá chưa trang bị vũ khí khoảng 85.000 MK một chiếc và 140.000 MK khi trang bị đầy đủ. Humvees là loại xe zeep lớn đa dụng, trên nóc có thể đặt đại liên, hỏa tiễn TOW chống xe thiết giáp, kể cả hỏa tiễn Địa đối Không chống phi cơ. Mỗi ngày có khoảng 350 xe chở đồ tiếp tế cho quân đội Mỹ và Đồng Minh tại A Phú Hãn. Đèo và đường hầm Khyber là địa điểm nguy hiểm nhất đối với quân đội Đồng Minh. Tại nơi đây, hơn một thế kỷ qua, quân A Phú Hãn đã đánh tan đạo quân của Thực-dân Anh Quốc và giết hơn 160.000 lính Anh. Quân đội Sô-viết cũng đã bỏ mạng tại A Phú Hãn hơn 15.000 lính.

V- Biện pháp giải quyết của Hoa Kỳ và Đồng Minh

Ngoài các vũ khí tối tân trang bị cho Lục-quân, Không-quân Mỹ cũng tham chiến với các phi cơ phóng hỏa tiễn không người lái có tên là “Predator và Reaper Drones”. Phi cơ này có đặc tính là hoạt động lâu 20 giờ trên không, bay với độ cao 15.000 feets, không phát ra tiếng động ồn ào, nên có thể xuất hiện bất ngờ và phóng hỏa tiễn vào mục tiêu mà địch thủ không phát giác trước được. Taliban cố tìm cách chống trả loại phi cơ này bằng kỹ thuật điện tử và bằng súng phòng không, pháo kích vào các phi trường; nhưng không đạt được hiệu quả quan trọng. Cuối cùng chúng phải dùng dân làm bia đỡ đạn. Có nghĩa Taliban, hình như học theo chiến thuật của Việt Cộng và Saddam Hussein, sống trà trộn vào dân chúng. Khi phi cơ Predator phóng hỏa tiễn vào mục tiêu phát ra tiếng súng thì Taliban hay Al-Qaeda chết một, dân chết mười. Thế là những vụ “Mỹ Lai” Việt Nam lại xẩy ra và thế giới, thay vì lên án quân khủng bố dùng dân làm bia đỡ đạn, lại quay chống quân đội Mỹ và Đồng Minh! Từ con số 100 phi cơ Predator vào năm 2000, ngày nay quân đội Mỹ đã được trang bị tới 7.000 chiếc. Phi cơ Predator cũng được dùng trong chương trình chống các tổ chức buôn bán thuốc phiện, cocaine, heroin, marijuana, coke và methamphetamine. Mỗi chiếc Predator hay Heron giá khoảng 6,5 triệu MK, do hãng Stark Aerospace của Mỹ với sự trợ giúp của Kỹ-nghệ Máy-bay Do Thái “IAI” (Israel Aircraft Industries).

Tuy vậy, theo các nhà bình luận thời cuộc thì giải pháp hòa bình cho A Phú Hãn không phải chỉ dựa vào sức mạnh quân sự của Đồng Minh, mà cần giải quyết sự xung đột giữa Ấn Độ và Hồi Quốc, hai quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình A Phú Hãn. Hồi Quốc ủng hộ nhóm Taliban ở phía Nam trong thập niên 1980 và là quốc gia đầu tiên công nhận nhà cầm quyền Taliban, khi nhóm này chiếm được Thủ-đô Kabul vào năm 1994. Ấn Độ yểm trợ cho Liên Minh miền Bắc (Northern Alliance) A Phú Hãn. Tổng-thống hiện nay của A Phú Hãn, Hamid Karzai, du học Ấn Độ và ưu tiên cho chính phủ Ấn Độ đầu tư vào các công trình tái thiết hàng triệu Mỹ-kim tại A Phú Hãn. Hiện Ấn Độ và Hồi Quốc vẫn còn xung đột về sự tự trị của vùng Kashmir từ năm 1947, nơi đa số dân theo đạo Islam muốn sát nhập vùng đất này vào lãnh thổ của Hồi Quốc. Vụ tấn công tòa đại sứ Ấn Độ tại Thủ-đô Kabul gây cho 61 người chết có bàn tay của tình báo Hồi Quốc nhúng vào là một bằng chứng chứng minh cuộc tranh dành ảnh hưởng tại A Phú hãn giữa Ấn và Hồi còn căng thẳng. Do đó, chỉ khi nào lấy được vùng Kashmir, nhận được trợ giúp của Hoa Kỳ cả về tài chính lẫn thương mại thì Hồi Quốc may ra sẽ không ủng hộ Taliban. Lúc đó tình hình A Phú Hãn mới ổn định.

VI- Chống khủng bố hay nuôi khủng bố?

Tính tới ngày 14.8.2009, có 782 lính Mỹ bị giết, không kể tốn phí chiến tranh 4 tỷ MK một tháng. Bao giờ quân đội Mỹ rút khỏi A Phú Hãn đối với Bộ-trưởng Quốc-phòng Robert Gates thì vẫn còn nằm trong kế hoạch bí mật. Không thắng được Taliban chính phủ Mỹ lại dùng chính sách “Cây gậy và củ cà-rốt”. Theo Phó Tổng-thống Mỹ, Joe Biden, thì khoảng 5% chiến đấu quân Taliban không thể cải hóa được (incorrigible) sẽ bị đánh bại, 70% chiến đấu chỉ vì tiền và số còn lại 25% vừa trung thành với Taliban vừa vì tiền bạc. Như vậy Hoa Kỳ chỉ cần chi cho mỗi quân Taliban 20 MK một ngày, tức cao gấp đôi lợi tức hiện tại của họ, thì chấm dứt được cuộc chiến đấu chống Mỹ và Đồng Minh.
Như vậy chính phủ Mỹ chỉ tốn 300.000 MK một ngày, so với tốn phí cho chiến trường 133.000.000 MK một ngày do tiền thuế của dân đóng góp. Phí tổn hàng tháng nếu bỏ ra mua đứt nhóm Taliban lên tới khoảng 9 triệu MK, còn thấp hơn giá mua một chiếc Trực-thăng chiến đấu AH-64 (Apache Helicopter).
Theo John McCreary, nhà phân tích tình báo của Ngũ Giác Đài (Pentagon), viết trong Blog “Night Watch” của ông thì “Nếu Taliban có thể mua được chiến binh, thì Hoa Kỳ có khả năng cao hơn Taliban về vấn đề này”. Lập luận này của McCreary dựa trên sự kiện tương tự đã xẩy ra tại Iraq. Quân đội Mỹ chi 300 MK một tháng cho 100.000 loạn quân Muslim hệ phái Sunni của Saddam Hussein, để họ chấm dứt chiến đấu chống Mỹ. Như vậy mỗi ngày chính phủ Mỹ chỉ tốn khoảng 1.000.000 MK, phí tổn bằng giá một chiến xa bảo vệ mìn và phục kích “MRAP” của quân đội Mỹ, thì tại sao không thay đổi chiến lược? Hoa Kỳ đã gửi hơn 10.000 loại chiến xa này tới chiến trường Iraq và A Phú Hãn.

Nhận định

-Bao giờ Hoa Kỳ và Đồng Minh tháo chạy?

Theo sự suy luận của chúng tôi thì Hoa Kỳ và Đồng Minh chưa bỏ A Phú Hãn cũng còn một lý do khá quan trọng: đó là lợi tức về bạch phiến. Nói tới thuốc phiện hay nha phiến (opium) và bạch phiến (heroin) là một trong các nguyên nhân kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ và Đồng-minh Tây-phương trong khối NATO tại A Phú Hãn nghe qua có vẻ vô lý. Nhưng sự thật là thế.
A Phú Hãn hiện là đối thủ cạnh tranh với các quốc gia Úc, Pháp, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xuất cảng thuốc phiện hợp pháp (licit opiates) trên thị trường Thế-giới. Nói tới thuốc phiện hay bạch phiến, thông thường người ta nghĩ ngay tới những người nghiện ngập sì-ke, ma-túy v.v… Nhưng ngoài việc dùng bạch phiến như một tệ nạn xã hội, bạch phiến, loại bột trắng, có công dụng rất lớn trong ngành y dược và bệnh viện mà chúng ta thường biết là Morphine, thuốc giảm đau hay gây tê mê. Giá sản xuất 1kg Morphine vào năm 1999 tại Úc (Autralia) là 56 MK; tại Ấn Độ (India): 159,77 MK và tại Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey): 250 MK. Ngày nay giá sản xuất 1kg Morphine tại A Phú Hãn lên tới trên dưới 450 MK. Giá thuốc phiện (opium) hợp pháp ở Ấn Độ vào năm 2000, 1kg: 13-29 MK; bất hợp pháp: 155-206 MK.

Đối với Hoa Kỳ và Đồng-minh Tây-phương nhờ thuốc phiện mới có nguồn cung cấp đầy đủ Morphine cho ngành y dược và bệnh viện, khi mua lại toàn bộ số lượng thuốc phiện tại A Phú Hãn. Nếu nói dầu hỏa của Iraq đem lại lợi ích lớn lao cho nền kinh tế Mỹ, thì thuốc phiện cũng có thể nói là nguồn lợi lớn lao về lãnh vực y dược cho cả Hoa Kỳ và Đồng-minh Tây-phương. Nhận định của chúng tôi dựa trên tin tức của Tổ-chức Y-tế Thế-giới (The World Health Organization). WHO cho biết sự thiếu thốn cấp thời thuốc men từ nguồn gốc thuốc phiện trên thế giới (an acute global shortage of poppy-based medicines) hiện nay là Morphine và Codeine, hai loại thuốc an thần và làm giảm đau. Sự thiếu hụt một phần do qui định năm 1961 của Ủy-ban Kiểm-soát Narcotics Thế-giới (The International Narcotics Control Board) dành 77% thuốc phiện cung cấp cho thế-giới, trong đó chỉ có 6 quốc gia được sử dụng; các quốc gia còn lại bị thiếu hụt trầm trọng Morphine và Codeine.

Theo Văn-phòng Dược-phẩm và Tội-phạm của Liên Hiệp Quốc (United States Office On Drugs and Cirmes) “UNODC”, A Phú Hãn sản xuất vào năm 2007 khoảng 8.200 tấn khối, tức 88% thuốc phiện của thế-giới, trên một diện tích khoảng 1.600 km2. Nếu đổi 8.200 tấn khối ra kilogram khối (kg) rồi nhân với giá trung bình 20MK/1kg thì số tiền sẽ khổng lồ, có thể bù đắp một phần lớn kinh phí chiến tranh của quân đội Mỹ tại A Phú Hãn.
Như vậy, làm chủ được thị trường thuốc phiện A Phú Hãn cũng có nghĩa là cô lập nguồn tài chính của cả Taliban và Al-Qaeda.

Qua sự kiện nuôi khủng bố tại Iraq và dự tính có thể nuôi khủng bố Taliban và Al-Qaeda tại A Phú Hãn để có hòa bình, người ta thấy đúng là sự tính toán của một đế quốc nhà giầu đầu tư vào chiến trường.
Có lẽ cũng với bài tính như vậy mà Hoa Kỳ đã thất bại trong chiến tranh Việt Nam, khi nghĩ tới phí tổn viện trợ cho VNCH. Đúng là Mỹ giầu mạnh, nhưng khờ. Mục tiêu của Taliban hay Al-Qaeda là bành trướng đạo Islam khắp thế giới bằng bạo lực, chứ không theo chiến thuật “tằm ăn dâu”. Trong tiến trình bành trướng này, Hoa Kỳ, dưới con mắt của Al-Qaeda là đạo quân Thập Tự Giá lớn nhất làm trở ngại, nên cần khủng bố. Không có hệ thống tự do, dân chủ và nam nữ bình quyền trong các chế độ cai trị dân bằng luật Shia của đạo Islam.
Nếu nuôi khủng bố như vậy có làm giảm số lượng quân khủng bố không, hay người ta lại phải đối đầu với một lực lượng khủng bố ngày càng đông hơn?
Và khi yêu cầu về tiền bạc của quân khủng bố không được thỏa mãn thì chiến tranh lại xẩy ra?
Nhiều nhà quân sự cho rằng không thể thắng tại chiến trường A Phú Hãn và Lực lượng an-ninh của A Phú Hãn, dù gia tăng gấp hai lần, cũng không hy vọng bảo đảm được tình hình yên ổn hoặc đủ sức chống lại quân Taliban, sau khi quân đội NATO rút khỏi nơi đây.

Trong dịp trình bày trước cuộc họp của NATO ngày 27.7.2009, Bộ-trưởng Anh quốc, David Miliband, tuyên bố chính quyền A Phú Hãn cần tách biệt những ai trung thành với Taliban, bạo hành, không cải hóa được và những ai có thể đưa vào hệ thống chính trị nước nhà, để giảm bớt tiềm lực của Taliban và Al-Qaeda. Quan niệm này được Richard Holbrooke, đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại A Phú Hãn, tán đồng và phát biểu trong cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC: những ai đang chiến đấu trong hàng ngũ Taliban và Al-Qaeda chịu buông súng và tham gia vào đời sống chính trị của đất nước thì vẫn có chỗ cho họ.

Lịch sử tái diễn. Lại kế hoạch “Hòa hợp hòa giải” và “A Phú Hãn hóa chiến tranh” được đề ra!
Phải chăng Hoa Kỳ đang tìm đường tháo chạy khỏi A Phú Hãn, như ở miền Nam Việt Nam?
Phải chăng số phận của chính quyền Hamid Karzai hay một Tổng-thống nào khác kế nhiệm cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh của Việt Nam Cộng Hòa?